0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 76 -76 )

8. Bố cục của luận văn

3.3. Cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị

Trong lĩnh vực chính trị, việc gia tăng ảnh hưởng và kiềm chế lẫn nhau ở khu vực Đông Nam Á được xem là mục tiêu chính của cả hai quốc gia.

Xác định được tầm quan trọng của Đông Nam Á và nhận thấy Trung Quốc đã “đi trước một bước ở đây”, ngay sau khi tiến hành cải cách, Ấn Độ đã chủ động mở chiến dịch tiến công ngoại giao nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ về mọi mặt với các quốc gia Đông Nam Á. Hàng loạt các chuyến viếng thăm của các quan chức cấp cao Ấn Độ được tiến hành ở Đông Nam Á sau gần ba thập kỷ vắng bóng. Phát biểu với các phóng viên báo chí tại New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Pitsuwan đã cho rằng: Ấn Độ đã có những dấu hiệu tích cực trong thái độ đối với khu vực Đông Nam Á. Chưa bao giờ một vị Thủ tướng Ấn Độ lại liên tục đến vùng này trong thời gian ngắn như vậy [33, tr. 247]. Trong bản thuyết trình của mình tại Singapore, Thủ tướng N. Rao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á “Ấn Độ đã từng bước tự do hóa hệ thống tiền tệ của mình, mở cửa nền kinh tế cho nhập khẩu, đầu tư và giáo dục con người theo chiều hướng có lợi để mở cửa ra thế giới bên ngoài. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể là tấm ván bật cho chúng tôi bước vào thị trường thế giới” [33, tr. 248]. Thiện chí và những nỗ lực về mặt ngoại giao của Ấn Độ đã được các nước Đông Nam Á ghi nhận và đáp lại khá mặn mà. Việc Ấn Độ được ASEAN công nhận là thành viên đối thoại đầy đủ và được mời tham dự Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như diễn đàn an ninh khu vực Đông Nam Á là một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á sau một thời gian dài im lặng. Kể từ đó, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN có những bước đột phá mạnh mẽ trên cả mặt chính trị và ngoại giao. Đến nay Ấn Độ đã trở thành một đối tác quan trọng của ASEAN trên rất nhiều lĩnh vực.

Về phía Trung Quốc, việc nước này tăng cường quan hệ với Myanmar được coi là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang nhắm vào để kiềm chế Ấn Độ. Còn với Ấn Độ, những gánh nặng của quá khứ cộng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc những năm gần đây làm cho thuyết “đe đoạ từ Trung Quốc” càng có sức thuyết phục. Ấn Độ quan sát sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chiến lược ngày một lớn của Trung Quốc ở châu Á với con mắt cảnh giác. Theo nhiều nhà phân tích, ở Ấn Độ có ba cách cảm nhận và phản ứng trước sự vươn lên và sức mạnh của Trung Quốc: một là thán phục và khiếp sợ và do đó nghĩ rằng cần phải cầu an với Trung Quốc; hai là coi Trung Quốc như

mối đe doạ nhưng trong tương lai xa, cho nên phải tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của để giao lưu với Trung Quốc hầu kềm chế và cân bằng ảnh hưởng; ba là coi Trung Quốc như mối đe dọa lớn và ngay trước mắt, và vì thế phải đối xử với Trung Quốc như Trung Quốc đã đối xử với Ấn Độ: áp dụng chính sách ngăn cản và bao vây. Đại đa số người Ấn thuộc trường phái thứ hai. Họ nhận thức được ảnh hưởng thuận lợi của các cải cách và bước tiến kinh tế của Trung Quốc ở châu Á và cả ở Ấn Độ nhưng cũng chia sẻ những quan tâm về chính sách quân sự của Trung Quốc. Họ hiểu là đối với Trung Quốc không thể cầu an mà cũng chẳng thể ngăn cản. Vì vậy, Ấn Độ cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tự cường, nâng cao sức mạnh quốc gia, hạn chế những ảnh hưởng của người láng giềng.

Hiện nay, với tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên, Ấn Độ rất tự tin trong quan hệ với Trung Quốc. Để trung hoà ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Ấn Độ ngày càng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Về mặt chiến lược, Ấn Độ khai thác sự nghi ngại cố hữu của các nước Đông Nam Á trước sức mạnh ngày càng lớn, sự tăng cường quân sự và những ý đồ bành trướng không che dấu của Trung Quốc. Nhiều nước trong vùng, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Việt Nam, vẫn còn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Khác với những xung đột giữa Ấn Độ và các nước Nam Á, xoay quanh các biên giới trên đất liền, sự tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc liên quan đến lãnh hải, như vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa trong trường hợp Việt Nam, nên ở đó còn kèm theo yếu tố chiến lược hàng hải. Để chặn bớt ảnh hưởng của Trung Quốc và mở đường thâm nhập thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ đã có nhiều hoạt động xích lại gần Myanmar. “Ấn Độ và Mynamar sẽ mở rộng và tăng cường quan hệ ở mọi cấp. Đối với Ấn Độ, thắt chặt quan hệ với Myanmar là điều rất cần thiết để đối phó với phong trào nổi dậy ở phía Đông Bắc Ấn và để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc” [105]. Ngoài ra, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan còn có nhiều dự án khác, như xây cảng sâu ở Dawei ở Myanmar để phục vụ cả ba nước. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tranh thủ uy tính sẵn có đối với các nước Đông Nam Á để nâng tầm mối quan hệ hai bên lên mức quan hệ đối tác lên mức chiến lược. Nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ ở New Delhi tháng 12/2012, hai bên đã đưa ra Tuyên bố “Tầm nhìn” ASEAN - Ấn Độ với việc xác định một số dự án hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, phát triển và kết nối trong cấu trúc khu vực…

Trước luận thuyết “Trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, Ấn Độ lập tức đáp trả bằng “chính sách Hướng đông” được tăng cường hóa với chiều sâu hướng tới các nước Đông

Nam Á. Ấn Độ sẵn sàng có những biện pháp cứng rắn đối phó lại những hành động ngoại giao ngang ngược, bá quyền của nước này tại khu vực Đông Nam Á.

Để cạnh tranh chính trị với Trung Quốc một cách có hiệu quả hơn ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ đã tận dụng các mối quan hệ đồng minh với các nước lớn để tạo sức ép về mặt ngoại giao với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải xem xét lại chính sách của mình. Tháng 3/2006, Ấn Độ đã ký với Mỹ thoả thuận hạt nhân và việc ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự đã được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice bảo đảm trong chuyến thăm Ấn Độ 4/10/2008 là một ưu ái của Mỹ giành cho Ấn Độ. Thỏa thuận hạt nhân, đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua, cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ và đổi lại nước này cho thanh sát các cơ sở hạt nhân dân sự, chứ không phải quân sự, của mình. Thỏa thuận cũng chấm dứt sự tẩy chay mà các nước xuất khẩu hạt nhân áp đặt với Ấn Độ vì quốc gia này chưa ký Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT). Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận năng lực hạt nhân thực tế của Ấn Độ trong khi quyết liệt chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran. Những động thái mới trong quan hệ Mỹ - Ấn có ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Trung - Ấn. Trung Quốc sẽ phải có những chính sách ngoại giao khéo léo để hoá giải ý đồ của Mỹ, buộc phải thay đổi chính sách với Ấn Độ, cải thiện mối bang giao với người láng giềng nhiều duyên nợ để tránh việc Ấn Độ ngả về phía Mỹ [155]. Bên cạnh người khổng lồ Mỹ, trong những năm gần đây, Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ lợi ích với Nhật Bản, Nga… Điều này cũng khiến người Trung Quốc lo lắng và tìm biện pháp để đối phó.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 76 -76 )

×