4. Nhiệm vụ nghiên cứu
2.2.2.2.2. Không gian và thời gian hồi tưởng
Thời gian hồi tưởng là thời gian gắn liền với quá khứ. Trong văn học thì thời gian quá khứ hay còn gọi là thời gian hồi tưởng xuất hiện rất muộn. Chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội tâm nhân vật thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng và nhớ lại quá khứ. Trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ”, Aitmatôp đặc biệt chú ý tới thời gian hồi tưởng. Thời gian hồi tưởng được Aitmatôp sử dụng như một yếu tố của thời gian nghệ thuật. Những câu chuyện, những quãng đời trước đây của người bẻ ghi già cứ lần lượt xuất hiện ra đồng hiện với những sự kiện trong dòng thời gian hiện thực. Nếu thời gian hiện thực chỉ được dồn nén trong hai ngày theo đúng trật tự tuyến tính thì thời gian hồi tưởng lại được dãn nở rộng ra và không theo trật tự tuyến tính vì nó chạy theo dòng hồi tưởng của Êđigây.
Cái chết của người bạn già Kazangap làm Êđigây hồi tưởng lại quãng thời gian khi mà lần đầu tiên bác gặp cụ Kazangap. Hồi ấy, Êđigây cùng vợ đang làm công việc xúc than ở ga Kumbel, đó là vào những năm năm tư, năm lăm. Cuộc gặp gỡ này có thể coi là cuộc gặp gỡ định mệnh trong đời Êđigây, bởi cuộc gặp gỡ ấy làm Êđigây quen được Kazangap và đi theo anh về ga Bozanlư - Bão Tuyết. Đối với Êđigây thì đây cũng là khoảng thời gian khó khăn và cũng ý nghĩa nhất của anh khi ở ga Bozanlư. Chính thảo nguyên Xarư - Ozek đã chữa lành vết thương cho người bệnh binh này, chính thảo nguyên Xarư - Ozek đã giúp bác tìm được người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời để
rồi sau này cái chết của người bạn ấy trở thành cội nguồn để bác thực hiện cuộc hành trình về với quá khứ. Và cũng chính ở nơi đây, chính trong cái khoảng thời gian này Êđigây đã nhận ra chân lí của cuộc sống: “Chỉ người nào có khả năng làm cho tâm hồn mình tương xứng với sự kì vĩ của thảo nguyên hoang vu mới có thể đối mặt với sự câm lặng của nó. Phải vùng đất hoang cằn cỗi, mênh mông thật nhưng tư tưởng sống động của con người đủ sức khái quát tất cả” [3, 104].
Thời gian hồi tưởng đưa Êđigây trở về với vùng biển Aral quê hương bác, cho bác trở lại những kí ức với Ukbala và những con cá chiên vàng cùng cái chết của cậu con trai đầu lòng. Đó là kỉ niệm về một thời trai trẻ khi Êđigây còn khát khao làm một chú chim hải âu sải cánh trên biển rộng lớn. Đó cũng là khoảng thời gian trong kí ức giúp bác hiểu rằng ngoài Zaripa ra bác vẫn còn một người phụ nữ nữa trong cuộc đời, kí ức trở về giúp bác hiểu rằng hãy biết chấp nhận những gì đã mất, những gì đã qua và hãy dành tình yêu mến cho những người đang sống quanh ta. Đó mới là điều đáng quý.
Trên quãng đường đưa Kazangap về nơi an nghỉ cuối cùng, Êđigây còn nhớ lại câu chuyện về gia đình Abutalip. Câu chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 1951 khi gia đình Abutalip chuyển tới sống ở ga Bozanlư. Từ lúc gia đình Abutalip chuyển tới đây cho đến sự kiện ra đi của ba mẹ con Zaripa là khoảng thời gian đong đầy những kỉ niệm buồn của Êđigây và cũng là khoảng thời gian giúp Êđigây hiểu thêm ra nhiều bài học trong cuộc sống. Chứng kiến nỗi bất hạnh của Abutalip, chứng kiến tình yêu thương mà gia đình đó dành cho nhau, Êđigây hiểu rằng điều quan trọng nhất, cội nguồn của tình cảm con người là tình yêu thương, sự đồng cảm và biết hi sinh vì nhau. Là một người công nhân bình thường, Êđigây biết rằng mình không đủ tầm để phán xét thời đại nhưng bác cũng hiểu rằng thời đại mà bác đang sống vẫn có những nét
khuyết, vẫn có những vùng mờ. Cuộc sống không bao giờ là một vòng tròn hoàn hảo dù con người vẫn luôn khao khát điều đó.
Việc sử dụng linh hoạt dòng thời gian hồi tưởng đã giúp nhà văn khắc hoạ đậm nét những số phận, những cuộc đời, những thân phận con người đã từng gắn bó với ga Bão Tuyết. Qua đó, tất cả ý nghĩa mà nhà văn muốn gửi gắm vào trong tác phẩm cứ theo đó mà được thể hiện.
Đồng hiện với thời gian hồi tưởng là không gian hồi tưởng. Vẫn lấy không gian rộng lớn bao la làm chủ đạo, không gian hồi tưởng đưa ta với vùng biển Aral, nơi có tiếng sóng vỗ ì ọp vào bờ và những chú chim hải âu sải cánh bay. Đó là không gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa lại mang trên mình vẻ đẹp riêng song cũng rất đặc trưng của thảo nguyên.
Êđigây lần đầu tiên đặt chân tới thảo nguyên Xarư - Ozek vào mùa xuân và trong cái lần đầu tiên gặp gỡ ấy anh đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của mùa xuân nơi đây: “Không gian mênh mông, bao la của miền thảo nguyên này chỉ nảy mầm xanh vào mùa xuân làm cho Êđigây choáng ngợp” [3, 104]. Cái gặp gỡ đầu tiên tựa hồ như báo hiệu trước cho Êđigây biết nơi đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời anh. Mầm xanh của thảo nguyên như đang vẫy gọi, chào mời anh, chúng như muốn thì thầm với anh rằng nơi đây cần đôi bàn tay lao động của anh, nơi đây đang cần những con người biết hi sinh cái riêng nhỏ bé cho cái chung lớn lao. Và khung cảnh mùa xuân ấy lại một lần nữa gây những ấn tượng mạnh trong anh khi nhìn từ trên tàu xuống: “Khung cửa sổ rộng thênh thang khiến anh tha hồ ngắm nhìn núi non, thảo nguyên, bầu trời mênh mông bao trùm cảnh vật. Những cánh đồng cỏ xanh dài tít tắp, đó đây đỏ rực hoa anh túc, ở bên này là những dãy núi hùng vĩ, chập chùng...” [3, 474 - 475]. Khung cảnh mùa xuân ấy như làm dịu trong lòng anh về cái chết của Abutalip, nó như ôm ấp, vỗ về và làm dịu đi nỗi mất mát trong lòng người con của thảo nguyên này. Đối với Êđigây, mùa
xuân là mùa của sự sống, mùa của bắt đầu và đặc biệt hơn nó còn là mùa của hy vọng, mùa của khát khao cho một cuộc sống mới ở nơi đây. Đồng điệu với tâm trạng của Êđigây, chàng trai Shimamura trong tác phẩm “Xứ Tuyết” của Kawabata cũng từng say sưa ngất ngây trước vẻ đẹp kì diệu của Xứ Tuyết vào độ xuân về. Trước vẻ đẹp ấy, Shimamura thấy mình như được sống trọn vẹn với đất trời, rũ bỏ được sự buồn tẻ, ngột ngạt nặng nề để tìm thấy sự thanh thản. Anh như đắm mình vào những “cỏ cây đang đâm chồi nảy lộc xanh tươi trên sườn núi”, mắt anh như “dõi theo đường bay loạn xạ của hai con bướm vàng óng xuất hiện phía dưới anh...”. Khi đứng trên cây bá hương, Shimamura như tìm thấy một điểm tựa vững chắc. Mùa xuân tượng trưng cho vẻ đẹp tràn trề và vượt lên tất cả.
Nếu mùa xuân là vậy thì mùa hè ở nơi đây thật khắc nghiệt. Bởi đây là mùa mà cái nóng như thiêu cháy da, cháy thịt con người. Mấy tháng trời cũng không hề có một giọt mưa và đối với công việc của những người công nhân đường sắt ở ga Bozanlư thì thật là tồi tệ. Nhưng trong con mắt của Êđigây - người đã trải qua biết bao mùa hè ở nơi đây thì mùa hè đôi khi cũng đẹp lạ lùng. Êđigây cảm nhận được mùi ngái ngái của cỏ úa, cảm nhận được một cánh chim bay bình thản trong trời chiều như vẫy gọi sự sống thiết tha. Êđigây còn nhận ra màu vàng đặc trưng của mùa hè: “Cỏ kiến đã lụi tàn như một giấc mơ êm ả. Thảo nguyên hoàng thổ lại ngả vàng”. Nếu như trong “Xứ Tuyết”, Kawabata xúc động bởi màu vàng của cỏ Kaya vào tiết trời mùa hè thì Aitmtôp lại rung động bởi sắc vàng của cây cỏ kiến - loại cây đặc trưng của thảo nguyên Xarư - Ozek.
Nhượng lại tất cả cái nóng gay gắt, nhượng lại tất cả cái khô cằn của đất đai, Xarư - Ozek bước sang thu như lột xác, khoác trên mình một bộ cánh mới đầy mộng mơ. Nếu mùa xuân là mùa của sự sống, mùa hè là mùa của nghị lực thì mùa thu lại là mùa để thả hồn mình hoà quyện với thiên nhiên,
lắng nghe âm vang của đất, của cây, của hoa lá, của chim muông. Mùa thu của Xarư - Ozek thật đẹp, nó không ướt át như mùa xuân, không khắc nghiệt như mùa hè mà nó đẹp trong vẻ trầm mặc, tư lự. Khoảnh khắc mà mùa thu nơi đây phô bày tất cả vẻ đẹp của nó là vào lúc hoàng hôn khi ánh sáng và bóng tối giao hoà, hoà quyện trong nhau: “Ánh hoàng hôn của một ngày sang thu đang tắt nhẹ nhàng, dễ chịu như một tiếng thở dài. Tưởng chừng không có rừng, không có sông, không có ruộng đồng ở vùng Xarư - Ozek, mặt trời sắp lặn tạo nên ấn tượng về sự toàn vẹn của thảo nguyên nhờ sự vận động khó nắm bắt trong ánh sáng vùng bóng tối của mặt đất trống trải” [3, 223]. Nếu mùa xuân Xarư - Ozek khoác trên mình chiếc áo màu xanh, mùa hè chiếc áo đổi sang màu vàng thì đến mùa thu Xarư - Ozek lại khoác trên mình chiếc áo màu nâu sẫm: “Mùa thu màu nâu sẫm như vỏ bánh mì”. Đặc biệt, khi viết về mùa thu Aitmatôp còn phát hiện vẻ đẹp giao thoa của thiên nhiên. Mùa thu đẹp hơn khi nó giao thoa giữa mùa hè và mùa đông. Nằm giữa hai khối không khí nóng và lạnh, mùa thu nơi đây mang vẻ đẹp: “Trống trải, buồn bã, hoang vu” [3, 148]. Mùa thu muôn đời vẫn mang trong mình cái vẻ đẹp buồn bã cổ xưa ấy. Phải chăng, đó là khoảng lặng để trái tim con người trải ra với thiên nhiên.
Nếu sau khi đọc xong “Và một ngày dài hơn thế kỉ” ai đó có khẳng định Aitmatôp chính là một học sĩ chuyên vẽ tranh phong cảnh thì điều đó cũng không lấy làm bất ngờ. “Và một ngày dài hơn thế kỉ” không chỉ thành công ở nội dung tư tưởng mang tầm khái quát lớn, không chỉ thành công ở cốt truyện đặc biệt và hệ thống nhân vật đa tuyến mà còn thành công ở nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Mùa nào Aitmatôp cũng phát hiện ra những màu sắc riêng. Và thật thiếu xót nếu trong bộ tranh tứ bình về thiên nhiên Xarư - Ozek ta lại quên không kể tới bức tranh mùa đông.
Nếu mùa hè ở Xarư - Ozek được coi là khắc nghiệt với nhiệt độ có lúc lên tới trên 50 độ c thì mùa đông ở đây cũng chẳng thua kém khi nhiệt độ xuống dưới âm nhiều độ. Khi mùa đông ngự trị thì cũng là lúc thảo nguyên của những cây cỏ kiến khoác trên mình chiếc áo trắng tinh của tuyết. Nếu những người công nhân đường sắt ở đây ghét mùa hè bao nhiêu thì họ cũng ghét mùa đông nhiều như vậy. Họ phải làm việc trong khi tuyết rơi nhiều tới nỗi họ chưa kịp xúc tuyết từ nơi này đổ sang nơi kia thì tuyết đã lại đầy ắp lên rồi. Song cũng giống như mùa hè, khắc nghiệt là vậy nhưng mùa đông vẫn không khỏi xao xuyến lòng người bởi vẻ đẹp kín đáo, kì ảo và khó nắm bắt. Những ai tới nơi đây vào mùa đông cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp khó nói thành lời: “Sau đó tiếp đến mùa đông. Có tuyết ngay lập tức. Phong cảnh cũng đẹp, bốn phía trắng xoá một màu. Và giữa cái im lặng mênh mông ấy, đường tàu vắt qua như một sợi chỉ đen” [3, 277]. Mùa đông với Êđigây cũng thật gần gũi, nó mang tới cho ông nhiều trải nghiệm. Ông yêu màu trắng mênh mông trải dài bất tận, ông yêu một bầu trời hửng sáng đang nắng dần lên một chút vào ban trưa. Ông yêu một làn gió khẽ vi vu bên tai. Ông yêu cả đôi bàn tay lạnh cóng và đôi má rát bỏng vì cái lạnh giữa mùa đông. Vẻ đẹp của thảo nguyên Xarư - Ozek làm ta bỗng nhớ tới mùa đông của “Xứ Tuyết”. Trong tác phẩm ấy, Kawabata cũng yêu xiết bao cái màu trắng tinh khôi của tuyết. Chàng Shimamura đã từng ngỡ ngàng, say đắm trước sắc xuân của Xứ Tuyết thì đến với mùa đông, cái lạnh lẽo, cái vắng lặng của mùa đông khiến chàng nghe được cả những tiếng ầm ì trong lòng đất. Nơi đây, tuyết như trở thành chất liệu để tạo nên vẻ đẹp lung linh của Xứ Tuyết. Những đỉnh núi đẹp hơn khi khoác trên tấm áo tuyết trắng xoá, nó rực sáng hơn khiến Shimamura có cảm giác: Sự cân bằng hài hoà giữa bầu trời và đường gấp khúc tối sẫm của những đỉnh núi bị phá vỡ. Dường như Xứ Tuyết và thảo nguyên Xarư - Ozek gặp nhau trong vẻ đẹp tinh khôi và mơ màng của tuyết trắng, Aitmatôp
và Kawabata gặp nhau trong ngòi bút tinh tế và tấm lòng dành cho thiên nhiên đất nước mình.
Đi vào miêu tả không gian quá khứ, Aitmatôp không dừng lại ở việc miêu tả khái quát khung cảnh bốn mùa mà ông còn dừng lại miêu tả một khoảng không cụ thể. Được xuất hiện khá nhiều lần trong tác phẩm, không gian vầng trăng như có sức hút kì lạ. Qua khảo sát chúng tôi đếm được không dưới mười lần Aitmatôp đi vào miêu tả vầng trăng. Mỗi lần vầng trăng lại mang những vẻ riêng và vầng trăng như một đối tượng để Êđigây gửi gắm tâm trạng, thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau. Khi Abutalip bị bắt, nhìn thấy những giọt nước mất của Zaripa trong cảnh tiễn biệt thì lúc này “vầng trăng nhợt nhạt, hoang dại, rỗng tuyếch, chỉ là một nét vẻ mờ mờ cô đơn”. Khi phải đưa tiễn người bạn thân nhất về với lòng đất thì trong mắt Êđigây “vầng trăng nhờn nhợt trên cao” [3, 546]. Đôi khi, đó còn là vầng trăng vằng vặc trong đêm soi bóng những con lạc đà đang gặm cỏ và soi sáng người bẻ ghi già đang cần mẫn với công việc của mình. Thiên nhiên như nhuốm tâm trạng của con người hay con người vì thiên nhiên mà nảy sinh những cảm xúc trong lòng.
Aitmatôp đã xây dựng được một không gian hồi tưởng khá đặc biệt, không gian đi theo bước chân của dòng thời gian hồi tưởng trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của thảo nguyên. Phải gắn bó, phải có tình yêu thiết tha với thiên nhiên Aitmatôp mới vẽ được bức tranh thiên nhiên đẹp đến vậy. Nếu Êxênhin đưa ta về với thiên nhiên nông thôn Nga trong quá khứ, hoài niệm thì Aitmatôp đưa ta về với thảo nguyên rộng lớn, nơi đó có sắc vàng của cỏ kiến, sắc xanh của những dãy núi, sắc đỏ của những cây hoa anh túc. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi Aitmtôp bằng một cái tên thân thương chàng “ca sĩ của núi đồi và thảo nguyên”.