Khi bắt tay vào thực hiện dự án tùy theo từng chủ đầu tư mà nguồn lực khác nhau. Có chủ đầu tư có nguồn lực này nhưng lại thiếu đi nguồn lực khác. Về điều này chủ đầu tư phải tìm ra cách khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh mới có thể thực hiện thành công dự án. Ở đây tôi chỉ bàn chung về việc phân bổ nguồn lực như thế nào mà thôi!
Trong quá trình thực hiện dự án bạn phải triệt để tuân thủ những nguyên tắc: + Luôn theo sát tiền bạc. Một khi bắt tay vào thực hiện dự án thì tất cả thu chi liên quan đến dự án bạn phải nắm rõ. Dù đó là một đồng lẻ. Không có chuyện
không biết số tiền ấy chi khi nào, chi vì đâu, chi ra sao … Tùy theo thói quen, trình độ của từng người mà có thể dùng bảng tính, sổ tay …, nhưng nhất thiết phải ghi chép lại một cách tỉ mỉ, rõ ràng. Luôn theo sát tiền bạc buộc bạn phải tìm ra cách giảm chi phí, tăng doanh thu, nắm cơ hội …, vì vậy mà sự nghiệp của bạn sẽ ngày một sáng sủa hơn.
+ Giảm chi phí tối đa. Nhiều người hay nói họ đã cố gắng hết sức cắt giảm chi phí. Tôi không tin. Bạn phải hiểu rằng trí tuệ, sức lực … của con người không có giới hạn. Người có chí lớn không có khái niệm “rào cản”. Hãy liệt kê chi tiết từng chi phí một, truy nguyên nguồn gốc của chúng và bắt mình phải tìm ra cách thay thế cách làm cũ.
Để đạt được lợi nhuận tối đa chúng ta phải kiểm soát, cắt giảm tất cả các chi phí ngay từ đầu. Ví dụ như: Chi phí đi lại, điện thoại, điện, nước … Để kiểm soát, cắt giảm chi phí hiệu quả người quản lí phải đề ra những nguyên tắc, mục tiêu khuyến khích nhân viên thực hiện tốt; song song với đó phải có chế độ thưởng phạt hợp lí. Ví dụ như: Không dùng điện thoại vào việc riêng …; ai tiết kiệm nhiều tiền cho dự án sẽ được nghỉ thêm một số ngày vào cuối năm.
+ Liên tục luân chuyển tiền. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ có những khoản chi “chết” (chi không lấy lại được hoặc khó thu hồi) => hãy giảm những khoản chi đó và gia tăng khoản chi để phát triển. Ví dụ, chi cho thuê mặt bằng, sửa chữa mặt bằng … là khoản chi “chết”; chi để tìm kiếm khách hàng là chi để phát triển. Khi chi để phát triển lại cố gắng rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Ví dụ, thay vì mua hàng xong mới tìm khách hàng thì tìm đơn hàng trước rồi mới điều hàng về.
+ Chi tiền khi chắc thắng. Là một nhà đầu tư giỏi bạn nên học cách tìm hiểu, nghiên cứu, lên kế hoạch, tìm kiếm khách hàng … trước khi chi tiền ra. Không biết đồng tiền của mình chi ra dùng để làm những việc gì, bao giờ có thể thu hồi … thì bạn đang làm giàu theo kiểu “sờ soạng”. Hên thì chi đúng, xui thì mất trắng. Làm giàu thời buổi này khó hơn ngày xưa nhiều lắm. Cần phải tính toán, cân nhắc kĩ trước khi chi tiền. Vấn đề không phải là thắng thua mà người muốn giàu có cần có phẩm chất này.
Sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi bạn có một số vốn lớn trong tay, vì bạn có thể xúc tiến một lúc nhiều hoạt động để dự án phát triển nhanh hơn. Quan điểm của tôi là không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho đàng hoàng. Nếu không làm đàng hoàng ngay từ đầu dự án rất khó phát triển về sau này.
Trong cuộc sống nói chung, làm giàu nói riêng, khó nói trước được điều gì. Cho dù bạn giỏi như thế nào đi chăng nữa nhưng nhiều khi chỉ cần một lí do, chẳng hạn như là không có duyên giao tiếp …, bạn cũng sẽ thất bại. Chuyện thất bại là chuyện thường tình của người đi làm giàu. Vấn đề là sau khi thất bại bạn có rút ra bài học gì hay không, có dám đứng lên tiếp tục đi hay không. Đành rằng ai cũng muốn thắng, nhưng cuộc sống khó khăn hơn ta tưởng. Nhiều người ra kinh doanh không chuẩn bị đón nhận thất bại, cho nên khi ngã ngựa hết sức đau đớn. Thành công nào mà không phải trả giá? Sau khi nếm trải thất bại, bạn cần dừng lại tìm hiểu nguyên nhân để từ đó đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu khắc phục được thì đi tiếp, nếu khắc phục không được thì dừng lại. Để giàu có cần có tài năng, nghị lực, may mắn chỉ chiếm một phần rất nhỏ mà thôi!