Các dạng trung gian kênh
Trong dây chuyền sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp khác, điều này tạo ra chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, phòng chữa bệnh, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, trong hoạt động tiêu thụ nông sản nói chung và tiêu thụ cá thịt nói riêng tồn tại nhiều dạng trung gian. Đối với kênh phân phối cá thịt trong mô hình luân canh lúa – cá ở Hậu Giang có các thành viên sau: Người nuôi cá, Thương lái (Chủ vựa), Người bán lẻ và Người tiêu dùng.
- Người nuôi cá: Đây là thành viên đầu kênh, đóng vai trò sản xuất. Người nuôi cá có thể đóng vai trò bán lẻ để tiêu thụ, quan tâm đến nhiều trung gian để tiêu thụ cá chứ không chỉ qua trung gian thương lái, do đặc điểm của cá sau khi thu hoạch rất dễ chết nên người nuôi cá phải bán ngay.
- Các dạng trung gian tham gia kênh:
+ Thương lái: Có hai dạng thương lái thường thu mua cá ruộng là thương lái địa phương và thương lái ngoài địa phương. Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập và phân tích thương lái địa phương. Từ kết quả phân tích cho thấy, thương lái có ưu thế về tiêu thụ và tài chính nhưng lại hạn chế về khía cạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, chỉ tập trung ở khu vực buôn bán tại chợ gần nhà. Tại một số địa phương, thương lái phát triển từ việc bán lẻ cá nên không đầu tư phát triển phương tiện vận chuyển.
+ Bán lẻ: Hộ bán lẻ mua cá từ thương lái hoặc mua trực tiếp từ người nuôi cá tùy thuộc vào mối quan hệ mua – bán và giá bán cá. Tại những chợ có những người vừa đóng vai trò thương lái vừa bán lẻ thì những hộ bán lẻ sẽ mua cá từ thương lái này. Nếu những hộ bán lẻ không mua cá từ một “mối” lớn tại chợ thì họ sẽ mua cá từ những người nuôi cá chủ động mang cá ra chợ bán.
+ Người tiêu dùng: Do thời gian mùa vụ ngắn nên tiêu thụ cá không nhiều, cá ruộng cũng dễ bị thay thế không phải là món ăn thiết yếu nên nhu cầu về cá thấp. Tuy những sản phẩm chế biến từ cá mè rất ngon như chả, mắm nhưng do vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm nên người tiêu dùng không mua sản phẩm công nghiệp mà ưa chuộng sản phẩm thủ công thực hiện trực tiếp bởi người bán lẻ hoặc người tiêu dùng tự chế biến.
46 Chiều dài kênh
- Kênh ngắn: Kênh ngắn nhất là người nuôi cá bán cá tại nhà cho người tiêu dùng, chủ yếu là cá chưa đạt cỡ thương phẩm hoặc do người nuôi cá dành lại một phần để bán lẻ giá cao hơn so với bán cho thương lái. Cụ thể là kênh 1 của kênh phân phối từ người nuôi cá đến người tiêu dùng không tồn tại một trung gian nào.
- Kênh dài: Kênh dài nhất là kênh có thêm 2 trung gian so với kênh 1. Do người nuôi cá tìm nhiều nguồn để tiêu thụ cá nên chiều dài kênh không phụ thuộc vào quy mô nuôi cá của hộ. Cụ thể là kênh 5 có thêm 2 trung gian là thương lái địa phương và bán lẻ.