Nghèo đói và xóa đói giảm nghèo là vấn đề mà từ trước đến nay được Đảng, nhà nước, các cấp các ngành cũng như nhiều cơ quan đoàn thể và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Đã có rất nhiều các công trình khoa học,
đề tài nghiên cứu cá bài viết liên quan đến vấn đề xóa đói giảm nghèo được công bố, cụ thể như một số công trình sau:
- Nguyễn Thị Hằng, Vấn đề, giảm nghèo ở nông thôn nước ta hiện nay,
Nxb chính trị quốc gia, 1997. Cuốn sách đã nêu và đánh giá tương đối đầy đủ về thực trạng đói nghèo ở Việt Nam và biện pháp nhằm, giảm nghèo ở nông thôn nước ta đến năm 2000.
- Trần Thị Hằng, Vấn đề giảm nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, luận án tiến sĩ kinh tế, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2000. Theo đó, chính sách giảm nghèo không chỉ đơn thuần là một chính sách từ thiện, mà là một hệ thống chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường nhằm tác động trực tiếp và gián tiếp tới các nguyên nhân cơ bản dẫn tới đói nghèo, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người. Đó là các chính sách giao quyền sử dụng đất, tạo vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về y tế và giáo dục, hỗ trợ xây dựng cơ cấu hạ tầng thiết yếu, phát huy quyền làm chủ của người nghèo và cộng đồng nghèo, để giúp họ tự vươn lên thoát nghèo, thu hẹp dần về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống giữa các tầng lớp dân cư, các thành phần dân tộc, các vùng miền trên cả nước.[10]
- TS. Lê Xuân Bá (cùng tập thể tác giả), giảm nghèo ở Việt Nam, Nxb
Nông nghiệp, 2001. Các tác giả đã đánh giá tổng quan về vấn đề nghèo đói trên thế giới, nghèo đói tại Việt Nam; đưa ra các phương pháp đánh giá về nghèo đói, nghiên cứu thực tiễn về nghèo đói tại tỉnh Quảng Bình; đồng thời đưa ra các quan điểm, giải pháp chung về giảm nghèo ở Việt Nam.
- Vũ Minh Cường, Thực trạng và một số giải pháp chủ yếu nhằm, giảm nghèo ở tỉnh Hà Giang, luận văn tốt nghiệp cử nhân chính trị, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2003. Đề tài nghiên cứu về thực trạng công tác xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang và đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm xóa đói giảm nghèo, giúp hộ nghèo có ba nhu cầu cấp thiết “bể nước, mái nhà, con bò” để sinh sống, lao động và sản xuất, “hạ sơn cho đồng bào vùng cao”, hỗ trợ lương thực cho các hộ nhận khoán trồng rừng ở biên giới, các chính sách hỗ trợ đời sống như: xóa nhà tạm, hỗ trợ tivi, cho vay tiền không lãi nuôi trâu, bò, dê…
- Báo cáo nghiên cứu chính sách của ngân hàng thế giới, Chính sách đất đai cho tăng trưởng và giảm nghèo, Nxb văn hóa - Thông tin, 2004. Theo đó, quy hoạch đất tại nhiều nước không theo kịp sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất của người dân trong nền kinh tế thị trường, để xóa đói giảm nghèo cần quy hoạch đất đai phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh áp đặt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến phát triển đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
- Hoàng Thị Hiền, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc ít người tỉnh Hòa Bình - thực trạng và giải pháp, luận văn thạc sĩ kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2005. Tác giả dựa trên đặc thù của tỉnh Hòa Bình, là tỉnh miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở nông thôn miền núi, trình độ nhận thức, vượt khó vươn lên còn chậm, khó bắt kịp sự phát triển nhanh của xã hội. Mặc dù người dân cần cù chịu khó nhưng chưa tìm được hướng đi để vươn lên. Do đó một trong những giải pháp quan trọng và thiết thực được đưa ra là dạy nghề, tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó còn rất nhiều các bài báo, tạp chí viết về vấn đề xóa đói giảm nghèo như: T.S Tạ Thị Lệ Yên, “Nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội với mục tiêu, giảm nghèo”. Tạp chí ngân hàng số 11/2005; tác giả Trịnh Quang Chinh, “Một số kinh nghiệm từ chương trình xóa, giảm nghèo ở Lào Cai”, tạp chí lao động và xã hội số 272 tháng 10/2005; TS. Đàm Hữu Đắc, “Cuộc chiến chống đói nghèo ở Việt Nam thực trạng và giải pháp”.
Ngoài ra còn nhiều các công trình nghiên cứu về vấn đề xóa đói giảm nghèo trên nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể khẳng định tất cả các công trình nghiên cứu về nghèo đói, xóa đói giảm nghèo tại nước ta rất phong phú đa dạng, thành quả của các công trình nghiên cứu đã cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc xây dựng, triển khai các dự án chương trình giảm nghèo trên phạm vi cả nước và cụ thể nhiều địa phương.
Tuy nhiên các nghiên cứu còn chủ yếu mang tính chất khái quát chung mà chưa thực sự đi sâu vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, do đó các giải pháp đưa ra chưa hoàn toàn phù hợp và đạt được hiệu quả cao.