Mối quan hệ giữa lạm phát với tiền tệ, tín dụng không phải mọi lúc, mọi nơi đều như nhau, không phải bất biến mà nó biến đổi và khác nhau tuỳ vào từng điều kiện kinh tế cụ thể, tuỳ từng mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường, của thị
trường tiền tệ, của hệ thống ngân hàng và khả năng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để điều tiết tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Các công cụ chính sách tiền tệ: từ cung ứng tiền, lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng, nghiệp vụ thị trường mở... đều tác động đến lạm phát.
Quan hệ giữa cung tiền và lạm phát
Thu nhập quốc dân danh nghĩa bằng thu nhập quốc dân thực tế nhân với chỉ số giảm phát GDP (tỷ lệ lạm phát). Thu nhập quốc dân danh nghĩa cũng bằng tốc độ lưu thông tiền tệ nhân với cung tiền. Do đó, tỷ lệ lạm phát bằng tốc độ lưu thông tiền tệ nhân với cung tiền rồi chia cho thu nhập quốc dân thực tế. Nếu hai yếu tố còn lại không đổi, tốc độ thay đổi của tỷ lệ lạm phát bằng đúng tốc độ thay đổi của cung tiền.
Khi tiền cung ứng tăng, tức là tổng phương tiện thanh toán tăng lên do Nhà nước phát hành thêm tiền (NHTW) và do hệ số tạo tiền tăng lên. Thực tế, tiền cung ứng tăng lên sẽ đưa đến tăng tín dụng cho nền kinh tế, tăng cho vay Chính phủ nên làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng lên. Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán tăng lên còn do nguồn ngoại tệ trong dân tăng lên. Đây chính là nguyên nhân gây ra tổng cung tiền tệ lớn hơn tổng cầu tiền tệ. Hơn nữa, tổng phương tiện thanh toán tăng lên mà không có hàng hoá và dịch vụ tăng lên tương thích thì đưa đến tổng cung tiền tệ càng lớn hơn tổng cầu tiền tệ. Kết quả của vấn đề này là giá cả tăng lên.
Tuỳ thuộc vào mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế khác nhau với bên ngoài mà tác động của cung tiền tệ đến lạm phát cũng khác nhau. Như khi nền kinh tế khép kín, sự giao lưu thương mại với bên ngoài hầu như bằng không thì khi tổng cung tiền tệ tăng lên mà tổng cung hàng hoá không đổi thì hậu qủa lạm phát cao là dễ nhận thấy. Với một lượng hàng hoá nhất định mà phải bỏ nhiều tiền hơn để mua thì dấu hiệu lạm phát là chắc chắn, hay với một mức thu nhập nhất định mà không mua được lượng hàng hoá như trước thì cũng là lạm phát. Đây là biểu hiện mất giá của đồng tiền hay biểu hiện mức sống của người dân bị giảm sút. Tuy nhiên, giá cả tăng lên đồng loạt mới là lạm phát, còn chỉ một vài hàng hoá có giá
cao lên không phải lạm phát. Thực chất, mọi hàng hoá đều có giá trị và giá trị sử dụng và biểu hiện của chúng là tiền. Khi không có nhiều tiền thì không thể mua được hàng hoá giá cao. Và nếu giá hàng hoá cứ cao mà không có ai đủ tiền mua thì chắc chắn một lúc nào đó phải hạ giá để có người mua. Như vậy, với một lượng hàng hoá nhất định trong xã hội mà giá luôn tăng lên thì rõ ràng phải có nhiều tiền hơn.
Quan hệ giữa lãi suất và lạm phát
Lạm phát tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của một quốc gia. Đáng kể đầu tiên là tác động đến lãi suất. Với hệ thống ngân hàng, để duy trì và sự ổn định hoạt động của mình, nó luôn cố gắng duy trì tính hiệu quả của tài sản nợ và tài sản có. Nghĩa là nó luôn giữ cho lãi suất thực ổn định.
Ta biết rằng Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – tỷ lệ lạm phát
Do đó, khi tỷ lệ lạm phát cao, nếu muốn giữ cho tỷ lệ lãi suất thực ổn định, không còn cách nào khác là lãi suất danh nghĩa phải tăng lên cùng với tỷ lệ lạm phát. Trong một nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế thị trường vấn đề lãi suất là cực kỳ quan trọng và có tác động mạnh mẽ. Tăng lãi suất danh nghĩa dẫn tới hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chụi là suy thoái và hậu quả thất nghiệp gia tăng.
Quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát
Mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát có thể đựơc giải thích theo thuyết “Ngang giá sức mua” (purchasing power parity -PPP). Trong số các yếu tố quyết định của tỷ giá hối đoái, lạm phát thường được coi như là yếu tố quan trọng nhất.
Việc so sánh sức mua giữa các đồng tiền, so sánh tỷ lệ lạm phát giữa các nước với nhau là điều tương đối phức tạp. Trong các nước tư bản phát triển người ta hay dùng phương pháp so sánh sức mua. Cách giải thích đơn giản nhất của phương pháp PPP là lấy ví dụ về một mặt hàng. Nếu một chiếc xe Ô tô ở Đức đắt hơn ở Pháp thì người mua sẽ mua xe ở Pháp hơn ở Đức. Vì nhiều người làm như vậy nên giá xe ở Đức hạ xuống và ở Pháp tăng lên, và do đó thu nhập xuất khẩu ở Đức giảm, ở Pháp tăng sẽ dẫn đến xu hướng đồng mark giảm so với đồng franc, giá cả
xe hơi và tỷ giá giữa 2 đồng tiền tiếp tục thay đổi cho tới khi giá xe hơi ở hai nước, do tỷ giá điều chỉnh trở nên bằng nhau.
Một trong những hệ quả khác của lý thuyết ngang giá là sức mua được biểu hiện bằng mức chênh lệch lạm phát giữa hai nước đó. Trong điều kiện cạnh tranh lành mạnh, mức độ lạm phát của hai nước nếu như khác nhau sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa ở hai nước đó sẽ có sự biến động khác nhau, làm cho sự ngang giá sức mua của hai đồng tiền đó bị phá vỡ, tức là làm thay đổi tỷ giá hối đoái. Mức chênh lệnh lạm phát càng lớn sẽ dẫn đến mức thay đổi tỷ giá cũng lớn theo.
Tỷ giá thời điểm t = Tỷ giá thời điểm (t-1) x Chỉ số lạm phát trong nước CSLP nước ngoài có đồng tiền định giá
Thuyết ngang giá sức mua quy định một mối liên hệ chính xác giữa tỷ lệ lạm phát tương đối và tỷ giá hối đoái ở hai nước. Theo những điều kiện không chính xác, lý thuyết ngang giá sức mua cho rằng tỷ giá hối đoái cân bằng sẽ điều chỉnh cùng một mức độ với chênh lệch trong tỷ lệ lạm phát giữa hai nước. Tỷ giá hối đoái sẽ biến động để bù đắp sự chênh lệch trong lạm phát giữa hai quốc gia để trạng thái ngang giá sức mua được duy trì. Nghĩa là nếu chứng minh được trạng thái ngang giá sức mua tồn tại thì nhìn vào sự chênh lệch trong tỷ lệ lạm phát giữa hai quốc gia chúng ta có thể dự báo được sự biến động của tỷ giá hối đoái.
Khi trị giá đồng nội tệ hạ xuống (tức là một đơn vị tiền tệ trong nước đổi được ít hơn đồng ngoại tệ) thì mức giá chung của hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của giá cả nhập khẩu sẽ tăng dần lên. Giá nhập khẩu các nguyên liệu, bán thành phẩm, thiết bị tăng dần lên làm cho chi phí sản xuất trong nước cũng tăng lên theo.
Trái lại, khi trị giá đồng tiền trong nước được nâng lên (tức là một đơn vịtiền tệ trong nước đổi được nhiều ngoại tệ hơn) thì giá hàng nhập trở nên rẻ hơn và từ đó góp phần làm cho mức giá chung trong nước được ổn định hơn.
Vì vậy khi xác định tỷ giá đồng tiền trong nước, nhà nước phải xem xét nhiều mặt tác động khác nhau của tỷ giá tới tình hình kinh tế trong nước, từ đó đề ra những biện pháp tỷ giá thích ứng vừa có thể khuyến khích xuất khẩu vừa có thể hạn chế được tác hại tiêu cực tới lưu thông tiền tệ và giá cả trong nước.
Đồng tiền trong nước được nâng lên hay hạ xuống còn có tác động tới sự di chuyển của các luồng vốn ngoại tệ trong nước. Việc xác định tỷ giá hối đoái đúng đắn, hợp lý có phối hợp các biện pháp kinh tế sẽ có tác động rất lớn trong việc huy động vốn từ nước ngoài đầu tư vào trong nước có lợi cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.
Kết luận chương 1: Thi hành chính sách tiền tệ chặt chẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát. Thời gian gần đây, NHNN đã nhận về mình trách nhiệm ổn định đồng tiền, chống lạm phát và đã áp dụng thành công các công cụ của chính sách tiền tệ như: chính sách dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng, mở các thị trường nội tệ và ngoại tệ liên ngân hàng, đấu thầu tín phiếu kho bạc…Tuy nhiên, lạm phát là hiện tượng thường trực của lưu thông tiền giấy trong nền kinh tế đang chuyển đổi của chúng ta, nguy cơ làm phát cao cũng thường xuyên phải đề phòng. Do đó, một công cụ nhạy cảm như chính sách tiền tệ không thể xem nhẹ.
CHƯƠNG 2. PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐẾN LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM