Không gian và thời gian huyền thoại

Một phần của tài liệu Kết cấu tiểu thuyết và một ngày dài hơn thế kỷ của TS aitmatôp (Trang 70)

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

2.2.2.2.3. Không gian và thời gian huyền thoại

Nếu không gian và thời gian hiện thực, hồi tưởng khá phổ biến trong tác phẩm văn chương thì thuật ngữ không gian và thời gian huyền thoại lại hiếm thấy trong văn chương. Nhưng đây lại là thế mạnh của Aitmatôp. Các tác phẩm của ông bắt đầu từ “Giamilia” cho đến những tác phẩm sau này đều được nhuốm màu không gian và thời gian huyền thoại. Trong “Con tàu trắng” thì đó là không gian và thời gian trong câu chuyện về “mẹ Hươu Sừng”. Trong “Con chó khoang chạy ven bờ biển” lại là khoảng không và dòng thời gian trong câu chuyện về “người Đàn Bà Cá”. Còn trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ” thì không gian và thời gian huyền thoại xuất hiện trong câu chuyện về bà Ana Naiman và câu chuyện về chàng ca sĩ Raimaly.

Thời gian trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ” là phương thức quan trọng để xây dựng thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn không chỉ sử dụng đơn thuần thời gian trong hiện thực mà còn sử dụng một kiểu thời gian đặc biệt - thời gian mang đậm màu sắc huyền thoại. Đây là kiểu thời gian mà theo các nhà nghiên cứu gọi là thời gian ngoài thời gian. Thời gian huyền thoại cũng được mở ra từ thời gian hiện tại nhưng theo suy nghĩ của nhân vật chính, đôi khi đồng nhất với thời gian hồi tưởng. Câu chuyện về bà Ana Naiman được Êđigây nhớ lại trên đường đi chôn cất Kazangap: “Còn hai giờ nữa thì đến nghĩa địa Ana Bejit. Mặt trời lên gần đỉnh đầu, toả ánh nắng gay gắt. Ba phần tư quãng đường đã lùi lại phía sau” [3, 169]. Trong câu chuyện huyền thoại ấy, thời gian được bắt đầu tính từ lúc bà Ana Naiman nghe được câu chuyện giữa những người lái buôn gặp chàng Mankur giữa thảo nguyên: “Vào một trong những ngày bình thường” [3, 177]. Thời gian ban ngày khuất dần nhường chỗ cho thời gian ban đêm bao phủ và trong cái đêm thao thức không ngủ ấy bà Ana Naiman quết định đi tìm con. Thời gian huyền thoại còn được lồng thêm thời gian quá khứ khi bà Ana Naiman nhớ tới câu chuyện xảy

ra trong chiến tranh của bộ tộc bà với bọn Choang Choang. Cần phải nhận thấy rằng thời gian huyền thoại ở đây có sự đồng hiện với thời gian quá khứ và thời gian tưởng tượng. Câu chuyện về bà Ana Naiman bị đứt đoạn khi suy nghĩ của Êđigây trở về hiện tại hay khi tác giả xen vào đó câu chuyện về hành tinh “Ngực Rừng”. Nói về thời gian huyền thoại thì trong tác phẩm “Anh em nhà Caramazov”, Dostoevski cũng đã sử dụng khi viết về câu chuyện truyền thuyết mà quỷ kể về thiên đàng tạo ra dụng ý nghệ thuật cho tác phẩm. Aitmatôp đã tiếp thu những thành công đó và phát triển hơn nữa khi sử dụng thời gian huyền thoại trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ”.

Thời gian huyền thoại còn xuất hiện trong câu chuyện về chàng ca sĩ Raimaly. Thời gian trong câu chuyện có độ nén đậm đặc. Chưa đầy một trăm dòng chữ Aitmatôp đi qua toàn bộ cuộc đời của Raimaly. Cuộc đời trai trẻ của chàng Raimaly là những tháng ngày cưỡi trên lưng con tuấn mã Sarala đi khắp nơi cất tiếng hát làm say mê lòng người. “Đời Raimaly cứ thế trôi đi... rồi cái già ập đến lúc nào cũng không hay” [3, 408]. Thời gian cứ thế trôi đi “khi Raimaly bước vào tuổi xế chiều như một cây phong non chóp héo hắt giữa cảnh cô đơn kiêu hãnh” [3, 408]. Nếu trong câu chuyện về bà Ana Naiman thời gian như được nới lỏng để bộc lộ tâm trạng của người mẹ thì trong câu chuyện về Raimaly thời gian được co lại để có thể khái quát hết cuộc đời nhân vật. Đó là sự sáng tạo độc đáo của Aitmatôp khi ông xem thời gian như một tín hiệu nghệ thuật.

Thời gian mang màu sắc huyền thoại là thời gian nằm ngoài những khuôn khổ về thời gian thông thường. Loại thời gian này mang trong mình những quy luật riêng. Nhiều khi con người cảm giác không nắm bắt, cảm nhận được sự hiện hữu của nó. Sự chuyển đổi đột ngột phi thường giữa những khoảng thời gian dường như mang lại cảm giác bất lực. Khoảng thời gian giây được được đặt bên khoảng thời gian triệu triệu, tỉ tỉ năm khiến cho con người

không khỏi choáng ngợp. Sự sáng tạo những chiều - kích thời gian ấy đã thể hiện tham vọng lấy quá khứ để làm cho bài học hiện tại, yêu cầu con người phải biết phát huy và trân trọng những gì trong quá khứ. Cũng giống như nhân vật Ivan trong “Anh em nhà Caramazov” của Dostoevski, Aitmatôp muốn chế ngự “cái chết” để “bất tử” con người nói chung. Huyền thoại vẫn luôn tồn tại dẫu con người có vô tình quên nó đi chăng nữa.

Không gian trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ” cũng không dừng lại ở không gian hiện tại và hồi tưởng mà còn được mở ra theo chiều - kích mới: không gian huyền thoại, góp phần tạo nên sự độc đáo cho bình diện không gian tác phẩm. Không gian huyền thoại xuất hiện trong những câu chuyện huyền thoại.

Trong câu chuyện về bà Ana Naiman, vẫn là không gian vùng thảo nguyên Xarư - Ozek nhưng dường như chúng đẹp hơn trong cái nhìn huyền thoại. Vẫn là vầng trăng nơi thảo nguyên song vầng trăng cũng tựa như được nhuốm màu thần thoại: “Vầng trăng khuya lơ lửng trên bầu trời không một gợn mây, toả ánh trắng đều nhàn nhạt màu sữa. Và số căn lều trắng nằm rải rác dưới chân đồi, trông như một đàn chim lớn đậu lại, ngủ đêm ở đây, trên bờ mấy dòng suối rì rào” [3, 183]. Đó là không gian trong cái đêm bà mẹ quyết đi tìm con. Còn không gian trong câu chuyện về chàng ca sĩ Raimaly thì dường như thi vị hơn, đẹp hơn bởi được nhuốm màu sắc của tình yêu: “Trời đã ngả về chiều. Thảo nguyên mênh mông chìm đắm trong màn sương trắng đục của ngày hè. Cỏ trên mặt đất chỉ cò chờ ngày cắt. Thỉnh thoảng mùi lá cỏ úa chua chua. Khi trời mát dịu, sau những trận mưa rừng trải rộng khắp nơi nơi, chú diều hâu chậm rãi lướt cánh là là trên mặt đất vào lúc hoàng hôn, líu ríu khẽ gọi con chim non khiến buổi chiều càng thêm thanh bình” [3, 421 - 422]. Phải chăng, tình yêu làm mùa hạ ở thảo nguyên này dịu mát, tình yêu

làm hoàng hôn trên thảo nguyên thật thanh bình và tình yêu làm cho tiếng chim kia như đang tìm đôi, tìm cặp.

Dành một số lượng lớn những trang viết cho những câu chuyện huyền thoại, Aitmatôp muốn gửi đền cho người đọc ý nghĩa nhân bản của cuộc sống. Không đi vào cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác như “Con tàu trắng” trong câu chuyện về “mẹ Hươu Sừng”. Không đi vào sự giành giật giữa sự sống và cái chết như “Anh em nhà Caramazov”, với hai câu chuyện huyền thoại trong “Và một ngày dài hơn thế kỉ”, Aitmatôp muốn ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và ca ngợi tình yêu vượt qua mọi ranh giới. Không gian và thời gian huyền thoại đã giúp Aitmatôp làm được điều đó.

Một phần của tài liệu Kết cấu tiểu thuyết và một ngày dài hơn thế kỷ của TS aitmatôp (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)