7. Bố cục khóa luận
2.2.2.1. Đoạn miêu tả với chức năng ngụ tình
Những tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi không chỉ được các em nhỏ say mê mà còn hấp dẫn cả người lớn. Bởi chất liệu văn chương của những tác phẩm ấy không chỉ là hiện thực cuộc sống mà chủ yếu, trên hết là tình cảm con người.
Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi nhiều mộng mơ, tâm hồn các em rất mỏng manh vì thế các em rất dễ nhạy cảm và xúc động trước những câu chuyện giàu tính nhân văn. Thiên nhiên trong nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi là thiên nhiên tâm trạng và thích ứng với tâm trạng nhân vật. Bởi thế miêu tả thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng nhân vật qua đó soi rõ bản chất nhân phẩm của nhân vật. Đoạn văn miêu tả thiên nhiên là nhằm diễn tả những cảm xúc tinh tế, thuần khiết của nhân vật. Các tác giả viết truyện cho thiếu nhi đã sử
dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình linh hoạt trong tác phẩm theo hai hướng tương đồng và tương phản.
2.2.2.1.1. Cảnh vật được miêu tả tương đồng với tình cảnh của đối tượng
Khi cảnh vật được miêu tả tương đồng với tình cảnh của đối tượng thì thông qua cảnh vật ấy người đọc thấy được những thông tin trực tiếp hay gián tiếp về đối tượng. Người đọc sẽ hình dung ra đối tượng thông qua cảnh vật bằng liên tưởng tương đồng.
Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi đã sử dụng đoạn
miêu tả với chức năng này:
“Tôi đứng lặng đi một lúc lâu, bàng hoàng không biết đáp ra sao.
Trước mắt tôi, dòng kênh xanh ngắt lặng lẽ chạy hút vào chân trời. Một cánh buồm nhỏ xíu bồng bềnh trên khói nước, ở một nơi nào xa lắm, đôi khi không trông rõ, dường như nửa thực nửa hư. Quay nhìn về hướng quê nhà, chỉ thấy mây trời đùn cao như núi. Ngày mai tôi sẽ sống ra sao, tôi chưa biết. Tôi chẳng ở đây thì còn ở đâu nữa? Tôi gật đầu, chẳng nghĩ ngợi gì”.
[4, Tr 20] Truyện viết về cuộc đời lưu lạc của cậu bé An ở vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cậu bị lạc bố mẹ từ khi còn nhỏ được anh học sinh trường Cô - le cho theo thuyền lương thực tới vùng Chợ Lớn thì bị lạc thuyền do ham vui. Đang lúc bơ vơ thì em lại được bà chủ quán rượu thương tình giữ lại làm chân chạy bàn. Đoạn văn miêu tả đã nói đúng tâm trạng của cậu bé An lúc này: “Dòng kênh xanh ngắt lặng lẽ chạy hút vào chân trời”, quê nhà ở nơi đâu An không biết, chỉ thấy nó “xa lắc xa lư”, có lẽ em sẽ không thể nào tìm thấy đường về nhà. “Một cánh buồm nhỏ xíu bồng bềnh trên khói sóng”, đó phải chăng là sự cô đơn lẻ loi, vô định của kiếp người hay cũng chính là tâm trạng của An khi phải một mình lưu lạc, bơ vơ nơi đất khách quê người. An “quay nhìn về hướng quê nhà, chỉ thấy mây trời đùn cao như núi’. Nỗi tuyệt vọng
như dâng kín trong lòng. Em sẽ sống ra sao khi không có ai thân quen bên cạnh. Vì thế, trước câu nói của dì Tư Béo: “Tao thấy mày sống hổm rày như con chó hoang. Tội quá! Về đây mà ở, tiếp giúp tao việc vặt trong quán. Mày sẽ tha hồ ăn, tha hồ uống” thì An “gật đầu, chẳng nghĩ ngợi gì”.
Thiên nhiên trong đoạn văn trên rất phù hợp với tâm trạng của An. Thông qua đoạn miêu tả này người đọc dễ dàng nhận ra tâm trạng của cậu bé An. Đó là nỗi nhớ quê hương da diết, nỗi buồn, sự cô đơn và tâm trạng lo lắng xen lẫn nỗi sợ hãi. Cảnh vật ở đây được miêu tả tương đồng với đối tượng. Đoàn Giỏi đã thành công trong việc miêu tả thiên nhiên để nói hộ tâm trạng con người.
Một đoạn khác trong tiểu thuyết Tảng sáng của nhà văn Võ Quảng
cũng tạo ra sự liên tưởng tương đồng như vậy:
“Suốt năm 1946 là mùa xuân. Mùa xuân như kéo dài đến tháng Mười.
Mùa mía đường đã qua, tôi chưa thấy mía nào ngọt bằng mía năm đó. Đến mùa tằmm tơ, tôi chưa thấy sợi tơ nào mượt bằng sợi tơ năm đó. Ngô nướng có một vị ngọt khác thường. Dọc đường đầy tiếng chim. Tiếng bồ chao vang lừng. Tiếng bồ cát ấm áp. Và thật kì diệu! Núi non bỗng sáng lên rời rợi. Cỏ cây dọc đường rung lên, reo vui, trò chuyện. Lúc tôi còn líu áo mẹ theo vào chợ chiều, con đường làng xa xôi như dài đến xứ… Tây Trúc. Con đường ngắn dần, cho đến năm 1946 nó bỗng dài ra thênh thang vô tận. Tôi đi dọc đường gặp toàn những nụ cười thân mến. Chuyện ném đất đá vào đầu ông Rốn Rị hóa xa xôi thành chuyện thời trước. Trong làng, những đứa láo xược nhất không còn gọi tôi bằng thằng, “thằng Cục chăn trâu, bị một cục u trên trán”. Ông thợ mộc ngoài Vạn không còn hỏi tôi có giấu chơi chiếc đục. Ông còn mời tôi uống bát nước chè. Tôi và thằng Cù Lao được cả ông Tư Trai mời nếm món mắm ngon của Đà Nẵng”.
Trong bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, có lẽ mùa xuân là mùa đẹp nhất. Nó đã đi vào trong thơ ca nhạc họa: “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la, cây xanh tươi cho lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà…”. Mùa xuân đẹp bởi đây là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, thiên nhiên căng tràn nhựa sống. Bởi thế trong con mắt của chú bé Cục suốt năm 1946 là mùa xuân của đất nước. Chỉ cần một đoạn miêu tả ngắn gọn, Võ Quảng đã diễn tả được niềm vui sướng hân hoan trong tâm hồn con người. Niềm vui đó lan rộng tới từng ngõ ngách xóm làng, từng con người nơi nhân vật “tôi” đang sống hòa với niềm vui chung của cả dân tộc.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công nhưng nước ta lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vì vậy nhiệm vụ trước mắt là phải diệt giặc đói, giặc dốt. Đến năm 1946, cơ bản nhiệm vụ đó đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nước nhà độc lập, còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui đó.
Để khắc sâu tâm trạng ấy, tác giả đã sử dụng đoạn miêu tả với những hình ảnh, cảnh vật và con người tươi vui, tràn ngập âm thanh để diễn tả niềm vui và sự đổi thay kì lạ: đầy đường tiếng chim hót, tiếng bồ chao vang lừng, bồ cát ấm áp và tiếng cười thân thiện của những người dân trong làng. Thứ gì qua con mắt của chú bé Cục cũng đạt đến độ tuyệt đỉnh: mía ngọt nhất trong các năm, tơ không năm nào mượt bằng sợi tơ năm đó, con đường bỗng dài ra thênh thang vô tận, …, đặc biệt người dân ai chũng trở nên thân thiện và trừu mến hơn. Đây chính là niềm vui của những con người được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đoạn văn làm người đọc nhớ đến những câu thơ
của Nguyễn Đình Thi trong bài thơ Đất nước:
“Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta
Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Võ Quảng thật tinh tế và sâu sắc khi sử dụng đoạn miêu tả để diễn tả tâm trạng của nhân vật. Miêu tả cảnh tương đồng với tâm trạng của nhân vật thông qua cảnh, nhờ cảnh mà các sự kiện nội tâm nhân vật trở nên dễ hiểu hơn và cũng chính vì vậy đoạn miêu tả góp phần làm liên kết lôgic giữa các sự kiện và tổ chức văn bản.
2.2.2.1.2 Cảnh được miêu tả đối lập với tình cảnh của đối tượng
Trong Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài đã sử dụng đoạn miêu tả với chức
năng này:
“Nằm tròn trong đít giỏ, tôi đưa mắt nhìn lần cuối cùng phong cảnh
nơi tôi ở. Cỏ non xanh rờn, nước bạc mênh mang.Nắng vàng rải trên lá cây, vàng một màu tươi lạ lùng, lòng tôi đau như cắt. Hai hàng nước mắt tuôn rơi. Dần dần mỗi bước một xa. Ngoảnh đầu lại không trông thấy nữa, thế là khuất hẳn. Phen này tôi tất chết”.
[3, Tr 21]
Nhờ “ăn uống có điều độ và làm việc có chừng mực” nên Dế Mèn “trở
thành một chàng dế thanh niên cường tráng”. Dế Mèn được làm “bá chủ” nơi cái đầm nước nhỏ của quê hương. Vì thế dế luôn tự hào và kiêu hãnh về bản thân. Nhưng giờ đây, Dế Mèn bị bọn trẻ con bắt được và đang phải nằm trong “đít giỏ” nhìn ngắm thiên nhiên nơi ở lần cuối cùng.
Đoạn văn miêu tả cảnh thiên nhiên tương phản với tâm trạng của Dế Mèn. Với sự quan sát tinh tế, ngôn ngữ kể chuyện cuốn hút, thiên nhiên được nhà văn Tô Hoài miêu tả vô cùng tươi đẹp đầy màu sắc: màu xanh của những đồng cỏ non tơ, màu bạc của dòng nước mênh mang, và màu vàng tươi của nắng rải trên lá cây. Cảnh đẹp này đối lập với tâm trạng của Dế Mèn khi đang bị bắt và nhốt trong giỏ, chờ làm mồi cho bọn mấy loài gia cầm. Từ nay Dế
Mèn sẽ vĩnh viễn phải rời xa nơi này, rời xa cuộc sống tươi đẹp mà mình đang có. Nghĩ vậy lòng Dế Mèn “đau như cắt”, “nước mắt tuôn rơi” bởi Dế Mèn còn yêu cuộc sống và thiên nhiên nơi này biết bao! Miêu tả đối lập, Tô Hoài muốn tô đậm tâm trạng đau đớn tuyệt vọng của Dế Mèn. Dế Mèn ưa phiêu lưu, thích sống tự do vậy mà lại rơi vào hoàn cảnh thật đáng thương.
Truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê có đoạn tả cảnh đối
lập với tâm trạng của nhân vật rất tiêu biểu:
“Sáng nay dậy sớm, tôi khẽ mở cửa rón rén đi vào vườn, ngồi xuống
gốc cây hồng xiêm. Chợt thấy động phía sau, tôi quay lại: em tôi đã theo tôi ra từ lúc nào. Em lặng lẽ đặt tay lên vai tôi. Tôi kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc.
Chúng tôi cứ ngồi im như vậy. Đằng đông, trời hửng dần. Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện màu sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu.
Ngoài đường tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi mỗi lúc một ríu ran. Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này”.
[5, Tr 74] Hai anh em vô cùng đau buồn vì sắp phải chia tay nhau do bố mẹ li dị. Tác giả đã miêu tả cảnh thiên nhiên đối lập với tâm trạng đó: trời hửng dần, những bông hoa thược dược khoe bộ cánh rực rỡ, chim sâu nhảy nhót trên cành, tiếng xe máy, ô tô, tiếng cười nói của những người đi chợ ríu ran,… Cảnh vật được miêu tả tương phản với tâm trạng nhân vật: cảnh thì vui còn người thì buồn.
Tác giả đã khéo léo đan cài đoạn miêu tả này với ngụ ý muốn nói với chúng ta: mọi thứ xung quanh, cuộc sống vẫn màu hồng, duy chỉ có hai anh
em phải đau khổ, phải chịu bất công mà người gây ra điều đó lại chính là những bậc làm cha làm mẹ. Miêu tả đối lập có tác dụng tô đậm sự cô đơn, bất hạnh của hai anh em. Câu chuyện đặt ra quyền trẻ em và trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy và yêu thương con cái.