Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Trang 27)

5. Kết cấu của đề tài

1.3.1.Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là việc người bị tạm giữ, bị can được Cơ quan điều tra bảo đảm cho mình quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, bên cạnh đó là được cử người bào chữa trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Thông qua việc được bảo đảm quyền bào chữa, người bị tạm giữ, bị can có thể tự bảo vệ mình trước cơ quan pháp luật bằng những chứng cứ, lí lẽ và lập luận do bản thân họ hoặc do người bào chữa đưa ra để có thể chứng minh cho sự vô tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác trong quá trình tố tụng hình sự của người bị tạm giữ, bị can.

Việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra có tính chất hẹp hơn so với bảo đảm quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng, về cả số lượng đối tượng được bảo đảm và cả cơ quan tố tụng tiến hành bảo đảm quyền bào chữa. Nếu như trong giai đoạn điều tra thì trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa chủ yếu thuộc về Cơ quan điều tra, đối tượng được bảo đảm là người bị tạm giữ, bị can thì trong xuyên suốt quá trình tố tụng, việc bảo đảm quyền bào chữa là trách nhiệm của không chỉ Cơ quan điều tra mà còn có Viện kiểm sát và Tòa án, và đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa còn có thêm bị cáo. Dù có tính chất rộng hay hẹp thì mục đích sau cùng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi bảo đảm cho các đối tượng có liên quan đến vụ án hình sự đều là giúp họ bảo vệ được bản thân trước cơ quan pháp luật, giúp họ chứng minh được sự vô tội, hay chí ít là giảm nhẹ được trách nhiệm hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình tố tụng và đồng thời giúp cho chính các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra được sự thật khách quan của vụ án để nhanh chóng giải quyết được vụ án, bắt được đúng người phạm tội và trả lại sự trong sạch cho người vô tội.

1.3.2. Sự cần thiết phải bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia, quyết định sự tồn vong hưng thịnh của đất nước ấy. Nhưng mỗi cá nhân tồn tại trong đời sống xã hội, bên cạnh những điểm tốt đẹp vẫn còn ẩn chứa những góc khuất, những mặt còn hạn chế. Nhà nước ra đời với sứ mệnh bảo vệ con người, điều hòa những mâu thuẫn xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy Nhà nước sử dụng đến pháp luật như là một công cụ đắc lực của mình, và để vận hành công cụ ấy một cách trơn tru và hiệu quả nhất thì Nhà nước phải giao nó cho

một “anh thợ” lành nghề, đó chính là cơ quan thực thi pháp luật. Ở mỗi lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội sẽ có một nhóm cơ quan pháp luật khác nhau chuyên phụ trách việc thực hiện pháp luật để điều chỉnh những mối quan hệ tương ứng trong từng lĩnh vực đó, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Riêng ở lĩnh vực tố tụng hình sự, với đặc trưng là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự13, thì cơ quan chuyên trách để thực thi pháp luật ở các giai đoạn nêu trên của toàn bộ quá trình tố tụng chính là Cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì việc chia ra từng giai đoạn trong quá trình tố tụng nên mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm riêng biệt, ở đó các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có biện pháp để buộc tội và những cá nhân bị tình nghi phạm tội hay đã bị đưa ra xét xử sẽ có những quyền tuơng ứng của mình để gỡ tội hoặc giảm nhẹ hình phạt. Tất nhiên những biện pháp và quyền ấy đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn quan trọng trong quá trình tố tụng. Đây là giai đoạn vừa mang tính gỡ tội, vừa mang tính buộc tội đối với người bị tạm giữ và bị can. Giai đoạn điều tra là căn cứ cho việc đưa ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc đề nghị truy tố, nghĩa là sau giai đoạn điều tra có hai trường hợp xảy ra: người bị tạm giữ và bị can thoát khỏi tội danh bị nghi ngờ đã thực hiện hoặc tiếp tục tham gia vào quá trình tố tụng tiếp theo là truy tố, tiếp tục gánh chịu những bất lợi ngày càng lớn và không ít những khó khăn cho các đối tượng này trong công việc, sinh hoạt, bị hạn chế những quyền lợi mà vốn dĩ họ phải có. Xuất phát từ điều này, Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự đều có những quy định về quyền bào chữa như là một lẽ tất yếu, và quan trọng hơn việc phải đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn bản lề như giai đoạn điều tra là vô cùng cần thiết, nhất là đối với người bị tạm giữ và bị can, những người đang ở lằn ranh giữa vô tội và có tội.

Quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là một trong những quyền cơ bản của người bị tạm giữ và bị can. Như đã nói ở trên, giai đoạn điều tra có thể được xem là giai đoạn bản lề trong quá trình tố tụng hình sự. Đây là giai đoạn có tiếng nói quyết định đối với một người về việc họ có bị xem là tội phạm hay không. Chính vì vậy việc được sử dụng và bảo đảm được sử dụng quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là đối với người bị tạm giữ và bị can, những đối tượng tham gia trực tiếp vào giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Người bị tạm giữ và bị can có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác (luật sư, BCVND, người đại diện hợp pháp của người bị

13 Hoàng Thị Minh Sơn, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học luật Hà Nội , Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 7.

tạm giữ, bị can) bào chữa cho mình. Dù cho sử dụng cách nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là chứng minh cho sự vô tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác trong quá trình tố tụng hình sự. Đó là mục đích quan trọng nhất của việc sử dụng quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, để đạt được điều này thì bắt buộc quyền bào chữa phải được thực hiện, quá trình bào chữa diễn ra được thuận lợi, đúng theo quy định của pháp luật, người bào chữa có kiến thức chuyên môn về pháp luật vững vàng, có kĩ năng bào chữa tốt, và đặc biệt là cơ quan tố tụng mà ở đây là Cơ quan điều tra phải bảo đảm cho việc bào chữa được thực hiện. Có như vậy thì quá trình bào chữa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Quyền bào chữa khi đã được bảo đảm thực hiện sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Thứ nhất là đối với Cơ quan điều tra nói riêng và Cơ quan tố tụng nói chung. Việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa là một sự phản biện lại đối với Cơ quan điều tra, giúp cho Cơ quan điều tra không chủ quan trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của vụ án, điều này sẽ làm cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, không xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Còn về phía Cơ quan tố tụng, bảo đảm quyền bào chữa giúp cho quá trình tố tụng được diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, điều này bảo đảm cho quyền uy của của Cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và Nhà nước nói chung. Chính từ điều này sẽ làm cho niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp nước nhà ngày càng được nâng cao.

Thứ hai là đối với người bị tạm giữ và bị can. Thực hiện quyền bào chữa, người bị tạm giữ và bị can sẽ tự bảo vệ được cho mình trước cơ quan pháp luật. Họ sẽ không phải đối mặt với sự buộc tội từ một phía, thay vào đó họ có thể tự mình hoặc nhờ người bào chữa gỡ tội cho chính mình thông qua những bằng chứng, lí lẽ, những lập luận và kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó với sự tham gia của người bào chữa vào quá trình tố tụng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự vi phạm tố tụng có thể xảy ra của các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bào chữa với những hiểu biết pháp luật của mình không những bảo đảm cho quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can được thực hiện tốt mà còn đảm bảo cho quyền bào chữa của họ không bị vi phạm.

Thứ ba là đối với quá trình giải quyết vụ án. Để đảm bảo cho cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ, không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người vô tội thì việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là vô cùng cần thiết. Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn điều tra không chỉ là sự đảm bảo khỏi sự buộc tội mà còn là một phương tiện quan trọng để nhận biết sự thật khách quan của vụ án. Một khi sự thật khách quan của vụ án đã được làm sáng tỏ sẽ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng chuyển sang các giai đoạn tiếp theo của vụ

án và tìm ra được chân tướng thật sự của vụ án, từ đó giúp cho việc xét xử sau này của Tòa án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Qua những phân tích trên chúng ta có thể thấy được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, qua đó thấy được sự cần thiết phải bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Bảo đảm được quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra không chỉ giúp cho người bị tạm giữ và bị can nói riêng bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình mà còn đóng góp quan trọng vào xuyên suốt quá trình tố tụng, góp phần đảm bảo tính công minh của luật pháp, hoạt động tư pháp vì vậy mà đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, đồng thời ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng tố tụng hình sự của nước ta.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Ở Chương 1 của Luận văn, người viết đã trình bày một số vấn đề lý luận về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Cụ thể người viết đã lần lượt trình bày những kiến thức cơ bản, những vấn đề lý luận chung về quyền bào chữa, bao gồm những quan điểm về quyền bào chữa, lịch sử hình thành và phát triển chế định quyền bào chữa và vai trò của quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó là giới thiệu về giai đoạn điều tra vụ án hình sự, bao gồm khái niệm, đặc điểm, các nhiệm vụ và ý nghĩa của giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Cuối cùng trong Chương 1 đó là sự cần thiết của việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, người viết trình bày khái niệm bảo đảm quyền bào chữa và ý nghĩa của việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, từ đó có thể thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Với đề tài “Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự”, Chương 1 có ý nghĩa giúp ta hiểu được những kiến thức lý luận cơ bản về quyền bào chữa, giai đoạn điều tra và sự cần thiết phải bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Đó chính là nền tảng lý luận để bước vào Chương 2 với những nhận định, phân tích, bình luận chuyên sâu hơn về việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

CHƯƠNG 2

BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

2.1. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là quyền rất quan trọng và cần thiết đối với người bị tạm giữ và bị can trong việc giúp họ bảo vệ mình trước cơ quan tố tụng, đồng thời giúp họ có thể gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bản thân mình. Và để thực hiện được những điều trên thì điều quan trọng nhất chính là phải bảo đảm cho người bị tạm giữ và bị can thực hiện được quyền bào chữa của mình. Cơ quan tiến hành tố tụng, mà cụ thể là Cơ quan điều tra cần phải bảo đảm cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ và bị can. Và để thực hiện quyền bào chữa thuận lợi trong giai đoạn điều tra thì đòi hỏi Cơ quan điều tra, người thực hiện nhiệm vụ bào chữa và cả người được bào chữa (người bị tạm giữ, bị can) phải tuân thủ theo các nguyên tắc mà pháp luật tố tụng hình sự đã quy định về việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Trang 27)