Trong thực tế, khi tìm đến truyện tranh, người đọc muốn tìm đến những câu chuyện, những sự việc, những tình huống… cụ thể. Tức là những cốt truyện với các nhân vật, sự việc, ở những thời gian, không gian khác nhau. Đây là những yếu tố đặc trưng của văn học.
Việc quan sát các hình ảnh trong truyện là một yếu tố quan trọng khi đọc truyện tranh. Hoạt động này nhằm giúp người đọc nắm bắt nội dung tác phẩm. Khi đọc truyện chữ, quá trình tiếp nhận nội dung của người đọc diễn ra theo quá trình sau:
Lần lượt tiếp nhận các kí hiệu ngôn ngữ -> Giải mã các kí hiệu ngôn ngữ thành hình ảnh các sự vật, sự việc -> Hiểu nội dung thông tin.
Lần lượt tiếp nhận các kí hiệu hình vẽ -> Giải mã các hình vẽ thành hình ảnh các sự vật, sự việc -> Hiểu nội dung thông tin.
Như vậy, hai quá trình trên có sự tương đồng trong việc người đọc phải
lần lượt tiếp nhận các kí hiệu và giải mã chúng, từ đó hiểu nội dung tác phẩm.
(Quá trình giải mã khi đọc truyện tranh có nhiều ưu thế, nhiều trường hợp bằng không (O) vì các hình vẽ khá giống với thực tế). Đó là lí do vì sao hoạt động tiếp nhận truyện tranh được gọi là “đọc truyện” giống như đọc một tác phẩm truyện chứ chứ không phải “xem truyện” như xem một tác phẩm hội họa. Tương tự, đối tượng tiếp nhận của truyện tranh cũng được gọi là “độc giả” – người đọc – giống như đối tượng tiếp nhận của một tác phẩm văn học thuần khiết.
Trên phương diện lí luận, trước hết, cần thấy rằng văn học là loại hình nghệ thuật mà diễn biến được triển khai theo trục của thời gian. Điều này khác với hội họa, được triển khai theo trục của không gian: “Các vật thể và màu sắc tồn tại trong không gian làm các phương tiện kí hiệu, còn thơ ca sử dụng các âm thanh phát ra từng tiếng lần lượt theo thời gian” [188.11]. Như vậy, hội họa mang tính chất tĩnh về thời gian, văn học lại luôn chuyển mình trong thời gian của nó. Nói cách khác, hội họa miêu tả vật thể và thuộc tính của chúng còn văn học miêu tả các hành động.
Khi đọc truyện tranh, điều dễ thấy là người đọc phải lần lượt “đọc” từ ô tranh này sang ô tranh khác để giải mã nội dung tác phẩm. Nghĩa là truyện tranh được triển khai theo trục thời gian chứ không phải không gian.
Dĩ nhiên, người đọc phải dừng lại ở các ô tranh để quan sát các đường nét. Điều này giống với việc tìm hiểu sự triển khai các đường nét, màu sắc trong không gian khi khám phá hội họa. Tuy nhiên, so với việc tìm hiểu diễn biến các sự vật, sự việc trong truyện theo diễn biến thời gian thì đây không phải là thao tác chính. Trong một cuốn truyện tranh bị rách vài ba trang,
người đọc vẫn hiểu điều gì đã xảy ra trong số những trang bị mất. Có được điều đó là dựa vào mối liên hệ thời gian giữa các sự vật, sự việc trước và sau những trang truyện kia. Thử nghiệm này khẳng định tính quan trọng bậc nhất của diễn biến thời gian trong kết cấu nghệ thuật của truyện tranh.
Mặt khác, bản chất của yếu tố “tranh” trong “truyện tranh” cũng rất khác so với tranh của hội họa. Tức là về bản chất, các đường nét trong truyện tranh khác với các đường nét trong hội họa.
Trong hội họa, các đường nét kết hợp với màu sắc, các mảng tương phản sáng tối để tạo nên những hình tượng nghệ thuật thông qua việc thể hiện một khoảnh khắc của cuộc sống (tạm đứng yên), là nơi nghệ sĩ bộc lộ xúc cảm của mình, giúp khán giả nhìn rõ đối tượng và cảm nhận được tâm tình của tác giả. Trong truyện tranh, vai trò của các đường nét đơn giản hơn rất nhiều. Ban đầu, đó chỉ là minh họa cho các sự vật, sự việc trong truyện. Theo hướng cực đoan, có thể cho rằng yếu tố này thay cho các kí tự chữ viết, giúp cho hình thức thể hiện truyện được sinh động, hấp dẫn hơn. Càng về sau, yêu cầu về hình ảnh của truyện tranh càng cao hơn. Nhưng cho đến nay, vẫn chỉ dừng lại ở mức tạo ra ấn tượng thẩm mĩ ban đầu về các đối tượng. Muốn hiểu rõ bản chất các nhân vật, sự việc, hiện tượng... phải cần đến các lời thoại kết hợp tìm hiểu diễn biến hành động của các đối tượng (thông qua tính minh họa của tranh). Có bức vẽ nào trong truyện tranh được coi như một tác phẩm nghệ thuật độc lập làm rung động cả những người không phải tín đồ truyện tranh? Các đường nét trong truyện tranh không thể có được tính nghệ thuật sâu sắc như các đường nét trong hội họa.
Về vấn đề này, có thể tìm hiểu mối quan hệ giữa chữ viết và các đường nét trong văn hóa Nhật – một trong những quê hương lớn nhất của truyện tranh. Chữ viết của người Nhật đã tác động mạnh đến sự phát triển của thể loại này. Người dân Nhật chịu ảnh hưởng phương thức thông tin qua hệ thống
chữ viết của họ. Lối chữ họa văn được dùng ở Nhật đã thúc đẩy việc vẽ và viết. Mỗi ký tự dưới hình thức cơ bản nhất là một hình họa giản đơn đại diện sự vật cụ thể, khái niệm trừu tượng, cảm xúc hay hành động. 50 năm trước, Sergei Eisenstein, nhà làm phim Nga đã chỉ ra mối liên hệ giữa họa văn và cái mà ông gọi là tính “cinematic” nội tại của văn hóa Nhật Bản. Quá trình kết hợp nhiều họa hình để thể hiện những suy nghĩ, ông nói là một dạng của cấu trúc đã ảnh hưởng tất cả nghệ thuật Nhật Bản và ông cũng cho biết thêm việc nghiên cứu họa hình đã giúp ông hiểu thêm nguyên tắc dàn dựng tạo nền tảng cho việc làm phim. Vì vậy, nói chữ viết là hình vẽ thật cũng chẳng sai. Osamu Tezuka – tác giả truyện tranh vĩ đại nhất của Nhật bản từng tự bạch: “Tôi không coi là những hình vẽ – Tôi xem chúng là một dạng của chữ tượng hình… Thực chất, tôi không phải vẽ. Tôi viết một câu chuyện với những biểu tượng riêng biệt”[35]. Phải chăng, có thể khẳng định, trong truyện tranh, các đường nét thực chất là một hình thức khác của chữ viết?
Chưa dừng lại ở đó, trong hội họa, dù công nghệ thế giới có phát triển như vũ bão thì người nghệ sĩ vẫn phải hoàn toàn dùng tay, chân… để tạo nên các đường nét. Đó là yếu tố sống còn để tạo nên một vấn đề cũng mang tính sống còn trong nghệ thuật, đó là phong cách! Nhưng trong truyện tranh, yếu tố hình vẽ hầu như bao giờ cũng được xử lí bởi các phần mềm vi tính. Thậm chí, có những hình vẽ hoàn toàn được vẽ bằng máy hay mang tính lắp ráp thông thường: “từ khung, các hình họa phụ như đường hiệu ứng, hoa văn nền… đều được sản xuất sẵn. Họa sĩ chỉ cần sáng tạo hình thể nhân vật rồi áp những vật liệu ấy vào, tiết kiệm được rất nhiều thời gian”. [28]. Việc sử dụng các vật liệu sẵn có này gần với văn học hơn. Trong văn học, nhà văn thường dùng vài chục kí hiệu ngôn ngữ để miêu tả và biểu trưng cho toàn bộ thế giới khách quan. Từ đó, việc lặp lại các kí tự là một tất yếu. Ngược lại, trong hội họa, mỗi đường nét là một kí hiệu nghệ thuật đơn nhất và mang tính đặc thù.
Mọi bức tranh chỉ sử dụng chung một yếu tố vật chất là màu sắc và đường nét, còn việc lập ra một hệ thống kí hiệu nghệ thuật như văn học là điều không thể và cũng không cần thiết.
Hội họa gần với điêu khắc, nhìn thấu vẻ đẹp, tình yêu, sự khổ đau, lòng căm giận… thấu suốt bản chất của sự vật trong im lặng. Còn truyện tranh, đã bước qua ranh giới của sự im lặng ấy.
Mặt khác, còn có ý kiến khẳng định truyện tranh là một ngành nghệ thuật độc lập, bình đẳng với những loại hình nghệ thuật như điêu khắc, sân khấu, điện ảnh… và tất nhiên là cả hội họa và văn học: “truyện tranh – ngành nghệ thuật thứ chín” [23]. Ý kiến này xuất phát từ sự nguyên hợp sâu sắc giữa văn học và hội họa trong truyện tranh. Đặc biệt là sự thăng hoa của người nghệ sĩ trong các bức vẽ, tạo nên những hình ảnh ấn tượng.
Trong trường hợp này, ta có thể so sánh với lĩnh vực âm nhạc.
Nhạc thính phòng là loại nhạc cao cấp: nghe nhạc, thính giả phải tự cảm thụ, thẩm thấu; ngoài độ cao thấp của các nốt nhạc, không có bất kì một chỉ dẫn nào. Nhưng số người thưởng thức được nhạc thính phòng chỉ là thiểu số. Lời hát được đặt ra để âm nhạc bớt trừu tượng. Số người nghe nhạc cao hơn. Thời đại nghe nhìn phát triển, khán giả lại đòi hỏi phải có minh họa bằng các điệu múa, điệu nhảy. Các chương trình ca múa nhạc đạt lượng vé kỉ lục! Hãy bàn đến yếu tố minh họa trong ca nhạc. Múa, nhảy có phải là nghệ thuật không? Múa được coi là một trong các loại hình nghệ thuật. Nhưng đó có phải những bài nhảy – múa đạt đến mức nghệ thuật không? Nếu đạt đến mức độ nghệ thuật, chúng không phải và không thể “núp bóng” những chương trình ca nhạc. Cho đến nay, có rất nhiều vũ đoàn chuyên nghiệp ra đời phục vụ các chương trình ca nhạc. Nhưng trên sân khấu ấy, nhảy múa chưa bao giờ là yếu tố chính. Và các chương trình ca nhạc vẫn là con đẻ nghệ thuật âm nhạc!
Tương tự như vây, truyện chữ, nhất là thể loại tiểu thuyết, đòi hỏi người đọc một lượng thời gian lớn, huy động sức tưởng tượng, tư duy… không nhỏ. So với truyện tranh, truyện chữ có giống nhạc thính phòng nên xếp vào dòng văn học cao cấp?! Trẻ em, vốn sống và tư duy còn hạn chế; thời đại công nghiệp, người lớn ít có thời gian, các tập truyện có hình ảnh minh họa rõ ràng, sinh động, nhịp điệu khẩn trương, nhanh chóng… ra đời, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, trong đó có nhiều người ít đọc truyện chữ. Vậy khi đọc truyện tranh, tìm hiểu diễn biến truyện và xem tranh, đâu là hoạt động chính? Thời đại công nghệ, phần hình vẽ được đầu tư tối đa khiến sự nổi bật, ấn tượng của các hình vẽ làm nhiều người quên đi điều này.
Như vậy, không thể cho rằng khi cộng gộp hai loại hình nghệ thuật thì sẽ tạo ra một loại hình nghệ thuật mới.
Sự nhầm lẫn về vấn đề loại hình của truyện tranh có lẽ xuất phát từ kẻ thù của sáng tạo mà chúng ta gọi là “sự quen thuộc”: “kẻ thù đầu tiên, có khả năng làm tê liệt mọi khả năng phê phán, nhận xét của chúng ta, kẻ thù đó chính là sự quen thuộc. Quá quen thuộc mà nhiều khi có những hiện tượng, thực ra chưa được lí giải nhưng vẫn được nhìn nhận như đã hiểu rồi và từ đó, con người thấy không cần thiết phải suy nghĩ tìm hiểu thêm để nắm bắt bản chất của nó nữa” [153.3].
Cũng cần khẳng định rằng, yếu tố “tranh” trong “truyện tranh” thực chất chỉ là những hình vẽ. Yếu tố ấy là kiểu chữ viết tượng hình, một kiểu kí hiệu ngôn ngữ đặc biệt mà Tezuka Osamu từng đề cập: “Truyện tranh ra đời, không phải là dấu hiệu suy thoái của văn viết mà nhằm để cho ai không hay đọc sách sẽ thông qua những hình ảnh mà đi tới văn viết” [35]. Như thế, yếu tố chính văn trong truyện tranh thực chất là hai kí hiệu đặc biệt là ngôn ngữ và hình vẽ. Và thực chất định danh lại của truyện tranh là truyện hình vẽ. Ở một góc độ khác, “bản thân hình vẽ cũng là một loại ngôn ngữ. Người đọc xem và
đọc hình vẽ như đọc chữ vậy […] Bản thân chữ Hán là một loại chữ tượng hình, một loại tranh vẽ, hay nói ngược lại, hình vẽ với các nét gạch, nét chấm cũng là một loại chữ viết” [dẫn theo 8.2].
Từ đây, có thể khẳng định truyện tranh thuộc loại hình văn học có sự nguyên hợp sâu sắc với hội họa (và một số loại hình, bộ môn nghệ thuật khác như sẽ tìm hiểu sau đây). Có thể sử dụng định nghĩa truyện tranh của Từ điển mở Wikipedia kết hợp chú thích về vai trò của yếu tố “tranh” trong đó:
Truyện tranh là những câu chuyện được thể hiện lần lượt qua những hình vẽ có giá trị như lời kể chuyện, có hoặc không kèm lời thoại hay các từ ngữ, câu văn kể chuyện.