5. Kết cấu đề tài
3.2.2 Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Sự phát triển của TMĐT một mặt làm tăng cơ hội mới cho việc tăng thu Ngân sách Nhà nước nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn khả năng làm thất thu cho NSNN nếu hệ thống pháp luật thuế không có những thay đổi nhất định. Qua quá trình nghiên cứu, người viết đề xuất một vài giải pháp và một số vấn đề cần phải được làm rõ hơn trong các văn bản pháp luật thuế liên quan tới TMĐT trong tương lai.
Thứ nhất, đối với các loại thuế gián thu đánh vào các hoạt động sản xuất cần làm rõ hơn và điều chỉnh chi tiết hơn hoạt động dịch vụ được cung cấp qua phương thức giao dịch điện tử. Do các hoạt động cung cấp dịch vụ có thể dễ dàng thực hiện qua môi trường số hóa nên không nhất thiết phải xác định phạm vi áp dụng của một sắc thuế với dịch vụ dựa vào chủ yếu vào tiêu chí lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp cụ thể này, dịch vụ phải chịu thuế nên dựa vào việc tiêu dùng dịch vụ ở Việt Nam. Khách hàng Việt Nam có nghĩa vụ phải nộp thuế thay cho nhà cung cấp. Giải pháp này đã được manh nha ở Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về
hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam - xác định dịch vụ được tiêu dùng trong nước là được quyền đánh thuế.
Thứ hai, xác lập cơ chế phối hợp mang tính pháp lý giữa cơ quan thuế với các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Internet và dịch vụ thanh toán. Vì một trong những đặc điểm của thương mại điện tử là phải có sự tham gia của chủ thể thứ ba bên cạnh hai chủ thể chính thông thường của giao dịch. Chính chủ thể thứ ba này là người cung cấp các điều kiện kỹ thuật cho thương mại điện tử được tiến hành, và về mặt kỹ thuật họ có đầy đủ khả năng để lưu trữ, xác nhận sự tồn tại đích
thực của một giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo để sớm hoàn thành quá trình thống nhất hệ thống thanh toán nói chung và thị trường thanh toán qua thẻ nói riêng hiện nay giữa Công ty CP dịch vụ thẻ Smartlink (Smartling), Công ty CP thẻ thông minh VINA (VNBC), Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam. Kế hoạch thống nhất thị thường thanh toán thẻ giữa ba Công ty nêu trên đã được manh nha từ năm 2003. Tuy nhiên, giữa Smartling và Banknetvn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi đến thỏa thuận chính sách chung cũng như chiến lược tương lai nếu thị trường thanh toán thống nhất dù rằng giữa hai bên đã có bản ghi nhớ hợp đồng cho đến thời điểm hiện tại. Nếu việc thống nhất thị trường thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của TMĐT, tạo một đầu mối thống nhất hệ thống thanh toán thẻ trong việc truy thu cho Cơ quan quản lý thuế, tránh phân tán nhỏ lẻ.
Thứ ba, theo kinh nghiệm của một số quốc gia, những loại thuế mới đặc thù cho thương mại điện tử hiện nay đang được nghiên cứu và đề xuất áp dụng. Đặc điểm chung của các loaị thuế này là:
- Đối tượng tính thuế không phải là các hình thức truyền thống do đó nó hạn chế được những rắc rối trong việc thu thuế vào các giao dịch thương mại điện tử mà hệ thống hiện nay gặp phải;
Việc tiến hành thu thuế phải dựa trên những điều kiện kỹ thuật nhất định. Phổ biến nhất hiện nay là việc nghiên cứu hai loại thuế sau:
- Thuế đánh vào lưu lượng thông tin sử dụng trong giao dịch thương mại điện tử (tax on bit). Theo đó, Nhà nước có thể thu thuế thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng và đến lượt mình, các đơn vị này sẽ cộng tác các đơn vị thuế đó vào giá dịch vụ mà họ sẽ cung cấp cho khách hàng. Nhìn chung, ý tưởng thuế này cho phép loại bỏ những phiền toái liên quan đến việc xác định phạm vi áp dụng của thuế dựa vào các tiêu chí quốc tịch, nguồn gốc của việc chuyển giao giá trị. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ đã có thể hình dung thấy loại thuế này sẽ phải đối mặt với hàng loạt những vẫn đề cổ điển của hệ thống pháp luật thuế, ít nhất là hai nội dung:
+ Trùng thuế. Rõ ràng là các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng phải trả các khoản thuế bán hàng như thuế GTGT cho hoạt động của mình. Việc đánh thêm một khoản thuế mới trên sản phẩm mà họ đã cung cấp vô hình chung làm tăng giá cả dịch vụ của họ và làm xuất hiện hiện tượng thuế trùng lắp.
+ Thiếu công bằng. Vì ở loại thuế mới này đối tượng chịu thuế là dựa trên đơn vị thông tin mà khách hàng sử dụng. Điều này không cho thấy được mức độ giá trị và ý nghĩa thông tin mà họ sử dụng, chẳng hạn cho mục đích giải trí hay cho mục đích giáo dục.
- Thuế đánh vào dịch vụ chuyển tiền. Loại thuế này được đề xuất dựa trên cơ sở của dòng tiền được thanh toán khi thực hiện giao dịch điện tử. Theo đó, số thuế phải nộp sẽ được tự động trích từ các giao dịch chuyển tiền qua tổ chức tín dụng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Nhìn chung, ưu điểm của loại thuế này nếu được thực hiện là cơ sở để xác định quyền thu thuế tương tự với nguyên tắc nguồn gốc phát sinh thu nhập và khá thuận tiện trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, do việc thu thuế phụ thuộc vào tổ chức thực hiện việc thanh toán nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta nó có thể nảy sinh nhiều hiện tượng tránh thuế. Hình thức đơn giản nhất cho việc tránh thuế trong trường hợp này là người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử sẽ lựa chọn một tổ chức thanh toán mà hoặc tổ chức này không bị ràng buộc về mặt pháp lý với Việt Nam, họ không có nghĩa vụ phải thực hiện việc trích thuế; hoặc chọn tổ chức này đựợc thành lập tại quốc gia có nhiều ưu đãi thuế hơn Việt Nam, nếu giả định có sự tồn tại một hiệp định về thuế giữa Việt Nam với quốc gia đó.
Thời gian tới, để tăng cường kiểm soát các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đang ngày càng phát triển, gia tăng cả về số lượng và phương thức hoạt động, người viết thiết nghĩ nên cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Một là, Bộ Tài chính ban hành một số quy định về thuế còn chưa điều chỉnh để tránh thất thu, tiếp đến xây dựng và ban hành một thông tư hướng dẫn đầy đủ về thuế đối với hoạt động TMĐT để DN dễ dàng tham chiếu;
Hai là, Cơ quan thuế cần phối hợp với các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng,…để trao đổi, thu nhập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT; thông tin về việc đăng ký Website, sàn giao dịch TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế trực tuyến….đảm bảo 100% người nộp thuế đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này, để bắt nhịp cùng với TMĐT, đồng thời giảm thời gian tuân thủ về thuế của các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Tiến hành rà soát các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế;
Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị cho công chức thuế các kiến thức thuế về TMĐT và công nghệ thông tin, đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ thanh tra, làm giảm thời gian thanh tra tại các cơ sở kinh doanh.
Ba là, siết chặt khâu quản lý hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn điện tử. Đây là căn cứ quan trọng trong việc xác định chi phí, là căn cứ quan trọng để xác định số thuế mà người nộp thuế phải nộp. Cần phải có bộ phận kiểm soát chặt chẽ về khâu hóa đơn điện tử đối với những chủ thể tham gia hoạt động TMĐT nếu chủ thể sử dụng hóa đơn điện tử. Tạo nên sự thống nhất ở khâu quản lý hóa đơn. Bởi chế độ hóa đơn thanh toán trong TMĐT rất phức tạp và phát sinh nhiều vấn đề so với hoạt động thanh toán theo kiểu truyền thống như đã bàn luận ở Chương hai của bài viết. Qua quá trình nghiên cứu. Thực tế, quy định pháp luật hóa đơn điện tử đã được đề cập tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và hóa đơn điện tử đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử.
- Phổ biến , tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích thương mại điện tử: + Xây dựng các chương trình tập huấn cán bộ quản lý kinh tế ở Trung ương và địa phương và các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử;
+ Phổ biến, tuyên truyền về lợi ích và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng các ngành sản xuất và dịch vụ chính;
quảng bá các doanh nghiệp điển hình thành công trong ứng dụng và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
- Đẩy mạnh đào tạo chính quy về thương mại điện tử:
+ Ban hành chương trình về khung đào tạo thương mại điện tử trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; tăng cường giảng dạy kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử trong các trường dạy nghề;
+ Ứng dụng đào tạo trực tuyến trong hoạt động đào tạo thương mại điện tử theo hướng khuyến khích các tổ chức đầu tư, phát triển công nghệ đào tạo trực tuyến, hỗ trợ các trường đại học và doanh nghiệp liên kết trong việc thiết kế nội dung, giáo trình đào tạo trực tuyến. Hỗ trợ về vốn và các ưu đãi về thuế nhằm đảy nhanh hình thức đào tạo trực tuyến.
KẾT LUẬN
Trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các hình thức hoạt động kinh doanh mới ra đời để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội là điều tất yếu. Thương mại điện tử ra đời là kết quả của thời đại kỹ thuật số và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, chính loại hình thương mại mới này lại đặt ra nhiều vấn đề rằng liệu cơ chế quản lý thuế có bao quát và kiểm soát được đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thương mại truyền thông không. Bởi thương mại điện tử có đặc trưng riêng đáng chú ý là “tính phi biên giới” và “giao dịch qua mạng không gian ảo” nên việc các chủ thể tham gia kinh doanh có thể sẽ không có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam hoặc đến giao dịch từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, phương tiện thực hiện bằng điện tử . Vậy nên, chủ thể tham gia sẽ rất rộng, thông tin về chủ thể đôi khi không chính xác và hiện tại chưa có cơ chế xác nhận thông tin hữu hiệu nếu người tham gia giao dịch ở nước ngoài, quá trình thanh toán và các chứng từ thanh toán liên quan để có cơ sở đánh thuế và thu thuế thì nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, số lượng và số lần giao dịch cần được quản lý chặt chẽ. Với việc nghiên cứu đề tài: “Một số vấn đề quản lý thuế liên quan thương mại điện tử”, người viết đã góp phần làm rõ các vấn đề phát sinh về quản lý thuế trong hoạt động TMĐT từ việc đưa ra ví dụ giả định để phân tích, xác định đối tượng áp dụng và tính thuế, đến các khâu quản lý chính yếu và biện pháp xử lý được pháp luật áp dụng cho đến hiện tại, cuối cùng là đưa ra những thực trạng, định hướng và giải pháp của Nhà nước và cả quan điểm của người viết. Khi làm rõ các vấn đề phát sinh, nhìn nhận vấn đề phát sinh từ yếu tố cơ bản ngay từ ban đầu sẽ tạo tiền đề hoàn thiện các biện pháp quản lý thuế hiệu quả hơn. Xuyên suốt luận văn nghiên cứu của người viết, người viết nhận thấy rằng muốn quản lý tốt nguồn thu TMĐT, cần phải khẳng định rằng hoạt động thương mại truyền thống chịu loại thuế nào thì hoạt động đó trong TMĐT cũng phải chịu cùng loại thuế với thuế suất tương tự để đảm bảo cạnh tranh công bằng, Nhà nước cần siết chặt hơn nữa trong giao dịch TMĐT và trong khâu thanh toán, tăng cường cơ sở pháp lý để quản lý tốt hoạt động này, căn cứ xác định dịch vụ được đánh thuế, người quản lý nhà nước phải có hiểu biết và phải được đào tạo bài bản khi tham gia quản lý liên quan đến TMĐT. Nếu quản lý tốt ngay từ hoạt động chịu thuế thì sẽ là cơ sở vững chắc để hoạt động quản lý thuế dễ dàng và thống nhất hơn. Trên thực tế, hoạt động TMĐT là hoạt động có nhiều ưu thế, lợi nhuận tạo ra là không hề nhỏ, nhưng cơ sở pháp lý để quản lý nguồn thu trong hoạt động
này còn yếu kém. Từ đây, tạo ra khung pháp lý chặt chẽ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc quản lý nguồn thu là điều rất cần thiết. Bởi nguồn thu là mạch máu của NSNN, phát triển kinh tế chỉ thực sự có ý nghĩa khi một phần sự phát triển đó đóng góp vào nguồn thu của Ngân sách. Bởi vậy, lợi ích mà hoạt động TMĐT đem lại là rất lớn nhưng nếu cơ quan quản lý thuế có được những biện pháp và định hướng quản lý hiệu quả sẽ là tiền đề để xây dựng một đất nước phồn thịnh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) 2. Luật Doanh nghiệp năm 2005
3. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 4. Luật thương mại năm 2005
5. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 6. Luật Quản lý thuế năm 2006
7. Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế năm 2012
8. Nghị định 57/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về Thương mại điện tử. [Hết hiệu lực]
9. Nghị định 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
10. Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về Chống thư rác. [Hết hiệu lực]
11. Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử
12. Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thay thế cho Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.