9. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Vài nét về báo chí Thuận Hải từ 1975 đến 1992
Như đã giới thuyết đề tài ở trên, chúng tôi muốn đi sâu vào nghiên cứu báo chí Bình Thuận với hai đối tượng cụ thể là tờ Báo Bình Thuận và Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Thuận. Ở đây, mốc thời gian cần lưu ý là sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Bình Thuận hiện nay có tên gọi là Thuận Hải nhưng đến năm 1992 thì tỉnh Thuận Hải được tách thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Vì vậy, từ 1976 đến 1992 báo Bình Thuận có tên gọi là báo Thuận Hải và Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận gọi là Đài Phát thanh – Truyền hình Thuận Hải. Sau đây chúng tôi xin làm rõ vấn đề thay đổi đơn vị hành chính Bình Thuận và những tác động đến báo chí Bình Thuận thời kì này.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới sau ngày đất nước thống nhất, ngày 20/9/1975 Bộ chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết số 245, bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, kỳ họp thứ 2, Quốc Hội khóa V (từ ngày 22 đến ngày 27/12/1975)đã quyết định hợp nhất các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải. Đến tháng 2/1976, tỉnh Thuận Hải chính thức đi vào họat động. Để đưa đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cổ vũ và hướng dẫn phong trào cách mạng trong giai đoạn mới, nhân dân Thuận Hải cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 19/5/1976, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy có văn bản đề nghị Thường vụ tỉnh ủy sớm cho phép thành lập báo Thuận Hải. Ngày 5-6-1976, Thường vụ tỉnh ủy Thuận Hải ra quyết định số 1141/QĐ –TU, thành lập tờ báo của tỉnh Thuận Hải trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do Trần Đệ, Phó Bí thư Tỉnh ủy kí. Sau khi chuẩn bị đủ mọi điều kiện về con người và cơ sở vật chất, đến ngày 27/10/1976, Thường Vụ Tỉnh ủy có quyết định số 1331/QĐ-TV, chuẩn y việc thành lập Báo Thuận Hải trực thuộc Tỉnh ủy và cử Đỗ Thành, ủy viên thường vụ tỉnh ủy làm chủ nhiệm tờ báo và điều động các cán bộ Lê Bá Đài, Phạm Xuân Thông, Trần Xuân Lộ về công tác tại Báo Thuận Hải. Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban tuyên giáo và lãnh đạo Báo Thuận
Hải dự thảo chức năng nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của Báo trình Thường vụ Tỉnh ủy xét duyệt.
Theo chỉ đạo của Thường vụ tỉnh ủy, sau thời gian chuẩn bị, ngày 3-11-1976, Ban biên tập Báo Thuận Hải trình dự thảo, chức năng nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Báo. Ngày 30/11/1976, Thường vụ tỉnh ủy có quyết định số 02/QĐ – TV qui định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Báo Thuận Hải. Là tiếng nói của Đảng bộ tỉnh, đồng thời là tiếng nói của nhân dân Thuận Hải.
Ngày 15/12/1976, Báo Thuận Hải, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh ra số đầu tiên nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Báo được in typo, khổ 30 x42 cm, bao gồm 8 trang, trang 1 và trang 8 in hai màu; 23 số báo đầu xuất bản mỗi tháng 3 kì, mỗi kì xuất bản 700 tờ, báo in thủ công là chính, xếp chữ chì, cả máy typo. Phần lớn báo phát hành đến các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, huyện, thị. Trụ sở báo lúc đầu đầu đặt tại địa điểm nay là thư viện tỉnh Ninh Thuận, sau đó chuyển về số 7 Phan Đình Phùng, thị xã Phan Rang –Tháp Chàm. Báo Thuận Hải ra đời trong bối cảnh - Thuận Hải là tỉnh lớn có cả miền núi, đồng bằng, vùng biển, thành phố, sự liên hệ giữa các vùng khó khăn cách trở. Trình độ dân trí phát triển không đồng đều, mỗi dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, K’ho, Chu ru... đều có tiếng nói và phong tục tập quán khác nhau. Với những đặc điểm trên báo Đảng bộ gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện tuyên truyền cổ động theo định hướng Trung ương: Vùng cao tiến kịp vùng thấp, vùng thấp tiến kịp miền xuôi để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 28/6/1977, Báo Thuận Hải có văn bản đề nghị Thường vụ Trung Ương cho phép thực hiện phương án xuất bản báo mới – báo in 4 trang, ra mỗi tháng 6 kì. Được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy, từ số báo 24 ra ngày 10/7/1977, Báo Thuận Hải ra 4 trang vào các ngày 5,10, 15, 20, 25 và 30 hàng tháng.Báo Thuận Hải, lúc bấy giờ phát hành với giá 5 xu, số lượng phát hành tăng lên khoảng 2000 tờ/kỳ và bán lẻ 1179 tờ/kì. Cũng trong năm 1977, thực hiện chủ trương của tỉnh – chuyển tỉnh lỵ từ thị xã Phan Rang về thị xã Phan Thiết, trụ sở của Báo cũng chuyển về Phan Thiết. Báo chính thức làm việc tại trụ sở mới từ này 1/11/1977 và xuất bản ở đây 47 số báo. Trong năm 1977, Báo
đã tập trung nhiều bài biểu dương tinh thần làm chủ tập nông-công - lâm nghiệp, văn hóa xã hội, bảo vệ trị an. Báo có chuyên mục Người tốt việc tốt biểu dương tinh thần làm chủ tập thể của những cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, công tác học tập. Báo còn tổ chức các chuyên mục Ý kiến bạn đọc, Ý kiến người Thuận Hải...để tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân đấu tranh phê phán tệ quan liêu, cửa quyền hách dịch, vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Bước sang năm 1978, Báo Thuận Hải hoạt động trong tình hình bộ máy tổ chức và phương tiện còn thiếu thốn. Tuy nhiên được sự quan tâm của Thường vụ tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phòng ngân sách Đảng cùng với sự nỗ lực vươn lên của cán bộ công chức, Báo đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Cuối năm 1978, do yêu cầu phát triển của cơ quan Báo, Tỉnh ủy bố trí địa điểm mới cho Báo Thuận Hải tại nhà số 6, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Phan Thiết. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ IV (1977-1979)trong năm 1978 Báo đã đề cập các vấn đề chủ yếu cơ bản của địa phương là: kinh tế, xây dựng Đảng, văn hóa giáo dục y tế, an ninh quốc phòng.. nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết lương thực, thực phẩm được báo tuyên truyền thường xuyên tập trung và đậm nét với hàng trăm tin, bài, ảnh. Ngoài ra Báo còn tổ chức các trang chuyên đề như: Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thanh niên xung phong, Thủ công nghiệp, Tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia, Lực lượng vũ trang và tuyển quân, Khai hoang, Phòng chống sốt rét, Xây dựng hợp tác hóa, Về đảo Phú Quý, Về Bác Hồ và khu di tích trường Dục Thanh, Về cải tạo công thương nghiệp, Về kết quả Đại hội Mặt trận tỉnh, Về quan hệ Trung Quốc, Về xây dựng Đảng.. [81, 53]
Đến năm 1979, Báo đã phát hành được 2800 tờ/kì, đây là một tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, lúc này chỉ có thị xã Phan Thiết phát hành báo đến các tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể, các cơ quan tỉnh; các huyện khác phát hành còn hạn chế; số lượng tuy có tăng nhưng phần lớn là phát hành qua hiệu sách nhân dân (bưu điện chỉ mới nhận phát hành 1300 tờ). Trong hai năm 1980, 1981 Báo tiếp tục tuyên truyền các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước gắn với việc động viên cổ vũ
quần chúng thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976- 1980)và giới thiệu những nhân tố mới. Báo đã củng cố lại Chi hội Báo kết nạp thêm 12 Hội viên mới trong đó có 3 Hội viên mới của Thông tấn xã Việt Nam tại Thuận Hải.lãnh đạo báo, chi hội Báo tổ chức tập huấn nghiệp vụ có liên hệ thực tế với tình hình địa phương.[81, 57]
Năm 1985, Báo chú trọng tuyên truyền một cách đồng bộ những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V)về giá lương, tiền, nhằm khắc phục tệ quan liêu bao cấp bảo thủ trì trệ trên lĩnh vực này. Ngoài việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Báo còn tuyên truyền, phản ảnh những hoạt động kỉ niệm (trong đó có ra các số báo đặc biệt)55 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.Tháng 5-1985, Báo Đảng bộ tỉnh vui mừng phấn khởi nhận được tin: Ngày 2/5/1985, Ban bí thư Trung ương Đảng ra quyết định lấy ngày 21 - 6 hàng năm là Ngày báo chí Việt Nam.
Năm 1988, nhịp độ xuất bản của báo tăng lên 1 tuần 2 kì, mỗi kì 2000 bản, phát hành qua đường bưu điện..Cùng với báo Bình Thuận, các huyện thị xã trong tỉnh (trừ huyện đảo Phú Quý)đều ra tờ tin mỗi tháng 1 số, khổ 19 x 27, từ 4 đến 8 trang, những ngày lễ Tết in nhiều màu, ra nhiều trang, phản ánh cuộc sống sôi động ở địa phương mình.
Nếu ở báo, việc xuất bản phát hành báo sau ngày giải phóng là tiếp nối truyền thống in ấn loát báo chí xây dựng được từ trong kháng chiến thì ở phát thanh truyền thanh, công tác xây dựng Đài trạm phát là việc làm còn khá mới Được sự giúp đỡ của cấp trên, một đài truyền thanh với hơn 10km đường dây được xây dựng tại thị xã Phan Rang – Tháp Chàm trực thuộc Ty văn hóa thông tin Thuận Hải do Nguyễn Đức Trọng làm trưởng đài. Tuy chỉ quy mô cấp huyện song nội dung phản ánh là hoạt động của 13 huyện, thị trong tỉnh. Năm 1977, tỉnh lỵ Thuận Hải chuyển vào thị xã Phan Thiết. Ngày 15/3/1977, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Đài Phát thanh Thuận Hải trực thuộc tỉnh. Khu đất rộng hơn 2 ha vốn là Trung tâm An cư Bình Thuận cũ với 3 dãy nhà xuống cấp, hoang vắng được giao cho Đài. Gần giữa năm 1977, được sự giúp đỡ của Ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói
Việt Nam, việc xây dựng Đài Phát thanh Thuận Hải chính thức bắt đầu. Hàng loạt công việc phức tạp khó khăn được triển khai đồng thời: từ di dời mộ lấy mặt bằng xây dựng, tận thu các trụ anten cũ, xây dựng trụ anten mới đến tuyển dụng lao động, xây dựng phòng làm việc theo qui chuẩn... Sau 5 tháng thi công, đầu tháng 10/1977, Đài Phát thanh Thuận Hải chính thức hoạt động. Một trụ anten cao trên 60m, một máy phát sóng trung 10kW hiệu GATES của Mỹ phát trên tần số 800kHz và giọng phát thanh viên non trẻ đỉnh đạc cất lời chào: “Đây là Đài Phát thanh Thuận Hải, phát từ thị xã Phan Thiết, trên tần số..” trên nền nhạc hiệu bài Hành khúc Trung đoàn 812 của Vương Gia Khương và Dương Minh Đẩu làm những người trong cuộc vui trào nước mắt.1 Từ thời điểm này, công sức của bao người từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đài đến nhân viên đã được đền đáp. Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thuận Hải đã bắt đầu đến được các vùng trong tỉnh.
Cùng với nỗ lực của tỉnh, các huyện, thị xã, phường xã, thị trấn, hợp tác xã cũng dần đầu tư xây dựng các Đài trạm truyền thanh quy mô nhỏ với công suất máy tăng âm từ 50 đến 100 W và đường dây loa từ 2 đến 3 km, góp phần đưa tiếng nói của Đài tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam đến với nhân dân vùng sâu vùng xa. Tính đến năm 1980, 13/13 huyện thị và 60 % xã, hợp tác xã đã xây dựng được đài trạm cơ sở, tổ chức tốt hoạt động, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung.
Khác với phát thanh, việc triển khai truyền hình nhiều khó khăn và gian khổ hơn. Sau các cố gắng xây dựng nền nếp hoạt động của phát thanh, Ban giám đốc Đài Phát thanh Thuận Hải đã nghĩ đến việc tiếp phát sóng truyền hình từ thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 7-1979, một luận chứng kĩ thuật bắt đầu được chuẩn bị. Đến 25- 10-1979, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định 868 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế xây dựng trạm phát lại truyền hình do Đài Phát thanh Thuận Hải quản lý, vận hành tiếp tín hiệu Đài thành phố và phát lại cho khu vực thị xã Phan Thiết. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đài đã xúc tiến kí hợp đồng với Viện nghiên cứu kĩ thuật phát thanh truyền hình tại thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam để triển khai khai khảo sát, thiết kế thi công. Dự án thiết kế nhiều lần thay đổi. Từ thiết kế công suất thực tế 2-4 W tỏa sóng trong phạm vi 3km vào năm 1979 đến đề xuất nâng máy phát lên 100W năm 1982, 500W phát hình màu hệ OIRT giữa năm
1984. Với dự án đầu tư máy 500W, yêu cầu đặt ra là vừa phát được chương trình địa phương, vừa tiếp Đài thành phố phát lại nhằm đảm bảo sóng đến được Cà Ná ở phía Bắc và tỏa khắp các xã phía Nam trong tỉnh. Trong khu vực Phan Thiết, các máy thu hình không phải sử dụng anten cao mà vẫn mà chỉ cần dùng anten máy. Giữa các đề xuất thay đổi thiết kế là hàng loạt công việc kĩ thuật phức tạp và không ít lần thử nghiệm thất bại, liên tục các văn bản trao đổi qua lại giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam, giữa Đài Thuận Hải với Viện nghiên cứu kĩ thuật; hàng chục chuyến xa ra vào thành phố bàn bạc, thương thảo. Cuối cùng qua kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu kĩ thuật phát thanh truyền hình Việt Nam, ngày 23/6/1984 Ủy ban nhân dân tỉnh Thuận Hải đã ra thông báo số 77 TB/UBTH giao nhiệm vụ xây dựng Đài xây dựng Đài truyền hình 500W, cho phép Đài nhận thiết bị nước ngoài để xây dựng truyền hình bằng Quyết định 633 QĐ/TH ngày 3/7/1984.
Ngày 3/8/1984, Đài Phát thanh Thuận Hải chính thức kí hợp đồng với Viện nghiên cứu kĩ thuật phát thanh truyền hình Việt Nam để Viện nhập thiết bị và thiết kế, thi công.Thời gian chính thức khởi công được ấn định ngày 1/10/1984. Thời gian dự kiến hoàn thành bàn giao và tổ chức khánh thành là 1/4/1985. Bên cạnh việc tổ chức thi công phần xây dựng cơ bản như sửa chữa phòng phát âm, gia cố anten, lắp thêm hệ thống điện...để chuẩn bị cho hoạt động truyền hình, đầu năm 1985 Đài đã khẩn trương triển khai một loạt công việc tổ chức, nhân sự như lập bộ phận làm truyền hình, tổ chức đưa một nhóm gần 10 người gồm kĩ sư, phóng viên,biên tập...vào Viện tham gia lớp bồi dưỡng. Đến tháng 7/1985, việc thi công cơ sở hạ tầng kĩ thuật truyền hình căn bản hoàn thành. Việc phát sóng thử nghiệm, cân chỉnh các thông số, chuẩn bị nội dung.. được liên tục thực hiện. Ngày 2/9/1985, chương trình truyền hình màu đầu tiên được thực hiện thành công, hình ảnh rõ, màu đẹp, mở ra một trang mới cho những người làm công tác phát thanh truyền hình tỉnh.Với sự kiện này, Đài Thuận Hải là một trong số ít tỉnh đầu tiên của cả nước phát độc lập chương trình truyền hình màu.
Từ thời điểm này, tên gọi Đài Phát thanh Thuận Hải đã là Đài Phát thanh truyền hình Thuận Hải trên thực tế. Ngày 7/10/1986, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định 959 QĐ/UB-TH ban hành bản quy định về chức năng, nhiệm vụ và
quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế, chức danh tiêu chuẩn các viên chức Đài Phát thanh – Truyền hình Thuận Hải với 7 tổ công tác chuyên môn Một ngẫu nhiên lý thú khi một nữa của 30 năm gần như là chặng đường từ Đài Phát thanh Thuận Hải đến