XĐGN là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là một chủ trương hợp lòng dân nhằm thực hiện quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Trong những năm qua, việc thực hiện các chương trình giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ PTKT- XH đối với đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La đã đạt được kết quả rất tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện còn 1.119 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 22.612 hộ dân.Trong đó, nhiều nhất là số bản ở vùng đồng bào dân tộc Mông (528 bản), với 17.938 hộ; dân tộc Thái (284 bản), 12.546 hộ; dân tộc Khơ Mú (56 bản); Mường (53 bản); Sơn La có 415 bản thuộc Chương trình dự án 30a của chính phủ, 14 bản nằm trong dự án tái định cư thủy điện Sơn La, số bản còn lại còn có phương án riêng, với tỷ lệ hộ nghèo còn tới 38,1% và tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số (Sở LĐ-TB & XH tỉnh Sơn La, 2013)[8]. Vì vậy, việc thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, XĐGN đã tác động rõ rệt tới đời sống của đồng bào. Điểm hình như Chương trình 135 giai đoạn II, năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh với chức năng là cơ quan thường trực đã phối hợp với các ngành liên quan và các huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình 135 nhằm giảm bớt khó khăn, giúp đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Tày.... từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Trong năm với tổng vốn được giao là 192,236 tỷ đồng, Ban đã trình duyệt Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn thực hiện các mục tiêu của chương trình và phân khai nguồn vốn về các huyện để thực hiện. trong đó, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, kế hoạch giao 20,32 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện được 14,2 tỷ đồng, đã triển khai xây dựng và thực hiện được 201 mô hình với số hộ được thụ hưởng là 8.000 hộ, với các mô hình như trồng giống lúa lai mới, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp và mô hình nuôi cá. Ngoài ra còn hỗ trợ giống, vật tư, máy móc, công cụ để phục vụ phát triển sản xuất với 4.300 hộ được thụ hưởng. Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, kế hoạch giao là 95,8 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được các huyện thanh quyết toán cho 69 công trình chuyển tiếp của năm 2007 là 15,768 tỷ đồng. Đầu tư xây mới 96 công trình gồm: Giao thông: 32 công trình; Lớp học: 8 công trình; Công trình phụ trợ trường học: 1 công
trình; Nhà văn hoá: 12 công trình; Trạm y tế: 3 công trình; Nước sinh hoạt tập trung: 15 công trình; Nhà ở công vụ cho giáo viên: 01 công trình; Thuỷ lợi: 7 công trình; Điện hạ thế: 17 công trình.
Để trợ giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về chính sách trợ giá, trợ cước, vận chuyển một số mặt hàng, giống cây trồng trên địa bàn cho các hộ dân. Trong đó, trợ giúp chủ yếu là cung cấp các loại giống cây trồng như ngô lai, mía, keo, cao su... Chính sách này có ý nghĩa rất tích cực đối với những hộ nông dân nghèo, nhất là đối với các hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, bởi họ được trồng các loại cây giống cho năng suất cao với giá ưu đãi, đem lại thu nhập, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: việc thực hiện Chương trình dự án 30a và chương trình 135 thời gian thực hiện còn kéo dài, gây ảnh hưởng tới đời sống và niềm tin của người dân; chính sách trợ giá, trợ cước còn nhiều hạn chế; tình trạng cung ứng các mặt hàng cho đồng bào dân tộc thiểu số chỗ thừa, chỗ thiếu. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ như hiện nay thì người nghèo vẫn hoàn nghèo, họ cứ trông vào tiền hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế cho thấy, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, nhưng hơn hết, sự tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên, tích cực lao động sản xuất, thi đua và giúp nhau làm kinh tế của chính các hộ nghèo, các vùng nghèo mới quyết định chất lượng giảm nghèo.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015, đưa nền kinh tế Sơn La thoát khỏi tỉnh nghèo và đến 2020 đạt mức bình quân chung cả nước, việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức của đồng bào về việc tự thân thoát nghèo, thay đổi phương thức sản xuất... là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các chính sách giảm nghèo cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải... có như vậy công tác giảm nghèo mới thực sự đem lại hiệu quả cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Sở LĐ-TB & XH tỉnh Sơn La, 2013)[8].