8. Bố cục của luận văn
3.4. Cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự
Trong lĩnh vực quân sự, mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thể hiện khá sâu sắc, đặc biệt là cạnh tranh về quốc phòng. Ở khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh này chỉ thể hiện rõ khi Trung Quốc có những động thái biến biển Đông thành “ao nhà”. Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc tự đánh giá, việc phát triển quân sự của Trung Quốc “không có liên quan đến Ấn Độ, đối tượng nhằm vào là Mỹ”. Ngược lại, chiến lược phát triển quân sự và quốc phòng của của Ấn Độ cơ bản là nhằm vào Trung Quốc, “Trung Quốc có cái gì thì Ấn Độ muốn có cái đó; Trung Quốc sợ cái gì thì Ấn Độ nghiên cứu cái đó, hoặc nhập khẩu hoặc tự nghiên cứu phát triển” [117].
Xét về mức chi tiêu dành cho quân sự, Trung Quốc cao hơn Ấn Độ rất nhiều. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc được ước tính là 80 tỷ USD, đưa Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ
trong chi tiêu quân sự toàn cầu. Bên cạnh những con số thực tế, Trung Quốc vẫn còn những khoản chi tiêu bí mật chưa được công bố. Ở phía bên kia, chi phí quân sự chính thức của Ấn Độ trong năm 2008 được trích dẫn là 30 tỷ USD. Theo thống kê, Ấn Độ đứng thứ 10 thế giới trong việc chi tiêu quân sự.
Quân nhân tại ngũ của Ấn Độ số trên 1.325.000 người, trong khi của Trung Quốc là cao hơn đáng kể ở 2.255.000. Trong lĩnh vực phòng không, quân đội Trung Quốc (Quân đội Giải phóng nhân dân) có 9.218 máy bay trong đó có khoảng 2.300 máy bay chiến đấu được, hiện đang hoạt động trong 489 căn cứ không quân. Không quân Ấn Độ có 3.382 máy bay trong đó bao gồm 1.335 máy bay chiến đấu hoạt động từ 334 căn cứ mặt đất và tàu sân bay INS Viraat. Các máy bay chiến đấu tốt nhất trong PLAAF của Trung Quốc là MK Su-30 của Nga và máy bay chiến đấu J-10 thế hệ 4. Máy bay tốt nhất của không quân Ấn Độ là Dassault Mirage 2000 và MKI Su-30. Hải quân Ấn Độ là lực lượng hải quân lớn thứ tám trên thế giới với một đội tàu gồm 145 tàu chiến có tên lửa, tàu ngầm tiên tiến, các máy bay hải quân mới nhất và một tàu sân bay. Hải quân Trung Quốc của Trung Quốc có 284 hạm đội. Mặc dù nhiều hơn Ấn Độ về số lượng nhưng theo nhận định của các chuyên gia, về kinh nghiệm thực tế thì hải quân của Ấn Độ mạnh hơn Trung Quốc. Hiện nay, người Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 1 tàu sân bay và đang tiến hành xây dựng tàu sân bay thứ hai. Điều này cũng gây nên nhiều quan ngại đối với các nước châu Á, trong đó có Ấn Độ.
Về phòng thủ hạt nhân chiến lược và hệ thống cung cấp PLA, Trung Quốc đã bắt đầu dự trữ hạt nhân từ năm 1964 với hơn 210 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, lực lượng hạt nhân chiến lược của Ấn Độ bắt đầu dự trữ sau đợt kiểm tra năm 1998, hiện nay có khoảng 50 - 70 đầu đạn hạt nhân. Mạnh mẽ nhất trong số các đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ có năng suất 0,05 megaton là rất nhỏ so với Trung Quốc (4 megaton). Hệ thống phân phối hạt nhân của Ấn Độ bao gồm các máy bay ném bom, tên lửa hành trình siêu âm và nhiều đạn tên lửa tầm trung. Hệ thống tên lửa mang đầu đạt hạt nhân Agni (1, 2, 3, 4, 5) của Ấn Độ có phạm vi bắn xa nhất là 5000 km (Agni-5) và có khả năng mang được đầu đạt nặng nhất 1,5 tấn (Agni-3). Trái ngược hoàn toàn, hệ thống phân phối hạt nhân của Trung Quốc tiên tiến hơn của Ấn Độ rất nhiều, với nhiều đầu đạn MIRV ICBM có khả năng như DF-5A [12000 km +] và DF-4 [7500 + km] [152].
Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng lãnh hải Đông Nam Á và những tuyên bố ngang ngược về chủ quyền của nước này tại làm cho Ấn Độ nhận thấy sự cần thiết phải “duy trì vị thế” và “bảo vệ lợi ích” của mình trong khu vực. Điều này có nghĩa
là Ấn Độ cần tiếp tục tăng cường sự can dự của lực lượng hải quân đối với vùng biển này. Ấn Độ có thể trở thành một đối tác chính trong việc duy trì an ninh, hòa bình tại biển Đông. Chính vì vậy, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ phải tăng cường hơn nữa hợp tác hàng hải với các nước ASEAN. Hợp tác hải quân giữa Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á là một lĩnh vực quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ -ASEAN cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây với việc Ấn Độ đã trở thành Đối tác đối thoại theo từng lĩnh vực năm 1992 và Đối tác đối thoại đầy đủ, cũng như thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1996. Tháng 12/2012, Ấn Độ và ASEAN đã kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại và 10 năm Đối tác cấp cao. Hiện nay, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã được nâng cấp thành Đối tác chiến lược. Lực lượng Hải quân Ấn Độ đã và đang tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng hải quân của các nước Đông Nam Á trong một thời gian dài. Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ hợp tác hải quân với các quốc gia ASEAN và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng với các nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cảnh báo sự tăng cường quan hệ quốc phòng của Ấn Độ với các nước ASEAN và cho rằng điều này là một chiến lược nhằm chống lại sự nổi lên của Trung Quốc. Những quan ngại đó ngày càng tăng khi những nước như Việt Nam, Philippines đang tìm kiếm các cường quốc khác trong khu vực nhằm duy trì sự hiện diện của họ và khuyến khích tăng cường sự can dự vào khu vực. Quan hệ hợp tác hải quân giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đã được thiết lập từ những năm 1990. Mặc dù Ấn Độ và các đối tác ASEAN có thể chưa triển khai đầy đủ tiềm năng hợp tác hải quân, song đã đạt được tiến bộ đáng kể ở lĩnh vực này trong những năm qua. Sự xuất hiện của Ấn Độ tại biển Đông đã có từ trước năm 2000, với việc triển khai lực lượng hải quân ra nước ngoài của Ấn Độ đến khu vực này cũng như sự tham gia các cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Singapore (SIMBEX). Ấn Độ thường xuyên triển khai tàu hải quân, các hạm đội Đông Bắc đến các nước Đông Nam Á và khu vực biển Đông. Nước này cũng đã triển khai tàu hải quân giám sát tại khu vực eo biển Malacca, Sunda và biển Đông trong tháng 5/2003. Vừa qua, Ấn Độ đã đưa tàu sân bay INSViraat tới khu vực Đông Nam Á nhằm đánh dấu sự hiện diện của lực lượng hải quân nước này và tăng cường quan hệ với lực lượng hải quân của các nước ASEAN cũng như việc tăng cường các chuyến viếng thăm quốc phòng cấp cao giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore thăm Ấn Độ và ký một thoả thuận về hợp tác quốc phòng. Một thoả thuận song phương về hợp tác huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung giữa hai nước được ký năm 2007. Ấn Độ đã tổ chức cuộc đối thoại an
ninh đầu tiên với Việt Nam năm 2003 và ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2009. Ấn Độ cũng tham gia một cuộc đối thoại an ninh với Philippines năm 2003 và thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng năm 2012. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ thường xuyên viếng thăm các cảng chính của Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia và Indonesia khi triển khai tại biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ năm 2012, tàu huấn luyện Hải quân Ấn Độ Sudarshini đã có chuyến thăm hữu nghị tới các nước ASEAN, từ 15/11/2012 đến 25/3/2013. Lộ trình của tàu kéo dài từ Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á, tới thăm các cảng hiện đại cũng như lâu đời của các nước ASEAN. Cuộc hành trình này là biểu tượng cho sự hợp tác chiến lược giữa hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN cũng như đánh dấu mốc lịnh sử vươn ra xa của lực lượng hải quân Ấn Độ.
Các quốc gia ASEAN đã hoan nghênh sự hiện diện của lực lượng hải quân Ấn Độ tại khu vực và mong muốn Ấn Độ can dự sâu hơn vào khu vực. Cả hai bên đã nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác Ấn Độ - ASEAN [180].
Bên cạnh việc hợp tác sâu rộng của hải quân hai bên, hợp tác không quân giữa Ấn Độ và ASEAN cũng được chú trọng ở nhiều quốc gia thuộc khu vực. Năm 2013, Ấn Độ đã đồng ý đào tạo và hỗ trợ các lực lượng không quân Indonesia trong việc vận hành các phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi. Theo thỏa thuận trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Jakarta, Ấn Độ và Indonesia sẽ hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo phi công, trợ giúp kỹ thuật và cung cấp phụ tùng hỗ trợ. Bên cạnh các thỏa thuận về đào tạo và trợ giúp kỹ thuật cho các phi đội Sukhoi, Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ tăng cường đáng kể hợp tác quốc phòng song phương. “Hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như các bài tập song phương liên quan đến đào tạo, hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng và các chuyến thăm cấp cao”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết [96]. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) để duy trì phi đội máy bay chiến đấu Su-30 MKM của mình. Trong năm 2008, Ấn Độ đã chấp nhận yêu cầu của Malaysia trong việc đào tạo các nhân viên Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) về vận hành và bảo trì các máy bay chiến đấu Su-30 MKM. Đối với Việt Nam, sự thành công của Ấn Độ trong việc kết hợp tên lửa hành trình BrahMos trên các máy bay Sukhoi có thể khiến Việt Nam quan tâm đến việc mua các tên lửa này. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ đánh dấu việc bán hàng ra nước ngoài đầu tiên của tên lửa hành trình được phát triển chung giữa Ấn Độ và Nga.
Nếu như việc gia tăng ảnh hưởng quân sự của Ấn Độ lên khu vực Đông Nam Á được thực hiện một cách ôn hòa thì người Trung Quốc lại hung hăng hơn rất nhiều. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ hải quân, không quân trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thực hiện hàng loạt các cuộc tập trận hải quân trên vùng lãnh hải còn đang tranh chấp với nước khác. Động thái này đã tạo sự quan ngại của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, mặc dù đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc cao hơn Ấn Độ nhưng trong cuộc cạnh tranh quân sự ở Đông Nam Á, Trung Quốc chưa chắc là người thắng cuộc bởi sự đầu tư ngày càng tăng của các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực này và sự hợp tác về quân sự giữa Đông Nam Á với các cường quốc, trong đó có Ấn Độ. Có thể nói, trong cuộc cạnh tranh này, ưu thế đang nghiêng về phía Ấn Độ.