Trong những năm cuối 1980 đầu những năm 1990, Thụy Điển đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng. Ngay khi nền kinh tế bị tác động bởi một vài cú sốc bên ngoài, một loạt doanh nghiệp bị đổ vỡ, bong bóng bất động sản và chứng khoán xì hơi. Hậu quả là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng rất nhanh, đẩy một số ngân hàng đến bờ vực phá sản, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ khủng hoảng và suy thoái.
Trong hai năm 1992-1993, Thụy Điển đã thực hiện một cuộc cải cách hệ thống ngân hàng ngoạn mục, được nhiều nhà kinh tế đánh giá là một cuộc cách mạng thành công nhất trong lịch sử ngân hàng hiện đại. Không những tránh được sự đổ vỡ tài chính liên hoàn, kinh tế Thụy Điển tăng trưởng rất ấn tượng những năm sau đó và Chính phủ nước này đã gần như thu lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra cứu trợ. Bên cạnh việc phá giá đồng nội tệ, chính đợt cải tổ hệ thống ngân hàng mới là chìa khóa thành công của Thụy Điển.
Trước nguy cơ đổ vỡ của hàng loạt ngân hàng, đầu năm 1992, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố đảm bảo toàn bộ số vốn của người dân và doanh nghiệp gửi hoặc
đầu tư trong hệ thống ngân hàng ngoại trừ vốn của giới chủ ngân hàng. Tiếp đó, Thụy Điển quốc hữu hóa và hợp nhất hai ngân hàng Gotabanken và Nordbanken, ở thời điểm đó không còn đủ vốn chủ sở hữu theo luật định. Sau khi quốc hữu hóa, Thụy Điển tách số tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản và giao cho hai công ty quản lý tài sản (AMC- Asset Management Company) quản lý riêng. Đến năm 1997, các AMC đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ và được giải thể. Ngân hàng Nordbanken cũng dần dần được tư hữu hóa và đổi tên là Nordea. Toàn bộ chi phí cho việc cải tổ hệ thống ngân hàng ở Thụy Điển vào khoảng 4% GDP nhưng sau khi tư hữu hóa Nordbanken và thanh lý AMC ngân sách Thụy Điển đã thu lại được gần như toàn bộ số tiền trên.