Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHÀ NƯỚC
2.1 Những quan niệm chung về nhà nước
Ngay từ đầu tác phẩm, Aristotle đã nêu lên một lập luận quan trọng,
nền tảng về mục đích của nhà nước. Ông nói: “Mỗi một nhà nước là một
hình thức quần tụ nào đó của con người – một cộng đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó, vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhằm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng chính trị - cộng đồng cao nhất và bao trùm nhất tất cả các cộng đồng – phải nhắm tới cái tối cao cả hơn mọi cái khác, và phải là một cái tốt ở mức độ cao nhất” [1,42]. Một đoạn văn ngắn, nhưng đã chứa đựng hết những ý đồ của tác giả khi ông muốn nói về con người, về cộng đồng người và trên hết là của nhà nước.
Con người – “một động vật chính trị” [1,47] như ông nghĩ, thì sự nhu cầu quần tụ gắn bó với nhau nhằm hướng đến những cái tốt là điều hết sức tất yếu, sinh ra và lớn lên ai cũng có nhu cầu hiểu và được hiểu người khác, được giao tiếp với người khác. Con người, theo Aristotle khác động vật ở chỗ, động vật chỉ có thể thông qua những biểu hiện của cơ thể để thể hiện cảm xúc, còn con người có ngôn ngữ, có giao tiếp và có nhu cầu muốn gắn bó, đoàn kết với nhau. Đó là nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng, nó cũng thể hiện một quy luật rất tự nhiên từ khi con người sinh ra trên trái đất. Quy luật đó là con người sinh ra tất yếu phải tụ họp nhau lại. Kết quả của quy luật này chính là việc con người xây dựng nên cho mình những cộng đồng chung. Những hình thức cộng đồng ban sơ rồi đến cao hơn, hoàn thiện hơn đó chính là Nhà nước. Mỗi một cộng đồng người xuất hiện nhằm thể hiện ước vọng bảo vệ và xây dựng thân tình đặc biệt giữa con người với con người, mục đích của nó là hướng con người đến cái Thiện, cái Tốt. Và nếu như vậy, cái cộng đồng cao
nhất – chính là nhà nước, cũng sẽ phải thực hiện cái thiên mệnh tối cao đó. Nó sẽ phải phục vụ cho nhu cầu hướng đến cái tốt đẹp nhất của đời sống con người. Nó chỉ ra và thực hiện cho con người thấy những nhu cầu mà các cộng đồng nhỏ bé không thực hiện được, bất lực thì đến Nhà nước, sẽ thực hiện được, nó giúp cho những niềm ao ước, khát vọng hướng đến cái Chân – Thiện – Mỹ của con người đạt đến lý tưởng. Đó chỉ có thể là mục đích nhà nước. Đó cũng là điều khác biệt lớn nhất ở con người với những động vật khác, con người có nhà nước và con người có đời sống chính trị riêng của mình, cũng là lý do tại sao mà Aristotle gọi con người bằng thuật ngữ “động vật chính trị”.
Như vậy, chỉ thông qua một đoạn văn rất ngắn, ta đã hiểu Nhà nước – một thuật ngữ mà Aristotle cho rằng, “phải là một cộng đồng rộng lớn nó thực hiện nhiệm vụ hướng con người đến cái tốt đẹp nhất, bao trùm lên tất cả các cộng đồng, và phải ở mức độ tốt đẹp nhất”. Bản chất đó rất tự nhiên mà bất kỳ ai cũng hiểu, và đó cũng là cách hiểu của Aristotle về mục đích nhà nước.
Cũng từ đoạn văn đó, đã hé mở cho chúng ta quan niệm của ông về sự xuất
hiện của nhà nước.
Quy luật tự nhiên được ông nói trên đã được ông áp dụng khá linh hoạt và rõ ràng khi ông giải thích sự xuất hiện của nhà nước. Không phải những cuộc đấu tranh quân sự, cũng không phải từ những sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, càng không phải do nhu cầu phát triển những yếu tố lực lượng sản xuất như chúng ta thường thấy, mà nhà nước xuất hiện theo Aristotle, rất tự nhiên.
Tính tự nhiên của sự ra đời nhà nước không phải ở chỗ vô tình hay hữu ý của con người làm cho nhà nước ra đời, mà tính tự nhiên ở đây – chính là ở chỗ, “thoạt kỳ thủ phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau” [1,43], cũng giống như giống đực phải kết hợp với giống cái để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như nhau. Đối
với con người, dĩ nhiên cũng phải kết hợp giữa những người nam với những người nữ, nhằm để duy trì dòng giống loài người. Và thứ đến, phải có sự kết hợp giữa phần tử cai trị và phần tử bị trị một cách tự nhiên. Những phần tử nào nhờ sự khôn ngoan biết tính toán, lo xa dĩ nhiên sẽ trở thành phần tử cai trị, còn những phần tử chỉ biết sức mạnh của thể chất để làm những gì mà phần tử kia hoạch định, dĩ nhiên là phần tử bị trị. Và tất nhiên, sự kết hợp giữa chủ nhân và nô lệ được hình thành, vì cả hai cần có nhau.
Từ quan hệ nam – nữ, chủ - nô đó, “gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ Hesiod đã nói: có nhà – có vợ - có trâu đi cày” [1,45]. Gia đình phương Tây có vẻ từ xa xưa cũng đã giống với những quan niệm của phương Đông, khi cho rằng một gia đình phải có vợ chồng, phải có nhà cửa, và phải có phương tiện sinh sống để lao động tạo ra của cải. Có khác chăng, gia đình theo quan niệm của thi sĩ Hesiod nói đến mà được Aristotle trích dẫn, đó là việc thay bằng “con trâu” là hình ảnh của người nô lệ. Đằng sau câu nói này, người ta thấy bóng dáng của người đàn ông chi phối toàn bộ gia đình. Một người đàn ông dĩ nhiên phải có nhà – tức là phải có của cải vật chất, người đàn ông mới có vợ - tức là đã xuất hiện mối quan hệ vợ - chồng, trong đó chồng là người trụ cột, có quyền sở hữu vợ, và người đàn ông phải có “trâu đi cày” – tức là có phương tiện, có nô lệ, và ở đó thấp thoáng là bóng dáng của mối quan hệ chủ - nô. Rõ ràng ta thấy, quan niệm này về gia đình của người phương Tây và phương Đông thời cổ đại vẫn có những điểm giống nhau, nó gần giống với
quan niệm “tam cương, ngũ thường” trong quan niệm của Nho giáo ở Phương
Đông. Tuy nhiên, trở lại vấn đề thấy rõ ràng theo quy luật Aristotle nói, gia đình là kết quả đầu tiên cho quá trình phát triển tự nhiên đó.
Sự phát triển không bao giờ dừng lại điểm mà tại điểm đó nó vẫn có thể phát triển. Cái quy luật tự nhiên hay ở chỗ, nó sẽ dẫn đối tượng phát triển đến cực thịnh, tạo mọi điều kiện để phát triển hết khả năng của sự vật. Quy luật
phát triển tự nhiên này cũng vậy, từ cá thể dẫn đến xuất hiện nhà nước, nó cung ứng cho con người những nhu cầu thường ngày. “Nhưng khi nhiều gia đình tụ họp lại, và sự quần tụ này nhằm đến mục tiêu cao hơn là cung cấp cho những nhu cầu hàng ngày, thì xã hội đầu tiên – làng mạc được thành lập” [1,45]. Làng mạc, dĩ nhiên sẽ có những điểm giống với gia đình, và dĩ nhiên cũng có những bước phát triển cao hơn gia đình. Sự giống nhau giữa gia đình và làng mạc ở chỗ, mỗi một cộng đồng này đều có người đứng lên làm chủ. Trong gia đình, người đàn ông làm chủ, giống như Homer đã nói “Mỗi một
người đàn ông đều là người cai trị của vợ và con” [1,46] Còn đối với làng
mạc do nhiều gia đình tạo nên, nên cũng được cai trị bởi người lớn tuổi trong gia đình. Do đó, cả hai cộng đồng này, theo Aristotle, “đều có đặc tính quân chủ” vì mọi sự đều do người chủ gia đình và tộc trưởng quyết định. Tuy nhiên, nét khác biệt ở đây đã quá rõ ràng, số lượng người và tính chất cộng đồng đã khác biệt.
Trong quá trình phát triển tự nhiên, làng mạc sẽ gặp nhiều vấn đề mà mỗi một gia đình, hay một làng mạc đã không thể tự mình thực hiện được, cần phải có sự hợp tác của nhiều gia đình, nhiều làng mạc, dẫn đến nhu cầu liên kết giữa các làng mạc, để đáp ứng mọi nhu cầu của con người có thể tự túc được, lúc đó “polis” – hay nhà nước đã xuất hiện.
Như vậy, “nhà nước được khai sinh từ những nhu cầu cơ bản của đời sống và tiếp tục tồn tại cho một đời sống tốt đẹp. Và như thế nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính tự nhiên của sự vật chính là chung cục
của nó”[1,46]
Sự xuất hiện của nhà nước ở Hy Lạp qua giải thích của Aristotle, ta thấy có những điểm giống với sự xuất hiện nhà nước ở phương Đông. Khi mà các gia đình tụ họp thành các làng mạc, và từ làng mạc con người có nhu cầu
kết hợp thành cộng đồng nhà nước, ở phương Đông cũng có quá trình như vậy. Và sự giải thích này của Aristotle cũng có thể vận dụng được vào sự xuất hiện nhà nước ở các nước đặc thù phương Đông. Một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, sự xuất hiện nhà nước cũng có nhiều nét tương đồng, do nhu cầu trị thủy, công tác thủy lợi và công cuộc chống giặc ngoại xâm, đã thúc đẩy các làng mạc liên kết với nhau hình thành nhà nước. Ở điểm này, ta thấy đây cũng là cách giải thích hợp lý của Aristotle.
Tuy nhiên, cách giải thích này rõ ràng là thiếu những tiền đề kinh tế - xã hội cần thiết cho sự ra đời của nhà nước. Nếu đứng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lenin, thì ta thấy quan điểm này còn nhiều hạn chế. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lenin, sự ra đời của nhà nước gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Con người từ khi mới sinh ra, con người cần phải ăn, ở, mặc... và muốn có những điều đó, con người cần lao động. Mác đã khẳng định “Cái sự thật hiển nhiên mà cho mãi đến lúc đó người ta vẫn bỏ quên mất, là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động” [9,166]. Đó là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên, biến những sản vật tự nhiên thành những sản phẩm vật chất nuôi sống con người và xã hội. Trong quá trình lao động, bản thân con người sáng tạo ra các công cụ sản xuất, tạo ra thu nhập ngày càng cao. Ban đầu con người chỉ đủ ăn nhưng sau đó họ không chỉ tạo ra đủ số lượng cho mọi người mà còn tạo ra một số lượng sản phẩm dư thừa. Chính những sản phẩm dư thừa này rơi vào tay những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc. Từ đó, xuất hiện chế độ tư hữu, và phân chia xã hội thành các giai cấp đối lập nhau, đó là những người bị trị và thống trị, mâu thuẫn giai cấp cũng xuất hiện. Những mâu thuẫn đó ngày càng gay gắt dẫn đến xuất hiện những cuộc đấu tranh giai cấp, và đỉnh cao của những cuộc đấu tranh giai cấp đó chính là cách mạng xã hội. Khi cách mạng xã hội xuất hiện và thành công, nhà nước được ra đời. Do đó, nhà nước ra đời
là kết quả của đấu tranh giai cấp không thể điều hòa được, đúng như Lenin có nói “nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện” [18,9] và sâu xa hơn, sự xuất hiện nhà nước là bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất và chế độ tư hữu.
Rõ ràng, quan niệm của Aristotle và của chủ nghĩa Mác hoàn toàn không giống nhau, thậm chí, quan niệm của Aristotle lại có xu hướng gần với quan niệm về sự ra đời của nhà nước Việt Nam ta hơn. Ở đây, chúng ta phải nhận thấy rằng, quan niệm nào cũng có tính hợp lý của nó, có khác ở phương pháp tiếp cận và tính lịch sử quy định. Vì vậy, chúng ta sẽ giữ những quan điểm đó tại thời điểm mà Aristotle sinh sống, đó cũng là một phát hiện hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Bởi vì, chính quan niệm về tính tự nhiên của ông, đã mở ra cho hàng loạt các nhà triết học khai sáng và cận đại như Mongtexkio, hay Russo... cùng nhiều nhà triết học sau này nối tiếp quan niệm bản tính tự nhiên trong sự giải thích về bản chất con người cũng như là sự xuất hiện của nhà nước. Do đó, ta sẽ công nhận giá trị to lớn này cho Aristotle. Và ở đây, chứng tỏ rằng, lý luận nào cũng có tính hợp lý của mình, quan trọng người nghiên cứu có thái độ như thế nào đối với những lý luận đó. Chỗ này, chủ nghĩa Mác đã hợp lý khi đưa ra nguyên tắc tính khách quan – lịch sử trong quá trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng. Nguyên tắc này đòi hỏi phải tôn trọng lịch sử khách quan của tư tưởng và đánh giá đúng ý nghĩa lịch sử của chúng. Ở đây, chúng ta sẽ sử dụng nguyên tắc này đối với quan điểm về nguồn gốc của nhà nước mà Aristotle nêu ra trong tác phẩm.
Quay trở lại vấn đề sự xuất hiện nhà nước, còn một vấn đề cũng được
Aristotle nêu ra. Đó là việc xác định xem giữa cá nhân và nhà nước thì đâu
của chủ nghĩa Mac, ta thấy rõ ràng cá nhân xuất hiện mới đến nhà nước, con người là động vật bậc cao có tư duy và biết lao động, chính từ đó mới hình thành nên nhà nước. Nhưng ở đây, Aristotle cho rằng “mặc dù cá nhân và gia đình hiện hữu trước theo thứ tự thời gian, nhà nước lại hiện hữu trước hơn cả cá nhân và gia đình theo thứ tự tự nhiên. Lý do của điều này như sau: cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cái cá thể theo tự nhiên” [1,48]. Hơn nữa, con người sẽ không thể tự túc được nếu không có tập thể, con người sẽ không có đức hạnh nếu không có mối quan hệ với người khác. Và khi không có đức hạnh “thì hắn ta sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo những nhục dục” [1,49]. Chỉ có nhà nước mới có thể đem lại sự công chính, vì đó là yếu tố giảng giải cho con người đâu là điều hay, lẽ phải.
Và dĩ nhiên, “công chính – là trật tự của một xã hội chính trị”[1,49]
Có lẽ cách giải thích của Aristotle hơi trái chiều, nhưng dĩ nhiên ta thấy rõ tính hợp lý của nó. Công chính – là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt con người trong một xã hội chính trị với động vật. Có công chính con người mới thực sự là con người đúng nghĩa, mà công chính chỉ có thể có được là nhờ nhà nước. Và do đó, Aristotle kết luận rằng, nhà nước là yếu tố toàn bộ và phải xuất hiện trước cá nhân.
Tuy nhiên, ở đây Aristotle còn gặp một khó khăn khác, con người trong hoạt động thực tiễn của mình đặt ra nhu cầu về các quy định giao tiếp, ứng xử với nhau, hình thành nên các phong tục tập quán, lễ nghi từ đó khi hình thành nhà nước những yếu tố mới được đưa lên thành luật lệ chung, dĩ nhiên luật pháp còn xuất hiện từ nhiều cách thức khác chứ không chỉ là từ luật lệ. Thế nhưng, chính vai trò của luật pháp, luật lệ, phong tục tập quán đó mới hình thành nên điều mà Aristotle gọi là “công chính”. Điều này có nghĩa, các cá nhân phải có trước mới dẫn đến sự xuất hiện nhà nước. Nói theo cách của chủ