5. Kết cấu của luận văn
1.1.4. Nội dung quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể
1.1.4.1. Xây dựng quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể
Quy trình quản lý thuế là một bộ phận hợp thành các thủ tục hành chính thuế tương ứng với một phương thức quản lý thuế nhất định. Mỗi cơ chế quản lý thuế đòi hỏi áp dụng một quy trình quản lý phù hợp với tư duy quản lý thuế, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ quản lý, trình độ trang thiết bị của cơ quan thuế và trình độ nhận thức của đối tượng nộp thuế nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý ( Lê Thị Bích, 2010).
Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể ở địa bàn nào cũng gặp những khó khăn, bởi các hộ kinh doanh luôn tìm mọi cách trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ nợ đọng thuế, đặc biệt trong cơ chế thị trường như hiện nay. Do đó, việc áp dụng quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể nhằm đạt được những mục tiêu đề ra là rất cần thiết, để từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế và thực hiện chiến lược cải cách hệ thống Thuế giai đoạn 2011 - 2020, ngày 28/12/2012 Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể kèm theo Quyết định số 2248/QĐ-TCT thay thế Quy trình quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể kèm theo quyết định số 1201/TCT/QĐ-TCCB ngày 26/07/2012 của Tổng cục Thuế, để hướng dẫn các bộ phận tại Chi cục Thuế thực hiện đầy đủ, đúng trình tự các bước công việc theo nội dung của Quy trình này.
So với Quy trình quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể kèm theo Quyết định số 1201/TCT/QĐ -TCCB (Quy trình 1201) thì Quy trình 2248 có ưu điểm là hướng dẫn sự phối hợp của các bộ phận, các cơ quan ban ngành thực hiện các công việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, làm rõ hơn trách nhiệm của từng bộ phận nhằm tiến tới mục tiêu quản lý là: Rõ ràng - công khai - dân chủ và minh bạch hơn, đặc biệt là công tác kiểm tra nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, từng bước thực hiện chuyên môn hoá quản lý thuế theo chức năng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ công chức thuế.
1.1.4.2. Công tác quản lý kê khai, đăng ký thuế và phân loại hộ kinh doanh
a) Công tác kê khai, đăng ký thuế (Quyết định 2248/QĐ-TCT, 2012) Đội Thuế liên xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền phường, xã điều tra nắm chắc số hộ có sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nắm diễn biến hoạt động của các hộ như: Hộ mới ra kinh doanh, hộ nghỉ kinh doanh, hộ di chuyển địa điểm kinh doanh, ...
- Người nộp thuế kê khai đăng ký thuế có 2 trường hợp: +Hộ ra kinh doanh lần đầu (hộ mới ra kinh doanh).
Trước khi kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và hồ sơ kèm theo đến phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện, thị xã, thành phố trên giấy đề nghị đăng ký kinh doanh phải ghi đủ các thông tin về chủ hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Định kỳ vào tuần đầu của tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp. Căn cứ vào đó, đội thuế cấp phát tờ khai đăng ký thuế và hướng dẫn cách kê khai để người nộp thuế kê khai đăng ký thuế với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế.
+ Hộ tạm ngừng kinh doanh.
Hộ trước đó đã được cấp mã số thuế nhưng nghỉ kinh doanh dài hạn sau đó lại ra kinh doanh vẫn phải đăng ký việc thực hiện nộp thuế với cơ quan thuế nhưng không cấp mã số thuế mới. Trong trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý ít nhất là 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không quá một năm, sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu hộ kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
b) Phân loại hộ kinh doanh để quản lý (Quyết định 2248/QĐ- TCT, 2012)
Cơ quan Thuế căn cứ vào mức độ và khả năng thực hiện việc ghi chép sổ sách kế toán, lưu giữ hoá đơn chứng từ khi mua bán hàng hoá dịch vụ của hộ kinh doanh để phân loại hộ kinh doanh và áp dụng phương pháp quản lý thuế cho phù hợp. Việc phân loại hộ kinh doanh để quản lý thuế dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:
- Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai là các hộ kinh doanh đã thực hiện đăng ký kinh doanh và được cấp mã số thuế, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, lưu giữ đầy đủ hoá đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hoá dịch vụ và xác định được doanh thu, chi phí; hoặc thực hiện lưu giữ đủ hoá đơn, chứng từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và xác định được doanh thu nhưng không có đủ hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá, dịch vụ đầu vào, không xác định được chi phí và giá trị gia tăng.
- Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh hoặc không phải đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, có mở sổ sách kế toán, nhưng thực hiện không đúng chế độ kế toán, không đúng quy trình về chế độ hoá đơn chứng từ khi mua bán hàng hoá, dịch vụ; Không thực hiện nộp tờ khai, cơ quan thuế không thể căn cứ vào sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ để xác định số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.
- Căn cứ vào doanh thu kinh doanh, cơ quan thuế còn phân loại hộ kinh doanh nộp thuế khoán theo nhóm: Hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế khoán. Ngoài ra, tuỳ theo yêu cầu quản lý thực tế tại địa phương, có thể phân loại theo bậc môn bài, theo địa bàn kinh doanh hoặc theo các nhóm ngành nghề kinh doanh cho phù hợp.
1.1.4.3. Cấp mã số thuế và quản lý danh bạ hộ kinh doanh
a)Cấp mã số thuế (Nghị định 43/2010/NĐ-CP, 2010)
Sau khi thực hiện việc rà soát hộ kinh doanh đưa vào quản lý, phân loại hộ mới ra kinh doanh, đội Kê khai - kế toán thuế thực hiện đăng ký cấp mã số thuế cho người nộp thuế. Hộ kinh doanh phải làm thủ tục kê khai đăng ký thuế với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được cơ quan thuế cấp mã số thuế để quản lý.
Để quản lý hộ kinh doanh thông qua mã số thuế theo quy định, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, xác định hộ thực tế đang kinh doanh để làm thủ tục cấp mã số thuế (kể cả cấp mã số thuế tạm đối với trường hợp không đủ giấy tờ), làm thủ tục đóng mã số thuế đối với hộ đã nghỉ, bỏ kinh doanh, nhưng các trường hợp hộ ra kinh doanh không đăng ký thuế hoặc nghỉ, bỏ kinh doanh không khai báo với cơ quan thuế vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến việc quản lý chính xác số lượng hộ kinh doanh thông qua mã số thuế vẫn là vấn đề nan giải, phức tạp.
b) Quản lý danh bạ hộ kinh doanh (Quyết định 2248/QĐ-TCT, 2012) Danh bạ quản lý hộ kinh doanh là danh sách các hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế được lập theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc chi tiết theo từng đường, phố, ngõ xóm. Danh bạ quản lý hộ kinh doanh được lập đầy đủ cho tất cả các hộ kinh doanh thực tế có phát sinh hoạt động kinh doanh (bao gồm hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp hay không thuộc diện phải nộp thuế GTGT).
Công tác quản lý danh bạ hộ kinh doanh là khâu đầu tiên và quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Để phù hợp với thực tế và bao quát được hết các đối tượng quản lý và hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ quan thuế đã phối hợp với các ngành trên địa bàn quận, huyện (phòng kinh tế, bộ phận cấp đăng ký kinh doanh của UBND
quận/huyện) để thực hiện cấp mã số thuế cho các hộ mới đăng ký kinh doanh; phối hợp với UBND xã phường, thị trấn rà soát mới vào danh bạ quản lý thu thuế và tăng cường các biện pháp quản lý đối với những lĩnh vực phức tạp, khó quản lý như hoạt động cho thuê cửa hàng, thuê nhà, hoạt động xây dựng tư nhân, vận tải tư nhân.
1.1.4.4. Công tác quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh
Việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh thực hiện theo cơ chế cơ quan thuế tính thuế, thông báo thuế, hộ kinh doanh nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế. Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trong thực tế rất phức tạp, do trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật của phần lớn các hộ kinh doanh còn chưa cao, hoạt động kinh doanh thường không ổn định. Vì vậy, cùng với việc đôn đốc, tiếp nhận tờ khai thuế, lập bộ, tính thuế, thông báo thuế, cơ quan thuế cần thực hiện niêm yết công khai tiền thuế dự kiến của hộ kinh doanh, tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường. về tiền thuế phải nộp của hộ kinh doanh để đảm bảo sự công bằng, khách quan.
a) Xây dựng căn cứ tính thuế (Quyết định 2248/QĐ-TCT, 2012)
Vấn đề quan trọng nhất trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh là xác định hợp lý doanh thu bình quân tháng trong năm của các hộ kinh doanh để làm căn cứ xác định mức thu nhập tính thuế. Từ đó, xác định được hộ thuộc đối tượng không phải nộp thuế khoán và tiền thuế GTGT, thuế TNCN phải nộp của các hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế khoán theo quy định.
- Xác định mức doanh thu không phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Cơ quan thuế căn cứ vào chính sách thuế và các quy định hiện hành để xác định mức doanh thu hàng tháng không phải nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán.
Việc xác định mức doanh thu tháng không phải nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán được lãnh đạo Chi cục Thuế phê duyệt thực hiện chậm nhất vào ngày 30/11 của năm trước để làm căn cứ xác định các hộ kinh doanh không phải nộp thuế khoán khi lập hộ, tính thuế năm sau.
Chi cục Thuế thực hiện niêm yết công khai mức doanh thu theo tháng không phải nộp thuế theo phương pháp khoán cùng với việc niêm yết dự kiến doanh thu và tiền thuế phải nộp của các hộ kinh doanh.
- Tổ chức điều tra doanh thu thực tế.
Việc điều tra doanh thu là một biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế nhằm đánh giá sự sai lệch của việc xác định doanh thu và mức thuế khoán ổn định với thực tế kinh doanh của hộ kinh doanh; làm căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu giúp cho việc xác định mức thuế khoán kỳ sau đựơc sát đúng hơn.
Để thực hiện điều tra doanh thu, chi cục Thuế thực hiện các bước công việc sau:
+ Lập kế hoạch điều tra doanh thu thực tế: Đội tổng hợp nghiệp vu dự toán căn cứ vào nguồn lực quản lý thực tế, lập kế hoạch điều tra doanh thu thực tế của các ngành nghề kinh doanh trọng điểm tại địa phương trong năm, trình lãnh đạo Chi cục Thuế phê duyệt trước ngày 15/2 hàng năm. Kế hoạch điều tra doanh thu thực tế được lập chi tiết cho từng quý, đối với từng nhóm ngành nghề kinh doanh, số lượng hộ kinh doanh trong mỗi nhóm ngành nghề trên địa bàn phải thực hiện điều tra doanh thu, số ngày điều tra doanh thu thực tế.
+ Lựa chọn danh sách hộ kinh doanh thực hiện điều tra doanh thu: Căn cứ vào kế hoạch điều tra doanh số đã được phê duyệt, Đội tổng hợp nghiệp vu dự toán chủ trì phối hợp với đội Kê khai - kế toán thuế lựa chọn ngẫu nhiên các hộ kinh doanh theo các địa bàn, quy mô kinh doanh, để lập danh sách hộ kinh doanh thực hiện điều tra doanh thu thực tế theo từng quý trình lãnh đạo Chi cục Thuế phê duyệt.
+ Thực hiện điều tra doanh thu thực tế: Đội tổng hợp nghiệp vụ dự toán chủ trì tổ chức thực hiện điều tra doanh thu thực tế của hộ kinh doanh. Mỗi tổ công tác điều tra doanh thu bao gồm ít nhất ba (03) người thuộc các Đội tổng hợp nghiệp vụ dự toán, đội Kê khai - kế toán thuế và đội thuế liên xã phường quản lý
địa bàn có hộ kinh doanh thực hiện điều tra. Số ngày thực hiện điều tra doanh thu thực tế đối với một hộ kinh doanh ít nhất là trong năm (05) ngày liên tục.
+ Việc điều tra có thể thực hiện trực tiếp thông qua việc ghi chép, quan sát các hoạt động kinh tế phát sinh của hộ kinh doanh, số lượng khách hàng, số lượng hàng hoá dịch vụ mua vào, bán ra trong một khoảng thời gian của hộ kinh doanh; hoặc có thể thực hiện gián tiếp thông qua việc trao đổi với chủ hộ kinh doanh, trao đổi với người làm công hoặc khách hàng hoặc thông qua việc tìm hiểu, đánh giá các chi phí cố định tối thiểu của hoạt động kinh doanh như các chi phí điện, nước, tiền lương, thuê nhà. Trên cơ sở đó, tổ công tác ước lượng doanh thu thực tế của hộ kinh doanh trong thời gian một (01) tháng, một (01) năm. Kết quả điều tra doanh thu thực tế phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên tổ công tác và xác nhận của chủ hộ kinh doanh (nếu có).
+ Tổng hợp kết quả điều tra: Đội tổng hợp nghiệp vu dự toán tổng hợp kết quả điều tra trên cơ sở các biên bản điều tra doanh thu thực tế và xác định tỷ lệ sai lệch giữa doanh thu điều tra thực tế và doanh thu xác định mức thuế khoán bình quân theo tình nhóm ngành nghề trên địa bàn. Việc tổ chức điều tra doanh thu thực tế và tổng hợp kết quả điều tra được hoàn thành trước ngày 30/11 hàng năm.
+ Mức sai lệch giữa số liệu khoán thuế trên sổ bộ với số liệu điều tra doanh thu thực tế là một căn cứ để Chi cục Thuế xem xét, xác định doanh thu và tiền thuế khoán ổn định của các hộ kinh doanh trong cùng ngành nghề trong năm sau.
- Tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.
Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn là cơ quan tư vấn giúp cho cơ quan thuế xác định mức thuế của các hộ, gia đình, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn, bảo đảm đúng pháp luật, dân chủ, công khai, công bằng, hợp lý.
Thành phần của hội đồng tư vấn thuế xã, phường bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn – Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm (01) cán bộ phụ trách về tài chính, (01) cán bộ thuộc Mặt trận tổ quốc, (01) cán bộ thuộc Công an xã, phường, thị trấn; (02) chủ hộ kinh doanh đại diện cho các hộ kinh doanh, (01) công chức thuế của Chi cục thuế quản lý địa bàn xã, phường, thị trấn.
Việc lập bộ, tính thuế khoán ổn định hàng năm: Đội Thuế liên xã, phuờng họp xin ý kiến tham vấn hội đồng tư vấn thuế xã phường về doanh thu, tiền thuế phải nộp của các hộ kinh doanh cùng với việc niêm yết công khai doanh thu, tiền