Các đặc trưng cơ bản của việc bảo vệ quyền con người bằng tư pháp

Một phần của tài liệu Vai trò của tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam (Trang 34)

1.3.2.1. Bảo vệ quyền con người bằng tư pháp là hoạt động mang tính quyền lực cưỡng chế mạnh mẽ

Trước hết, quyền tư pháp là một loại quyền lực nhà nước. Hoạt động xét xử của tư pháp tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực cưỡng chế mạnh mẽ. Thông qua hoạt động xét xử, tư pháp khẳng định tính hợp pháp của hành vi cũng như quyết định các chế tài pháp lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Các chế tài pháp lý chính là sự thể hiện mạnh mẽ nhất tính cưỡng chế của quyền lực nhà nước, nó sẽ hạn chế hoặc tước bỏ những quyền và lợi ích của người vi phạm, chẳng hạn như hình phạt tù tước đi quyền tự do, hay hình phạt tử hình tước đi quyền sống của người phạm tội. Bên cạnh đó, tính cưỡng chế quyền lực nhà nước của tư pháp còn thể hiện ở việc các phán quyết của hoạt động tư pháp có hiệu lực pháp luật bắt buộc các chủ thể liên quan phải có nghĩa vụ thi hành, với các cơ chế bảo đảm được quy định bởi pháp luật.

1.3.2.2. Bảo vệ quyền con người bằng tư pháp chịu sự chi phối toàn diện của pháp luật

Quyền tư pháp được trao cho tòa án, và được bảo đảm bằng việc ghi nhận trong Hiến pháp. Chẳng hạn Điều 102 Hiến pháp 2013 của nước ta quy định:

“Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” [19]. Đây chính là cơ sở vững chắc bảo đảm tính

pháp lý và tính quyền lực nhà nước của hoạt động xét xử của tòa án. Tiếp đến, hoạt động xét xử của tư pháp yêu cầu phải tuân thủ những quy trình và thủ tục nghiêm ngặt, được quy định bởi pháp luật. Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền xét xử của tư pháp cũng được giới hạn bởi những quy định của pháp luật. Hoạt động xét xử của tư pháp chính là hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật đã được quy định. Như vậy, có thể thấy việc bảo vệ quyền con người bằng tư pháp được thực hiện trên cơ sở của pháp luật, đồng thời chịu sự chi phối toàn diện của pháp luật cả về nội dung, thể chế và hình thức pháp lý.

1.3.2.3. Bảo vệ quyền con người bằng tư pháp hình thành trên cơ sở nhu cầu của cá nhân, nhà nước

Hoạt động bảo vệ quyền con người chủ yếu được thực hiện khi các chủ thể của quyền con người, hoặc nhà nước có nhu cầu hoặc nhận thấy cần thiết phải tiến hành các hoạt động nhằm bảo đảm cho các quyền và tự do của con người. Đó là khi nhận thấy được những nguy cơ đe dọa gây xâm hại đến quyền con người, hoặc những hành vi hạn chế hoặc tước đoạt các quyền con người, tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu cần có những hoạt động cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của những nguy cơ đó. Khi đó, tư pháp thông qua hoạt động xét xử là cơ chế bảo vệ tốt nhất các quyền con người trong trường hợp nó bị xâm hại, tư pháp trừng phạt những hành vi vi phạm pháp luật, phục hồi quyền và lợi ích của cá nhân, của nhà nước và xã hội.

1.3.2.4. Bảo vệ quyền con người bằng tư pháp được thực hiện công khai, độc lập và bảo đảm công bằng

Sự độc lập và công bằng là những yêu cầu tất yếu của hoạt động tư pháp nói chung, bởi vì, chỉ khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra thì người ta mới tìm đến con đường tư pháp – một chủ thể có khả năng độc lập, vô tư giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn – để bảo vệ quyền lợi của mình. Tính độc lập và công bằng cũng là yêu cầu tiên quyết bảo đảm hiệu quả của hoạt động tư pháp, nếu không nó sẽ đánh mất vai trò của mình trong xã hội khi người dân không còn tin tưởng vào sự công bằng và công lý.

Cùng với độc lập và công bằng, công khai trong hoạt động của tư pháp cũng mang một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Nó đảm bảo sự giám sát toàn diện đối với hoạt động xét xử, để hoạt động này thực sự công bằng và bình đẳng. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra được áp lực nhất định buộc các bên tham gia vào hoạt động xét xử đề cao tính cẩn trọng, tính hợp pháp trong quá trình xét xử.

Một phần của tài liệu Vai trò của tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)