Quy trình tổ chức dạy học theo nhóm

Một phần của tài liệu phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh bằng việc tổ chức dạy học nhóm trong dạy học một số kiến thức phần “điện từ học” vật lí 11 thpt (Trang 49)

Để tổ chức bài lên lớp có sử dụng hình thức hoạt động nhóm cần trải qua các giai đoạn như sau: Phân tích thông tin; Xác định mục tiêu bài học; Lập kế hoạch bài giảng; Tổ chức giờ học theo nhóm; Rút kinh nghiệm.

1.5.5.1. Phân tích thông tin

Để xây dựng một giờ học hứng thú và nâng cao khả năng tự học và hợp tác ở HS, trước tiên GV cần nghiên cứu kĩ các tài liệu có liên quan đến nội dung bài học, phân tích nội dung và xác định kiến thức trọng tâm của bài, tri thức bổ trợ, những kiến thức thực tế, các ứng dụng khoa học vào cuộc sống…, Không phải toàn bộ nội dung bài học đều có thể tổ chức dạy học theo nhóm, mà chỉ có một số vấn đề mà HS có quan điểm khác nhau, cần phải tranh luận để đi đến sự thống nhất, hoặc một số vấn đề buộc các em phải hợp tác, tương tác với nhau thì mói có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng thời gian cho phép .

Ví dụ: với bài học cần có thí nghiệm thì ta có thể chọn các hoạt động như: đề xuất phương án thí nghiệm, dự đoán hiện tượng, tiến hành thí nghiệm… để tổ chức hoạt động nhóm [16], [32], [33].

1.5.5.2. Xác định mục tiêu bài học

Mục tiêu bài học được xác định rõ ràng và cụ thể cho cả ba lĩnh vực:

- Mục tiêu kiến thức: mục tiêu này được xây dựng dựa trên cơ sở sáu cấp độ nhận thức của Bloom: biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Thông thường chỉ áp dụng 3 mức độ đầu đối với HS THPT.

- Mục tiêu kĩ năng gồm: kĩ năng tìm kiếm thông tin, kĩ năng vận dụng kiến thức, kĩ năng thực hành TN; kĩ năng tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, hệ thống hóa…); ngoài ra HS cần học thêm một kĩ năng xã hội như: kĩ năng giao tiếp (trao đổi, lắng nghe – chia sẻ, trình bày, tranh luận…); kĩ năng tổ chức công việc (phân công nhiệm vụ, lãnh đạo…); kĩ năng làm việc hợp tác, kĩ năng tự đánh giá và đánh giá. Lưu ý trong mỗi bài học chỉ đưa ra 2 – 3 mục tiêu kĩ năng cần hình thành hay phát triển cho HS, như vậy mục tiêu giáo dục kĩ năng sống cho HS thông qua các giờ học mới khả thi.

mới, quan điểm mới, có ý thức làm việc hợp tác với các TV khác trong nhóm, tôn trọng thành quả lao động của người khác, có ý thức xây dựng nhóm…. Để thực hiện mục tiêu này, GV phải thiết kế được các hoạt động học tập tạo hứng thú cho người học, cung cấp cho HS thêm tư liệu bổ sung kiến thức để HS nâng cao khả năng tự học [16], [32], [33].

1.5.5.3. Lập kế hoạch bài giảng

Gồm ba bước: chọn nội dung; thiết kế các hoạt động học hợp tác; xây dựng phương án đánh giá.

a. Chọn nội dung

Không phải bất cứ nội dung nào trong bài học cũng có thể áp dụng được HTTC DH nhóm. Ta nên áp dụng với những kiến thức mang tính chất ôn tập, hệ thống hóa chương; bài học mang tính chất thực hành áp dụng lí thuyết; những vấn đề cần nhiều ý kiến tập thể; vấn đề liên quan đến thực tiễn; các câu hỏi cần có sự phân tích, tổng hợp, liên kết các kiến thức cũ và mới để có được câu trả lời chính xác… Tóm lại là những nội dung không đơn trị, không quá dễ hay quá khó, dễ kích thích sự thảo luận, hợp tác giữa các HS với nhau.

b. Thiết kế hoạt động nhóm

- Dựa vào nội dung đã chọn, GV đặt ra các mục tiêu cần đạt trên ba mặt: kiến thức, kĩ năng và thái độ. GV thiết kế các hoạt động nhóm theo cấu trúc phù hợp thông qua các hình thức như: phiếu học tập, bài tập nhóm, thảo luận, thí nghiệm…

- GV cần xây dựng hệ thống câu hỏi logic, phù hợp với trình độ HS. Tuỳ nội dung bài học mà GV có thể chia ra thành nhiều phần nhỏ khác nhau có mức độ tương đương nhau. Có thể theo hình thức mỗi cá nhân chịu trách nhiệm một phần nội dung và nhiệm vụ của cả nhóm là giải quyết một vấn đề mang tính tổng hợp các vấn đề của các thành viên hoặc GV có thể giao một đề tài nhỏ cho một nhóm HS và nhóm HS tự phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm …

- GV cần dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình HS hoạt động như: có tranh cãi gay gắt, đi lạc hướng, không hợp tác giữa các thành viên trong nhóm…

- Khi thiết kế hoạt động học tập cho HS theo hướng hợp tác, GV cần chú ý đến chỗ ngồi, sự di chuyển hợp lí của HS trong giờ học, giảm tối đa sự lộn xộn.

c. Xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá

Kiểm tra, đánh giá là một công đoạn quan trọng không thể thiếu trong QTDH, nó phản ánh kết quả của QTDH có đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra hay chưa, để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiệm vụ học tập đặt ra cho nhóm HS rất đa dạng, vì vậy tùy theo cấu trúc hoạt động mà GV định hướng cách đánh giá khác nhau về nội dung, hình thức, nhưng phải giải quyết được các điểm mấu chốt:

- Đánh giá được mức độ hoạt động của mỗi TV – để tránh hiện tượng “ăn theo”, ỷ lại, “chi phối” hay “tách nhóm”.

- Đánh giá được mức độ hợp tác của cả nhóm, có thể bằng hình thức kiểm tra một cá nhân bất kì hay kiểm tra tập thể, nhằm mục đích cho HS thấy được sự cố gắng của mỗi cá nhân đều có ý nghĩa, nó góp phần cho sự thành công của nhóm.

- Để đánh giá được sự tiến bộ của mỗi TV về mặt kiến thức và kĩ năng hoạt động thì điều lưu ý là HTTC DH theo nhóm không chỉ được áp dụng trong 1 -2 tiết học mà phải được sử dụng trong thời gian dài, nên GV phải có kế hoạch đánh giá sự thay đổi theo hướng tích cực của HS trong suốt quá trình học.

- GV cũng cần tạo điều kiện cho HS tham gia vào quá trình đánh giá lẫn nhau để HS tự biết điều chỉnh bản thân và nâng cao ý thức học tập.

- Để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của HS, GV có thể tổ chức cho HS làm bài kiểm tra cá nhân theo hình thức trắc nghiệm khác quan hay đặt câu hỏi để HS trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi phải bám sát mục tiêu bài học, đánh giá đúng được khả năng của HS.

Việc thiết kế phương án đánh giá, khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng sẽ tạo niềm tin, hứng thú của HS với môn học và với những người bạn cùng nhóm [16], [32], [33].

1.5.5.4. Tổ chức giờ học theo nhóm

Quy trình tổ chức hoạt động nhóm có thể chia thành năm bước cơ bản sau:

Bước 1: Chia nhóm

Chia nhóm ngẫu nhiên hay chia theo chủ định, phụ thuộc vào mục đích của việc hoạt động nhóm.

Có nhiều cách chia nhóm khác nhau, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà GV áp dụng như:

- Nhóm theo khu vực gia đình ở của HS. - Nhóm theo trình độ năng lực của HS. - Nhóm theo sở thích bạn bè.

- Nhóm theo cấu trúc tổ chức của lớp như tổ, nhóm.

- Nhóm theo chỗ ngồi hay chọn một nhóm hỗn hợp có đủ thành phần HS giỏi, khá, trung bình, yếu…

- Nhóm được chia theo ngẫu nhiên…

Lưu ý đến kích cỡ nhóm, tùy thuộc vào nhiệm vụ và yêu cầu cần đạt mà GV quyết định số người tham gia trong một nhóm. Thời gian hoạt động nhóm cũng ảnh hưởng đến việc chia nhóm, nếu thời gian cần cho hoạt động nhóm ngắn thì nhóm nhỏ ít HS sẽ có hiệu quả hơn nhóm lớn. Một nhóm có khoảng từ 2 đến 6 HS là đạt hiệu quả nhất.

Sau khi chia nhóm, HS phải chủ động hình thành nhóm và phân công nhiệm vụ các thành viên trong nhóm:

- Trưởng nhóm: điều khiển nhóm, hướng dẫn các thành viên tham gia vào các hoạt động, giải thích rõ nhiệm vụ hoạt động của nhóm, tóm tắt, kiểm tra lại xem mọi thành viên đã hiểu vấn đề chưa, giải quyết các “ mâu thuẫn” trong quá trình hoạt động nhóm.

- Thư kí: Ghi chép mọi ý kiến, biên tập, tóm tắt các ý kiến. - Báo cáo: thay mặt nhóm báo cáo kết quả.

- Phân bố thời gian: theo dõi và thông báo thời gian cho hoạt động nhóm, cùng các thành viên trong nhóm phân bố thời gian thích hợp cho từng vấn đề, tránh hiện tượng “cháy thời gian”.

Bước 2: Giao nhiệm vụ

- Giao nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng. GV có thể sử dụng câu hỏi mở hay đóng tùy vào nội dung yêu cầu và thường được sử dụng theo hình thức PHT để HS hiểu và nắm rõ nhiệm vụ.

mục tiêu cụ thể cần đạt được. Nhiệm vụ của các nhóm có thể là giống nhau, nhưng cũng có thể khác nhau.

- GV cần hướng dẫn HS cách thực hiện, cách hợp tác với TV khác, cung cấp tài liệu cho HS nếu cần thiết…

- GV cần quy định rõ về thời gian hoàn thành nhiệm vụ đủ để HS di chuyển và thảo luận, đồng thời HS chủ động phân bố thời gian phù hợp với công việc.

- GV cần phổ biến cách đánh giá, chấm điểm cá nhân và nhóm cho HS nắm rõ, việc làm này sẽ tránh được sự ỷ lại của một số TV lười biếng.

Bước 3: Làm việc trong nhóm

Tùy theo HTTC DH theo nhóm mà GV hướng dẫn HS sắp xếp lại bàn ghế, bố trí vị trí chỗ ngồi cho từng nhóm. GV cần bố trí chỗ ngồi sao cho các thành viên trong nhóm dễ dàng chia sẻ tài liệu, trao đổi và thảo luận.

GV hướng dẫn cho các nhóm tiến hành làm việc theo các bước sau: - Các nhóm ổn định chỗ ngồi, bầu nhóm trưởng và thư kí.

- Nhóm trưởng phân công công việc trong nhóm.

- Nhóm đề ra các quy tắc làm việc của nhóm (nếu cần thiết). - Cá nhân thực hiện công việc đã phân công.

- Thảo luận trong nhóm để giải quyết nhiệm vụ. - Ghi lại kết quả làm việc.

Nhóm trưởng sẽ phân việc cụ thể cho mỗi TV. Nếu nhiệm vụ của nhóm được chia thành các mảng nhỏ thì mỗi TV phải nỗ lực hoàn thành phần việc của mình, sau thời gian làm việc cá nhân kết thúc sẽ chuyển nhanh sang phần làm việc trong nhóm là thảo luận, chia sẻ thông tin, kiến thức để giải quyết nhiệm vụ được giao.

Nếu nhiệm vụ nhóm là một vấn đề không cần chia nhỏ, không có thời gian cho cá nhân làm việc riêng, thì việc thảo luận, lấy ý kiến được tiến hành trực tiếp và khi đó nhóm trưởng có vai trò đôn đốc, hướng dẫn cũng như tạo môi trường làm việc cởi mở thân thiện cho cả nhóm, thư kí có trách nhiệm ghi chép tất cả các ý kiến, ý tưởng của các TV.

Trong quá trình hoạt động, nếu có những vướng mắc mà nhóm không giải quyết được thì trao đổi với GV. GV theo dõi quá trình hoạt động của các nhóm, hướng dẫn,

góp ý và điều chỉnh hoạt động của các TV cũng như các nhóm khi cần thiết.

Bước 4: Báo cáo kết quả

Gần hết thời gian, các nhóm thống nhất lại các kết quả đã thảo luận, thảo luận cách trình bày kết quả của nhóm và sẵn sàng để báo cáo theo kế hoạch đã đề ra.

- Đại diện các nhóm trình bày kết quả của nhóm mình. Thông thường trình bày miệng hoặc trình miệng với báo cáo viết kèm theo. Có thể trình bày có minh họa thông qua biểu diễn hoặc trình bày mẫu kết quả làm việc nhóm.

- Các TV còn lại lắng nghe, đối chiếu kết quả với kết quả của nhóm mình và góp ý, bổ sung, sửa chữa (nếu có).

- GV nhận xét kết quả của các nhóm và đưa ra kết luận chung.

Bước 5: Đánh giá

Đánh giá là công đoạn cuối cùng trong giờ học nhưng có tác động rất lớn đến HS. Tùy nội dung mà GV đưa ra tiêu chí đánh giá, có thể cho HS tham gia vào giai đoạn này. Phương án đánh giá cần chính xác, công bằng để HS nhận thấy được sự cố gắng của mỗi cá nhân trong nhóm đều có dấu ấn trong sự thành công của nhóm. Việc khen thưởng cá nhân hay tập thể nhóm chính xác sẽ kích thích các TV chia sẻ và hợp tác với nhau tốt hơn, HS sẽ nhận thức được: muốn được thưởng thì ngoài sự cố gắng của cá nhân còn phải phụ thuộc vào thành tích chung của nhóm.

Để đánh giá kết quả hoạt động nhóm chính xác, GV không chỉ đánh giá kết quả đạt được sau khi hoạt động nhóm, mà còn phải đánh giá cả quá trình hoạt động nhóm diễn ra. Việc đánh giá kết quả hoạt động nhóm cần phối hợp giữa việc tự đánh giá của mỗi nhóm , việc đánh giá lẫn nhau của các nhóm, với sự đánh giá của GV theo các bước sau:

- Từ kết quả báo cáo của mỗi nhóm, các nhóm nhận xét, đánh giá lẫn nhau theo các tiêu chí đã đề ra.

- Tiếp đến, các TV trong mỗi nhóm tự đánh giá hoạt động chung của nhóm mình: những mặt được, chưa được, những sai lầm mắc phải, những thiếu sót cần khắc phục. Bên cạnh đó, các nhóm đánh giá hoạt động của từng TV trong nhóm: nhận xét về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, lấy vài ví dụ để thấy đuợc vai trò hoạt động tích cực của cá nhân đã ảnh hưởng đến kết quả của cả nhóm. Việc

đánh giá cần tiến hành một cách khách quan, trung thực.

- Sau cùng, GV nhận xét chung về hoạt động của cả lớp, hoạt động của từng nhóm, nhận xét về sự hợp tác của các TV, khen ngợi các nhóm hợp tác tốt, chỉ ra nguyên nhân của các sai lầm mà các nhóm mắc phải. GV nêu ra cho HS thấy các kĩ năng được hình thành trong từng giai đoạn hoạt động và cho HS tự đánh giá các kĩ năng đó của bản thân đạt mức độ nào. Bên cạnh đó, GV cũng cần nghe sự phản hồi từ phía HS về khó khăn và cảm xúc khi tham gia bài học với HTTC DH theo nhóm.

Ngoài ra, để kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức của HS, GV có thể tổ chức cho HS làm bài kiểm tra cá nhân theo hình thức trắc nghiệm khách quan, tổ chức chấm chéo, công bố kết quả và nhận xét kết quả sau khi kết thúc hoạt động nhóm hay sau khi kết thúc bài học [16], [32], [33]..

1.5.5.5. Rút kinh nghiệm

Việc rút kinh nghiệm được thực hiện khi đã có kết quả kiểm tra sau giờ học, trước tiên GV rút kinh nghiệm về các mặt:

- Mục tiêu đặt ra đã hoàn thành hay chưa? Nếu chưa thì tại sao?

- Trong quá trình hoạt động của HS có vấn đề gì bất cập không?

- Xử lí kết quả hợp tác của HS có phản ánh được đúng sự thật không?

- Đối với HS, việc rút kinh nghiệm được thực hiện ở trên lớp phải diễn ra nhanh chóng, đầy đủ, có trình tự và logic như sau:

- Tự nhận xét về hoạt động chung của các nhóm.

- Tự nhận xét về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, lấy vài ví dụ để thấy được vai trò hoạt động tích cực của cá nhân đã ảnh hưởng đến kết quả của nhóm.

- Nhận xét về hoạt động cộng tác của các TV, GV cần khen ngợi các nhóm hợp tác tốt, chỉ ra nguyên nhân của các nhóm có kết quả kiểm tra chưa cao.

- GV nêu cho HS thấy các kĩ năng được hình thành trong từng giai đoạn hoạt động và cho HS tự đánh giá các kĩ năng đó của bản thân đạt mức độ nào.

Một phần của tài liệu phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh bằng việc tổ chức dạy học nhóm trong dạy học một số kiến thức phần “điện từ học” vật lí 11 thpt (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)