Trầm tích bưng sau đê (bakswamp) của Sông Đồng Nai và các phụ lưu

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa chất, địa mạo khu vực đất ngập nước tỉnh Lâm Đồng (Trang 38)

TRONG VÙNG NGHIÊN CỨU

5.1.1-Trầm tích bưng sau đê (bakswamp) của Sông Đồng Nai và các phụ lưu

Trầm tích sông - đầm lầy phân bố hai bên sông và nằm phía sau đê tự nhiên (Natural levees). Đê tự nhiên là dải phù sa chạy dọc theo bờ sông có địa hình cao và chỉ bị ngập khi có lũ cao vào mùa mưa. Chiều rộng đê tự nhiên tại Cát Tiên rộng khoảng vài trăm mét và được sử dụng cho thổ cư, vườn cây ăn trái, hoa màu,…

Khi các vật liệu trầm tích được mang theo trong các trận lũ tràn qua bờ, các vật liệu thô (bột, bột cát) được tích tụ gần sông nhất để hình thành các gờ cao ven sông được gọi là đê tự nhiên. Các vật liệu mịn hạt được vận chuyển đi xa sông hơn và tích tụ lại nơi các vùng thấp để hình thành trầm tích sông - đầm lầy hoặc bưng sau đê. Bưng sau đê có mạng thoát thủy đặc trưng và có nhiều sông suối nhỏ nối liền với sông chính. Các sông suối nhỏ này vừa có vai trò cung cấp nước vừa có vai trò tiêu thoát nước.

Địa hình của bưng sau đê là các trũng thấp hơn, phân bố phía sau đê tự nhiên và bị ngập úng nước trong mùa mưa. Chiều rộng của bưng sau đê thay đổi tùy theo đặc điểm địa chất khu vực và nền đá gốc. Tại khu vực Cát Tiên, chiều rộng bưng sau đê khoảng vài trăm mét đến hàng cây số. Đất đai thuộc đơn vị này hầu hết được sử dụng để canh tác lúa. Bưng sau đê còn có thể phân bố dọc theo các nhánh phụ lưu lớn nhỏ len lỏi vào sâu vùng đá gốc cách xa bờ sông chính. Trong khu vực bưng sau đê, nhiều nơi do lượng phù sa yếu hoặc thiếu hụt, thực vật phát triển mạnh, có thể bị lầy hóa và hình thành các trũng lầy chứ nhềiu hữu cơ hoặc than bùn. Di tích hiện nay còn thấy là các trũng, ao hồ, bàu, đìa,… với đặc trưng là các loại thực vật đầm lầy sen, súng, lùng lác, lau sậy,…

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa chất, địa mạo khu vực đất ngập nước tỉnh Lâm Đồng (Trang 38)