Tuyến nhân vật gắn với huyền thoại

Một phần của tài liệu Kết cấu tiểu thuyết và một ngày dài hơn thế kỷ của TS aitmatôp (Trang 48)

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

2.1.2.2. Tuyến nhân vật gắn với huyền thoại

“Và một ngày dài hơn thế kỉ” là kết quả sáng tạo của ngòi bút văn xuôi bậc thầy biết lắng nghe tiếng nói của tổ tiên vang vọng trong cảm xúc về cái đẹp, trong những quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời. Vì vậy, tồn tại song song bên những câu chuyện ở thế giới thực tại còn có những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại và tồn tại thêm một tuyến nhân vật nữa là tuyến nhân vật gắn với huyền thoại.

2.1.2.2.1. Bà mẹ Ana Naiman

Câu chuyện huyền thoại về bà mẹ Ana Naiman đi tìm con trai được đặt vào thời kì bọn Choang Choang sau khi bị xua đuổi khỏi ranh giới phía Nam châu Á du mục đã tràn lên phương Bắc. Khi đã chiếm cứ lâu dài miền Xarư - Ozek chúng tiến hành những cuộc chiến tranh liên miên nhằm mở rộng đất đai và bắt thêm nô lệ. Điều đáng nói là ở chỗ, những tù binh bị bắt vào tay bọn Choang Choang thì bị chúng thực hiện một cực hình vô cùng ghê gớm và đau đớn để biến thành nô lệ. Cực hình đó đã thủ tiêu hẳn trí nhớ của người lao động, biến họ thành có những kẻ không có trí tuệ, nhổ tận gốc những cái gì đồng hành với con người mà thượng đế ban tặng. Và đứa con trai duy nhất của bà Ana Naiman là nạn nhân của hình phạt đó.

Khi nghe những người lái buôn chở hàng tới vùng đất của bộ tộc Naiman kể về một tên nô lệ Mankur mà họ gặp trên đường thì lòng bà Ana Naiman nhói đau, trong bà bỗng xuất hiện một ý nghĩ có thể gã Mankur mà những người lái buôn gặp chính là đứa con trai đã bị mất tích trong trận chiến với bọn Choang Choang. Chính cái ý nghĩ nặng nề đáng sợ càng làm tăng thêm mối ghi ngờ về cái chết của đứa con trong lòng người mẹ. Với bà, thà

phải chôn cất nó hai lần còn đỡ đau khổ hơn là cứ luôn luôn trăn trở, kinh sợ, nghi ngờ như thế này. Và với tất cả tấm lòng của một người mẹ, bà quyết định cuộc hành trình đi tìm con.

Mặc dù quyết định đi tìm con nhưng lòng bà Ana Naiman lại chứa đầy mâu thuẫn. Khi rời bản ra đi bà chỉ ước một điều đó là chỉ cần thấy đứa con trai còn sống, dù nó là Mankur hay là gì cũng được, dù nó không có trí nhớ hay ngớ ngẩn đến đâu đi chăng nữa cũng được miễn là con bà còn sống. Nhưng khi đi sâu vào thảo nguyên Xarư - Ozek, càng gần tới khu vực của những người thương khách gặp chàng Mankur thì bà lại thấy sợ khi phải nhìn thấy đứa con trai đã biến thành Mankur. Bà sẵn sàng chấp nhận rằng con trai bà đã chết chứ không đủ dũng cảm tìm lại đứa con trai. Nhưng cái cảm xúc ấy qua đi bà lại buồn thương, lại muốn tìm thấy giữa thảo nguyên chính là đứa con trai của mình chứ không phải cái khác. Khi nhìn thấy dấu vết của đoàn lạc đà, bà Ana Naiman đã choáng ngợp vì vui mừng. Rồi khi nhìn thấy chàng trai chăn lạc đà, nhận ra đó chính là đứa con trai đã bị mất tích thì “bà không còn nhớ mình tuột xuống khỏi lưng lạc đà như thế nào” [3, 189]. Tất cả những mâu thuẫn, những giằng xé tâm can bị chìm lấp vì tình mẫu tử quá lớn. Bà cất tiếng gọi tha thiết của một người mẹ tìm con:

“Con ơi! Con yêu của mẹ ơi! Con ở đây mà mẹ cứ đi loanh quanh mãi” [3, 190]

Những cảm xúc như đang vỡ oà trong lòng người mẹ đang khao khát tìm con. Tiếng gọi con kia là tiếng gọi được cất lên từ nỗi lòng thương nhớ con khôn nguôi. Nhưng đáp lại là đôi mắt không chút ngạc nhiên của chàng Mankur. Bà hiểu ra tất cả sự thật đau lòng đó. Tình yêu, niềm vui sướng nhường lại cho nỗi đau đớn xót xa: “Bà nấc lên, hai chân giẫm đành đạch xuống đất, lòng dạ cay đắng, hãi hùng, môi run rẩy mếu máo (...). Bà cứ như thế khóc ròng vì nỗi đau khổ bị dồn nén từ lâu mà không được bung ra, vùi

dập bà. Vừa khóc bà vừa nhìn qua hai hàng nước mắt, qua những sợi tóc ướt dính vào nhau, qua những ngón tay đang run rẩy xoa xoa bụi đường trên mặt, gặp những nét quen thuộc của đứa con và cố nắm bắt cái nhìn quen thuộc của nó” [3, 190]. Còn gì đơn giản hơn cái việc nhận ra người mẹ của mình song với bà Ana Naiman sự đơn giản đó lại là nỗi tuyệt vọng.

Sự thật phũ phàng, nỗi đau tận cùng với ánh mắt dửng dưng của đứa con trai nhưng vẫn không kéo nổi người mẹ ra khỏi đứa con trai mình. Bà chấp nhận sự thật, nén nỗi đau lại, bà kể cho con trai về cha nó, nói cho nó biết tên thật của nó, gợi cho con nhớ về bà - người đã đẻ ra nó với hy vọng con trai bà sẽ nhớ lại một chút ít gì đó. Nhưng tất cả là vô vọng. Cuối cùng người mẹ ấy bị bắn chết bởi chính phát súng từ đứa con trai mất trí. Phát súng đó đã cướp đi sinh mệnh của người mẹ, bà ngã xuống đất nhưng vẫn khắc khoải về đứa con: “Hãy nhớ lại đi! Tên mi là gì? Cha mi là Donenbai! Donenbai! Donenbai!” [3, 201]. Người mẹ ấy đã hoá thành chim Donenbai và câu chuyện về bà trở thành một huyền thoại của người dân vùng Xarư - Ozek. Chỗ chôn cất bà Ana Naiman giữa thảo nguyên Xarư - Ozek từ đó được gọi là Ana Bejit - Nghĩa là Lòng Mẹ.

Nhắc lại câu chuyện truyền thuyết về loài chim Donenbai, Aitmatôp không dừng lại ở việc ngợi ca tình mẫu tử, không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó với quá khứ, giữ gìn và trân trọng những truyền thống tốt đẹp mà qua đó ông còn nhắc nhở mọi người hãy biết nhìn lại quá khứ, nhìn lại những giá trị tốt đẹp. Ông cũng phê phán mạnh mẽ loại người “Mankur hiện đại” quyền cao chức trọng, học hàm học vị, có kiến thức đầy đủ nhưng bên trong rỗng tuyếch, không tim, hoàn toàn mất gốc truyền thống gia đình và dân tộc. Với Aitmatôp, chủ nghĩa tình thương là chủ nghĩa cao cả.

Một phần của tài liệu Kết cấu tiểu thuyết và một ngày dài hơn thế kỷ của TS aitmatôp (Trang 48)