Có thể hiểu dạy học là một bộ phận của quá trình tổng thể giáo dục nhân cách toàn vẹn, là quá trình tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh, nhằm truyền thụ và chiếm lĩnh tri thức khoa học, hình thành những kỹ năng, kỹ xảo, hoạt động nhận thức và thực tiễn, trên cơ sở đó hình thành thế giới quan, phát triển năng lực sáng tạo và xây dựng các phẩm chất, nhân cách người học.
Như vậy, dạy học là khái niệm chỉ hoạt động chung của người dạy và người học. Dạy học bao gồm 2 hoạt động: hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Hai hoạt động này luôn gắn bó mật thiết với nhau, tồn tại trong mối quan hệ qua lại và hợp thành một thể thống nhất. Nếu không có mối quan hệ này thì không có sự tác động qua lại giữa thầy và trò, dạy với học.
* Hoạt động dạy của giáo viên:
Là hoạt động định hướng, tổ chức, điều khiển hoạt động chiếm lĩnh tri thức của học sinh, giúp học sinh hiểu kiến thức, hình thành kỹ năng, thái độ, phát triển năng lực. Hoạt động dạy có chức năng kép là truyền đạt và điều khiển nội dung học theo chương trình quy định.
* Hoạt động học của học sinh:
Là quá trình chủ động chiếm lĩnh tri thức khoa học, tự giác, tích cực dưới sự định hướng của thầy nhằm khắc sâu và khám phá những tri thức mới.
Trong mỗi tiết học, học sinh phải “mắt nhìn, tai nghe, đầu nghĩ, tay viết” và sáng tạo trong quá trình chiếm lĩnh tri thức, “ghi tất cả những gì mình nghe
thấy mà chưa biết, vẽ tất cả những gì mình nhìn thấy mà chưa hay”. Hoạt
động học cũng có chức năng kép là lĩnh hội và tự điều khiển quá trình chiếm lĩnh tri thức khoa học một cách tự giác, tích cực nhằm biến tri thức của nhân loại thành học vấn của bản thân.
Hai hoạt động dạy và học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nó tồn tại song song và phát triển trong cùng một quá trình thống nhất, chúng bổ sung cho nhau, kết quả hoạt động học của học sinh không thể tách rời kết quả hoạt động dạy của thầy và kết quả hoạt động dạy của thầy được thể hiện qua kết quả học tập của học sinh. Nếu không thông qua hoạt động dạy của thầy và học của trò thì không phát huy tác dụng thực tế. Hoặc ngược lại, nếu thầy, trò và hoạt động dạy học của họ không quán triệt được mục đích và nhiệm vụ dạy học, không thâu tóm được nội dung dạy học, không sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học ở mức độ cần thiết thì hiệu quả tác dụng của các nhân tố này sẽ hạn chế rất nhiều, thậm chí có thể mất tác dụng.