Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, và Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, là những văn bản pháp lý có tính chất quan trọng trong việc xác định các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, đối với các nước là thành viên như Việt Nam thì các văn bản pháp lý đó cần được tôn trọng một cách nghiêm túc, phù hợp với luật pháp quốc tế và trong nước.
Cho nên, nghĩa vụ nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về quyền biểu tình của công dân đã được ghi nhận trong bản thân các Công ước mà Việt Nam là thành viên. Việc chuyển hóa các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là một bên kí kết được quy định cụ thể tại khoản 3, điều 6, Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005: “Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối vơi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.”
Từ những nhận định trên, yêu cầu thực thi các Công ước quốc tế về quyền con người, nhằm đảm bảo quyền được biểu tình của người dân Việt Nam phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của luật điều ước quốc tế. Nhà nước Việt Nam phải có nghĩa vụ xây dựng
cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người. Như khoản 1, điều 2, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã quy định:” mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này…”
Bên cạnh đó, chính sách nhất quán xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Chính sách đó dựa trên nhận thức của Nhà nước ta coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại được tạo lập qua sự phấn đấu của các dân tộc qua mọi thời đại. Chính sách tôn trọng quyền con người của Nhà nước Việt Nam- cũng có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, dựa trên nguyên tắc lập pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam khi tham gia các quan hệ quốc tế là:”tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.47 Cho nên, việc Việt Nam tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người là sự cam kết mang tính chất chính trị- pháp lý của Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ, đảm bảo thực hiện các quyền con người- quyền được biểu tình cho người dân trước cộng đồng thế giới là quan trọng nhất.