2.2.1.1. Cơ sở về tính độc lập của tư pháp
- Sự bảo đảm hiến định: kể từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong các bản Hiến pháp, nguyên tắc độc lập của tòa án luôn được xem như một trong những nguyên tắc quan trọng điều chỉnh hoạt động của hệ thống tòa án, được hiến định trong Hiến pháp. Điều 103 của Hiến pháp 2013 hiện hành
quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” [19]. Tuy nhiên, quy định này của Hiến pháp còn quá ngắn gọn và
chưa thể hiện hết được các khía cạnh của nguyên tắc độc lập tư pháp. Bởi vì nó mới chỉ nhắc đến sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong xét xử. Chưa đề cập đến sự độc lập của cả hệ thống tư pháp hay tòa án, các yếu tố bảo đảm sự độc lập bên ngoài xét xử, chẳng hạn như về tuyển dụng, bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, ngân sách cho ngành tòa án,… Những yếu tố bên ngoài xét xử này có ảnh hưởng rất lớn đến sự độc lập khi xét xử, thậm chí còn mang tính quyết định. Cho nên, hiến định nguyên tắc độc lập của tư pháp đòi hỏi phải thể hiện được ở nhiều cấp độc khác nhau, cả về mặt thể chế lẫn con người như đã trình bày trong Chương 1.
- Tính độc lập về thiết chế: trước hết, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 đã có những bước tiến căn bản đầu tiên cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập của tư pháp, đó là việc khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có sự phân công, phân nhiệm rạch ròi giữa lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định rằng: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét
xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”
[19]. Quy định này sẽ là cơ sở căn bản cho công cuộc cải cách tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án.
Hiện nay, sự độc lập về thiết chế của hệ thống tòa án ở nước ta là chưa thực sự được đảm bảo, cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Ở bên trong, vẫn còn sự lệ thuộc giữa tòa án cấp dưới vào tòa án cấp trên, gây ra những trở ngại cho tính độc lập của tòa án, đặc biệt là của tòa cấp dưới, qua đó có thể ảnh hưởng tới việc thực thi công lý. Ở bên ngoài, tòa án vẫn chịu nhiều sự tác động của các nhánh lập pháp và hành pháp. Chẳng hạn như việc cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) có quyền giám sát hoạt động của tòa án, có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức ngành tòa án; hay việc Chính phủ có quyền quyết định ngân sách cho ngành tòa án,… Những sự tác động từ các nhánh quyền lực nhà nước khác này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến tính độc lập của hệ thống tòa án, đến hoạt động xét xử, thực thi công lý của tòa án.
- Tính độc lập của cá nhân các thẩm phán: hiện nay, vấn đề bổ nhiệm các chức danh của ngành tòa án do Hội đồng tuyển chọn thẩm phán (trung ương và địa phương) thực hiện. Tuy nhiên, thành viên của hội đồng này đa số lại không phải là các quan chức trong ngành tòa án (chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh), mà từ các cơ quan quyền lực nhà nước khác. Điều này tiềm ẩn những ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của thẩm phán trong quá trình hoạt động sau này, bởi có thể họ sẽ phải làm hài lòng các quan chức nhà nước khác nếu muốn được bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm.
Đánh giá chung thì tư pháp ở Việt Nam chưa thực sự độc lập, đúng như
nhận định được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu của UNDP trong dự án Cải cách
nền hành chính Việt Nam – Thực trạng và giải pháp như sau:
Nhìn chung, sau nhiều cuộc cải cách, hệ thống tòa án Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương và công bằng xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, ở một mức độ khái quát có thể đánh giá rằng tổ chức và hoạt động của tòa án còn nhiều hạn chế và bất cập
trước tình hình nhiệm vụ mới, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Độc lập trong việc ra quyết định như là kết quả cuối cùng của nguyên tắc độc lập tòa án. Biểu hiện của thành phần này là khả năng các quan tòa đưa ra những quyết định không bị ép buộc hay can thiệp bởi bên ngoài kể cả chính trị gia và quan chức ngành hành chính. Tuyệt đại đa số những điều kiện cho sự độc lập về thể chế và độc lập trong ra quyết định nêu trên không tồn tại trong các thể chế chính quyền ở Việt Nam [6, tr.275].
2.2.1.2. Hoạt động xét xử
Mỗi năm, hệ thống tòa án ở nước ta đã xét xử được hàng chục ngàn vụ án trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính,… Theo một thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn 2005-2013, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.969.871 vụ án, đã giải quyết 1.885.108 vụ (96%), trong đó có nhiều vụ án lớn, mang tính trọng điểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, góp phần lớn trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm và giáo dục ý thức pháp luật cho người dân. Tỉ lệ vụ việc được giải quyết trong những năm qua dao động và tăng đều từ khoảng 84% đến hơn 90%, điều này cho thấy tiến độ xé xử ngày càng được đảm bảo hơn.
Hoạt động xét xử theo quy định của pháp luật được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, chỉ trừ các trường hợp do pháp luật quy định cần phải xử kín để giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, nhưng việc tuyên án phải công khai.
Hoạt động xét xử ngoài việc xét xử tại trụ sở, tòa án còn tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử bị cáo ngay tại những nơi xảy ra vụ án đã thu hút sự tham dự, quan sát của công chúng, có sự tham gia của truyền thông,… điều này đã phát huy tốt tác dụng giáo dục của các phiên tòa. Việc công khai các bản án
cũng đã có những biểu hiện tích cực đáng khích lệ, chẳng hạn như từ năm 2005, Tòa án tối cao cũng đã cho đăng một số bản án Giám đốc thẩm trên tạp chí Tòa án; hay việc truyền hình trực tiếp, thông báo kết quả các phiên xét xử lưu động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động xét xử tại nhiều phiên tòa còn tổ chức chưa chặt chẽ, nhiều người vi phạm nội quy phiên tòa. Sự điều hành của Hội đồng xét xử kém, phòng xử án chật chội, chưa tạo sự uy nghiêm cần thiết cho tòa án. Ngoài ra, có những phiên tòa do khâu tổ chức, chuẩn bị không chu đáo, Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa còn nhiều lung túng, thiếu dân chủ, thái độ của người tiến hành tố tụng mang tính áp đặt,… Cho nên, dẫn đến thái độ thiếu tôn trọng pháp luật của những người tham gia tố tụng, hình thành nên những phản cảm của công chúng đối với tòa án và các cơ quan tư pháp, làm giảm sút niềm tin đối với pháp luật.
Hệ thống tòa án được tổ chức gắn với hành chính – lãnh thổ mà chưa gắn với yêu cầu của hoạt động xét xử dẫn đến một số tòa án quá tải và gây tình trạng tồn đọng án kéo dài. Theo một thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tính từ năm 2005 đến 2011, mỗi năm án tồn đọng khoảng 1.000 vụ việc đã hết thời hạn phải xét xử theo luật định. Đồng thời hệ thống tổ chức tòa án hiện nay cũng gây lãng phí cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Tính đến tháng 7-2013, nước ta có 703 đơn vị hành chính cấp huyện, cho nên có 703 Tòa án nhân dân cấp huyện. Mỗi tòa án đều được đầu tư xây dựng trụ sở, nguồn nhân lực để phục vụ cho hoạt động xét xử. Nhưng theo một báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, có tòa mỗi năm chỉ xét xử khoảng 10 vụ việc (trường hợp Tòa án nhân dân huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế), trong khi có những tòa án khác mỗi tháng thẩm phán cấp huyện phải xét xử từ 5-6 vụ việc (các tòa ở các thành phố lớn).
Số lượng vụ án xét xử quá lớn, theo báo cáo của ngành tòa án năm 2008 thì bình quân mỗi thẩm phán phải xét xử khoảng 63 vụ một năm (273.162
vụ/4.359 thẩm phán). Đến năm 2012, con số này tăng lên là khoảng 73 vụ một năm (360.941 vụ/4.914 thẩm phán). Nếu tính theo số ngày làm việc, thì cứ trung bình 3 ngày thẩm phán phải xét xử 1 vụ, điều này khiến cho thẩm phán không có đủ thời gian nghiên cứu các tình tiết, chứng cứ trong vụ án nên dễ dẫn đến phán quyết không chính xác hoặc có sai xót trong quá trình giải quyết.
Chất lượng xét xử còn kém, thể hiện qua số lượng án bị sửa, bị hủy, cùng với khả năng phát hiện sai sót của các cấp tòa án. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng vụ án đã bị hủy, cải hoặc sửa sau khi xét xử phúc thẩm tuy có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn còn cao, chẳng hạn năm 2001, tỷ lệ hủy án hình sự là 4,7%, án dân sự là 1,2%; năm 2004, tỷ lệ hủy án hình sự là 0,95%, án dân sự là 0,71%; năm 2006, tỷ lệ hủy án hình sự là 0,6%, án dân sự là 0,49%. Một số năm gần đây, như năm 2011, tỷ lệ hủy án hình sự là 0,5%, án dân sự là 1,5%; năm 2012 tỷ lệ hủy án hình sự là 0,5%, án dân sự là 1,3%.
Ngoài ra, chất lượng xét xử còn thể hiện qua tính khả thi của các bản án và quyết định của tòa án. Trên thực tế, có nhiều bản án của tòa án mặc dù đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn không thể đem ra thi hành được vì nội dung bản án không được rõ ràng. Cùng với đó, có nhiều vụ án phải tiến hành xử đi xử lại nhiều lần, do sự yếu kém trong hoạt động xét xử.