7. Bố cục khóa luận
2.2.1.1. Đoạn miêu tả với chức năng trang trí
Trang trí là “trình bày, bố trí các vật có hình khối, đường nét, màu sắc khác nhau sao cho tạo ra một sự hài hòa làm đẹp mắt một khoảng không gian nào đó” [10, Tr 1023].
Trong tác phẩm tự sự để làm cho câu chuyện đẹp hơn, hấp dẫn hơn, gần với đời sống thực hơn và làm cho tác phẩm có chất thơ hơn, các nhà văn đã sử dụng những đoạn miêu tả với chức năng trang trí.
Những tác phẩm viết cho thiếu nhi cuốn hút tuổi thơ và bạn đọc nói chung do có cốt truyện hấp dẫn, nhân vật sống động, ngôn ngữ có duyên, tự nhiên, giàu chất thơ; các sự kiện và chi tiết có khả năng tạo ấn tượng mạnh hoặc mang tính hài hước; đặc biệt là việc sử dụng những trang văn đẹp với một tỉ lệ cao những đoạn miêu tả với chức năng trang trí. Khảo sát trong một số tác phẩm viết cho thiếu nhi chúng tôi nhận thấy đoạn miêu tả với chức năng trang trí được sử dụng 25 lần (25,8%).
Đoạn miêu tả sau đây trong tác phẩm Đất rừng phương Nam có chức
năng như vậy:
“Buổi sáng đất rừng thật là yên tĩnh. Trời không gió, nhưng không khí vẫn mát lạnh. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh.”
[8, Tr 134]
Đất rừng phương Nam là truyện viết cho thiếu nhi thành công nhất của
Đoàn Giỏi. Không chỉ thiếu nhi say mê mà người lớn cũng yêu thích tác phẩm này. Câu chuyện kể về cậu bé An, trong lúc theo gia đình chạy giặc đã bị lạc. Em lang thang phiêu bạt khắp miền Tây Nam Bộ, từ Tiền Giang đến mũi Cà
Mau. Qua đôi mắt của cậu bé An, từng vùng đất, từng con người của đất rừng phương Nam hiện lên lung linh, hùng vĩ, chưa bị bàn tay con người tàn phá. Những cánh rừng tràm bạt ngàn, hoang sơ, dòng sông mênh mông, chim cá đầy đàn…
Đoạn văn trên tiêu biểu cho vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ, mang những đặc trưng của vùng Nam Bộ với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đất rừng hiện lên chưa bị bàn tay con người tàn phá nên còn giữ được vẻ đẹp thanh khiết, không khí trong lành như vừa được gột rửa, thứ ánh sáng ban mai trong vắt, óng ánh trên những đầu hoa tràm. Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ” đã từng miêu tả thứ ánh sáng tinh khôi và vẻ đẹp của nhà vườn Huế:
“…Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc…”
Nhưng đó là thiên nhiên của xứ Huế, còn đoạn văn trên thiên nhiên lại mang những đặc trưng của đất rừng phương Nam. Đoàn Giỏi sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh và biện pháp so sánh độc đáo: bầu không khí được cảm nhận “như bao qua một lớp thủy tinh” đã làm tăng thêm trí tưởng tượng cho độc giả.
Một đoạn miêu tả khác trong tác phẩm Đất rừng phương Nam:
“Thuyền chúng tôi cứ xuôi theo dòng nước. Hai bên bờ sông, hết lá dừa nước thì đến gai chà là. Rừng cây chà là với những ngọn san sát giao nhau, mặt trời phải khổ sở lắm mới chiếu xuyên qua được những tàu gai dày đặc, để lọt một vài đốm sáng xuống mặt đất sình lầy đen kịt. Nhiều con rắn mai gầm khoang đen khoang vàng nằm khoanh như những đống dây thừng, nghếch mồm lên gốc cây chà là mọc sát mé nước đã bị sét đánh cháy thành than. Đôi khi tôi quơ mái chèo gạt lên mình rắn mà nó cũng không thèm chạy. Hết rừng chà là lại đến đồng cỏ. Bốn mặt chân trời, sắc cỏ nối liền với sắc trời xanh biếc. Loài cỏ cao xứ nhiệt đới cao lấp mất đầu người, mọc lưu niên trên những đầm lầy, bất
cứ mùa nào cũng vươn thẳng ngọn xanh reo hát dưới mặt trời. Lâu lâu, gió từ biển thổi vào lướt chạy vi vu trên đầm cỏ; gió chạy đến đâu, cỏ rạp mình cúi xuống đến đó, làm cho cánh đồng cứ gợn lên như sóng nổi”.
[10, Tr 214] Lại là sự quan sát tinh tế, giàu hình ảnh và liên tưởng, đặc biệt là việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: “mặt trời phải khổ sở lắm mới chiếu xuyên qua được những tàu gai dày đặc”; cỏ “vươn thẳng ngọn xanh reo hát dưới mặt trời”, “rạp mình cúi xuống”; gió “lướt chạy vi vu trên đồng cỏ”, biện pháp so sánh: “nhiều con rắn khoang đen khoang vàng nằm khoanh như những đống dây thừng”, gió làm cho cánh đồng cỏ “cứ gợn lên như sóng nổi” đã làm cho tác phẩm thêm sinh động, hấp dẫn. Qua đoạn miêu tả này thiên nhiên hiện lên vô cùng tươi đẹp mang những đặc trưng của đất rừng phương Nam. Theo chiếc thuyền của cậu bé An và Cò chạy dọc theo dòng kênh những rừng cây chà là hiện ra bạt ngàn và những đồng cỏ xanh biếc nối liền tận chân trời. Lá dừa nước, gai chà là mọc dày đặc không để lọt một khe sáng. Thiên nhiên nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của nó và đang đợi bàn tay con người đến khai phá.
Nhờ có những đoạn miêu tả này mà tác phẩm như đẹp hơn, lung linh hơn. Tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của vùng
Nam Bộ. Do đó Đất rừng phương Nam được đông đảo các em thiếu nhi và cả
người lớn say mê.
Truyện đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu kí có nhiều đoạn văn rất đẹp tả
thiên nhiên và nhiều loài động vật. Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây:
“Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt. Trông thấy cả hòn cuội
trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên ven sông, phong cảnh đổi thay đủ điều ngoạn mục. Cỏ cây và những làng gần, núi xa luôn luôn mới. Những anh Gọng Vó đen xạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó đứng trên bãi lầy nhìn theo hai tôi, ra lối bái phục. Những ả Cua Kềnh cũng giương đôi mắt lồi
tình tứ và âu yếm, ngó theo hai tôi với muôn vẻ quý mến. Đàn Săn Sắt và Thầu Dầu thoáng gặp đâu cũng lăng xăng cố bơi theo bè hoan nghênh váng cả mặt nước”.
[15, Tr 56] Đoạn văn miêu tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nước mùa thu trong vắt có thể nhìn thấy tận đáy sông. Nguyễn Khuyến đã từng có câu thơ viết về nước mùa thu tương tự như thế: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Tô điểm cho cảnh đẹp đó là thế giới các loài vật được Tô Hoài miêu tả rất sinh động: những anh Gọng Vó, những ả Cua Kềnh, đàn Săn Sắt, Thầu Dầu, mỗi loài một hình dáng, hành động giống hệt như con người. Đoạn văn cũng cho thấy tài năng của Tô Hoài trong việc vận dụng vốn ngôn ngữ phong phú để đưa màu sắc, âm thanh, hương vị của cuộc sống vào tác phẩm của mình một cách riêng biệt và sống động. Có lẽ vì thế mà tác phẩm trở nên cuốn hút và hấp dẫn, trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam từ đó đến nay.
Câu chuyện cổ tích Chuyện kể về nàng tiên cá cũng có nhiều đoạn văn
miêu tả sinh động:
“Gian phòng khiêu vũ thật rộng lớn, tường và trần toàn bằng một thứ
thủy tinh trong suốt. Hàng trăm con ngao khổng lồ xanh, những con tôm hùm đỏ xếp thành hai hàng dọc, ánh sáng tỏa ra trong phòng từ những viên ngọc trai to lớn được treo khắp nơi trên tường trông thật rực rỡ. Hàng ngàn con cá lớn nhỏ, vẩy đỏ, vẩy bạc, vẩy vàng bơi tung tăng theo điệu nhạc. Nhất là khi công chúa út cất cao tiếng hát du dương, quyến rũ của mình, nàng là người hát hay nhất dưới thủy cung, chẳng có buổi tiệc nào mà thiếu tiếng hát của nàng được.”
[20, Tr 228] Cảnh ở dưới thủy cung được miêu tả rất sinh động, gần gũi với thế giới loài người. Các loài như ngao, tôm hùm, cá rực rỡ, lung linh nhiều màu sắc
cùng tham gia lễ hội khiêu vũ, “tung tăng theo điệu nhạc”. Tác giả dân gian đã đưa độc giả vào một thế giới kì diệu, huyền ảo. Qua đó chắp cách cho những ước mơ và những liên tưởng thú vị tuyệt vời của lứa tuổi thiếu nhi. Câu chuyện cổ tích vì thế mà có sức hấp dẫn lạ thường.