Tính độc lập của quyền tư pháp

Một phần của tài liệu Vai trò của tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam (Trang 26)

Tính độc lập của tư pháp chính là một điều kiện không thể thiếu và có vị trí như là một điều kiện của nhà nước pháp quyền, nếu không có tư pháp độc lập, thì sẽ không thể tồn tại nhà nước pháp quyền. Tư pháp độc lập trong nhà nước pháp quyền phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, hệ thống tư pháp phải là những thiết chế độc lập. Sự độc lập ở

đây không những mang nghĩa “thiết chế” – tức cả hệ thống tòa án, mà còn là sự

độc lập của từng thẩm phán trong giải quyết các vụ việc mà không chịu ảnh hưởng từ các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Hiệp hội Đoàn Luật sư Mỹ chỉ rõ nguyên tắc độc lập của hệ thống tòa án như sau:

Một hệ thống tòa án thực sự độc lập là hệ thống đưa ra được các quyết định và phán quyết được các cơ quan lập pháp và hành pháp tôn trọng và thực thi, là hệ thống nhận được nguồn ngân sách đầy đủ từ phía nghị viện, là hệ thống không khoan nhượng trước những nỗ lực làm giảm đi tính khách quan của nó… Tính độc lập của tòa án gồm tính độc lập của các cá nhân thẩm phán cũng như toàn bộ hệ thống một nhánh quyền lực nhà nước [6, tr.108-109].

Trong nhà nước pháp quyền, chỉ có hệ thống tòa án mới có chức năng xét xử các tranh chấp giữa người dân với nhau, hoặc giữa người dân với các cơ quan nhà nước. Chỉ có tòa án mới có quyền nhân danh nhà nước để đưa ra các phán quyết và quyết định, buộc các chủ thể có liên quan phải tuân theo. Trong mối liên hệ với các quyền lập pháp và hành pháp, chỉ có tòa án (tư pháp) với vai trò của mình mới có quyền năng buộc hai nhánh quyền lực kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và thi hành các điều khoản của Hiến pháp. Cho nên, hai nhánh quyền lực này luôn tìm các biện pháp và hình thức khác nhau để kìm hãm nhánh quyền tư pháp, chẳng hạn như việc bổ nhiệm các thẩm phán thiếu khả năng cương quyết trong việc thực hiện chức năng xét xử của tòa án. Sự độc lập cho phép các tòa án có quyền tài phán đối với mọi vấn đề thuộc thẩm quyền xét xử của mình, có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo pháp luật. Sự độc lập cũng ngăn ngừa việc can thiệp một cách vô cớ hay không thỏa đáng của các chủ thể khác vào quá trình xét xử của tòa án hay việc xem xét lại các phán quyết của tòa án.

Tính độc lập không chỉ bao hàm việc các thẩm phán được miễn trừ khỏi sức ép chính trị và chính quyền hay các mối quan hệ chính trị phức tạp, mà còn ở việc họ không được vướng bận vào các mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến họ trong quá trình thực hiện chức năng xét xử (chẳng hạn như mối quan hệ với các doanh nghiệp). Tính độc lập ở đây được hiểu là độc lập trên mọi phương diện, cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Độc lập ở bên trong có nghĩa là mọi phán quyết của thẩm phán của tòa án cấp dưới không chịu sự chỉ đạo của tòa án cấp trên, không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ trong nội bộ. Các phán quyết của thẩm phán nếu được cho là sai sẽ được xem xét lại theo các thủ tục nghiêm ngặt được quy định bởi pháp luật (phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm). Trong quá trình xét xử, thẩm phán độc lập với hồ sơ vụ án, độc lập với cáo trạng và quyết định truy tố, không phụ thuộc vào các quyết định hoặc kết luận của cơ quan điều tra,

viện kiểm sát. Còn độc lập ở bên ngoài có nghĩa là thẩm phán không phải chịu bất kỳ sự chỉ đạo, ảnh hưởng nào từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đương sự, bạn bè, người thân, áp lực xã hội,… đối với các phán quyết của mình.

Từ trước tới nay, con người cũng đã nghĩ ra rất nhiều các giải pháp để tăng cường tính độc lập của thẩm phán, chẳng hạn như: thẩm phán phải có nhiệm kì lâu dài, thậm chí có thể là suốt đời, được trả lương xứng đáng để không bị các hoạt động chính trị khác chi phối; thẩm phán phải là các cá nhân liêm khiết, có khả năng, chuyên môn và phải do bổ nhiệm; tăng cường tính trách nhiệm của thẩm phán bằng các quy tắc, các thủ tục tố tụng nghiêm ngặt trong xét xử; quy định về đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán và cho phép thẩm phán được quyền xét xử theo lương tâm;…

Để hệ thống tòa án là một thiết chế độc lập, thì tòa án trong nhà nước pháp quyền cần phải có hành chính nội bộ và ngân sách riêng. Các nhà nước phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để tòa án thực hiện tốt các chức năng của mình theo một cách thức riêng biệt mà không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất cứ một cơ quan nhà nước nào khác. Ở nhiều nước, trách nhiệm quản lý hệ thống tòa án thuộc về cơ quan hành pháp thông qua Bộ Tư pháp, từ quản lý các nguồn lực tài chính, các cơ sở trang thiết bị, kể cả việc tuyển dụng và đào tạo các chức danh tư pháp,… Điều này có thể gây tác động đến tính độc lập của tòa án trong hoạt động xét xử.

Về khía cạnh nhân lực, hệ thống tòa án gồm nhiều loại nhân viên nhà nước cùng đóng góp vào quá trình thực thi chức năng của tòa án, như các thẩm phán chuyên nghiệp, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, nhân viên văn phòng,… trong đó vai trò độc lập của cá nhân các thẩm phán là rất quan trọng và đóng vai trò trung tâm. Về khía cạnh tài chính, tòa án không thể độc lập một khi các khoản chi tiêu có liên quan đến hoạt động của tòa án lại bị phụ thuộc. Các khoản ngân sách dự trù phân bổ cho ngành tòa án và cho hoạt động xét xử nên do chính ngành tư

pháp chuẩn bị (có thể phối hợp với một cơ quan có thẩm quyền khác) và trình lên cơ quan lập pháp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của điều này, R.D. Nicholson nói:

“Việc lập dự trù ngân sách cho ngành tòa án bởi bất kỳ cơ quan nào khác không phải là tòa án và việc Chính phủ kiểm soát cách các tòa án sử dụng ngân sách được phân bổ là mối đe dọa tiềm tàng cho sự độc lập xét xử” [6, tr.125].

Tuy nhiên, sự độc lập của tòa án cũng cần phải đi kèm theo tính trách nhiệm của tòa án, bởi sự độc lập có xu hướng giải phóng tòa án khỏi mọi sự trách nhiệm, hạn chế và kiểm soát để ra các quyết định theo ý muốn của mình (muốn có một sự độc lập tuyệt đối thì phải vô trách nhiệm). Còn tính trách nhiệm lại có xu hướng kiềm chế, ràng buộc tòa án, không cho phép tòa án hành xử một cách tùy tiện, vô lương tâm, gây hại cho công lý và quyền lợi đáng ra được hưởng của các bên. Cho nên, cần phải có các quy định pháp lý, một mặt bảo đảm cho tòa án có một sự độc lập vừa đủ, không bị ảnh hưởng tác động từ phía bên ngoài, mặt khác cũng có thể buộc các thẩm phán thực hiện chức năng xét xử một cách công bằng và khách quan.

Tính trách nhiệm của thẩm phán ở đây chính là trách nhiệm giải trình các cơ sở ra phán quyết của mình trong bản án. Trước hết và quan trọng nhất đó chính là những nhận định của thẩm phán về tình tiết của vụ việc và về cơ sở áp dụng pháp luật. Điều này nhằm mục đích tránh việc thẩm phán ra phán quyết một cách tùy tiện và không có cơ sở.

Thứ hai, tư pháp độc lập phải được thể hiện ở sự độc lập ở mỗi cấp xét

xử. Về mặt tổ chức, khác với các cơ quan quyền lực nhà nước khác, các tòa án không được tổ chức theo một ngành dọc từ trung ương đến địa phương, mà bao gồm các cấp xét xử theo thẩm quyền tố tụng. Không có tòa cấp trên và tòa cấp dưới, mà chỉ có mối quan hệ giữa tòa cấp cao hơn và tòa cấp thấp hơn về thẩm quyền tố tụng. Khi xét xử, các hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập trên cơ sở của pháp luật và ý thức pháp luật của thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

Việc tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử giúp tăng cường tính độc lập của tòa án đối với các cơ quan quyền lực nhà nước khác, đồng thời cũng hạn chế sự can thiệp của các cơ quan tư pháp cấp trên. Việc phân định theo thẩm quyền xét xử cũng giúp cho việc xử án, giải quyết các vụ việc có hiệu quả hơn, bởi những vụ việc cần giải quyết rất đa dạng, phong phú, có tính chất phức tạp không giống nhau, nên cần phân định hợp lý theo khả năng chuyên môn cũng như kinh nghiệm xét xử, nhằm tránh tình trạng tồn đọng án, án oan sai.

Sự độc lập ở mỗi cấp xét xử yêu cầu hoạt động xét xử phải tuân thủ chặt chẽ theo những nguyên tắc xét xử và các thủ tục tố tụng được quy định một cách

chặt chẽ. Các nguyên tắc như “nguyên tắc hai cấp xét xử” (sơ thẩm và phúc

thẩm) có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tư pháp, vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đương sự và ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội, cho nên cần cẩn trọng trong xét xử. Hệ thống tòa án được tổ chức theo cấp xét xử nhằm để tòa án cấp trên có thể xem xét lại phán quyết của tòa án cấp dưới theo thủ tục kháng cáo, kháng nghị nhằm bảo đảm sự công bằng, tránh oan sai. Tuy nhiên, việc xem xét lại này cũng phải tuân theo những thủ tục tố tụng chặt chẽ nhằm bảo đảm tính độc lập giữa các cấp tòa án.

Ngoài hai yêu cầu chủ yếu nêu trên, ở nhiều nước trên thế giới, tư pháp độc lập trong nhà nước pháp quyền còn cho phép tư pháp có quyền xét xử lập pháp và hành pháp (thông qua cơ chế bảo hiến), và tư pháp có quyền giải thích pháp luật. Chẳng hạn như quyền tư pháp trong hệ thống chính trị Mỹ như sau:

Các Tòa án thường có quyền giải thích Hiến pháp; Sự giải thích Hiến pháp của các tòa án chỉ để nhằm giải quyết những vụ, việc cụ thể của quá trình xét xử theo thẩm quyền của các Tòa án, gắn việc giải thích và xem xét sự tương thích của một điều luật nào đó với quy định của Hiến pháp vào việc xem xét vụ việc cụ thể đó, không có thủ tục riêng, tách vấn đề hợp hiến ra khỏi vụ án; Khi phát hiện có sự vi phạm

hoặc bất tương xứng của điều luật hay đạo luật so với quy định của Hiến pháp hoặc quy định của một đạo luật phù hợp với Hiến pháp. Nói cách khác, Hiến pháp có giá trị áp dụng trực tiếp; Văn bản vi hiến sẽ mất hiệu lực pháp lý [26, tr.11-43].

Như vậy, qua những trình bày ở trên, yêu cầu độc lập của tư pháp trong nhà nước pháp quyền không những độc lập về tính thiết chế (tức cả hệ thống tòa án), mà còn là sự độc lập của mỗi cá nhân thẩm phán. Sự độc lập phải được xem xét đến cả từ bên trong lẫn bên ngoài, giữa tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới,… nhằm bảo đảm đưa ra được những phán quyết độc lập, không bị can thiệp. Tuy nhiên, sự độc lập của thiết chế có thể sẽ là vô ích nếu cá nhân các thẩm phán – những người thực hiện chức năng xét xử – lại bị lệ thuộc vào bất kì những yếu tố bên ngoài nào khác. Khi đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền sẽ không được bảo đảm. Cho nên, để đảm bảo được sự độc lập của tư pháp, cần phải đảm bảo được sự độc lập của các yếu tố nêu trên, tức các mặt khác nhau của một vấn đề.

Một phần của tài liệu Vai trò của tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam (Trang 26)