Cảm hứng từ lòng yêu thương loài vật

Một phần của tài liệu nghiên cứu truyện ngắn alphonse daudet dưới góc độ tự sự học (Trang 34)

6. Bố cục của luận văn

1.2.2.Cảm hứng từ lòng yêu thương loài vật

“Tôi thật đáng bị trừng phạt như thế này, bởi tôi quá yêu cuộc sống” − đây là câu nói Daudet thầm thì mấy ngày trước khi chết, sau mười mấy năm bị bệnh tật hành hạ. Alphonse Daudet quá yêu cuộc sống! Ông yêu những vườn cây trĩu trái, những ngọn đồi xanh tươi dưới ánh nắng rây vàng, yêu những cánh đồng hoa oải hương ngào ngạt… Ông yêu con người trên quê hương ông, và yêu cả những con vật nhỏ bé, đáng thương.

Lòng yêu thương loài vật được Daudet thể hiện qua nhiều tác phẩm, đặc biệt qua nhiều truyện ngắn trong tập truyện Những bức thư viết từ cối xay gió của tôi. Đề tài về loài vật xuất hiện qua nhiều truyện ngắn, tiêu biểu như: Dọn đến nhà mới, Con dê của ông Seguine, Con la cái của giáo hoàng…Nhà văn quan sát những hoạt động của các con vật, xem chúng như con người: biết yêu thương, biết hờn giận, biết tranh đấu vì tự do, biết trả thù…Những cung bậc cảm xúc của con người được gắn với con vật. Đôi khi người viết có cảm giác những câu truyện này giống như truyện ngụ ngôn, nó luôn để lại cho chúng ta những suy nghĩ hoặc một bài học nào đó về trong cuộc sống.

Cuộc sống của Daudet gắn bó với thiên nhiên, với loài vật. Khi ông dọn về ở chiếc cối xay gió – nơi khơi nguồn hứng khởi để ông sáng tác tập truyện ngắn nổi tiếng Những bức thư viết từ cối xay gió của tôi – ông đã viết về những con vật nơi đây bằng cái nhìn nhân hậu: “Bầy thỏ quả là đã sửng sốt!...Bấy lâu nay thấy cổng cối xay đóng im ỉm, cỏ mọc lấn chân tường và nền nhà, thỏ ta cứ ngỡ cái giống người xay bột thế là đã tuyệt diệt, chẳng còn ai. Và, thấy được chỗ tốt, chúng bèn biến thành một đại bản doanh, một trung tâm hoạt động chiến lược: cái cối xay Jemmáp của bầy thỏ…Đêm đầu tôi đến đây, thật chẳng dám nói ngoa, có tới hai chục chú thỏ ngồi quây tròn trên nền nhà xay đang duỗi cẳng sưởi ánh trăng lọt vào…Cánh cửa trên mái vừa hé mở thì frrựt !đám quân đồn trú tán loạn và cả một bầy mông nhỏ trắng phơi ra, cong đuôi chạy biến vào bụi rậm. Tôi rất mong chúng quay lại” [9,

tr.15]. Ông cảm thấy mình có lỗi vì đã làm cho những chú thỏ dễ thương phải hoảng sợ mà rời bỏ cái “đại bản doanh” xinh xắn của chúng.Ông muốn chúng trở thành những người bạn nhỏ của mình, muốn chúng quay trở lại cái cối xay gió này. Không chỉ đối với loài thỏ hiền lành, mà Daudet còn có cảm tình với cả con cú già hôi hám :“Có một gã cũng hết sức sững sờ khi thấy tôi, đó là gã ở thuê trên tầng thứ nhất, một con cú già hiểm độc, đầu cúi xuống, trầm tư như một nhà tư tưởng đã thường trú tại chiếc cối xay này hơn hai chục năm nay.[…] Cũng chẳng sao! Với cái dáng điệu như vậy, với cặp mắt nhấp nháy và bộ mặt khó đăm đăm, gã ở thuê lầm lì này đã làm tôi ưa hơn ai khác và tôi vội gia hạn hợp đồng thuê nhà cho gã” [9, tr.16]. Sống chung với thỏ, với cú…, ngày ngày ngắm nhìn cảnh vật của xứ sở Provence, đó là những tháng ngày tươi đẹp trong cuộc đời của Daudet. Nhìn ngắm những con vật từ trên núi Anpi trở về sau một mùa hè tận hưởng cỏ tươi trên vùng cao, Daudet không khỏi bồi hồi: “Tất cả cùng tưng bừng diễu qua mặt chúng tôi rồi chìm ngập vào sau cổng lớn, sầm sập như trời đổ mưa rào…Hãy xem cảnh trang trại xốn xang đến thế nào. Những con công lớn, màu xanh lam và vàng óng, mào như vải lưới, đậu ngất nghểu trên cây sào cao nhận ra những kẻ mới trở về và cất lên tiếng khèn chào rầm rĩ. Hết thảy đều bật dậy, nào chị câu, nào vịt, nào gà tây, gà Nhật Bản. Cả đàn gia cầm như hóa rồ hóa dại; đám gà mái bàn nhau thức thâu đêm!...Cứ như là mỗi con cừu đã mang theo về trong bộ lông của nó cùng với hương vị hoang dã của núi Anpi một chút khí trời lồng lộng của cao nguyên làm hết thảy đều ngây ngất và muốn nhảy múa.” [9, tr.18].Cảnh đoàn gia súc trở về từ xa có phần mệt nhọc nhưng tất cả đều trật tự ,“bừng bừng khí thế của đoàn quân thắng trận trở về”. Cảnh chào đón đàn gia súc trở về của những con vật nhỏ khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến cảnh những con người xa quê hương trở về trong không khí náo nức, vòng tay rộng mở đón chờ của người thân. Con người ở vùng Provence cũng vậy: rất thân thiện, nhân hậu và cởi mở. Daudet còn đưa thêm những hình ảnh xúc động: “Lũ cừu đực già xúc động thấy máng ăn cũ của chúng. Còn bầy cừu non, những con vật bé tí teo mới sinh ra trong một cuộc hành trình, chưa bao giờ biết đến trang trại thì ngơ ngơ ngác ngác ngó quanh”. Cuộc đời là những chuyến đi! Đối với đàn cừu, cuộc sống của chúng ngắn ngủi quá chừng, cứ khoảng nửa năm, khi mùa nóng kéo đến, chúng lại được lùa lên

núi cao, rồi khi mùa thu trở về cùng những cơn gió heo may thì chúng mới lại quay trở về nông trại. Khi từ xa trở về, hẳn chúng không khỏi xúc động ! Con người chúng ta cũng vậy, nơi tận cùng của nỗi nhớ thương luôn là quê hương, là nơi gắn bó yêu dấu nhất đời. Daudet nói về đàn chó “những con chó canh cừu dũng cảm đang còn bận tíu tít bên những con cừu của chúng như chả cần biết đến ai trong trang trại ngoài những con vật đó nữa”, những con chó đầy trách nhiệm như những người lính quả cảm bảo vệ dân chúng trước mọi hiểm nguy. Và khi mọi việc đã xong xuôi: “Chỉ đến lúc ấy chúng mới chịu về cũi và tại đây, vừa tợp tợp chậu xúp, chúng vừa kể cho lũ bạn ở nhà nghe chúng đã làm gì trên núi cao, ở một vùng âm u có chó sói và những bông hoa đèn lồng đại đóa đỏ thắm ứ đầy sương” [9, tr.19]. Với năng lực quan sát và chọn lọc chi tiết hết sức tinh tế, Daudet đã phác họa nên một bức tranh tươi tắn, ngộ nghĩnh và chứa chan tình cảm. Ngòi bút giàu chất nhạc và chất thơ của Daudet dễ dàng đi vào lòng người đọc.

Trong câu truyện Con dê của ông Seguin, Daudet đưa ra một triết lí về “sự tự do phải trả giá”, và cái giá đôi khi là cả mạng sống. Truyện kể về chú dê nhỏ đáng yêu, mặc dù được ông Seguin cho ăn no nê những lá cỏ tươi non, được vui đùa dưới ánh nắng trong mảnh vườn nhỏ xinh, nhưng nó vẫn không thấy hài lòng. Đối với chú dê ấy thì được leo lên núi cao kia mới là sung sướng nhất. Nơi đó nó được thỏa thích rong chơi, không bị ràng buộc gì cả. Dù đã được cảnh báo là trên núi có chó sói hung ác, nhưng con dê nhỏ vẫn một mực muốn ra đi. Ông Seguin không thể giữ nổi nó. Khi rời khỏi mảnh vườn nhỏ xinh đó, dê tỏ ra hạnh phúc: “Dê ta hoan hỉ biết chừng nào! Chả còn cái thừng, cái cọc nữa,…chả còn ai cản được dê đi lại tung tăng, gặm cỏ thỏa thích, Mà cỏ ở đây sao mà nhiều thế, cứ là ngập lút sừng. Và cỏ mới tuyệt chứ! Nào ngọt này, non sớt này, có răng cưa này, đủ mùi, đủ vị của muôn loài cây cỏ…Thật khác xa với thứ cỏ trong vườn nhà. Lại còn cả hoa nữa!...Những bông cát cánh đại đóa xanh lơ, những đóa lồng đèn có đài hoa dài đỏ thắm, bạt ngàn rừng hoa dại căng mật nồng ngây ngất” [9, tr.33]. Con dê nhỏ không biết tự lượng sức mình, nó cứ ngỡ thiên đường ngay trước mắt, và nó tận hưởng…Daudet thương xót cho nó: “Con vật nhỏ tội nghiệp! Thấy mình đứng chót vót trên cao, nó lại nghĩ chí ít mình cũng lớn bằng cả thiên hạ”. Sói đã đến bên và nhe răng nanh ác ra đe dọa. Con

dê nhỏ cố gắng cầm cự. Nhưng… “có đời thuở nào dê lại giết sói”, dê kiệt sức nằm dài, bộ lông trắng của nó đẫm máu, chó sói chồm lên và ăn thịt nó. Cái giá của sự tự do quá đắt. Những người trẻ thường hiếu thắng, bất chấp nguy hiểm quyết đi tìm lí tưởng sống cho riêng mình. Họ rất dũng cảm nhưng gấp gáp, kiêu căng, không cân nhắc và suy nghĩ tỏ tường, cuối cùng phải nhận lấy thất bại thảm hại. Luật của kẻ mạnh được thể hiện qua hình ảnh chó sói: mạnh thắng, yếu thua; lấy mạnh hiếp yếu đã trở thành qui luật rồi.

Daudet còn đưa ra cái nhìn về sự trả thù của những kẻ bị áp bức qua câu truyện

Con la cái của giáo hoàng. Con la kêu lên :“Này, thằng kẻ cướp, của mày đây, hãy nhận lấy ! Đã bảy năm rồi, tao vẫn giữ cho mày !” [9, tr.87]. Cú đá hậu vô cùng khủng khiếp ấy con la đã để dành suốt bảy năm trời cho kẻ đã hành hạ và tước đoạt thức ăn ngon lành của nó. Suốt bảy năm, vậy mà nó vẫn không quên được và mối thù ấy còn tăng lên gấp nhiều lần hơn nữa. Sức chịu đựng của lòng tốt có giới hạn, khi đã vượt qua giới hạn ấy nếu không được bộc phát ra bên ngoài thì nó sẽ còn âm ỉ mãi; và cuối cùng không gì có thể kiềm hãm được, sự trả thù sẽ thật khủng khiếp!

Daudet chú ý đến cả những con vật hoang dã, chúng sống trong những cánh rừng, hay bên cạnh những bờ hồ tuyệt đẹp. Trong truyện ngắn Trên đảo Camargue

ông viết: “ Làn sóng lấp lánh trên hồ lôi cuốn từ đàng xa đàn vịt trời, đàn sếu, đàn vạc, đàn hồng hạc bụng trắng, cánh hồng. Chúng đậu xuống thành hàng dọc bờ hồ để bắt cá, sắp xếp thế nào cho thành một dãy dài đủ màu sắc hài hòa. Lại còn những chim hạc, đúng hạc Ai Cập; mặt trời rực rỡ này và khung cảnh tĩnh mịch này làm chúng ngỡ đang thong dong giữa cảnh trời của xứ sở quê hương mình” [9, tr.197]. Thật là một bức tranh rực rỡ! Ngoài ra ông còn say sưa kể về những đàn ngựa, đàn bò thả rông…Tình yêu thương loài vật đã thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác của Daudet.

CHƯƠNG 2: NGÔI KỂ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG

TRUYỆN NGẮN ALPHONSE DAUDET

2.1. Một ít giới thuyết về ngôi kể và điểm nhìn trong văn bản tự sự 2.1.1. Ngôi kể trần thuật trong văn bản tự sự

Một phần của tài liệu nghiên cứu truyện ngắn alphonse daudet dưới góc độ tự sự học (Trang 34)