Ngày nay vấn đề suy thoái rừng, cháy rừng, lũ lụt... xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nó không chỉ là vấn đề của các nước đang phát triển mà ngay cả các nước phát triển cũng ngày một nhức nhối với vấn đề bảo vệ rừng. Trong thời gian cuối năm 1997 đầu năm 1998, nạn cháy rừng xảy ra ở các nơi trên thế giới : Đông Nam Á; Nam và Trung Mỹ, Châu Âu, Nga, Trung Quốc, Ôxtrâylia và Mỹ. Trong khu vực châu Á từ Papua Niughilê, Malaixia, Inđônêxia lửa đã tàn phá mấy trăm ngàn hecta rừng và đất rừng. Tại Inđônêxia, rừng cháy ở Java, Bornei, Sulanesi, Irian Jaya và Sumatra làm hư hại 9,5 triệu hecta rừng, trong đó có 4.655.000 hecta là rừng trồng. Thiệt hại do cháy rừng ước tính khoảng 5 đến 10 tỷ USD (trong đó thiệt hại đối với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân là không tính nổi). Khói toả ra trong khu vực rộng 1 triệu km2, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của 70 triệu người cũng trong khoảng thời gian đó ở Brazin 1,5 triệu hecta rừng mưa nhiệt đới của Bắc Amazon, 1,5 triệu hecta rừng ở Mêxicô và Trung Mỹ bị lửa thiêu huỷ. Hơn 5 triệu hecta rừng ở Mỹ và Canada bị lửa làm hư hại. Ở Nga 2 triệu hecta rừng bị cháy. Toàn thế giới trong khoảng 2 năm 1997-1998 có khoảng 14 triệu hecta rừng bị cháy và 8 triệu hecta đất rừng bị lửa tàn phá (theo Tạp chí bảo vệ môi trường số 5-2002). Năm 2000, ở Mỹ cũng xảy ra cháy rừng, 3 triệu hecta rừng bị thiêu huỷ, chi phí cho chống cháy lên đến 1 tỷ đô la [22, Tr 7].
Rừng mưa ẩm nhiệt đới vẫn được coi là không thể cháy vì độ ẩm của rừng cao và gồm các loại cây khó cháy khi còn tươi. Nhưng trong thực tế, năm 1983, 3 triệu hecta rừng mưa ở đất thấp thuộc Kalimanta và trong 2 năm 1997-1998 khoảng 4,6 triệu hecta rừng mưa Đông Nam Á bị lửa tàn phá [22, Tr 7].
Đông Nam Á là khu vực bị cháy nhiều nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Lục địa Đông Nam Á khô hơn so với các đảo phân mùa rõ rệt, dùng lửa trong canh tác nông nghiệp còn phổ biến. Đó là điều kiện để phát sinh cháy rừng. Riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Cục kiểm lâm - Bộ NN&PTNT, ở Kiên Giang và Cà Mau trong 4 năm từ 1976- 1980 diện tích rừng tràm bị cháy lên đến 43.600 hecta. Năm 1988 ở U Minh Hạ hơn 20000 ha rừng bị thiêu huỷ. Năm 1994 rừng đặc dụng ở Vồ Dơi đã bị mất hơn 1000 ha do cháy [22 Tr 5]. Đặc biệt, ngày 22/01/2002 một đám cháy lớn đã thiêu trụi 24 ha rừng đặc dụng ở U Minh Thượng và ngày 24/03/2002 vụ cháy lớn ở vườn quốc gia U Minh Thượng đã huỷ hoại khoảng 2500 ha rừng trong vùng lõi vườn quốc gia [22, Tr 5].
Nguyên nhân các vụ cháy rừng được thống kê như sau: rừng ở Kalinamta bị cháy là do công ty trồng cọ dầu đã dùng lửa trong canh tác. Ở Lào, 90% vụ cháy rừng xảy ra do đốt nương làm rẫy. Ở Malaixia lửa rừng phát sinh từ nơi trồng thông và được xác nhận do con người gây ra [22, Tr 7]. Ở Căm Pu Chia các vụ cháy rừng hàng năm đều xảy ra ở rừng thông, khộp, tre, nứa và rừng trồng về mùa hạ, khi dân hoạt động ở trong hoặc gần rừng. Nguyên nhân cháy rừng ở các nước khác trong khu vực cũng được xác định do con người là chủ yếu. Ngoài ra, nguyên nhân từ thiên tai cũng ảnh hưởng đến việc cháy rừng như hiện tượng U Minh là một điển hình.