7. Bố cục khóa luận
2.2.4.1 Đoạn miêu tả với chức năng phân đoạn cụ thể
Đoạn miêu tả có chức năng phân đoạn cụ thể được tác giả sử dụng như một phương tiện liên kết, ngoài ra nó còn có một vai trò to lớn trong việc đem lại cho những tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi “thông tin bổ sung, thông tin tu từ học, thông tin thẩm mỹ”.
Trong truyện ngắn O Chuột, Tô Hoài đã sử dụng đoạn miêu tả với chức
năng này:
“Trời đã xế chiều rồi. Một chiều thu êm ả. Vài gợn nắng vàng nhạt đọng trên những tàu cau rách rưới màu xanh om. Bên nhà ngang, tiếng guồng tơ quay đều đều. Trên đường cái, lũ trẻ con đi học về, vừa chạy thi nhau vừa la, nghe vang động xa vời vợi. Ngoài giếng khơi, người ta kéo nước rào rào. Cái gáo mo lạt sạt đụng vào thành giếng đá”
[25, Tr 115] Đoạn văn trên miêu tả cảnh xế chiều và những sinh hoạt thường nhật của người dân lúc cuối ngày. Nó có tác dụng phân đoạn chuyển từ đoạn miêu tả ngoại hình của chàng mèo mướp sang miêu tả hành động. Mèo thường làm nhiệm vụ bắt chuột vào ban đêm bởi khi màn đêm yên tĩnh, mọi sinh hoạt của con người ngưng lại là lúc lũ chuột thường hoạt động mạnh nhất.
Bằng lối văn nhẹ nhàng Tô Hoài đã miêu tả cảnh chiều tà với những ngôn từ hết sức mới lạ “nắng vàng nhạt đọng trên những tàu cau rách rưới màu xanh om”. Điểm vào bức tranh đó là cảnh sinh hoạt cuối ngày của người dân với những thanh âm tươi vui của cuộc sống: Tiếng guồng quay tơ, tiếng cười nói la hét của lũ trẻ đi học về, tiếng kéo nước đụng vào thành giếng đá,… Tất cả tạo nên một cuộc sống thanh bình ở làng quê vùng Bắc Bộ.
Đoạn miêu tả có chức năng phân đoạn cụ thể rất rõ. Nó đánh dấu cho việc chuyển cảnh và thời gian trong ngày một cách lôgic. Sau thời khắc cuối ngày, màn đêm sẽ bao phủ nhanh chóng, là thời điểm hoạt động của chú mèo mướp rình bắt lũ chuột nhà. Việc sử dụng đoạn miêu tả như thế này giúp người đọc có cái nhìn rõ rệt về cảnh vật, đồng thời cũng thấy được sự chuyển biến của nó. Đây cũng chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Trong tiểu thuyết Quê nội, Võ Quảng cũng sử dụng đoạn miêu tả với
chức năng này:
“Tôi ngồi trên lưng con Bĩnh, lòng đầy ấm ức. Con Bĩnh nặng nề bước từng bước chậm chạp. Tiết trời đã chuyển. Những trận gió nam từ lâu ngớt thổi. Khắp trời mù mịt. Ngàn dâu không xanh như mấy tháng trước. Khắp bãi dâu ngả màu trắng đục. Dâu trên cành chỉ còn những chùm lá li ti như tụm lông chim”
[16, Tr 45] Đoạn miêu tả trên nằm ở đầu chương 6 đã thực hiện chức năng phân đoạn, là chuyển từ chương 5 sang chương 6 của tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết chương hồi, để chuyển sang hồi, sang phần tiếp theo tác giả thường sử dụng kiểu kết cấu: “Muốn biết sự việc xảy ra như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”.
Tuy nhiên Quê nội của Võ Quảng là một tiểu thuyết hiện đại, vì vậy kết
cấu của nó sẽ khác với tiểu thuyết chương hồi. Để chuyển sang phần sau của tác phẩm tác giả đã sử dụng một đoạn miêu tả để thể hiện. Đoạn miêu tả này
còn đánh dấu việc chuyển thời tiết: Gió nam ngừng thổi, trời đất mù mịt, ngàn dâu không xanh,… Người dân Hòa Phước sống bên bờ sông Thu Bồn với nghề chính là trồng dâu nuôi tằm nhưng thời tiết đang dần thay đổi, mùa lụt đang đến rất gần, vì vậy họ phải gấp rút hoàn thành lứa tằm cuối cùng.
Như vậy đoạn miêu tả đã thực hiện chức năng của nó theo ý đồ nghệ thuật của tác giả. Sự phân đoạn này giúp người đọc đưa cảm nhận của mình từ trạng thái này sang trạng thái khác, hướng vào một cảnh vật mới và tiếp tục khám phá, tìm hiểu tác phẩm.