5. Kết cấu của đề tài
2.1.2. Tôn trọng và bảo vệ quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của
người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa
Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi công dân là điều kiện tiên quyết với bất kì nhà nước, chế độ xã hội nào. Và ở nước ta, nhà nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa tiến bộ thì việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của công dân luôn được đề cao và thực hiện nghiêm túc. Điều đó đã được thể hiện bằng việc cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao là Hiến pháp và BLTTHS 2003.
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền của công dân đã trở thành một nguyên tắc Hiến định, được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 của nước CHXHCNVN, cụ thể là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.16 Bên cạnh Hiến pháp, BLTTHS 2003 cũng quy định rõ phải tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân thông qua nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 4: “Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa”. Qua đó ta có thể thấy rằng nhà nước ta rất chú trọng và quan tâm đến việc tôn trọng và bảo vệ các quyền lợi của công dân, xem đó cũng chính là nền tảng để xây dựng một xã hội pháp chế dân chủ và hiệu quả, góp phần chung vào việc xây dựng đất nước ngày càng ổn định và giàu mạnh hơn.
Đối với quá trình tố tụng hình sự nói chung và giai đoạn điều tra nói riêng, việc tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là điều vô cùng cần thiết, bởi vì điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến giai đoạn điều tra và cả quá trình tố tụng. Một khi quyền lợi của công dân được tôn trọng và bảo đảm, họ sẽ tin tưởng hơn vào cơ quan và người tiến hành tố tụng, từ đó việc hợp tác của họ vào quá trình điều tra vụ án và các giai đoạn khác của quá trình tố tụng sẽ thuận tiện, nhanh chóng, góp phần giúp cho cơ quan tố tụng nhanh chóng giải quyết được vụ án. Và ở giai đoạn điều tra, một trong những quyền
lợi cơ bản nhất của người bị tạm giữ, bị can cần phải được tôn trọng và bảo vệ chính là quyền bào chữa.
Điều 11 BLTTHS 2003 đã quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, đây chính là quyền cơ bản của mỗi công dân trong giai đoạn điều tra với tư cách là người bị tạm giữ, bị can. Cơ quan điều tra phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn này. Cơ quan điều tra phải giải thích rõ ràng về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can và thực hiện thủ tục nhờ người bào chữa cho họ, phải bảo đảm trong mọi trường hợp thì người bị tạm giữ, bị can đều có người bào chữa cho họ. Bên cạnh đó là kịp thời can thiệp đối với những hành vi không đúng của Điều tra viên như không giải thích đầy đủ và rõ ràng về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can; không thực hiện thủ tục mời người bào chữa cho họ; chậm trễ trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người bào chữa để họ có đủ điều kiện bảo vệ thân chủ của mình;…tất cả những hành vi trên đều phải được ngăn chặn và có biện pháp xử lý thích đáng. Quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can phải được tôn trọng và bảo vệ, có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của họ trong giai đoạn điều tra nói riêng và trong quá trình tố tụng nói chung, đảm bảo cho vụ án sẽ được giải quyết đúng đắn, sẽ không có trường hợp làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh nguời bị tạm giữ, bị can thì trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự còn có sự tham gia của người bào chữa, đây chính là đối tượng chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc gỡ tội, chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị tạm giữ, bị can. Chính vì vậy quyền của người bào chữa cũng phải được tôn trọng.
Quyền của người bào chữa được quy định rõ ràng trong BLTTHS 2003,17 đây chính là những quyền lợi quan trọng mà pháp luật tố tụng hình sự trao cho người bào chữa, nhằm hỗ trợ cho họ trong việc tiến hành bào chữa cho thân chủ của mình. Chính vì vậy các quyền của người bào chữa đều phải được tôn trọng và bảo vệ, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng và bản lề như giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Cơ quan điều tra tạo mọi điều kiện tối đa để người bào chữa có thể thực hiện được quyền lợi của mình đã được quy định trong BLTTHS, khi quyền của người bào chữa được tôn trọng và bảo vệ sẽ tạo điều kiện cho người bào chữa có thể phát huy hết khả năng chuyên môn, năng lực của mình trong việc bào chữa để giúp cho người bị tạm giữ, bị can. Qua đó, quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn điều tra sẽ được bảo đảm một cách chắc chắn và hiệu quả.