Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm gần 97% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP … Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp này đã nộp cho nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Những con số trên đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị mà các doanh nghiệp dân doanh mang lại. Tuy nhiên, theo một thống kê bỏ túi từ 100 người đã khởi nghiệp trong hai năm trở lại đây thì 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong năm đầu tiên hoạt động.
Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu vốn (chiếm 40%); thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 50%), thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%). Rõ ràng, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời. Họ tự tin, quyết liệt, mạnh mẽ để tự tạo ra việc làm cho bản thân mình và cho nhiều người khác. Dù vậy, để doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công cần sự đồng hành của rất nhiều tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, trong vòng khoảng bốn năm trở lại đây, một “dòng chảy” khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét tại Việt Nam. Bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonesia. Điều này chứng tỏ thị trường khởinghiệp Việt Nam đang có sức sống và tiềm năng phát triển.
Cuối năm 2013 mở ra cuộc thi Hành trình vì khát vọng Việt với sự tham gia của 30 trường đại học trên toàn quốc, được chia làm 5 khu vực: Đồng Bằng Sông Cửu Long, TP.HCM, cao nguyên, miền Trung và Hà Nội. Các đội dự thi phải trình bày dự án kinh doanh có liên quan đến ngành nghề hoặc địa phương của mình. Chứng kiến khát vọng khởi nghiệp của các em thông qua những dự án tâm huyết ai cũng xúc động. Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ được xây dựng để đi dự thi. Các thí sinh cũng chưa nghĩ đến việc sẽ triển khai nó. Khởi nghiệp là một điều gì đó quá khó và mông lung.
Ở nhiều cuộc thi khác, thí sinh là những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đã bắt đầu kinh doanh. Các dự án dự thi ít nhiều khả thi hơn nhưng những chủ nhân đều lo lắng, không biết doanh nghiệp của mình sẽ tồn tại được bao lâu khi mà những bước
đi chập chững đầu tiên đều khá khó khăn và rủi ro. Đa số họ đều cảm thấy mình như thiếu hụt điều gì đó khi điều hành doanh nghiệp thật sự. Một số bạn suy nghĩ đơn giản hơn khi cho rằng mình phải mở doanh nghiệp vì không thể xin được việc làm ở nơi khác.
Nhiều lớp giảng dạy về khởi nghiệp, lập dự án kinh doanh, huy động vốn cho người khởi nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh thành. Họ học rất chăm chỉ và đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên, chưa có giáo trình nào hoàn chỉnh dạy về khởi nghiệp. Mỗi trung tâm đào tạo tuỳ theo nhận thức của mình mà xây dựng những nội dung khác nhau có liên quan đến khởi nghiệp. Sự chia sẻ, hướng dẫn từ những doanh nhân thành công dành cho người khởi nghiệp còn rất ít. Việc hướng dẫn, tư vấn sau khi sinh viên học xong các khóa khởi nghiệp cũng không nhiều.
Trong khi đó tại các trường học ở nước ngoài học sinh cấp hai đã được học môn kinh doanh. Qua môn học đó, học sinh được dạy cách lập phương án kinh doanh, hiểu biết về các mô hình kinh doanh cũng như được thực tập kinh doanh. Đây là môn học cần thiết giúp học sinh hiểu về kinh doanh và có những định hướng nghề nghiệp ngay ở tuổi thiếu niên.
Ở bang Oklahoma của Mĩ có một vườn ươm khởi nghiệp. Ở đó, các doanh nhân khởi nghiệp được tạo điều kiện về cơ sở vật chất (văn phòng, tiện nghi …), tài chính cũng như được sự tư vấn của những chuyên gia có kinh nghiệm. Đến đây bạn dễ dàng cảm nhận được không khí làm việc say mê của người khởi nghiệp. Sở dĩ Mĩ thành lập những vườn ươm như vậy vì họ rất chú trọng việc tạo ra nhiều doanh nghiệp mới để tạo ra công ăn việc làm cho dân chúng.
Việt Nam là quốc gia có trên 50% dân số dưới 30 tuổi. Tỉ lệ thất nghiệp đang là vấn đề báo động, đặc biệt là các trí thức trẻ. Một chiến lược quốc gia về việc thành lập những dự án như Yanartas đang là vấn đề cấp thiết. Chiến lược này phải tạo ra một môi trường khởi nghiệp lành mạnh.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người khởi nghiệp. Chính phủ Singapore khuyến khích nhiều người trẻ Singapore khởi nghiệp thông qua việc hỗ trợ về tài chính. Các công ty Singapore do các doanh nhân thành lập muốn nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại 50.000 SGD của chính phủ thì phải nộp và thuyết trình dự án kinh doanh của mình. Rất nhiều doanh nghiệp trẻ Singapore đã được tiếp sức ngay từ đầu nhờ khoản vốn này của chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc cũng có sự hỗ trợ khác cho doanh nhân trẻ khi yêu cầu các ngân hàng thương mại phải dành một khoản ngân sách để cho doanh nhân trẻ vay. Vì chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng vốn là một trong những điểm yếu nhất của người khởi nghiệp.
Theo thống kê, những doanh nghiệp trẻ thường dễ sụp đổ ở những năm đầu khởi nghiệp. Việc thiếu tiếp cận với quản trị doanh nghiệp, nghĩa là có một tỉ lệ cao các sinh viên hoặc những người khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm cố gắng tìm may mắn trong việc lập một doanh nghiệp. Những startup về công nghệ có xu hướng thu hút những chuyên gia về công nghệ với kinh nghiệm kinh doanh ít ỏi. Trong một báo cáo thực hiện bởi Tổ chức quản trị doanh nghiệp nhỏ của Mĩ đã chỉ ra rằng, 66% các doanh nghiệp mới thành lập ở Mĩ có thể tồn tại trong vòng hai năm sau khi thành lập, và 44% có thể tồn tại bốn năm sau đó. Một phân tích khác cho thấy tỉ lệ
thất bại cao khoảng 60% trong năm năm đầu tiên, và một số bằng chứng ở Nam Phi cho thấy con số này có thể lên đến 80%.
Sinh viên và thanh niên Việt Nam có khát khao làm giàu mãnh liệt. Để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp rất cần một sự kết hợp đồng bộ giữa chính chủ, các tổ chức chính trị xã hội có liên quan, nhà trường, các thế hệ doanh nhân thành đạt và nỗ lực tự thân của người khởi nghiệp.
Về phía chính phủ, cần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy, ban hành chiến lược phát triển kinh tế quốc gia ngắn và dài hạn cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực cho người khởi nghiệp. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh cũng cần phải thực hiện nhanh và quyết liệt. Một thệ sinh thái tích cực, hữu ích bao gồm đào tạo, tư vấn, vốn và những chính sách ưu đãi ban đầu là rất cần thiết cho người khởi nghiệp. Mô hình vườn ươm doanh nghiệp cần được đúc kết, điều chỉnh để có thể nhân rộng trong cả nước. Cần phải xem việc khuyến khích khởi nghiệp là vấn đề sống còn của quốc gia.
Các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn Thanh Niên, Hội Liên Hiệp Thanh Niên, Hội Doanh Nhân … cần xem việc khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ người niên khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức.
Đối với các thế hệ doanh nhân thành công nên sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ với người khởi nghiệp. Các chương trình như Mỗi doanh nhân là một người thầy do BSSC và YBA TP.HCM tổ chức cần được đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai rộng khắp trong cả nước.
Đối với chương trình giảng dạy trong nhà trường, cần sớm nghiên cứu và đưa vào giảng dạy môn học kinh doanh, tốt nhất là ở cuối cấp hai. Đối với chương trình đào tạo đại học, nên có mối liên hệ mật thiết với hoạt động khởi nghiệp.
Cuối cùng, người khởi nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết, cũng như thái độ dám làm dám chịu, học hỏi không ngừng. Có như vậy thì mới hi vọng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp trong tương lai không xa.