Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHÀ NƯỚC
2.2.2 Bản chất của các loại hình nhà nước
Câu hỏi thứ hai, liên quan đến hình thức nhà nước được Aristotle đặt
ra, đó là việc: có bao nhiêu hình thức nhà nước, cơ sở nào để phân biệt các
loại hình thức nhà nước và bản chất của chúng là gì?
Theo Aristotle, có 6 hình thức nhà nước, bao gồm: quân chủ, quý tộc,
hình thức “chính quyền” (Aristotle gọi là Policy, hay chế độ hiến định, hay
chế độ trung dung), bạo chúa, quả đầu và chế độ dân chủ. Cách hiểu các thuật ngữ này cũng cần được giải thích rõ ràng hơn.
Trong 6 hình thức này, được chia làm hai loại: các loại hình thức chính quyền đúng và các loại hình thức chính quyền sai. Các hình thức chính quyền
đúng bao gồm: Quân chủ, quý tộc và policy (chế độ hiến định, chế độ trung
dung, hay chế độ dân chủ ôn hòa). Đối lập với các hình thức đúng là các hình thức nhà nước sai, hủ bại: loại hủ bại của quân chủ là bạo chúa, loại hủ bại của quý tộc là quả đầu, và loại hủ bại của chế độ hiến định là dân chủ.
Cơ sở để Aristotle phân loại thành các hình thức đúng – sai, đó là việc Aristotle xác định dựa trên việc các hình thức chính quyền quan tâm đến phúc lợi của các giai cấp trong xã hội. Và “Những chính quyền nào mà quan tâm đến lợi ích chung của mọi người là chính quyền được thiết lập đúng theo công lý, hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt nhất, và đó là những chính quyền đúng đắn; còn những loại chính quyền nào mà chỉ lo đến quyền lợi của kẻ cai trị là những loại chính quyền đầy rẫy khuyết điểm và bại hoại” [1,166] “Những
dạng thức đúng đắn của chính quyền thuộc một trong ba loại kể trên, được tổ chức nhằm phục vụ cho lợi ích chung, còn những loại chính quyền được thiết lập nhằm phục vụ cho quyền lợi riêng tư của một người, một nhóm người, hay của cả mọi người, đều là những hình thức chính quyền sai” [1,167]
Như vậy, chính việc xác định chính quyền phục vụ cho ai sẽ là cơ sở để đánh giá hình thức đó đúng hay là sai. Aristotle đã giải thích tại sao lại phân biệt như vậy:
“Chế độ quân chủ” được xem là hình thức đúng, là vì trong chế độ này, nhà vua quan tâm đến lợi ích của bản thân và của toàn thể mọi người, nếu nói theo cách nói của người Phương Đông, vua – là cha của toàn thể dân chúng và dân chúng đâu cũng là thần dân của vua, vua có quyền tối thượng cũng quan tâm đến mọi mặt của người dân. Ông vua nào xây dựng được quốc gia của mình bằng biện pháp chú ý đến lợi ích của mọi người dân, thì ông vua đó được xem là đã xây dựng hình thức nhà nước đúng, đó là chế độ quân chủ. Và dĩ nhiên, đối lập với hình thức nhà nước quân chủ - là hình thức hủ bại: chế độ bạo chúa. Bạo chúa hủ bại là vì, nhà vua chỉ quan tâm đến lợi ích của vương thất. Trong chế độ bạo chúa, quân vương áp dụng quyền lực của chủ nhân lên xã hội.
Chế độ quý tộc cũng được xem là một chế độ đúng. Bởi vì những người này “hoặc là vì những người cai trị thuộc thành phần ưu tú, hoặc họ chỉ chuyên tâm đến những quyền lợi tốt đẹp nhất của quốc gia và công dân” [1,167]. Và dĩ nhiên, đối lập với hình thức đó là hình thức quả đầu. Gọi là quả
đầu là “chế độ chỉ lo cho kẻ giàu” [1,168] và chế độ này chỉ bao gồm “những
người giàu có và quý tộc cai trị, thành phần này thông thường chỉ là một thiểu số” [1,216] dĩ nhiên quả đầu họ chỉ lo cho thiểu số - vì lẽ đó, chế độ này được xếp vào loại các hình thức hủ bại.
Đối lập với chế độ quả đầu, là chế độ dân chủ. Thuật ngữ “dân chủ”
Nếu như hiện nay, ta hiểu khi nói đến dân chủ là nói đến chế độ lấy dân làm gốc, mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, một nhà nước trong đó mọi thứ đều thuộc về nhân dân, do dân và vì dân. Còn đối với Aristotle hiểu dân chủ là một hình thức nhà nước “do thành phần dân chúng tự do cai trị” [1,215] và “một chính quyền được xem là dân chủ khi những người tự do, vừa là đa số vừa là những người nghèo cai trị” [1,216]. Cho nên, tại sao chế độ dân chủ lại được coi là chế độ hủ bại đó là vì “chế độ dân chủ
chỉ quan tâm đến quyền lợi của dân nghèo” [1,168]. Như vậy, thuật ngữ “dân
chủ” mà Aristotle nói đến khác hẳn với “dân chủ” mà ngày nay chúng ta đề cập. Theo đó, chúng ta nói đến dân chủ là nói đến sự tự do – bình đẳng của mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sắc tộc, tôn giáo… tất cả đều được bình đẳng trước pháp luật. Lenin đã khẳng định “Chế độ dân chủ, đó là một nhà nước thừa nhận việc thiểu số phục tùng đa số, nghĩa là sự tổ chức bảo đảm cho một giai cấp thi hành bạo lực một cách có hệ thống chống lại một giai cấp khác, bảo đảm cho một bộ phận của dân cư thi hành bạo lực một cách có hệ thống chống lại bộ phận khác” [18,101]. Còn “dân chủ” được Aristotle hiểu theo nghĩa hạn chế hơn, đó là quyền lực thuộc về số đông nhưng là thành phần dân nghèo trong xã hội. Chế độ này đối lập hẳn với chế độ quả đầu được Aristotle nói đến. Chế độ quả đầu là khi giai cấp có tài sản nắm chính quyền trong tay, chiếm thiểu số cai trị, còn dân chủ là những người vừa đa số, vừa là những người nghèo cai trị.
Theo tác giả David Held trong cuốn “ Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại” đã đánh giá về thuật ngữ “dân chủ” mà Aristotle nói đến. Theo ông, “trong 100 năm đầu tiên của lịch sử phát triển các nước cộng hòa, những người ủng hộ chúng còn chưa biết đến thuật ngữ này, nó chỉ trở thành một phần của ngôn ngữ chính trị châu Âu sau khi tác phẩm “The Plolitics – Chính trị luận” của Aristotle xuất hiện. Sau đó, theo cách dùng của Aristotle, nó có ý
nghĩa tiêu cực và thường được liên tưởng tới chính sách của lũ tiện dân; chính phủ hành động vì người nghèo chứ không phải vì quyền lợi công cộng; và hình thức chính quyền trong đó “người dân thường” có thể trở thành bạo chúa, đe dọa cào bằng tất cả khác biệt xã hội và đặc quyền đặc lợi đã giành được” [17,73]. Trong nhận xét này, David Held đã đưa ra thông tin khá quan trọng, chúng ta phải ghi nhận ở Aristotle, thuật ngữ “dân chủ” lần đầu tiên được xuất hiện trong tác phẩm này và nó đi vào đời sống chính trị Châu Âu như một thuật ngữ tiền đề, nền tảng cho chính trị phương Tây sau này. Tuy nhiên, nhận xét này cũng hợp lý ở chỗ, Aristotle chưa sử dụng đúng ý nghĩa dân chủ như hiện nay ta dùng, cách dùng thuật ngữ này của Aristotle lại có hạn chế, dân chủ theo nghĩa tiêu cực hơn là tích cực.
Cuối cùng, là chế độ “policy”, chế độ đúng đắn đối lập chế độ dân chủ, một hình thức hủ bại của chế độ “policy”. Tuy nhiên, đây cũng là một thuật ngữ có khả năng gây ra sự khó hiểu và nhận thức không chính xác về nó. Trong tác phẩm, có nhiều lần Aristotle nói đến chế độ này với nhiều tên gọi khác nhau dễ khiến cho người đọc nhầm lẫn. Có lúc Aristotle viết về chế độ này và gọi nó bằng một cái tên chung là “chính quyền” [1,167], cũng có lúc Aristotle gọi nó là “chế độ theo hiến pháp” [1,228], chế độ hiến định [1,229], cũng có lúc Aristotle lại gọi chế độ này là chế độ trung dung [1,242]. Với cách gọi như vậy khiến cho người đọc khó nắm bắt, khó theo dõi và hiểu biết về chế độ này. Chính vì vậy, để thống nhất trong nghiên cứu, ta sẽ gọi chế độ này bằng một
tên thống nhất, đó là “chế độ trung dung”. Bản chất của thuật ngữ “trung
dung” này cũng đủ làm ta hiểu về một chế độ Aristotle có đề cập đến.
Theo quan niệm của Aristotle, chế độ trung dung được ông hiểu đó là chế độ mà “đa số công dân tham gia chính sự và quan tâm đến lợi ích chung”. Ta có thể gọi chế độ này là chế độ trung dung cũng là vì “một người hay một số người có thể vượt trội hơn những người khác về tài đức, nhưng khi gom
nhiều người lại, ta khó lòng phân biệt được ai là kẻ vượt trội về mọi mặt, ngoại trừ về phương diện quân sự” [1,168]. Nói một cách tổng quát đây là một chế độ “pha trộn, hỗn hợp giữa quả đầu và dân chủ” [1,229]. Đó là chế độ trong đó có sự kết hợp giữa những người giàu và những người nghèo, được coi là chế độ hiến định (hay là chế độ trung dung). Trung dung giữa người giàu và người nghèo.
Như vậy, mỗi một chế độ có một bản chất khác nhau. Một ông vua cai trị lo cho dân chúng – chế độ quân chủ, ngược lại ông vua đó chỉ lo cho vương thất – lại là chế độ bạo chúa. Một chế độ xây dựng trên việc sử dụng tài sản, đức hạnh và số đông , thì đó là chế độ quý tộc, đó là một chế độ được điều hành bởi những người có tài đức nhất, ngược lại nơi nào là số ít người giàu có cai trị chỉ lo cho bản thân họ - đó là chế quả đầu. Nơi nào mà chế độ được xây dựng trên nền tảng cai trị là người nghèo, đa số và tự do – đó là chế độ dân chủ, một chế độ hủ bại của chế độ trung dung. Chế độ trung dung là sự kết hợp giữa hai chế độ quả đầu và dân chủ. Trên đây là bản chất một cách ngắn gọn nhất của các chế độ được Aristotle đề cập nghiên cứu.
Ở điểm này, ta thấy ở Aristotle cũng có điểm giống và khác so với Platon khi nói đến các loại hình nhà nước. Chúng ta nhớ rằng hình thức đúng thứ ba ở Platon là chế độ dân chủ (thay cho politia ở Aristotle), còn cái mà Aristotle gọi là dân chủ thì ở Platon là chế độ mị dân. Thêm vào đó, khi coi chế độ dân chủ là hình thức Nhà nước sai, Aristotle thực chất thừa nhận rằng nó tất yếu trở thành chế độ mị dân, vì bình đẳng và tự do dưới chế độ dân chủ được thay thế bằng bình đẳng về mọi thứ. Đây cũng là sự khác biệt giữa Aristotle với người thầy của mình trong vấn đề này.