6. Bố cục của luận văn
2.2.1. Truyện ngắn Alphonse Daudet với người trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm
theo điểm nhìn đơn tuyến và đa tuyến
Truyện kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến là “ hình thức tự sự mà trong đó người kể chuyện là nhân vật xưng “tôi”. Như vậy, mọi tình tiết, sự kiện đều được kể bởi người kể chuyện xưng tôi duy nhất. Điểm nhìn của người kể chuyện xưng tôi là điểm nhìn chính, xuyên suốt tác phẩm, có tác dụng định hướng cho độc giả.
Người kể chuyện xưng “tôi” có thể là nhân vật chính, trực tiếp tham gia vào các tình tiết, diễn biến; nhưng có thể anh ta chỉ là nhân vật phụ trong tác phẩm, chứng kiến và kể lại câu chuyện của người khác” [65]. Nhân vật xưng “tôi” đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt toàn bộ câu chuyện đi theo điểm nhìn của mình, điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện…
Sau khi khảo sát tập truyện ngắn Những vì sao của Alphonse Daudet (gồm 41 truyện), chúng tôi đưa ra bảng thống kê về ngôi kể và điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn của Daudet (Xem Bảng thống kê ngôi kể và điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn Alphonse Daudet, trang 43). Theo thống kê có 28/41 truyện được viết theo ngôi thứ nhất, trong số đó có tới 22/28 truyện ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến.
Những truyện ngắn được trần thuật theo dạng thức này như: Dọn đến nhà mới,
Bí mật của bác cả Cornille , Cô nàng tỉnh Arles, Những vì sao, Nhân viên nhà
đoan, Hai ông bà già, Ca khúc bằng văn xuôi, Chuyện người có bộ óc vàng, Dân binh, Những kẻ đào tẩu khỏi Paris… Đa phần truyện kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến tập trung ở tập truyện Những bức thư viết từ cối xay gió của tôi, cũng dễ hiểu, bởi lẽ tập truyện này như chính những dòng nhật kí của Daudet về quê hương Provence thân yêu mà dù có đi đến đâu ông cũng không thể nào không nhớ đến. Daudet từng kể lại lai lịch của tập truyện này như sau: “Chiếc cối xay này không phải là của tôi. Điều ấy không cản trở tôi tới đó để được cả ngày ngồi mơ mộng và hồi tưởng suốt từ sáng sớm cho đến lúc mặt trời mùa đông ngả bóng giữa những khe đồi trọc, tràn vào các lũng sâu như một dòng kim loại chảy đỏ lừ, nghi ngút khói”.
Kể chuyện ở ngôi thứ nhất, tác giả được nói lên “cái tôi” rất riêng của mình, nhận định về câu chuyện của mình, nhận xét về những tình huống xảy ra trong truyện một cách rất chủ quan. Từng dòng văn của Daudet cứ tuôn chảy một cách tự nhiên, mượt mà một cách tự nhiên như không hề được chau chuốt. Những câu truyện được kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến có thể là nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện của chính mình, có thể “tôi” kể lại câu chuyện mà mình chỉ là nhân chứng.
Dạng thức nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện của mình xoay quanh những vấn đề liên quan trực tiếp đến “tôi” chứ không phải là ai khác có thể gặp trongDọn đến nhà
mới. Toàn bộ câu chuyện kể lại việc “tôi” dọn nhà đến ở chiếc cối xay gió và chính nơi này đã tạo cảm hứng để “tôi” viết những dòng văn thơ mộng về miền quê xứ Provence đầy nắng và gió. Nhân vật “tôi” hòa nhập vào khung cảnh thiên nhiên tươi tắn bên những người bạn mới, nào là thỏ, cú, sáo, chim mỏ nhát…Kể chuyện ở ngôi thứ nhất, “tôi” được tâm tình, được bày tỏ cảm xúc yêu mến miền đất quê hương. Thông qua điểm nhìn đơn tuyến của “tôi” cảnh vật nơi đây hiện lên như một bức tranh với nhiều màu sắc và thấm đẫm ân tình. Nhân vật “tôi” tự kể chuyện mình có thể bắt gặp qua nhiều tác phẩm khác như Thi sĩ Mistral, Những vì sao…
Thi sĩ Mistral được kể lại qua lời kể duy nhất của nhân vật “tôi”.“Tôi” kể lại cuộc gặp gỡ ấn tượng của mình.Nhân vật “tôi” ở đây cũng chính là Daudet đang kể lại câu chuyện của mình, và qua điểm nhìn của chính mình. Được đón tiếp ân cần tại nhà thi sĩ Mistral, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của chàng thi sĩ nghèo nhưng giàu tình cảm khiến nhân vật tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hình ảnh Mistral, mẹ của Mistral, những tập thơ của Mistral tất cả đều được đặt dưới điểm nhìn trung tâm của nhân vật “tôi”. Nhân vật “tôi” đưa ra nhận xét, đánh giá của cá nhân mình. Những lời khen ngợi rất chân thành xuất phát từ tận đáy lòng của “tôi” trở nên đáng tin cậy hơn bao giờ hết: “Mistral đọc cho tôi nghe những câu thơ của anh viết bằng thứ ngôn ngữ đẹp xứ Provence có đến ba phần tư tiếng La tinh, một thứ ngôn ngữ xưa kia các bà hoàng vẫn nói nhưng nay chỉ còn những mụ đồng hiểu nổi. Nghe anh đọc tôi thầm cảm phục anh…”[9, tr.141]. Cuộc gặp gỡ của nhân vật “tôi” và người thi sĩ được miêu tả tỉ mỉ qua lời kể của “tôi”. Từ cái ôm như một lời chào thân tình nhất cho đến các bữa ăn tươi vui, từ những buổi cùng chia sẻ niềm đam mê thơ ca cho đến những suy nghĩ rất riêng tư của “tôi” đều được khắc họa qua cái nhìn trìu mến của “tôi”, để từ đó người đọc có thể cảm nhận được về người thi sĩ miền quê rất đỗi giản dị nhưng lại là một “triết gia” về nghệ thuật. Kể chuyện ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến, nhà văn dễ dàng bộc lộ những tình cảm riêng tư của mình, dễ dàng nói lên quan điểm của mình với nhiều cung bậc cảm xúc: buồn, thương, tiếc nuối, chiêm nghiệm về con người, về cuộc đời.
Nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn Những vì sao chính là chàng trai nghèo chăn cừu trên núi. Nhân vật “tôi” tự kể lại câu chuyện tình tuyệt đẹp của mình với
những cảm xúc như còn vẹn nguyên. Qua đôi mắt của “tôi” – kẻ si tình, nàng Stéphanette hiện lên như một nàng công chúa đẹp tuyệt trần : “nếu ai bảo cái thân phận chăn cừu nghèo hèn trên núi như tôi thì hỏi những chuyện ấy làm gì, tôi sẽ trả lời rằng tôi đương tuổi hai mươi mà đối với tôi thì nàng Stéphanette lại là người đẹp nhất trần đời” [9, tr.63]. Cả câu chuyện đều được đặt dưới điểm nhìn của nhân vật “tôi”, từ niềm vui mừng khi cô chủ Stéphanette đến tiếp phẩm cho đến nỗi bâng khuâng khi nàng ra về đều được “tôi” ghi lại một cách tinh tế nhất. “Thế là nàng đi mất, mang theo chiếc giỏ rỗng. Khi nàng đã khuất vào con đường dốc nhỏ, tôi cảm thấy đá sỏi lăn dưới móng chân la, lại như đang nghe từng viên một lăn vào trái tim tôi” [9, tr.65-tr.66]. Dòng văn mọc cánh nhẹ nhàng rót vào lòng người những rung động sâu xa. “Tôi” khẳng định tình cảm trong sáng của mình với cô chủ nhỏ. Tình yêu vượt qua mọi ranh giới và khoảng cách, nhưng cái khoảnh khắc đẹp trong tình yêu thì lại rất mong manh. Cũng kể về một câu chuyện tình yêu nhưng nhân vật xưng “tôi” trong Cô nàng tỉnh Arles không phải là nhân vật chính trong tác phẩm kể lại chuyện của mình. Tôi chỉ đóng vai một người sống cùng làng với nhân vật chính :“Vì sao ngôi nhà này lại làm tôi xúc động ? Vì sao cánh cổng đóng im ỉm kia lại làm lòng tôi thắt lại. Có lẽ tôi không thể nói ra điều đó, song ngôi nhà đã làm tôi ớn lạnh” [9, tr.56]. Cách “tôi” mở đầu câu chuyện gợi cho người đọc sự tò mò muốn khám phá bí ẩn trong ngôi nhà đó.Chuyện tình buồn và cái chết của chàng trai trẻ trong ngôi nhà được nhìn dưới đôi mắt đầy cảm thông của nhân vật “tôi”.“Tôi” thấu hiểu được tâm trạng của người quá cố, thấu hiểu được tâm trạng của cả những bậc làm cha mẹ khi thấy con mình phải chết đau đớn vì tình yêu. Nhân vật “tôi” dường như chỉ kể chuyện nhưng điểm nhìn định hướng cho người đọc vẫn xuất phát từ nhân vật “tôi” đó. “Tôi” bộc lộ cảm xúc của mình :“Chao ôi ! chắc là anh ta bị giày vò đau đớn lắm” khi nói về việc Jean khóc suốt đêm; hay khi kể về việc người mẹ chứng kiến cái chết của con mình , “tôi” không kiềm được xúc động đã thốt lên : “Ôi, những trái tim khốn khổ của con người chúng ta!”…Từ những dòng cảm xúc gắn với từng sự việc xảy ra trong câu chuyện, người đọc dễ dàng nhận thấy sự có mặt của nhân vật “tôi”.
Trong những tháng ngày được sống, gắn bó với những người dân trên quê hương mình, Daudet nhận ra những đau đớn mà con người hằng ngày phải gánh chịu
phần nhiều liên quan đến cái ăn, cái mặc. Đói nghèo, bệnh tật hành hạ thể xác và tâm hồn con người. Daudet viết về họ, phần nhiều là những truyện kể ở ngôi thứ nhất, ông để nhân vật “tôi” – cái tôi hướng nội kể lại những điều mắt thấy, tai nghe. Ông không ngại ngần để “tôi” cất lên những tiếng thở dài não nuột, bất lực trước cái nghiệt ngã của đời người. Trong truyện ngắn Nhân viên nhà đoan, nhân vật “tôi” thuật lại câu chuyện mà chính “tôi” được trải nghiệm. Tháng ngày được sống gắn bó với các nhân viên làm việc trên một con tàu lênh đênh ngoài biển, “tôi” được nghe bao nhiêu chuyện đau lòng về những người vợ đợi chồng đi biển trở về, những đứa con thơ đói khát bên bữa ăn chỉ có bánh mì mốc và hành dại. “Tôi” còn xót xa hơn nữa khi chứng kiến cái chết đau đớn vì thiếu thuốc men, vì đói khát của một nhân viên nhà đoan đáng mến. Anh ta đã ra đi mãi mãi khi ngoài kia từng con sóng biển vỗ liên hồi. Anh ta chưa được nhìn thấy những người thân yêu của mình thì đã trút hơi thở cuối cùng. Nhân vật “tôi” chỉ kể lại câu chuyện buồn ấy như kỉ niệm không thể nào quên được trong cuộc đời mình, nó trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Cái “tôi” ở đây hoàn toàn bất lực vì không thể chỉ ra được một con đường tươi sáng hơn cho nhân vật của mình, tương lai của họ tăm tối như thời cuộc tăm tối của nước Pháp lúc bấy giờ.
Đặc biệt với Ca khúc bằng văn xuôi, Daudet tự bộc lộ nỗi buồn của mình qua việc miêu tả cảnh vật đổi thay trên quê hương trong một buổi sáng mờ sương giá lạnh. Cảnh vật qua đôi mắt của “tôi” sao mà ảm đạm đến thế! Câu chuyện rất ngắn, nhưng thông qua đó chúng ta có thể nhận ra thế giới nội tâm của nhân vật tôi và nỗi lo lắng cho quê hương trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. “Tôi” ở đây chính là Daudet – nhà văn đa cảm, luôn trăn trở trước cuộc đời. Người đọc cũng dễ dàng bắt gặp được nét u buồn của nhân vật “tôi” – cậu bé France trong tác phẩm Buổi học cuối cùng, ngay ở nhan đề tác phẩm, hai chữ “cuối cùng” đã gợi lên được nỗi bi quan của “tôi”. Nhân vật thầy Hamel đáng kính qua cái nhìn của “tôi” hiện lên thật đẹp, “tôi” kể về buổi học tiếng Pháp cuối cùng của mình với vẻ ngơ ngác, thẫn thờ cùng những dòng cảm nhận riêng về Thầy giáo của mình. Thông qua lời kể của “tôi”, độc giả thấu hiểu được không chỉ tâm trạng của “tôi” mà cả tâm trạng của vị thầy giáo đáng kính. “Tôi” bây giờ không còn là cậu học trò nhỏ ham chơi nhưng đã biết suy tư về những điều đang xảy ra dưới đôi mắt ngây thơ của mình: “ Bài học tiếng Pháp
cuối cùng của tôi!” “Mà tôi thì mới viết tập toạng! Tôi sẽ chẳng bao giờ được học nữa! Chỉ đến thế này thôi ư ! …Bây giờ tôi tự giận mình về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt tuyết trên đồi Xa !” [9, tr.279]. Qua nhân vật “tôi” tác giả bộc lộ nỗi đau vô hạn của mình trước những mất mát to lớn về văn hóa khi chiến tranh tràn về. Những người dân Pháp phải chịu không chỉ là nỗi nhục nhã vì đói nghèo, thất trận mà cả nỗi nhục nhã vì những giá trị tinh thần đang bị chà đạp. Daudet muốn nhấn mạnh việc bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình liên quan đến sự sống còn của quốc gia, đó là trách nhiệm của mỗi người, là vấn đề gìn giữ danh dự của chính mình.
Cũng được kể ở ngôi thứ nhất, nhưng nhân vật “tôi” trong Nhớ doanh trại lại mượn nỗi nhớ doanh trại của anh Francois – lính đánh trống đơn vị tiền phương thứ 31 hiện đang được nghỉ kì phép nửa năm, để nói về nỗi nhớ Paris của mình. Cả hai nỗi nhớ đều được đặt dưới điểm nhìn của nhân vật “tôi”. “Tôi” cảm nhận được từ tiếng trống “răng plăng plăng” của anh lính Francois một nỗi nhớ sâu xa, không dứt được, anh ta nhớ về “chiếc cầu thang rầm rập vang dội tiếng chân”, “những ngày đi gác thú vị”, “những đêm dài gác cổng các bộ, cái chòi canh cũ hắt nước mưa”, “những chiếc găng tay bằng sợi trắng, những buổi dạo chơi trên các đồn lũy”…để qua đó “tôi” bộc bạch lòng mình: “Nếu anh nhớ doanh trại của anh, sao tôi lại không có nỗi nhớ riêng của mình! Cũng như anh, Paris của tôi đã theo tôi về đây. Anh, anh đứng dưới rặng thông mà đánh trống, còn tôi, tôi đến đây mà viết” [9, tr.181]. Một cái “tôi” hướng nội luôn mang trong lòng nỗi hoài niệm về những gì đã qua đi. Từ điểm nhìn đơn tuyến nhà văn cho phép nhân vật tôi thỏa sức tâm sự, dốc hết lòng mình qua những trang viết. Nhân vật “tôi” nhìn thấy anh lính đánh trống đang ngồi mơ màng dưới hàng thông mà đánh trống, và “tôi” cho mình cái quyền thấu hiểu hết nỗi lòng của anh ta, đặt anh ta dưới đôi mắt quan sát của mình và thông qua tâm trạng của anh ta để kể chuyện của mình. Cách mượn chuyện người để kể chuyện mình khá đặc biệt này ít thấy trong tác phẩm của Daudet.
Nhân vật “tôi” có khi không phải là nhân vật chính trong truyện, mà tác giả cốt ý chọn “tôi” chỉ là người dẫn truyện, kể lại câu chuyện của người khác. “Tôi” lúc này hoàn toàn mờ nhạt, đứng sau nhân vật của mình và đôi khi đưa ra những nhận định riêng,
trình bày suy nghĩ của mình. Những truyện viết ở dạng thức này có thể kể đến là Hai ông bà già, Chuyện người có bộ óc vàng, Con la cái của Giáo hoàng, Cô nàng tỉnh Arles, Rượu bổ của đức cha Gaucher.
Đóng vai trò là người dẫn truyện, nhân vật “tôi” thường đưa ra một lí do nào đó để có cớ mà kể lại câu chuyện, toàn bộ câu chuyện được kể có thể không liên quan gì đến “tôi”, nhưng “tôi” dường như thấu hiểu tâm trạng của từng nhân vật trong câu chuyện đó. Trong Chuyện người có bộ óc vàng, ở phần mở đầu, nhân vật “tôi” tự giới thiệu rằng sẽ kể cho một quý bà nào đó mà ông quen biết nghe một câu chuyện :
“Thưa bà, tôi cảm thấy như có điều ân hận khi được đọc thư bà. Tôi tự trách mình đã để những câu truyện của mình đượm hơi nhiều màu tang tóc, và tôi hứa hôm nay sẽ kể bà nghe một điều vui, vui đến điên lên được.” Và sau đó “tôi” còn giải thích thêm:
“Nhưng không! tôi còn ở gần Paris quá. Ngày nào Paris cũng đem lại cho tôi, đến tận hàng thông của tôi những mảnh tình buồn của nó”… “Tôi chả còn bụng dạ nào để mà vui…Thưa bà, đó là lẽ vì sao đáng lẽ được nghe kể một chuyện vui như tôi đã hứa với bà, hôm nay bà lại phải nghe một câu chuyện hoang đường sầu não” [9, tr.126–tr.127]. Người đọc không biết quý bà kia là ai, câu chuyện được bắt đầu một cách tự nhiên như một bức thư dài. Nhân vật “tôi” thông qua điểm nhìn của riêng mình mà kể, mà bộc lộ tâm trạng qua từng tình huống truyện, “tôi” ẩn mình sau các nhân vật khác và không gian truyện không phải là nơi mà “tôi” tồn tại, nhân vật “tôi” chỉ là người nghe biết và kể lại rành rẽ từng chi tiết. Câu chuyện hoang đường buồn