Cảm hứng từ lòng yêu thương con người

Một phần của tài liệu nghiên cứu truyện ngắn alphonse daudet dưới góc độ tự sự học (Trang 25)

6. Bố cục của luận văn

1.2.1. Cảm hứng từ lòng yêu thương con người

Alphonse Daudet khi còn rất nhỏ đã chứng kiến cảnh cha mình – một chủ xưởng dệt vỡ nợ và phá sản, gia đình ông lâm vào cảnh túng bấn, phải dọn đến sống ở một khu phố tăm tối ở Lyon. Daudet sớm cảm nhận được những khắc nghiệt của cuộc sống đói nghèo, vất vả. Mười sáu tuổi, Daudet trở thành một giám thị cho trường thị trấn Alès. Nơi đây, Daudet đã phải chịu một năm cực nhục nhất trong suốt cuộc đời ông, ghi lại dấu ấn trong lòng ông và sau này đã được ông kể lại trong quyển tự thuật Chú nhóc. Thấm thía được cảnh lầm than vất vả của cuộc sống túng thiếu, nhìn thấy đầy rẫy những bất công nên ông cảm thông sâu sắc đối với cảnh khổ của những con người nghèo khó. Tình yêu thương con người là ngọn nguồn cảm hứng, giúp ông sáng tác những câu chuyện xúc động, chân thật nhất… Như Evelyn Underhill đã từng nói: “Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương.” Tác phẩm của Daudet đẹp, bởi lẽ nó được viết ra từ lòng yêu thương.

Trong truyện ngắn của Daudet, ông thường viết về những con người bình thường mà ông gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày có thể là những người nông dân ở

miền quê xứ Provence, có thể là những người ông gặp ở Paris trong cuộc vây hãm, hoặc nhiều nơi khác ông đặt chân đến. Mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh đều khiến ông thương cảm. Victor Hugo đã từng nói về thế kỉ XIX: “Ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ này; sự tha hóa của người đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của người phụ nữ bởi cơn đói, sự teo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối.” Ba vấn đề lớn ấy đã phơi bày thực trạng đen tối của xã hội nước Pháp lúc bấy giờ. Daudet cũng viết về những vấn đề ấy, ngòi bút của ông len sâu vào những ngõ ngách nhỏ bé của cuộc đời.

Đề tài về người nông dân nghèo thường xuất hiện trong truyện ngắn của Daudet. Ở truyện Bí mật của bác cả Cornille Daudet xót xa cho bác cả Cornille phải từ bỏ công việc xay bột đã nuôi sống bác, gắn bó với bác từ tấm bé. Khi người ta lắp đặt nhà máy xay bột bác cả Cornille như muốn phát điên lên: “Tám ngày liền người ta thấy bác chạy cùng làng tập hợp mọi người xung quanh mình và ra sức gào lên rằng người ta muốn đầu độc xứ Provence bằng bột máy” nhưng chẳng ai nghe, bác đành lặng lẽ“ẩn mình vào chiếc cối xay và sống đơn độc như một con thú rừng”. Khi xã hội ngày càng tiến bộ, những cái cũ kĩ sẽ bị đào thải đi, thay thế vào đó là những cái mới mẻ hơn…Con người buộc phải rời bỏ nhiều thứ, phải tập quen dần, vươn lên và thích nghi với cuộc sống mới, với những thay đổi mới. Có những thứ vốn đã ăn sâu vào máu thịt của những con người khốn khổ ấy, thì làm sao họ có thể dễ dàng chấp nhận từ bỏ được.

Daudet cũng thở dài xót xa cho ông cụ trong truyện ngắn Nhà muốn bán. Ông cụ yêu quý căn nhà của mình lắm, nhưng những đứa con của ông lại muốn ông bán nó đi để chia tiền cho chúng. Ông cụ đáng thương vừa treo biển bán nhà, vừa cố bám giữ lấy: “Cặp mắt lão nhìn đến là cáu kỉnh làm cho khách không muốn bước vào và lão đứng đấy như một tên lính long kị canh giữ những luống rau và cái sân nhỏ lấm cát của lão” [9, tr.324]. Những đứa con bất hiếu không quan tâm đến người cha tội nghiệp, chúng luôn thúc bách, quấy đảo để cụ mau chóng bán ngôi nhà…Có những thứ con người gắn bó cả đời mà phải đứt ruột bán đi, thì còn khổ tâm nào hơn thế. Chính những đứa con ông cụ yêu thương nhất lại làm tồn thương ông nhiều nhất :“Họ nói về cụ như cụ đã chết, bàn về ngôi nhà của cụ như nó đã bị giật đổ. Nước mắt vòng quanh, bước đi lom khom, theo thói quen vừa đi vừa tìm tòi một cành cây

để xén, một trái cây để nâng niu và người ta cảm thấy cuộc đời của ông lão đã cắm khá sâu trong mảnh đất cỏn con này chẳng thể nào dứt đi được” [9, tr.326]. Daudet phơi bày thực trạng của xã hội – cái xã hội thiếu thốn tình người ấy, người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau để sống, tình cảm gia đình cũng bị coi thường, đặt dưới vật chất. Đồng tiền như có quyền lực vạn năng, nó chi phối hầu như toàn bộ suy nghĩ của con người. Sức mạnh vô hình ấy làm con người mất đi lương tâm, quên đi luân thường đạo lý.

Daudet nhìn thấy nỗi vất vả , cay đắng của người lao động nghèo. Họ làm việc quần quật quanh năm mà cái khổ vẫn cứ đeo bám họ. Truyện ngắn Nhân viên nhà đoankể về cuộc sống của những kẻ nghèo kiết, rong ruổi trên những con tàu đi biển:

“Giữa mùa đông giá rét, những con người khốn khổ ấy vẫn phải dãi dầu hết ngày đến đêm thâu; họ ngồi bó gối, co ro trên những chiếc ghế dài ướt át, người run cầm cập trong cái nhớp nháp bẩn thỉu này, vì không thể đốt lửa trên tàu được mà vào bến thì thường gặp khó khăn”. Không chỉ chịu đựngcái khắc nghiệt của thời tiết mà họ còn chịu cảnh cô đơn, xa rời vợ con, lênh đênh trên biển hàng tháng ròng. Daudet thấu hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của họ: “Bữa cơm của họ chỉ có bánh mì mốc và hành dại. Chả bao giờ được tí vang, tí thịt vì vang và thịt thì đắt mà đồng lương của họ cả năm mới được năm trăm franc. Năm trăm franc một năm! Các bạn tính , như vậy thì tài nào túp lều của họ trên bến lại chẳng tối om và con cái họ lại chẳng đi chân đất!...”.Càng buồn thảm hơn khi Daudet kể về cái chết của họ, chết do bệnh tật mà không có điều kiện chạy chữa. Những con người đáng thương ấy, họ sống mà không phải sống, cuộc đời mòn mỏi, thầm lặng, chết đau đớn và và cũng rất…thầm lặng. Daudet ngạc nhiên vì sức chịu đựng của họ, dường như đã trở thành một thói quen, quen với cái nghèo, quen với cay đắng của đời người: “ Đó là tất cả nỗi lòng về cuộc đời bất hạnh của những người công nhân đi biển, chịu đựng và hiền lành, chỉ có thể bộc lộ đến thế thôi. Không bạo động, không đình công. Một tiếng thở dài và chỉ có thế thôi ”.

Daudet thông cảm cho bác thợ già gác đèn biển lẻ loi một mình bên xác người đồng đội trong đêm đen, chơi vơi giữa biển khơi (Cây đèn biển Sanguine). Bác thợ già kể lại việc bác cố gắng di chuyển xác bạn mình vào một gian nhà nhỏ chờ cho tới khi tàu ra: “Việc làm khó nhọc và vô cùng thương tâm này làm tôi mất một buổi chiều

và thú thực với ông, nó đòi hỏi phải can đảm lắm mới được. Ông ạ! mãi đến bây giờ, mỗi lần đi xuống phía dưới đó vào những buổi chiều gió mạnh, tôi vẫn tưởng như vẫn còn cái xác chết trên vai mình…” [9, tr.53]. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh, họ đã làm việc cật lực, nhưng vẫn chật vật, thiếu thốn…Đến khi chết cũng cô đơn, lạnh lẽo, không có lấy một người thân bên cạnh. Daudet đã cảm thông với những số phận ấy một cách chân thành, như Colette Becker nhận xét :“Ông nghe và ông cảm giác rõ hơn cái ông nhìn”.

Daudet từng nói: “ Tôi yêu nhân dân với tất cả thói xấu của họ, những thói xấu do kết quả của đói khổ và dốt nát”. Ông quan sát họ và viết về họ một cách chính xác và trung thực, bằng lòng tốt “rất tự nhiên”. Ông không chê bai, không cười nhạo dù là với những thói xấu của họ, ông đối xử với họ một cách độ lượng qua từng trang viết của mình. A. France nhận định “ Vâng, viết một cách tự nhiên như đời sống đó là phương pháp duy nhất được A. Daudet sử dụng. Mọi cố gắng của người nghệ sĩ, ý chí của ông, nghị lực của ông được huy động vào việc nắm bắt, phản ứng cái thiên nhiên, cái nhân loại mà ông đã cực kì yêu mến”. Chính cách viết tự nhiên như vốn dĩ nó phải là như vậy làm cho văn của Daudet nhẹ nhàng đi vào lòng công chúng. Ông cũng từng nói về mình: “ Tôi không biết một cách làm việc nào khác ngoài việc xuất phát từ đời sống như nó vốn vậy. Cũng như những nhà họa sĩ giữ gìn tập album phác thảo ghi đủ mọi tư thế con người, dáng điệu, sự vận động tay chân…trong ba chục năm nay tôi cũng chỉ lo ghi chép: trong cuốn sổ tay của tôi−số lượng rất nhiều−mọi suy nghĩ, mọi quan sát của tôi đều được ghi lại một cách ngắn gọn nhưng chúng luôn giúp tôi nhớ lại một cử chỉ nào đó, một giọng nói nào đó, mà về sau sẽ được triển khai và mở rộng ta tương ứng với yêu cầu của một tác phẩm lớn. Ở Paris cũng như khi đi du lịch, khi về nông thôn, nhiều phen không kịp nghĩ tôi chỉ lo ghi, thậm chí chưa tính được xem tài liệu thu thập như thế này sẽ dùng vào các sáng tác sắp tới ra sao.” Cách làm việc như thế đã tạo nên những trang viết “rất Daudet” !

Càng nhìn sâu vào cuộc đời, càng thấy có nhiều cảnh khổ, éo le. Sự xuất hiện của tình yêu làm cho cuộc đời đáng sống hơn. Daudet viết về tình yêu trong sáng, những tình cảm nhẹ nhàng, những rung động ngọt ngào len lỏi vào sâu trong từng ngõ ngách của tâm hồn. Trữ tình tuyệt vời như một áng thơ với Những vì sao –truyện

ngắn đã làm cho tên tuổi của Daudet sáng lên trên văn đàn; Những vì sao kể về chàng chăn cừu trên núi “thui thủi một mình giữa đồng cỏ với con chó Labri và đàn con chiên của mình, hàng tuần liền không thấy một bóng người”. Chàng mục đồng đáng yêu sống trong cảnh cô đơn ấy vô cùng ngưỡng mộ cô con gái của ông bà chủ − tiểu thư Stéphanette xinh đẹp nhất vùng. Chàng bộc bạch: “tôi hỏi thăm nàng có hay đi hội không, có năng dự những tối vui không, có còn nhiều chàng trai tới dòm ngó không; và nếu ai bảo cái thân phận nghèo hèn trên núi như tôi thì hỏi những chuyện ấy làm gì, tôi sẽ trả lời rằng tôi đương tuổi hai mươi mà đối với tôi thì nàng Stéphanette lại là người đẹp nhất trần đời”. Rồi một ngày kia nàng Stéphanette đến đưa lương thực cho chàng mục đồng, trời nổi cơn dông, nước lũ dâng cao làm nàng không thể qua con suối để trở về nhà được. Họ đã ở bên cạnh nhau, chỉ có hai người và chàng mục đồng kể cho nàng tiểu thư nghe bao câu chuyện lí thú. Rất bình yên, lãng mạn …nàng ngủ thiếp đi, dựa vào vai chàng, chàng mục đồng đáng yêu cảm thấy: “Quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn; và đôi lúc tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất, lạc mất đường đi, đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp giấc nồng…”[9, tr.71]. Một tình cảm dịu dàng, lí tưởng giữa cuộc sống đầy rẫy những bất công. Liệu có chăng một kết thúc đẹp cho mối tình thơ mộng của chàng mục đồng nghèo.Nhưng dư âm mà tác phẩm còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta như sự nhắc nhở về những ước mơ, biết trân trọng từng khoảnh khắc mình còn được sống. Daudet xót thương cho những kẻ yêu mà không được đáp trả, những kẻ sống trong nhớ nhung, sầu muộn vì tình. Cô nàng tỉnh Arles là một tác phẩm như thế ! Nhân vật Jean một chàng thanh niên đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, căng tràn sức sống: “Đó là một chàng trai nông thôn hai mươi tuổi, nhu mì như con gái, khỏe mạnh và ngay thật. Anh đẹp trai lắm, cô nào cũng phải mê, nhưng anh chỉ tơ tưởng có một người−cái cô bé trên tỉnh mặc nhung lụa, áo thêu đăng ten mà anh đã gặp một lần ở Arles” [9, tr.67].Tình yêu là một điều thật khó mà lí giải, nó đến rất tình cờ và hạnh phúc mà nó đem đến thì không gì tả hết được, nhưng đau khổ của ái tình thì cũng là cái thứ đau khổ ghê gớm nhất. Sau khi biết cô nàng mà anh yêu thương nhất không phải là một người phụ nữ đứng đắn thì anh vô cùng đau khổ. Họ

sẽ không thể đến được với nhau, gia đình cũng lên tiếng ngăn cản. Anh ta thì ôm nỗi đau đớn trong lòng và sống những tháng ngày gặm nhấm nỗi đau ấy. Nó giằng xé tâm hồn, nó làm anh sống mà như đã chết. Cuối cùng anh chàng tội nghiệp ấy đã tìm đến cái chết như một sự trốn chạy những tổn thương không lành được. Anh bỏ lại cha mẹ già cùng bao người yêu thương anh. Tình yêu là thứ thần dược làm con người đê mê, nhưng tình yêu không được đáp trả này lại là độc dược hủy hoại cuộc đời chàng trai trẻ. Trong lòng khinh bỉ đó, bị dối gạt đó nhưng anh ta vẫn yêu, và yêu tha thiết…yêu đến không còn thiết sống ! Daudet phải thốt lên rằng: “Ôi, những trái tim khốn khổ của con người chúng ta! Sự khinh bỉ không thể giết nổi tình yêu thì âu cũng là điều hơiquá!...” [9, tr.61]. Daudet bày tỏ lòng thương cảm đến những kẻ bị giày vò bởi tình yêu…

Daudet có những trang viết đầy ám ảnh về những con người nghèo khổ trong chiến tranh, những cuộc chia ly bịn rịn, đầy nước mắt. Các bà m là tác phẩm tiêu biểu Daudet viết để kỉ niệm cuộc vây hãm Paris. Hình ảnh hai vợ chồng già vượt một chặng đường xa mong gặp được cậu con trai yêu quí – một anh lính cơ động Paris ở đội sáu, tiểu đoàn ba cũng thật cảm động. Cuộc gặp gỡ ấy không được trọn vẹn, họ chỉ có giây lát để hỏi thăm nhau, rồi người con trai lại phải đi làm nhiệm vụ của mình. Đôi vợ chồng già nghẹn ngào “bà cụ tội nghiệp thốt lên và không nói được gì nữa” [9,tr.211]… “Hai ông bà còn đứng sững sờ nguyên tại chỗ một lúc, mắt dán chặt mãi vào con đường hào mà cậu con trai vừa mất hút ”[9,tr.212] .Chiến tranh đã tàn phá quê hương, đã làm tàn tạ cuộc đời của họ và lấy đi ở họ những niềm vui, những hi vọng, chỉ còn để lại nỗi đau mất mát, nỗi sầu muộn làm khô héo tâm hồn…

Quân Phổ đến, tàn phá quê hương của họ; những người nông dân hiền lành không còn mái nhà để về, phải di tản, vợ chồng bồng bế theo con cái, rồi đói khát, rồi bệnh tật tiếp tục đe dọa cuộc sống của họ. Chiến tranh đi đến đâu gieo rắc đau thương đến đấy ! Alphonse Daudet chú ý miêu tả cảnh khổ của chiến tranh, qua lời kể của một người nông dân trong truyện ngắn Tên lính Phổ của Belide :“Túp nhà nhỏ của chúng tôi ở cuối cùng dãy phố bên phía phải bờ sông. Cũng như mọi nhà khác, nhà chúng tôi đã bị vơ vét rỗng từ trên xuống dưới chả còn lấy một thứ đồ đạc, một miếng kính nào nữa. Chỉ còn lại mấy bó rơm và chiếc chân ghế cuối cùng của chiếc ghế

bành đang cháy lép bép trong lò sưởi” [9, tr.236]. Cuộc sống bình yên của những con người nơi miền đất tươi đẹp này chẳng mấy chốc đã bị xáo trộn, nào cướp bóc, nào bom đạn nổ ra trên quê hương …cảnh vật hoang tàn, và họ hoài niệm về quá khứ êm đẹp, những tháng ngày vui tươi: “Chưa sáng tôi đã nghe người chồng vào chuồng bò, thắng xe và đi chợ Corbay bán rau, người vợ dậy sau, mặc quần áo cho lũ trẻ, cho gà ăn, vắt sữa bò, guốc lớn, guốc bé lộc cộc trên cầu thang gỗ suốt buổi sáng. Đến quá trưa thì im lặng như tờ. Người bố ra đồng, trẻ con đi học , người mẹ lặng lẽ

Một phần của tài liệu nghiên cứu truyện ngắn alphonse daudet dưới góc độ tự sự học (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)