TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG NHTM VIỆT NAM

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM.PDF (Trang 40)

Trong nền kinh tế hiện nay, hệ thống NHTM giữ vai trò vô cùng quan trọng và là cầu nối giữa các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các cá nhân trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế vào ngân hàng và thực hiện phân phối lại vốn tiền tệ nhàn rỗi đó dưới hình thức cho vay, đầu tư để phát triển nền kinh tế.

Từ những năm 1986, khi bắt đầu thực hiện đổi mới hệ thống ngân hàng từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp, tính đến nay hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Theo thống kê của NHNN, tính đến thời điểm 31/12/2012, ở Việt Nam có 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển, 5 NHTM nhà nước, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài, 49 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 34 NHTM cổ phần. Xét về quy mô, số lượng NHTM cổ phần vừa và nhỏ chiếm trên 90% tổng số ngân hàng.

Đối với quy mô vốn của NHTM, theo nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006, Chính phủ yêu cầu các NHTM cổ phần có lộ trình tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng vào ngày 31/12/2010, nhưng lộ trình này đã không được thực hiện thành công. Tính đến thời hạn năm 2010, còn có 9 ngân hàng có vốn điều lệ chưa đủ 3.000 tỷ đồng và 13 ngân hàng khác có mức vốn điều lệ dưới 4.500 tỷ đồng. Trước tình hình đó, ngày 26/01/2011 Chính Phủ đã phải ban hành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định trên. Theo đó, các NHTM được lùi thời điểm tăng vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào ngày 31/12/2011. Các NHTM đã cố gắng và đạt được vốn điều lệ lệ tối thiểu trong năm 2011 ngoại trừ ngân hàng PGBank và BaovietBank đến đầu năm 2012 mới hoàn

thành mục tiêu.

Theo thống kê của NHNN, mặc dù số lượng NHTM cổ phần lớn gấp 6 lần NHTM nhà nước, nhưng tổng vốn tự có chỉ khoảng 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng thấp hơn so với các NHTM nhà nước, chỉ có một số NHTM cổ phần có quy mô lớn là đạt hiệu quả cao. Điều đó cho thấy, sự gia tăng về số lượng các NHTM cổ phần không đồng hành với tăng chất lượng và quy mô. Do đó, các ngân hàng cần thực hiện tái cấu trúc lại theo hướng giảm và loại bỏ các ngân hàng yếu kém nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Một hệ thống NHTM mạnh là đủ sức thực hiện các yêu cầu của nền kinh tế về phương diện từ huy động được vốn nhàn rỗi đến đáp ứng nhu cầu về vốn của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Mặt khác khi nền kinh tế đã tiếp nhận được nguồn vốn tín dụng do hệ thống NHTM cung cấp thì việc sử dụng nó để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế phải đạt yêu cầu. Nguồn vốn đó phải thúc đẩy các cá nhân, tổ chức tăng sản xuất, kinh doanh và có thu nhập bù đắp lại chi phí để có tiền trả nợ và lãi cho NHTM.

Hệ thống NHTM có sự phát triển rất nhanh về mạng lưới, mỗi NHTM lại có hàng chục chi nhánh, hàng trăm phòng giao dịch hoạt động. Các NHTM lại phải đối mặt với việc cạnh tranh nhau, thậm chí cạnh tranh ngay trong các định chế tài chính đó là các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, chứng khoán. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển của nền kinh tế về việc tập trung nguồn vốn nhàn rỗi của nền kinh tế vào ngân hàng và thực hiện việc phân phối nguồn vốn nhàn rỗi đó cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các cá nhân sử dụng. Từ đó mang lại hiệu quả cao đối với nền kinh tế đang “khao khát” nguồn vốn để phát triển.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM.PDF (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)