Sản xuất nông nghiệp tỉnh Hà Nam trước năm

Một phần của tài liệu Luận văn sơ bộ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 25)

Ngày 01- 08 - 1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị số 47 - CT/TU về phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp và Đại hôi lần thứ VI của Đảng. Thực hiện chỉ thị số 47, Tỉnh ủy lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung đầu tư “Phát triển nông nghiệp toàn diện”, trọng tâm là chương trình lương thực, thực phẩm theo hướng mở rộng diện tích, luân canh tăng vụ, tích cực thâm canh, tăng năng suất cây trồng; áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương vào gieo trồng... Nhờ vậy năm 1986, mặc dù có nhiều khó khăn về vật tư, thời tiết nhưng năng suất nông nghiệp vẫn giành thắng lợi trên nhiều mặt.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tể rừng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất, giao rừng cho nhân dân, gắn lợi ích của người làm nghề rừng với trách nhiệm bảo vệ và làm giàu vốn rừng nên nhiều hộ gia đình đã đầu tư vốn trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế.

Chính vì vậy, trong 5 năm (1986 - 1990), diện tích canh tác, năng suất và sản lượng lương thực đều tăng. Năng suất lúa tăng bình quân 12,1%/năm. Sản lượng lương thực đạt 970 nghìn tấn/năm. Chăn nuôi phát triển, khắc phục tình trạng thiếu

sức kéo và đảm bảo cung cấp lương thực phục vụ đời sống và xuất khẩu [27;45] Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1986 - 1990 phát triển chưa toàn diện, kết quả chưa ổn định và thiếu vững chắc. Tiềm năng lao động, đất đai vùng đồi núi và cơ sở vật chất, kĩ thuật chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Sản xuất màu tăng chậm. Một số cây công nghiệp và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông nghiệp giảm sút. Sản xuất lâm nghiêp, ngư nghiệp chưa chú trọng đúng mức, chưa gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến.

Sang giai đoạn 1991 – 1996, các cấp ủy Đảng tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, tiếp tục thực hiện chương trình lương thực – thực phẩm của tỉnh. Do có sự chỉ đạo chủ động, sáng tạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới, sản xuất lương thực và thực phẩm giành thắng lợi lớn; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Nhằm đổi mới quản lý HTX nông nghiệp, đầu năm 1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chủ trương cho phép thí điểm đổi mới tổ chức quản lý HTX nông nghiệp. Với chủ trương này hợp tác xã Phả Phong, Kim Bảng được chọn là xã thí điểm.

Cùng với việc đổi mới quản lý hợp tác xã, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương tích cực làm thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Năm 1993 mặt trận nông nghiệp đạt kết quả toàn diện. Chăn nuôi phát triển đa dạng, phong phú và đi vào chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản lượng chăn nuôi tăng cao so với thời kỳ trước. Nuôi trồng và chế biến thủy sản, hải sản là một trong những hướng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và có hiệu quả rõ rệt. Các hộ gia đình nhận đấu thầu, nhận khoán ao, hồ, đầm nuôi thả cá, tôm đã chủ động đầu tư cải tạo lại ao, hồ tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ xã viên, thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Chế độ khoán hợp lý, cùng những chính sách khuyến khích của Nhà nước, gắn trồng cây phân tán với cải tạo vườn tạp đã mang lại lợi ích thiết thực. Các tiểu vùng cây ăn quả, cây cảnh hàng hóa đang hình thành, mở rộng. Hàng năm kinh tế lâm nghiệp đã cung cấp hàng trăm ngàn mét khối gỗ, củi, hàng vạn tấn quả.

Như vậy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VII), cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế. Duy trì và đẩy mạnh phong trào thâm canh cây trồng, con nuôi, tạo tốc độ phát triển cao trong nông nghiệp, từng bước xóa dần thế độc canh cây lúa, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê của cục Thống kê Hà Nam năm 1996 giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh là 1.164, 2 tỷ đồng trong đó trồng trọt là 871,7 tỷ, chăn nuôi là 279,8 tỷ, dịch vụ là 11, 5 tỷ. Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trong toàn tỉnh là 79.869 ha trong đó lúa là 70.973 ha và ngô là 8.896 ha. Diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh là 70.973 ha (sản lượng 287.665 tấn, năng suất 40,5 tạ/ha) trong đó lúa đông xuân là 35.735 ha (sản lượng 189.641 tấn, năng suất 53,1 tạ/ha), lúa mùa 35.238 ha (sản lượng 98.024 tấn, năng suất 27,8 tạ/ha). Diện tích gieo trồng cây thực phẩm là 6.762 ha…Cũng trong năm 1996 số lượng trong ngành chăn nuôi cũng khá tốt: trâu 10,1 nghìn con, bò 23,8 nghìn con, lợn 229.0 nghìn con, gia cầm 1.788 nghìn con và sản lượng thịt hơi gia súc và gia cầm xuất chuồng là 19.256.0 tấn…[9;103-119]

Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm so với yêu cầu. Nội dung chuyển đổi, đổi mới HTX nông nghiệp sang hình thức mới còn lúng túng, hệ thống dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nông thôn theo cơ chế mới. Việc xử lý đất dự trữ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Một phần của tài liệu Luận văn sơ bộ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 25)