Thứ nhất, thủ tục hành chính tại nhiều địa phương còn rườm rà
Hiện có một vài địa phương thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc quản lý đầu tư nước ngoài nhưng kết quả còn hạn chế. Do đó, khi thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, thời gian thẩm định dự án thường kéo dài đôi khi có sự chồng chéo, không thống nhất về chủ trương giữa các cấp, các ngành, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư. Thủ tục thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư tuy đã được cải tiến nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian thẩm định một số dự án còn dài do phải thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành.
Một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài chưa được hướng dẫn cụ thể khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện của dự án.
Thứ hai, về nguồn nhân lực:
- Khu vực đồng bằng sông Hồng có lực lượng lao động tương đối dồi dào, tuy nhiên tỷ lệ lao động có tay nghề thấp, phần lớn là lao động thô sơ chưa qua đào tạo. Lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 40% trong tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Do đội ngũ lao động có tay nghề thấp dẫn đến năng suất lao động chưa cao và thu nhập của người lao động thấp. Tình trạng đó gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi tuyển dụng lao động tại địa phương (với nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ khi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương).
- Đội ngũ làm công tác xúc tiến và quản lý đầu tư chưa có kinh nghiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc. Việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư cũng như hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án thực hiện chưa tốt. Năng lực thẩm định hồ sơ của các cấp, các ngành còn yếu dẫn đến việc thẩm định kéo dài, gây khó khăn và làm nản lòng các nhà đầu tư. Việc quản lý dự án đầu tư chưa thống nhất một đầu mối nên còn lúng túng trong việc tổng hợp, đánh giá kết quả thu hút đầu tư.
- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác XTĐT chưa được đào tạo chuyên sâu, còn hạn chế về năng lực, trình độ nhất là về luật pháp quốc tế, ngoại ngữ và kinh nghiệm. Một bộ phận cán bộ chậm đổi mới tư duy, còn chịu ảnh hưởng của phong cách quản lý, điều hành theo cơ chế xin - cho. Việc phối hợp giữa các cơ quan XTĐT và giữa các địa phương còn rời rạc, thiếu thống nhất dễ dẫn đến hiện tượng “chồng lấn”, gây lãng phí về thời gian và nguồn kinh phí. Chính sách thu hút đầu tư của địa phương trong đó có hoạt động xúc
tiến thu hút đầu tư chưa hoàn thiện, còn mang tính thời điểm, thiếu tầm chiến lược trong nỗ lực tái tạo môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư mang tính chung chung, chưa nhấn mạnh tính trọng điểm trong thu hút đầu tư. Các địa phương chỉ chú trọng thu hút đầu tư ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, ít có những hỗ trợ sau đầu tư, ít quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xem đó như là nhiệm vụ riêng mà doanh nghiệp phải tự lo. Chưa có chiến lược và lộ trình XTĐT rõ ràng, hoạt động XTĐT chưa theo một định hướng chung xuyên suốt theo ngành, lĩnh vực. Trong toàn khu vực chưa có định hướng về quy hoạch phát triển chung, cơ chế thu hút đầu tư còn mang tính tự phát. Các địa phương tự đưa ra các cơ chế thu hút đầu tư và tự lập danh mục dự án mà không theo qui hoạch vùng. Tính cục bộ địa phương trong thu hút FDI còn nặng nề: sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong khu vực thu hút FDI, phá vỡ thế cân bằng chung. Tính hợp tác và liên kết trong thu hút đầu tư chưa được chú trọng.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ
- Theo quy định của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ, Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế đối với các dự án đầu tư trong nước không thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư phải tự thoả thuận với các hộ sử dụng đất để chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng đất mới có đất để thực hiện dự án. Trên thực tế khi nhà đầu tư thoả thuận với các chủ sử dụng đất là hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn nếu không có dự giúp sức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người có đất khi biết được nhà đầu tư đề nghị chuyển nhượng đất để thực hiện dự án thường yêu cầu giá chuyển nhượng cao hơn nhiều lần so với giá chuyển nhượng thực tế tại địa phương. Do đó, việc triển khai dự án thường kéo dài và đôi khi không thực hiện được.
- Đối với các dự án đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho phép đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, ngân sách địa phương phải thực hiện việc chi trả tiền bồi thường khu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong điều kiện ngân sách địa phương một số tỉnh còn hạn chế sẽ không thể đáp ứng được việc chi trả tiền đền bù cho việc giải phóng mặt bằng của các dự án lớn, số tiền đền bù có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Thứ tư, các tỉnh, thành phố trong vùng chưa lường hết những yếu tố phản ánh năng lực của nhà đầu tư, sự chuẩn xác của việc đăng ký vốn đầu tư so với nhu cầu vốn thực tế để triển khai dự án. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, có một số dự án lớn nhưng triển khai chậm so với tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ năm, hạ tầng kỹ thuật cũng chưa phát triển tương xứng với tốc độ thu hút vốn đầu tư vào địa phương, dẫn tới tiến độ triển khai một số dự án đầu tư nước ngoài tại các địa điểm tập trung nhiều dự án bị ảnh hưởng.
Thứ sáu, năng lực cán bộ tuy được cải thiện những vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thực tế.
CHƯƠNG 4: ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG THỜI GIAN TỚI