Đánh giá tổng hợp môi trường bên ngoài và đối thủ cạnh tranh từ ma trận EFE và ma trận hình ảnh cạnh tranh

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược xuất khẩu cá tra, cá basa của công ty cổ phần Hùng Vương đến năm 2020 (Trang 42)

EFE và ma trận hình ảnh cạnh tranh

Nhận xét và đánh giá:

Về môi trường bên ngoài:

Dựa vào bảng ma trận bên ngoài của CTCP Hùng Vương, ta thấy yếu tố nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản của Châu Âu tăng có mức độ quan trọng lớn nhất (trọng số 0,15) vì tuy có những diễn biến khó khăn trong các nền kinh tế của các nước liên minh Châu Âu

hiện nay, nhưng công ty vẫn nhận được các đơn hàng lớn từ các khách hàng truyền thống (đặc biệt là tại thị trường Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan).

Về chất lượng sản phẩm, chính chất lượng tốt, giá cả hợp lý của sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam giúp sản phẩm được ưa chuộng hơn so với các sản phẩm từ thịt gà, cá rô Trung Quốc và cá trê sông Nilê. Điểm số 3 cho yếu tố này cũng cho thấy đây là một trong những cơ hội tốt của doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá basa sang thị trường Châu Âu.

Về thị hiếu tiêu dùng, thì mỗi một thị trường xuất khẩu sẽ ưa chuộng những sản phẩm khác nhau. Ở Pháp, các loại cá tươi và cá phi lê được tiêu thụ nhiều. Ở Ba Lan, thì khách hàng lại thích tiêu thụ cá còn nguyên con. Ở thị trường Đức, hầu hết người tiêu dùng quan tâm đến những sản phẩm thuỷ hải sản được bảo quản và chế biến sẵn. Những động vật có vỏ (trai, sò, tôm cua...) không được tiêu thụ mạnh tại Đức. Ở Tây Ban Nha, cá tươi là mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất. Do đó, đây cũng là một trong những yếu tố đe doạ ở mức độ yếu với công ty (trọng số 0,05), nhưng các sản phẩm hiện nay của công ty không thể chủ động đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của khách hàng nên chỉ được đánh giá ở mức 1 điểm.

Tại thị trường Mỹ, cá tra, cá basa Việt Nam cũng chiếm ưu thế và được ưa chuộng nhiều hơn. Nguyên nhân là do sản lượng cá da trơn tại Mỹ đang giảm mạnh, trong năm 2011, diện tích nuôi cá da trơn Mỹ giảm 39% so với năm 2010, còn giá thì lên khá cao

(Phụ lục 8). Đồng thời, Mỹ cũng là một thị trường tiêu dùng lớn quan trọng nhất trên thế giới. Do đó, cơ hội này có mức độ quan trọng 0,09 với 4 điểm tối đa.

Các chính sách khuyến khích xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam cũng là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp đầu tư để tăng giá trị xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Cơ hội này được đánh giá 3 điểm vì hiện tại công ty đã tận dụng và phối hợp chặt chẽ với VASEP cùng các cơ quan nhà nước để cập nhật nhiều thông tin hữu ích về lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá basa và thị trường, cũng như các mối quan hệ với các đối tác. Bên cạnh đó, công ty cũng tận dụng tốt các cơ hội khi thị trường kinh tế thế giới đang dần hồi phục khi vẫn duy trì sản lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu khi nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Yếu tố này của công ty được đánh giá ở mức 3 điểm.

Một số khó khăn trong thời gian sắp tới như: các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và các tiêu chuẩn mới khắt khe về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường; tác động của việc giá thức ăn, thuốc thú y và thuế phí; thương hiệu của Việt Nam chưa thực sự được khách hàng biết đến. Do chiến lược hiện tại của công ty tập trung vào việc xây dựng mô hình sản xuất khép kín nên công ty chưa thực sự đáp ứng và phản ứng nhanh với các thay đổi trên của thị trường. Vì vậy, các yếu tố này được đánh giá là mối đe doạ ở mức độ trung bình đối với công ty, với trọng số lần lượt là 0,14, 0,1 và 0,05 và cùng điểm phân loại là 2.

Một yếu tố khác đe doạ đến công ty là cường độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cao làm tăng khả năng ép giá của nhà nhập khẩu. Yếu tố này được đánh giá 4 điểm cho thấy chiến lược hiện tại giúp phản ứng tốt với yếu tố đe doạ này. Vì công ty xây dựng một mô hình sản xuất riêng từ khâu nuôi trồng đến việc tìm kiếm thị trường, đồng thời các đối tác truyền thống của công ty vẫn chú trọng về chất lượng sản phẩm hơn yếu tố giá và thị trường cũng rất đa dạng nên yếu tố này không ảnh hưởng nhiều đến công ty.

Kết luận: Tổng điểm có trọng số 2.77 cho thấy khả năng phản ứng của CTCP Hùng Vương trước các mối đe doạ và cơ hội bên ngoài ở mức trung bình nhưng chưa thật sự tốt. Chiến lược hiện tại đã giúp công ty phản ứng tốt với một số đe doạ như: thị trường nguyên vật liệu bất ổn; cường độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, CTCP Hùng Vương vẫn chưa phản ứng tốt với các yếu tố môi trường bên ngoài như: đáp ứng thị hiếu khác nhau ở các thị trường xuất khẩu, thương hiệu của Việt Nam chưa thực sự được khách hàng biết tới, chính sách bảo hộ và rào cản về vệ sinh an toàn, thực phẩm ngày càng cao và tác động của việc tăng giá thức ăn, thuốc thú y và thuế phí.

Về đối thủ cạnh tranh:

CTCP Vĩnh Hoàn

Điểm mạnh:

- Nguồn vốn kinh doanh mạnh, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên công ty có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn đang và đã thực hiện đa dạng hoá sản phẩm nhằm mục tiêu có thêm nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.

- Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ chế biến, nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn như Global Gap, BAP (Best Aquaculture Pratice)... Do đó, hiện nay, sản phẩm của công ty đã

xuất khẩu đến nhiều nước trong đó thị trường Mỹ chiếm 40% và thị trường Châu Âu chiếm 35%.

- Công ty có khoảng 200 ha nuôi trồng cá, đáp ứng 50% nhu cầu chế biến, trong đó có 90 ha đạt tiêu chuẩn Global Gap, lớn nhất tại Việt Nam.

- Trong 2 năm 2010 và 2011, Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế CBPG vào Mỹ là 0%, do đó công ty có khả năng cạnh tranh cao tại Mỹ.

Điểm yếu:

- Lĩnh vực nghiên cứu, phát triển chưa được chú trọng đầu tư phát triển, do chỉ phụ thuộc vào hai thị trường xuất khẩu chính nên khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra rủi ro về sụt giảm nguồn tiêu thụ.

- Đầu tư hoạt động tiếp thị ra nước ngoài còn yếu, vì thế chưa có nhiều khách hàng biết đến công ty, mà đa số là các khách hàng truyền thống lâu năm.

Đánh giá năng lực cạnh tranh của công ty:

Với nguồn tài chính vững mạnh cũng như sản phẩm đa dạng, Vĩnh Hoàn là một trong những công ty gần như đứng đầu ngành xuất khẩu thuỷ sản. Công ty sẽ càng phát huy lợi thể này hơn nữa khi vận dụng tốt những điểm mạnh của mình để triệt tiêu những điểm yếu.

CTCP Cửu Long An Giang:

Điểm mạnh:

- Mạng lưới thu mua nguyên vật liệu tại các địa phương tốt và chủ động, kết hợp với các chính sách hợp tác, liên kết hộ trợ kỹ thuật, tín dụng, thu mua với người nuôi nên luôn có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định.

- Xây dựng được mạng lưới phân phối sang các thị trường lớn như: Trung Đông (60%), Châu Âu (20%), Brazil và Mỹ (10%). Nghiên cứu các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, điều này mở ra nhiều cơ hội cho công ty thâm nhập thị trường mới.

- Công ty cũng thực hiện tốt việc cải tiến quy trình sản xuất, thiết bị và cải tiến về năng lực con người nên có ưu điểm trong việc kiểm soát các chi phí sản xuất.

Điểm yếu:

- Nguồn vốn kinh doanh còn tương đối hạn hẹp gây khó khăn cho công ty khi phải theo đuổi hay cạnh tranh với các đối thủ khác.

- Đầu tư cho khâu giống và diện tích nuôi trồng thuỷ sản còn yếu, chưa tương xứng với sự phát triển của ngành. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm sau này của doanh nghiệp.

Tuy năng lực tài chính còn yếu và vị thế cạnh tranh còn chưa mạnh so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành, nhưng công ty có khả năng quản lý tốt nguồn nguyên liệu và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Trong tương lai, công ty cần chú trọng đầu tư vào diện tích nuôi trồng cũng như kênh phân phối xuất khẩu để phát triển hơn trong tương lai.

Dựa vào bảng ma trận hình ảnh cạnh tranh của CTCP Hùng Vương, qua việc so sánh CTCP Hùng Vương với 2 đối thủ cạnh tranh chính là CTCP Vĩnh Hoàn và CTCP XNK Cửu Long An Giang – những công ty xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam

(Phụ lục 9), để thấy được những ưu, khuyết điểm của công ty.

Về uy tín thương hiệu, CTCP Hùng Vương và Vĩnh Hoàn được đánh giá bằng nhau (cùng 0,44 điểm) và vượt trội hơn Cửu Long An Giang (0,22 điểm). Chất lượng sản phẩm của Hùng Vương và Vĩnh Hoàn đều được đánh giá cao hơn Cưu Long An Giang (0,36 điểm) là do 2 công ty đều xây dựng được mô hình sản xuất khép kín nên việc kiểm soát chất lượng tốt hơn hẳn Cửu Long An Giang (0,24 điểm). Hiện nay, Cửu Long An Giang chủ yếu thu mua nguyên vật liệu tại các địa phương.

Về nguồn lực tài chính, ở mặt này tuy Cửu Long An Giang là một công ty có quy mô nhỏ hơn Hùng Vương và Vĩnh Hoàn nhưng công ty lại có nguồn lực tài chính vững mạnh nhờ vào việc kiểm soát được chi phí chặt chẽ (cùng 0,45 điểm). (Phụ lục 10)

Về dịch vụ bán hàng và hậu mãi, điểm số của Hùng Vương được đánh giá cao nhất (0,3 điểm), sau đó là Vĩnh Hoàn (0,2 điểm) và cuối cùng là Cửu Long An Giang (0,1 điểm). Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian giao hàng và kho bãi lạnh lưu trữ. Hùng Vương được đánh giá cao hơn đối thủ vì thời gian giao hàng ngắn hơn trung bình 20-30 ngày và có một hệ thống kho bãi trữ lạnh quy mô lớn.

Về khả năng cạnh tranh về giá, cả 3 công ty đều có số điểm ngang nhau với 0,2 điểm, vì một mặt, các công ty thuỷ sản ở Việt Nam hiện nay đều đang gia công cho nước ngoài nên biên lợi nhuận không cao nên khó có thể cạnh tranh với nhau về giá cả sản phẩm.

Về mối quan hệ với khách hàng, do mỗi công ty có một thị trường chính khác nhau, như Hùng Vương ở Tây Ban Nha, Mexico; Vĩnh Hoàn ở thị trường Mỹ, Nga; Cửu Long An Giang ở thị trường Trung Đông, Nam Mỹ và các khách hàng ở các thị trường chính

này liên tục đặt hàng đều đặn, điều đó cho thấy mối quan hệ với khách hàng ở 3 công ty đều rất tốt (cùng 0,37 điểm).

Về khả năng quản lý sản xuất, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn có lợi thế hơn so với Cửu Long An Giang nhờ vào hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ công nhân lành nghề đã qua đào tạo. Ở mặt này, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn được đánh giá cùng 0,24 điểm so với 0,16 điểm của Cửu Long An Giang.

Về thị phần, hiện nay, dẫn đầu giá trị xuất khẩu vẫn là Vĩnh Hoàn, sau đó là Hùng Vương và cuối cùng là Cửu Long An Giang. Do thị trường của Vĩnh Hoàn chủ yếu ở thị trường Mỹ và Nga là 2 thị trường lớn, người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao nên thị phần của công ty này được đánh giá 0,48 điểm, sau đó là Hùng Vương với 0,36 điểm và cuối cùng là Cửu Long An Giang với 0,24 điểm. Ở mặt công nghệ sản xuất và lợi thế vị trí địa lý, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn đều được đánh giá ngang nhau, chỉ có Cửu Long An Giang chưa thể cạnh tranh được ở hai mặt này.

Kết luận: Dẫn đầu cạnh tranh trong ngành hiện nay vẫn là công ty Vĩnh Hoàn (tổng điểm 3.03) với điểm mạnh như: có thị phần lớn, năng lực quản lý nguyên liệu, khả năng quản lý chất lượng sản phẩm và có năng lực quản lý tài chính tương đối vững mạnh. Tiếp theo là công ty Hùng Vương (tổng điểm 2.96) với điểm mạnh về uy tín thương hiệu và có đầu tư cho quy trình sản xuất khép kín từ khâu thức ăn, dịch vụ bán hàng và hậu mãi. Ngoài ra, điểm mạnh về thị trường đa dạng cũng là một lợi thế đối với công ty. Cuối cùng là công ty Cửu Long An Giang (tổng điểm 1.91), tuy công ty cũng có thị trường truyền thống ổn định nhưng do những điểm yếu về khả năng quản lý sản xuất và về công nghệ sản xuất và chưa có diện tích nuôi trồng riêng nên chưa thực sự chủ động được về nguồn nguyên liệu cho sản xuất cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của nguồn nguyên liệu.

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược xuất khẩu cá tra, cá basa của công ty cổ phần Hùng Vương đến năm 2020 (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(63 trang)
w