VIỆT NAM
Nghiên cứu về lịch sử pháp luật bảo vệ rừng Việt Nam có thể thấy đây là một hệ thống văn bản pháp luật đồ sộ, quy mô. Ngay từ những ngày đầu giành độc lập Nhà nước ta đã quan tâm tới vấn đề bảo vệ và phát triển rừng và xác nhận một nguyên tắc pháp lý- rừng là tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Từ nguyên tắc tối thượng này, việc bảo vệ, khai thác, phát triển rừng được tổ chức thực thi thống nhất trên toàn quốc. Với tư cách là chủ sở hữu, nhà nước phân bổ việc quản lý, bảo vệ rừng cho các chủ thể khác nhau như các cơ quan quản lý nhà nước, các lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã, các hộ gia đình, cá nhân, .... Trong Thông tư số 366/TTg ngày 12/3/1954 của Thủ tướng chính phủ về việc trồng cây gây rừng đã quy định về chính sách hưởng lợi từ rừng: “ Ai gây rừng thì đƣợc quyền hƣởng hoa lợi về cây cối đã trồng”.
Mặc dù quy định đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng người gây rừng thì được toàn quyền hưởng hoa lợi về cây cối đã trồng. Chính sách này đã thúc đẩy nhân dân gây trồng và bảo vệ rừng. Tuỳ từng thời điểm cụ thể mà nhà nước có chính sách bảo vệ rừng thích hợp. Trong chỉ thị 181/TTg ngày 3/5/1957 có quy định các biện pháp để chấm dứy tình trạng phá rừng nghiêm trọng.
- Đẩy mạnh, tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ bảo vệ rừng trong nhân dân, phổ biến rộng rãi các thể lệ bảo vệ rừng do chính phủ đã quy định, các quy ước bảo vệ rừng do nhân dân xây dựng trong các rừng khoanh, vận động các đoàn thể địa phương, các cơ quan giáo dục, toà án, bộ đội, dân quân tham gia thành một công tác rộng rãi.
- Quy định rõ trách nhiệm bảo vệ, quản lý rừng cho uỷ ban các cấp nhất là xã và huyện. Tăng cường công tác tuần tra nhất là ban đêm ở nơi hẻo lánh; khi có nạn phá rừng, chặt rừng xảy ra phải huy động lực lượng đến chấm dứt ngay.
- Kết hợp với sửa sai cải cách ruộng đất mà điều chỉnh lại những quyền lợi hợp lý cho nhân dân trong việc chia đất để trồng cây gây rừng trong thời gian qua trên cơ sở phải đảm bảo các lợi ích công cộng.
Đặc biệt công tác bảo vệ rừng được nâng lên một tầm cao mới vào năm 1972 khi nhà nước ban hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Pháp lệnh này quy định: rừng và đất rừng thuộc quyền sở hữu của nhà nước, tức là của toàn dân, không ai được xâm phạm; nhà nước thống nhất việc bảo vệ rừng. Pháp lệnh gồm 5 chương, 26 điều. Tuy việc quy định còn giản đơn, chưa được đầy đủ song đây là một bước tiến lớn về mặt lập pháp. Đặc biệt, trong Pháp lệnh đã quy định việc thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà từ trước đến nay chưa hề có đó là kiểm lâm nhân dân.
Pháp lệnh quy định: “Kiểm lâm nhân dân có nhiệm vụ tuần tra rừng,
kiểm tra việc thực hiện các chế độ, thể lệ về bảo vệ rừng trong các đơn vị kinh doanh thuộc ngành lâm nghiệp, trong các cơ quan đoàn thể, đơn vị, hợp tác xã và trong nhân dân; ngăn ngừa mọi hành động vi phạm luật lệ bảo vệ rừng; phát hiện những vụ cháy rừng và tổ chức việc chữa cháy rừng; tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng. Căn cứ vào những điều quy định của pháp luật, kiểm lâm nhân dân có quyền khám xét, bắt giữ tang vật trong các vụ vi phạm, lập biên bản, xử lý hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xử lý,....” ( Điều 16- pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng-
1972) [37].
Việc xây dựng lực lượng Kiểm lâm nhân dân- chuyên trách bảo vệ rừng- thể hiện sự quan tâm rất lớn của nhà nước đối với vấn đề bảo vệ rừng. Trong Nghị quyết số 155-CP ngày 3/10/1973 của Hội đồng Chính phủ về việc thi hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng có nêu rõ: Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng là một văn kiện quan trọng của nhà nước ta, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội... rất sâu sắc. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý cho việc giữ gìn và phát triển tài nguyên rừng tạo điều kiện mở rộng một cách cơ bản và lâu dài ngành kinh tế
lâm nghiệp, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc nước ta.
Nghị quyết đề cao việc tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rõ vị trí, tác dụng to lớn của rừng. Không thể cho rừng là của thiên nhiên vô tận, mạnh ai nấy phá và lấn chiếm hoặc cho rừng ở địa phương nào chỉ để phuc vụ cho địa phương ấy mà cần làm cho mọi người trước hết là cán bộ nhận thức rõ bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn lợi to lớn, lâu dài và đăc biệt quí báu của nhân dân ta, là bảo vệ một nguồn cung cấp phương tiện sinh sống cho đồng bào ta hiện nay cũng như lâu dài về sau này.
Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ quản lý rừng và bảo vệ rừng là phải giữ gìn và mở rộng diện tích có rừng cây che phủ, nâng cao khả năng tái sinh và chất lượng của rừng nhằm bảo đảm vững chắc nhu cầu ngày càng lớn về lâm sản làm nguyên liệu cho công nghiệp, phương tiện sinh sống của nhân dân và hàng xuất khẩu, mặt khác, phải ra sức nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng, góp phần chống thiên tai điều hoà khí hậu...
Có thể nhận xét rằng, dưới góc độ pháp quy các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng được quy định một cách hệ thống và luôn đề cao việc giữ gìn vốn rừng hiện có và phát triển, mở rộng gây trồng rừng mới. Tuy nhiên, trong mấy chục năm vừa qua, Nhà nước mở rộng việc trồng rừng nhưng diện tích rừng không những không được mở rộng mà ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc quy định chính sách, pháp luật bảo vệ rừng và công tác tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khiếm khuyết khiến rừng chưa thực sự “có chủ” và vẫn bị khai thác một cách bừa bãi.
Sau gần 20 năm, vào năm 1991 nhà nước ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, đưa vấn đề bảo vệ rừng lên một tầm cao mới. Rừng vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng những quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng1991 theo hướng tìm cho rừng những “ngƣời chủ” thực sự để rừng được quản lý và phát triển bền vững.
Trong thời kỳ này, nhiệm vụ bảo vệ rừng được tăng cường rõ rệt. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ thị về các biện pháp cần thực hiện để chặn đứng việc phá rừng. Bộ Lâm nghiệp đã đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp, thực hiện khoán rừng cho các hộ gia đình bảo vệ, tăng cường lực lượng kiểm lâm và đổi mới các thể chế tổ chức để thực hiện nhiệm vụ này. Các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tới công tác bảo vệ rừng nhiều hơn những thời kỳ trước đây. Sau khi thành lập Bộ NN&PTNT, công tác bảo vệ tài nguyên rừng đã được chú ý, tiếp tục đề ra nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn phá rừng đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh Tây nguyên.
Vào đầu năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị quan trọng, đề ra những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ quốc phòng, các ngành bảo vệ pháp luật để chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện nghiêm túc 2 Chỉ thị này.
Trong 3 năm 1997- 2000, đã tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ rừng như : xác định ranh giới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên thực địa bằng một hệ thống mốc bảng rõ ràng; tiến hành kiểm kê rừng; giảm sản lượng khai thác rừng tự nhiên; tăng cường quản lý xuất nhập khẩu lâm sản; đẩy mạnh công tác quản lý di dân đến các vùng rừng; tăng cường, phòng chống cháy rừng; kiện toàn đổi mới tổ chức kiểm lâm, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực khai thác và lưu thông lâm sản; đẩy mạnh việc thực hiện chương trình 327, các dự án trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên, chuẩn bị và chỉ đạo kế hoạch thực hiện dự án 5.000.000 hecta rừng. Tháng 12/1999 Bộ trưởng bộ NN&PTNT đã ký thoả thuận với 15 nhà tài trợ (đến nay đã có 19 nhà tài trợ ) quốc tế cam kết tham gia đóng góp vào dự án trồng 5.000.000 hecta rừng.
Nhiều biện pháp bảo vệ rừng, kiểm soát di dân ở các vùng rừng núi, tăng cường quản lý khai thác lâm sản và truy quét các tổ chức cá nhân phá rừng đã đạt được kết quả tốt. Công tác kiểm kê rừng đã hoàn thành và đã được Thủ tướng phê duyệt và công bố việc triển khai và tăng cường việc quản lý xuất nhập khẩu lâm sản theo các chủ trương của Chính phủ ở các Quyết định 821/TTg ngày 6/11/1996, số 65/QĐ/TTg ngày 24/3/1998... đã được thực hiện nghiêm túc.
Sản lượng gỗ khai thác ở rừng tự nhiên đã giảm dần đến năm 2000 nhà nước chỉ giao kế hoạch khai thác ở rừng tự nhiên khoảng hơn 300.000 m3. Ở nhiều điạ phương, tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã ra nhiều nghị quyết về bảo vệ rừng và kiên quyết chỉ đạo áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ rừng ở địa phương mình.
Với việc ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng 1991 và việc tổ chức thực hiện chặt chẽ trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ rừng. Qua kết quả kiểm kê rừng theo Chỉ thị số 286/TTg ngày 2/5/1997. Tính đến hết năm 1999, diện tích rừng trong cả nước có 10.915.592 hecta. Độ che phủ của rừng là 32,2% (không tính cây gỗ trồng phân tán và cây công nghiệp lâu năm có tán lớn ). Trong tổng diện tích rừng đó, rừng tự nhiên có 9.444.198 hecta, chiếm 86,52% tổng diện tích đất có rừng, rừng trồng có 1. 471.394 hecta chiếm 13,48% tổng diện tích đất có rừng. So với diện tích rừng cả nước công bố năm 1995 là 9,305,000 hecta thì thấy trong 5 năm (1995-1999) diện tích rừng cả nước tăng thêm 1,6 triệu hecta, tăng khoảng 17%. Trong đó diện tích rừng tự nhiên tăng gần 1,2 triệu héc ta, tăng hơn 14%; diện tích rừng trồng tăng lên 0,4 triệu hecta, tăng thêm 40% [26, Tr8].
Tính đến hết năm 2002, cả nước có 11.314.626 hecta rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là 9.675.700 hecta (chiếm 85,5% diện tích rừng cả nước) và rừng trồng là 1.638.926 hecta (14,5%). Chúng ta đã nâng độ che phủ của rừng từ 28% năm 1993 lên 35,7% vào năm 2002 trên diện tích toàn lãnh thổ [8, Tr 19].
Các tỉnh có độ che phủ rừng cao như vùng Đông Bắc đạt tỷ lệ che phủ 35,1%; Bắc Kạn là 49,1%; Cao Bằng là 31,2%; Hà Giang là 36,1%; Tuyên Quang là 50%. (Số liệu diện tích rừng của các tỉnh đến 32/12/1999 –Kèm theo Quyết định số 03/2001/QĐ-TTg ngày 05/01/2001).
Một số khu rừng tự nhiên bị tàn phá trước đây có xu hướng phục hồi , chứng tỏ khả năng phục hồi rừng bằng biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giầu rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Diện tích rừng trồng tập trung để cung cấp nguyên liệu đã hình thành, có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến lâm sản.
Hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phục vụ chủ yếu cho mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đã được thiết lập và đang có chủ trương để xây dựng.
Số lượng cây trồng phân tán ở nông thôn luôn luôn duy trì bền vững ở mức 2 tỷ cây trồng lấy gỗ và những chuyển biến tích cực về kinh tế xã hội ở nông thôn đang làm giảm bớt sức ép đối với rừng tự nhiên.
Lực lượng lao động tham gia nghề rừng được tăng thêm.
Các chỉ tiêu số lượng về sản xuất lâm nghiệp có xu hướng tăng hơn so với các thời kỳ trước.
Một số kết quả khoa học về lâm sinh và các chính sách đổi mới đang phát huy tác dụng nhất là những thành tựu về giống cây, sản xuất cây con và chính sách giao đất lâm nghiệp. Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ vào những chính sách pháp luật đúng đắn – thể hiện trong các chính sách về giao đất, giao rừng, khoán rừng, cho thuê đất lâm nghiệp... trong Luật bảo vệ và phát triển rừng 1991 của nhà nước ta và công tác tổ chức thực hiện chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, Nhà nước đã coi công tác bảo vệ và phát triển rừng là của toàn dân, từng bước tiến tới phát triển lâm nghiệp xã hội. Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng vẫn còn những tồn tại và thách thức đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới cả về mặt qui định của pháp luật và công tác tổ chức thực hiện.