Những điều kiện xây dựng nhà nước lý tưởng

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan niệm của ARITOTLE về nhà nước trong tác phẩm Chính trị luận (Trang 99)

Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHÀ NƯỚC

3.1.3Những điều kiện xây dựng nhà nước lý tưởng

Theo Aristotle, có rất nhiều cho rằng sự lớn mạnh của quốc gia chỉ có thể là một nước lớn, họ đánh giá sự lớn mạnh đó của quốc gia là dân số, “nhưng thực ra họ không nên chú trọng vào con số mà phải chú trọng vào khả năng của nước đó. Một quốc gia, cũng giống như một con người, có một chức năng phải thi hành, và nước nào được tổ chức tốt nhất để chu toàn được chức năng, thì đó là một nước lớn”. [1,363-364] Trên cơ sở đó, Aristotle đã phân tích những điều kiện để xây dựng một nhà nước lý tưởng

Những điều kiện để xây dựng nhà nước lý tưởng, theo Aristotle đó là: dân số, lãnh thổ, cảng biển, đường biên giới, thành phần xã hội và mối quan hệ giữa các giai cấp… những điều này, được Aristotle miêu tả rất rõ trong Quyển VIII của tác phẩm – đây cũng là những nội dung cuối cùng trong tác phẩm, cũng là những nội dung được chúng ta đề cập đến xem đó là cánh cổng khép lại toàn bộ những quan niệm của Aristotle về nhà nước một cách khá hoàn thiện như trên chúng ta đã phân tích.

Về dân số, Aristotle cho rằng không nên quá ít cũng như dân số không nên quá đông, mà tốt nhất là số dân vừa đủ lớn. “Nếu một khi dân số quá ít, thì cũng không thành một nước được vì thiếu tính chất tự túc; còn khi quá

đông thì thỏa mãn được tính chất tự túc vì đông người cung ứng được mọi nhu cầu của nhau, nhưng vẫn không phải là một nước, vì rất khó để mọi người đồng ý chế độ chính trị.. cho nên, một nước chỉ bắt đầu hiện hữu khi đạt được một số dân vừa đủ lớn để tạo nên một đời sống tốt đẹp trong một cộng đồng chính trị”[1,365]. Tuy nhiên, Aristotle lại chưa chỉ ra được bao nhiêu số dân là vừa, và trả lời câu hỏi thế nào là số dân đủ lớn, dựa vào đâu để xác định được con số đó. Đây là một hạn chế của ông khi đề cập đến vấn đề này.

Tiếp đến, là lãnh thổ. Aristotle cho rằng, một đất nước nên xây dựng trên những khu vực như, “địa thế phải đủ hiểm trở để ngăn cản quân giặc, nhưng cũng phải thuận tiện cho dân cư đi lại, thứ hai là phải dễ quan sát mới dễ bảo vệ nhà nước” [1,367].

Một đất nước cũng cần phải có đường biển để thông thương trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, Aristotle lại cho rằng “một nước nên trở thành một thị trường để đáp ứng nhu cầu của chính mình, chứ đừng nên trở thành một thị trường cho những nước khác vào buôn bán, một quốc gia không nên biến thành nơi thị tứ của thế giới” [1,368]. Aristotle đã hạn chế trong việc đóng khung quốc gia, ngăn cản việc thông thương giao lưu với nước ngoài, đó là hạn chế của ông cũng là hạn chế của thời đại mà Aristotle sinh sống. Một đất nước có đường biển thì cũng phải có lực lượng hải quân tương đối mạnh để bảo vệ đất nước và chiến đấu với kẻ thù.

Về công dân của quốc gia, theo Aristotle, tính chất mà người dân của một nhà nước lý tưởng phải có đó là tính chất “trung dung”, vừa có sự hăng hái nhiệt tình, vừa có sự khôn ngoan, vừa can đảm. Những người dân này sẽ dễ được nhà lập pháp hướng dẫn tới đời sống hạnh phúc nhất.

Ngoài ra, Aristotle cũng nói đến những công việc cần có trong nhà nước lý tưởng và mối quan hệ giữa những người thực hiện những công việc đó…

Nói tóm lại, để hoàn thiện nhà nước lý tưởng, Aristotle đã nêu lên những điều kiện để xây dựng. Tuy nhiên, những điều kiện này không còn phù hợp vì thực tế có rất nhiều những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà nước như vậy, nó chỉ phù hợp với những thành quốc nhỏ bé trong thời Aristotle sinh sống của Hy Lạp cổ đại.

Đến đây, chúng ta đã phân tích khá chi tiết và hệ thống những nội dung trong tác phẩm “Chính trị luận” của Aristotle. Những nội dung được Aristotle trình bày còn rời rạc chưa hệ thống, nhiều chỗ còn khó hiểu và cũng có những thuật ngữ khác xa với quan niệm của chúng ta hiện nay. Song trong quá trình nghiên cứu, chúng ta nhặt ra được những điểm sáng trong tác phẩm này, nghiên cứu nó trên quy mô hệ thống và khoa học. Và kết quả của chúng ta thu được là một hệ thống đồ sộ của những quan niệm của Aristotle đối với vấn đề nhà nước. Chúng ta thấy được những quan niệm chung về nhà nước, quan niệm về các loại hình nhà nước, đặc biệt là quan niệm về mô hình nhà nước lý tưởng, trong số những loại hình nhà nước Aristotle chỉ ra đâu là cái tốt nhất. Đồng thời với vấn đề đó, Aristotle còn đề cập về việc sự thay đổi chế độ và những nguyên nhân thay đổi đó, kèm theo là giải pháp bảo vệ và xây dựng chế độ này trong thực tế. Đó là một hệ thống rất toàn vẹn có mở đầu và có kết thúc, những ai muốn nghiên cứu về nhà nước đều có thể tìm thấy trong hệ thống này. Cuối cùng, công việc quan trọng trong bản luận văn này là phải đánh giá được những quan niệm của Aristotle, để thấy những điều Aristotle nói đúng, còn giá trị, để lại bài học cho chúng ta ngày nay và cả những điều Aristotle không còn chính xác, những hạn chế không còn khả thi đối với chúng ta hiện nay. Tất cả những điều này phải dựa trên một phương pháp luận khoa học và khách quan, để đặt Aristotle và tác phẩm “Chính trị luận” vào đúng ý nghĩa của nó.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan niệm của ARITOTLE về nhà nước trong tác phẩm Chính trị luận (Trang 99)