6. Bố cục của luận văn
3.2. Không gian và thời gian trong truyện ngắn của Alphonse Daudet
Theo các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học :“Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó; cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng. Do vậy không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không qui được vào không gian địa lí” [24,tr.162].Không gian nghệ thuật là yếu tố quan trọng của tác phẩm văn học. Việc lựa chọn không gian nghệ thuật để nhân vật hoạt động phần nào thể hiện được phong cách sáng tạo của nhà văn.
Không gian trong truyện là nơi các nhân vật sống và hoạt động. Trong truyện ngắn của Alphonse Daudet, không gian được biểu hiện khá cụ thể. Không gian trong truyện ngắn của Daudet thường được miêu tả từ gần đến xa, có khi không gian mở ra bao la, có lúc không gian thu lại chỉ còn là một khoảng không nhỏ hẹp. Không gian nghệ thuật chịu ảnh hưởng từ “điểm nhìn” của người trần thuật.Người trần thuật phóng điểm nhìn ra xa, không gian được nhìn một cách bao quát hơn, nhưng ngược lại, không gian sẽ gần và cụ thể hơn.
Không gian nhỏ hẹp xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của Daudet. Trong Dọn đến nhà mới nhân vật chính cũng là người kể chuyện hoạt động trong chiếc cối xay gió nhỏ bé của mình và phóng tầm mắt ra trang trại nơi có đàn gia súc trở về. Hay trong Thi sĩ Mistral, không gian nghệ thuật được miêu tả chủ yếu là ngôi nhà nhỏ của Mistral “một ngôi nhà nhỏ hai tầng […] đằng trước có một mảnh vườn” [9, tr.133].
Sau đó điểm nhìn của người kể chuyện mở rộng về phía con đường làng – nơi diễn ra lễ hội rồi điểm nhìn lại tiếp tục quay trở về căn phòng nhỏ của Mistral. Có khi không gian chỉ là một con đường trải đầy hoa thơm, cỏ lạ hay một mảnh vườn nghèo nàn của người nông dân…Với đặc trưng của thể loại truyện ngắn, là “thể tài tác phẩm tự
sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội.Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng”
[40, tr.345], nên không gian được tác giả xây dựng nhỏ hẹp cũng phần lớn để phù hợp với dung lượng bị giới hạn của thể loại này.
Không gian rộng lớn bao la xuất hiện qua một số tác phẩm như Giacgiai lọt vào nhà trời, Người đẹp Nivernaise, Trên đảo Camargue…Trong Giacgiai lọt vào nhà trời, không gian mở ra vô tận: từ dưới trần gian đến cõi âm ti mù mịt rồi lên đến cổng thiên đường mênh mông. Không gian hư hư thực thực gợi sự lôi cuốn bất ngờ.Nhân vật được cho là đã chết và linh hồn anh ta đi lên đến chín tầng mây. Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa linh hồn người mới chết với vị thánh oai nghiêm trên cõi trời mang đến nhiều suy nghĩ cho người đọc. Không gian trong tác phầm này không được miêu tả nhiều, chỉ được nhắc đến như lời giới thiệu về nơi chốn mà nhân vật đang hoạt động. Khác với tác phẩm này, không gian trong truyện Trên đảo Camargue lại được miêu tả khá chi tiết, từ những cánh đồng khô cằn sỏi đá, đến những dòng sông chảy mạnh. Trung tâm đảo Camargue hiện ra với vẻ đẹp đầy bí ẩn: “giữa những cánh đồng cỏ, chạy dài xa tít tắp những đầm lầy, những mương phai lấp lánh dưới những lùm cỏ lác. Các khóm cây tamaris và các bãi sậy nổi lên như những cù lao nhỏ trên biển lặng. Không có cây cao .Cánh đồng giữ nguyên được cái vẻ bằng phẳng và mênh mông.Xa xa những dãy lều là mặt đất rải ra trên bãi chăn nuôi. Đàn gia súc tản mạn, nằm dài trên đám cỏ nước mặn hoặc chen chúc quanh chiếc áo choàng đỏ hoe của các chàng mục đồng” [9, tr.186]. Nỗi niềm yêu thương, trìu mến của tác giả ẩn sau những dòng miêu tả về quang cảnh trên đảo Camargue. Những nẻo đường nhà văn Daudet đã đi qua luôn để lại trong ông nhiều kỉ niệm.Với tâm hồn nhạy cảm, hòa nhập với thiên nhiên, Daudet viết say mê về những cảnh vật tuyệt vời mà ông từng được nhìn ngắm.
Không gian trong truyện ngắn của Daudet thường khá êm đềm, tĩnh lặng. Đặc biệt trong tập truyện Những bức thư viết từ cối xay gió của tôi, không gian yên bình đến lạ, với những đồng cỏ vắng bóng người, những nẻo đường quê thanh vắng, những đêm trời đầy sao và gió ru nhè nhẹ… Xây dựng không gian ít biến cố, sự kiện nhà văn chủ yếu muốn tập trung khắc họa tâm lí nhân vật và ca ngợi cuộc sống bình
yên trên quê hương yêu dấu của ông. Nhưng dù không mong muốn, đôi khi tác giả vẫn phải viết những dòng văn miêu tả không gian nhuốm màu tâm trạng của mình, với những suy tư, trăn trở về thời cuộc. Trong Hai ông bà già, tác giả mở ra trước mắt người đọc là khung cảnh làng quê mang một nét buồn dịu nhẹ: “Làng mạc vắng tanh vắng ngắt, ai nấy đều ở cả ngoài đồng. Ve sầu kêu ra rả như ở giữa vùng Crau trong đám cây du bụi phủ trắng dọc bờ sông” [9, tr.105-tr.106]. Tiếng ve kêu ra rả là âm thanh chủ đạo trong bức tranh quê này, màu trắng của cây du bụi góp phần gợi lên một nỗi buồn man mác. Cảnh vật nhẹ như ru, không gian khiến lòng người lắng xuống, rất phù hợp để diễn tả tâm trạng của nhân vật. Hay trong Ca khúc bằng văn xuôi, không gian cũng lặng yên đến nao lòng: “mở cửa nhìn ra, xung quan chiếc cối xay của tôi, sương đã đọng lại thành tấm thảm lớn, trắng xóa. Cỏ óng ánh và kêu lạo xạo dưới chân như tiếng kính vỡ; cả trái đồi run lên vì lạnh” [9, tr.116]. Điểm nhìn từ chiếc cửa sổ nhỏ của mình, tác giả phóng tầm mắt ra xa, không gian như ẩn chứa nhiều nỗi niềm thầm kín của con người, với nhiều khắc khoải, âu lo. Cái lạnh giá của làn sương trắng xóa làm cho lòng người lạnh lẽo, cô độc hơn. Không gian tĩnh lặng thường được miêu tả trong truyện ngắn của Daudet, ở đó tác giả cốt lấy cái “tĩnh” của không gian để gợi lên cái “động” trong lòng người, cũng giống như biển lặng nhưng vẫn có thể ẩn chứa những đợt sóng ngầm.
Không gian trong tác phẩm “thống nhất nhưng không đồng nhất với không gian vật chất bên ngoài”, tất cả chịu ảnh hưởng từ cái nhìn chủ quan của nhà văn. Có những trang viết Daudet đã “thơ mộng hóa” (chữ của Trần Việt) đến mức lí tưởng miền đất quê hương mình nhưng cũng có những trang viết phản ánh rất chân thực cuộc sống của những con người khốn khổ mà ông từng được tiếp xúc. Không gian trong tác phẩm như một bức tranh phong cảnh mà họa sĩ là nhà văn. Người họa sĩ có thể dựa vào không gian vật chất có thật mà vẽ nên bức tranh của riêng mình, bức tranh ấy có thể giống nhưng không đồng nhất với không gian vật chất có thật bên ngoài. Tác giả có thể bớt đi vài chi tiết, hoặc tác giả có thể sáng tạo, vẽ vời thêm cho bức tranh sinh động hơn. Không gian trong tác phẩm văn chương thường đem lại cho người đọc những cái nhìn mới mẻ do cá nhân tác giả phát hiện ra và đưa vào tác phẩm của mình. Mang dấu ấn cá nhân của tác giả nên không gian nghệ thuật thường
ẩn chứa tâm trạng, như thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều :“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nếu trong tác phẩm của Balzac “nhân vật luôn gắn với vị trí không gian đã được đặt vào và không gian này trở thành không gian của kinh nghiệm sống, không gian của hành động, không gian diễn ra các sự kiện, biến cố liên quan đến nhân vật, đến câu chuyện được kể”[10, tr.83], thì truyện ngắn của Daudet cũng vậy, không gian nghệ thuật trong truyện là không gian được sắp đặt sẵn cho nhân vật, gắn bó với nhân vật, tạo điều kiện để nhân vật hành động…Cánh rừng xanh ngắt phía chân đồi là không gian được tác giả sắp đặt cho nhân vật ông huyện trong truyện ngắn Ông huyện xuống xã. Vì được chiêm ngắm không gian thơ mộng nơi cánh rừng này nên ông huyện mới tạm ngưng chuyến đi kinh lý của mình. Không gian này là nơi diễn ra các sự kiện liên quan đến nhân vật. Hay không gian cung đình trong Cái chết của thái tử với những nhốn nháo, xô bồ đã tạo điều kiện để nhân vật thái tử, hoàng thái hậu và các nội thần, thị vệ thể hiện hành động của mình trước biến cố lớn sắp xảy ra là sự ra đi mãi mãi của thái tử.
Không gian chiến tranh mang màu sắc lịch sử − cụ thể xuất hiện chủ yếu trong hai tập truyện ngắn Thư gửi người vắng mặt và Truyện kể ngày thứ hai của Alphonse Daudet. Khi quân Phổ tràn về, không gian nhuốm màu tang tóc, lịch sử của nước Pháp in đậm dấu ấn của những ngày tháng đen tối này. Trong truyện ngắn của mình, Daudet phần nào miêu tả được tình cảnh thê thảm của quê hương với những lố lăng, nghịch lí phơi bày trước mắt ông khi trận chiến Pháp – Phổ nổ ra. Không gian chiến tranh được miêu tả cụ thể trong truyện ngắn Tên lính Phổ của Belide: “Đó là khi tôi đặt chân đến Vilneve, nhìn thấy vườn tược của chúng ta tan hoang, nhà cửa tanh bành, bị cướp phá, còn lũ giặc thì đang ở trong đó, í ới gọi nhau từ cửa sổ này sang cửa sổ khác, phơi quần áo vệ sinh bằng len dạ của chúng lên các cánh cửa chớp các hàng rào mắt cá” [9, tr.236]. Chẳng còn yên bình nữa, chiến tranh đã biến cuộc sống của người dân trở nên tăm tối. Những trận chiến diễn ra liên miên. Ngày Paris thua trận, cờ trắng treo khắp nơi, không gian u ám được Daudet phác họa trong truyện Cuộc vây hãm Berlin: “phố xá quá rộng và vắng tanh, cánh cửa chớp các nhà đóng im ỉm, Paris buồn thảm khác nào một trại chứa người bệnh truyền nhiễm; cờ treo khắp đó đây nhưng kì cục thay, đó lại toàn là cờ trắng với dấu thập đỏ và
không một ai ra đón quân ta về” [9, tr.252-tr.253]. Không gian chiến tranh mang dấu ấn lịch sử trong truyện của Daudet thường diễn ra theo một trình tự nhất định đi từ trước đến sau. Mỗi tình huống truyện gắn với hoạt động của nhân vật có thể diễn ra ở mỗi địa điểm khác nhau, không gian di chuyển nhanh chóng. Chẳng hạn nhân vật Belide trong Tên lính Phổ của Belidecó một cuộc hành trình từ nơi anh ta tạm trú trở về nhà anh ta ở Vilneve, rồi anh giáp mặt tên lính Phổ trong căn nhà của mình, giết tên lính và kéo xác hắn ra bờ sông để ném xuống. Chúng ta có thể thấy nhiều địa điểm xuất hiện nối tiếp nhau : nơi tạm trú, nhà riêng, bờ sông; không gian mở rộng, chuyển hướng liên tục khiến câu chuyện kịch tính, thú vị hơn. Hai không gian xuất hiện song song nhau trong Ván bi – a gợi lên nhiều suy nghĩ. Nếu “bầu trời thấp và tối đen”, “mưa gió, bùn lầy, không lửa, không súp ăn”, “những vũng nước trên đường cái lớn, những cánh đồng ngập ngụa” là không gian nơi những người lính đang dầm mình chờ đợi lệnh tiến công thì “tòa lâu đài kiểu Louis XIII tráng lệ với những viên gạch đỏ được mưa rửa sạch, lấp lánh ở lưng đồi giữa những lùm cây…” và “phòng ăn có cửa sổ trông ra tam cấp cho thấy một bàn ăn dọn dở dang , những chai mở nút, những cốc mờ và cạn nhợt nhạt trên tấm khăn bàn nhàu nát …phòng vang lên những tiếng nói, tiếng cười, tiếng bi lăn, tiếng chạm cốc…” lại là không gian nơi người chỉ huy đang say sưa với thú vui riêng của mình. Xây dựng hai không gian hoàn toàn đối lập nhau, đứng cạnh nhau, Daudet muốn vạch trần bộ mặt xấu xa của những kẻ có chức, có quyền nhưng lại vô trách nhiệm, bất tài, tham lam. Kẻ thù của nhân dân không phải chỉ là bọn giặc Phổ hung ác mà còn là những tên chỉ huy mà nhân dân đang đặt niềm tin và hi vọng.
Xét về không gian bối cảnh trong truyện ngắn của Alphonse Daudet có thể thấy không gian bối cảnh thiên nhiên và không gian bối cảnh xã hội thường được lồng ghép vào nhau. Trong Chuyến phà ngang, tác giả miêu tả cảnh vật trước chiến tranh và sau chiến tranh với những hoạt động sinh hoạt của những người dân bên bờ sông Seine. Không gian bối cảnh thiên nhiên trước chiến tranh được miêu tả thật tươi đẹp:
“ở đấy có một cây cầu treo đẹp , hai trụ cao bằng đá trắng, những sợi dây sơn hắc ín chăng dọc sông Seine đến tận trời…hai bên bờ đặt các bàn giặt quần áo, những chiếc ghế ngồi của các chị thợ giặt, có những chiếc thuyền đánh cá nhỏ cột vào những
vòng sắt. Một con đường trồng bạch dương trải giữa cánh đồng dẫn đến chân cầu, trông như một tấm rèm xanh lớn rung rinh trước làn nước mát. Phong cảnh thật hữu tình” [9, tr.302]. Nhưng sau chiến tranh hình ảnh đó không còn nữa :“Cầu không còn nữa. Hai trụ sập đổ, những tảng đá vung vãi xung quanh vẫn còn đó. Những dây thừng, dây thép ngâm nước rầu rĩ…, mọi thứ cỏ vụn , ván gỗ mốc meo cuốn theo dòng sông Seine tụ lại ở đó thành một cái đập đầy sóng giật và nước xoáy. Cảnh vật như có một chỗ bị xé rách, một cái gì hở lộ ra màu tai biến” [9, tr.302-tr.303].Những người dân cũng sinh hoạt buồn tẻ hơn tạo nên một bức tranh ảm đạm.Những hoài niệm của những nhân vật trong tác phẩm cũng chính là những hoài niệm của tác giả về một quá khứ tươi đẹp nhưng nay đã lụi tàn.
Không gian tâm lí gắn với tâm trạng của nhân vật cùng những buồn vui, thương mong, tiếc nhớ…được thể hiện trong hồi ức, mộng tưởng cũng thường xuất hiện trong truyện ngắn của Daudet. Không gian “cái doanh trại lớn có sàn lát gạch đá, hàng hiên tăm tắp một dãy dài cửa sổ, quân lính đội mũ nồi cảnh sát, các cửa tô vò thấp, rào rào tiếng gà mèn” [9, tr178] qua nỗi nhớ của anh lính đánh trống mang đầy tâm trạng. Không gian đó đã từng diến ra trong cuộc đời của nhân vật nhưng bây giờ nó chỉ còn là hoài niệm mà thôi.Hay nỗi nhớ Paris với những hàng thông xanh thẳm của nhân vật tôi cũng đã vẽ nên một Paris huyền ảo, Paris trong kí ức của nhân vật. Quá khứ qua đi, để lại nhiều kỉ niệm ! Không gian từng xuất hiện trong quá khứ, qua thời gian sẽ đi vào tâm tưởng và được lưu giữ tại đó.Nhưng không gian tâm tưởng không thể phản ánh được nguyên vẹn những gì đã diễn ra trong quá khứ, nó còn chịu ảnh hưởng bởi tình cảm mang tính chủ quan của người viết.
Nỗi buồn thương, tiếc nhớ của nhân vật tôi trong truyện ngắn Dân binh gắn với hình ảnh nhà ga Rơi :“Nhà ga Rơi tội nghiệp mà tôi biết, trước kia vui vẻ thế, sáng sủa thế, cái nhà ga quí phái của những tay bơi thuyền ở Bugivan, nơi mà những y phục mùa hè Pari diễu những nếp áo xếp tổ ong bằng nhiễu mỏng và những mũ vải có tua ngù” [9, tr.218]. Vẫn là những hoài niệm về một quá khứ tươi đẹp trong khi hiện tại mọi thứ đã đổi thay. Cái nhà ga trong hồi ức của ngày trước bây giờ hiện ra thật thê thảm :“cái nấm mồ bọc thép, phủ nệm, sặc mùi thuốc súng, dầu lửa, rơm mốc”[9, tr.218]…Lấy bối cảnh thời bình để so sánh với bối cảnh cảnh chiến tranh,
tác giả muốn nhấn mạnh đến những đổi thay đầy nghiệt ngã mà chiến tranh đã mang đến.Không gian nhuốm màu tâm trạng như một bức tranh ba chiều soi thấu những suy nghĩ và hành động của nhân vật.