4. Nhiệm vụ nghiên cứu
2.1.2.1.4. Êđigây nhân vật trung tâm
Bàn về nhân vật trung tâm trong các tác phẩm văn học, giáo trình “Lí luận văn học” cho rằng: “Trong các nhân vật chính của tác phẩm lại có thể nhận thấy nổi bật lên những nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm về mặt ý nghĩa” [13, 283]. Như vậy, nhân vật trung tâm đương nhiên phải là nhân vật chính và đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều, giữ vị trí then chốt của cốt truyện hay tuyến cốt truyện. Nhân vật trung tâm là nơi quy tụ mọi mối quan
hệ trong tác phẩm. Trong tiểu thuyết “Và một ngày dài hơn thế kỉ”, Êđigây chính là nơi quy tụ mọi mối quan hệ đó. Khắc hoạ chân dung nhân vật này, Aitmatôp gửi gắm vào đó những quan niệm, tư tưởng của toàn bộ tác phẩm.
Là dân vùng biển Aral, mang trên mình vẻ đẹp của người dân chài: Lông mày đen, ria đen, cặp mắt nâu hạt dẻ sáng và hàm răng trắng đều tăm tắp... Anh sống một cuộc sống bình thường của người dân làng chài. Rồi chiến tranh nổ ra, Êđigây lên đường tham gia chiến tranh và trở thành một người lính. Sau khi bị chấn thương vào cuối năm bốn bốn Êđigây được giải ngũ trở về quê hương. Nhìn bề ngoài Êđigây vẫn là một chàng trai bình thường khoẻ mạnh: “Chân tay còn nguyên vẹn, cái đầu vẫn ở trên vai” [3, 90] nhưng anh lại mang thương tật nặng: “Hai tai cứ ù ù như có gió thổi và bước đi chông chênh, mặt mũi tối sầm, buồn nôn, mồ hôi vã ra như tắm. Thỉnh thoảng cái lưỡi bất tuân thượng lệnh vất vả lắm mới nói được một tiếng” [3, 90 - 91]. Những thương tật như vậy không cho phép anh quay trở về với biển cả được nữa lại cộng với cái chết của đứa con trai nhỏ vì mắc bệnh đậu mùa càng làm anh đau đớn. Cuối cùng anh quyết định cùng Ukabala rời cái làng tiêu điều, xác xơ của mình ra đi với hi vọng rằng Êđigây - một thương binh sẽ tìm được việc làm thích hợp. Rồi cuối cùng số phận run rủi họ tới thảo nguyên Xarư - Ozek và điểm dừng chân cuối cùng cho số phận họ là ga Bão Tuyết - Bozanlư, nơi người công nhân bẻ ghi Êđigây gắn bó toàn bộ cuộc đời còn lại của mình với nó.
Mở đầu tác phẩm là chi tiết Ukbala đến tìm Êđigây để báo cho bác biết về cái chết của Kazangap, trong cái đêm tối ấy, Êđigây đã bất giác nhận thấy sự già nua trên khuôn mặt vợ mình: “Ôi mình ơi, mình già mất rồi” [3, 19], trong cái khoảnh khắc ấy, bác thầm thương vợ và cảm giác gờn gợn như chính bác làm nên cái sự già nua ấy cho vợ, bác càng nặng lòng biết ơn vợ về mọi điều. Trước khi về thảo nguyên này, bác và Ukbala đã từng có một cuộc
sống vô cùng vất vả ở các ga khác. Lúc ấy, Êđigây vẫn còn là một anh thương binh mới ra khỏi chiến tranh, họ lưu lạc khắp nơi này tới nơi khác làm những công việc nặng nhọc nhất đặc biệt là công việc xúc than ở các ga xe lửa. Nhìn Ukbala phải làm tất cả những công việc mà ngay cả những thanh niên khoẻ mạnh cũng khó lòng làm được, nhìn Ukbala cố gắng không để lộ sự mệt mỏi trước mặt chồng ngay cả lúc tưởng chừng sức chịu đựng đã dốc cạn làm Êđigây đau đớn hơn hết thảy. Nhìn Ukbala chìm trong bụi than, cả người mồ hôi đầm đìa thì hơn lúc nào hết Êđigây mong mình khoẻ mạnh như ngày xưa để “anh sẽ tự tay xúc hàng chục toa than đáng nguyền rủa kia, chỉ cốt sao khỏi chứng kiến nỗi cực khổ của vợ” [3, 98].
Khi còn ở vùng biển Aral, tất cả tâm trí và tình cảm Êđigây dành cho người vợ trẻ. Đối với bác, Ukbala không chỉ đơn thuần là cô gái bác hằng mơ ước mà bác còn cảm thấy mình tồn tại là để luôn nghĩ về cô, để tích tụ và chắt lọc trong mình sức lực của biển khơi và của nắng gió để rồi đem hiến dâng cho cô. Êđigây cho rằng sự dâng hiến đó chính là cốt tuỷ của hạnh phúc. Biết Ukbala trong thời kì thai nghén muốn được ôm con cá chiên vàng Altyn mekre thì Êđigây đã “hiểu ngay là phải đánh cho kì được một con cá chiên vàng”. Mặc dù biết đó là loại cá rất hiếm và phải thả lưới chỗ biển sâu mới có nhưng bác vẫn quyết tâm rong thuyền ra biển để mong đánh bắt bằng được con cá chiên vàng về cho vợ. Êđigây đã lênh đênh trên biển một ngày, hứng chịu cái rét thấu xương của một ngày đầu đông, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, bác đã đem được về cho Ukbala con cá chiên vàng. Con cá chiên vàng ấy chính là minh chứng xác thực nhất khẳng định tấm lòng Êđigây dành cho vợ. Kỉ niệm về con cá chiên vàng ấy làm Êđigây không bao giờ quên, bác cất giữ nó trong lòng và không kể cho bất cứ ai, kể cả hai đứa bé nhà Abutalip. Êđigây luôn dành cho Ukbala một sự trân trọng biết ơn, Ukbala mãi mãi ở trong lòng Êđigây như một cái gì thiêng liêng và cao quý.
Nếu phải kể ra những cái tên quan trọng nhất trong cuộc đời Êđigây thì không thể không kể đến cái tên Kazangap. Kazangap không chỉ là một người bạn mà còn là một người anh, người cha. Kazangap chính là người đưa Êđigây về với thảo nguyên Xarư - Ozek, chính Kazangap giúp Êđigây hiểu ra giá trị đích thực của lao động, giúp bác có dũng cảm để gắn bó cuộc đời mình ở nơi đây. Và cũng chính Kazangap giúp Êđigây hiểu rằng cuộc sống có rất nhiều bài học mà có khi cả cuộc đời con người vẫn chưa hiểu hết nó. Bởi vậy, cái chết của Kazangap trở thành sự mất mát quá lớn với Êđigây. Mặc dù bị đứa con trai Kazangap phản đối nhưng Êđigây vẫn quyết định chôn cất Kazangap tại khu nghĩa đại cổ Ana Bejit như ý nguyện của người quá cố. Tình cảm của bác đối với Kazangap còn được thể hiện khi bác chuẩn bị lễ tang cho Kazangap một cách thật trọng thể: “Bác đã phủ lên mình con Karanar tấm chăn đẹp nhất, dệt từ ngày xưa, có tua dài nhiều màu và các hoạ tiết trang trí như một tấm thảm” [3, 50]. Đây sẽ là cỗ tang đưa người bạn già của bác về với lòng đất. Bác cũng muốn cho tất cả mọi người hiểu rằng: “Chôn cất một người chết đã sống xứng đáng không phải là một gánh nặng phiền phức mà là một sự kiện tuy đau đớn nhưng vĩ đại, do đó, phải làm theo đúng nghi thức” [3, 51]. Hành trình từ ga Bão Tuyết tới nghĩa địa Ana Bejit là một hành trình dài nhưng với Êđigây thì đó lại là hành trình để bác tưởng nhớ Kazangap. Giữa Êđigây và Kazangap, họ gặp nhau ở tinh thần lao động, ở ý chí và nghị lực phi thường, ở một suy nghĩ phải sống sao cho xứng đáng.
“Và một ngày dài hơn thế kỉ” là câu chuyện ấm áp tình người, nơi đó có ga xép Bozanlư, là một hòn đảo nhỏ nằm giữa thảo nguyên, nơi mà mùa đông tuyết dày đến hàng mét, nơi mà mùa hè cái nóng cũng phải làm cho nước bốc hơi nhưng đó lại là nơi đầy ắp tình yêu thương. Ở hòn đảo nhỏ ấy, chỉ hễ nghe thấy tiếng kêu cứu đầu tiên, dân trong xóm đã hối hả đến giúp đỡ ngay, nơi mà niềm vui của hàng xóm láng giềng cũng chính là niềm vui của
mình, nơi mà việc chăm sóc con cái của kẻ khác cũng y như con đẻ của mình. Và tình cảm mà Êđigây dành cho Abutlip chính là những tình cảm bình dị đó.
Tận mắt chứng kiến những nỗi bất hạnh của Abutalip - người hàng xóm của mình, Êđigây không khỏi xúc động. Bác sẻ chia nỗi bất hạnh với Abutalip bằng việc dạy Abutalip làm công việc của người công nhân đường sắt, dạy Abutlip những kinh nghiệm để giúp gia đình anh có thể tồn tại ở mảnh đất khô cằn này. Hơn ai hết, Êđigây biết Abutalip đang phải gánh chịu những gì. Bởi vậy, anh cố gắng giúp Abutalip phấn chấn và có thêm lạc quan. Êđigây cùng Abutalip tới ga Kumbel để sắm một cây thông Noen cho gia đình anh, Êđigây cố gắng tổ chức một chuyến đi chơi cho hai gia đình để Abutalip thoải mái hơn. Mọi sự sẻ chia của Êđigây đều bắt nguồn từ sự đồng cảm và yêu thương. Trong cái khoảng khắc chứng kiến việc Abutalip bị bắt oan, chứng kiến nỗi đau tột cùng của sự chia xa mà Abutalip đang phải gánh chịu, Êđigây đã nảy ra ý nghĩ sẽ đi thay Abutalip để anh có thể được tự do: “Không một ai lúc ấy hiểu rằng Êđigây sẵn sàng nếu có thể được sẽ đi thay Abutalip.” [3, 272]. Và cũng trong cái khoảnh khắc ấy: “Êđigây và Abutalip đã kịp ôm chặt nhau lần cuối cùng và lặng đi trong giây lát, cả hai đều hiểu tất cả bằng trí óc và trái tim, bằng toàn bộ cơ thể mình lúc họ áp đôi mắt ướt nhoè nước mắt cho nhau” [3, 271].
Abutalip ra đi, Êđigây chấp nhận làm thay Abutalip trọng trách của một người chồng và một người cha. Bác chăm lo cho hai đứa con của Abutalip để chúng vơi đi nỗi thương nhớ cha, bác dành cho Zaripa một tình yêu thương sâu sắc và chân thành. Êđigây không chỉ sẵn sàng thế chân cho Abutalip để anh được tự do mà bác còn sẵn sàng đem tính mạng của mình để đổi lấy sự sống cho Abutalip: “Anh sẵn sàng thay thế cho Abutalip, đứng vào vị trí của bạn, hứng trịu hết mọi đau khổ không chút suy tính” [3, 308]. Nếu với Kazangap, Êđigây dành cho người bạn già ấy một sự biết ơn, trân trọng thì
với Abutalip, Êđigây lại dành cho một tình yêu thương cao cả, một sự đồng vọng sẵn sàng sẻ chia. Đến đây người đọc đã lí giải được vì sao giữa thảo nguyên khô cằn và mênh mông, con người vẫn tồn tại được, bởi họ được sưởi ấm bằng thứ tình thương giản dị mà chân thành, được tiếp thêm sự sống bởi sự đồng cảm, quan tâm của những người xung quanh. Vì vậy, mà nhà sử học Elizarov mỗi lần tới thăm ga Bão Tuyết là mỗi lần ông cảm thấy ấm cúng như được sống giữa gia đình mình.
Là một người giàu lòng yêu thương, Êđigây còn hướng lòng mình xuống nỗi đau của Zaripa - một cô gái bị số phận bỏ rơi. Êđigây nhận ra thứ nước mắt hoà lẫn nước mưa trong đôi mắt của Zaripa, anh nhận thấy mái tóc chị đã gần cháy nắng, làn da trắng trẻo kia đã sạm đen như đất, chính anh cũng là người cảm nhận được nỗi đau khổ tột cùng của Zaripa khi Abutalip ra đi. Anh cũng là người phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của người con gái mảnh dẻ ấy. Bởi vậy, Êđigây dành cho Zaripa một tình yêu lúc nào anh cũng không hay biết, đó là thứ tình yêu gần giống sự khao khát chở che, muốn gánh lấy tất cả nỗi đau cho người mình yêu: “Anh nghĩ về Zaripa với một tấm lòng trìu mến, với ý nghĩ sẵn sàng biến mình thành một người cô có thể trông cậy về mọi phương diện, về hết thảy những gì liên quan đến cuộc sống của cô. Anh sẽ hạnh phúc biết bao nếu được Zaripa coi chính anh, Êđigây - Bão Tuyết, như một người trung thành và đáng yêu nhất thế gian” [3, 324 - 325]. Hết thảy những gì anh nhìn thấy ở Zaripa đều hết sức thân thương đến mức anh chỉ muốn ôm lấy cô, xua đi hết thảy mọi thứ đè nặng trong lòng cô.
Nhưng tình yêu Êđigây dành cho Zaripa lại trở thành một tâm tư trĩu nặng trong anh, anh không thể thổ lộ cùng ai. Trong tâm hồn Êđigây luôn có sự giằng xé và mâu thuẫn. Sẽ ra sao nếu Zaripa không chấp nhận anh, anh sẽ mất ba mẹ con cô mãi mãi. Sẽ ra sao nếu Zaripa chấp nhận anh, anh còn có Ukbala. Zaripa hiểu được nỗi lòng Êđigây, cô biết rằng tấn bi kịch này sẽ
không thể kết thúc nếu cô không ra đi. Sự ra đi của Zaripa đã trở thành một vết thương không bao giờ lành trong trái tim Êđigây. Trở về sau cuộc đi tìm con Karanar, biết được Zaripa đã bỏ đi: “Anh thấy chua xót, chua xót lắm, tưởng như chưa bao giờ cảm thấy thế trong đời. Vẫn chiếc áo chẽn trên người, anh đứng sững giữa phòng, bên cạnh lò sưởi tắt ngấm, chẳng biết nên làm gì, phải ứng phó ra sao để tuột ra những tiếng than tức tối vì nỗi đau mất mát này (...). Anh kiệt sức, tựa vào tường, áp chặt khuôn mặt rầu rĩ, nóng bừng lên tấm gỗ lạnh ngắt, nghẹn ngào, nức nở vì nỗi đau không gì an ủi nổi” [3, 391]. Đó là nỗi đau của một tình yêu không được đền đáp, một sự mất mát không gì đền bù. Trong lòng Êđigây lúc này tràn ngập một cảm giác trống trải, bất lực hoàn toàn. Anh phủ phục lên tuyết, hai tay ôm đầu, khe khẽ khóc nấc lên cay đắng. Quỳ giữa thảo nguyên Xarư - Ozek hoang vu trong cảnh hoàn toàn cô đơn, anh lắng nghe tiếng gió rít dài. Tuyết như trên không trung cứ lặng lẽ rơi. Êđigây cảm tưởng như triệu triệu bông tuyết khẽ rơi lao xao khi xát nhẹ vào không khí như thủ thỉ với anh rằng anh không thể nào kham nổi gánh nặng li biệt này, rằng vắng người thiếu phụ thân thương mà anh đã gắn bó bằng một thứ tình cảm sâu đậm, đời anh từ nay trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Êđigây muốn gục xuống, chết ngay trên tuyết, cho thân xác chôn vùi mãi mãi. Vẫn biết Aitmatôp là ngòi bút bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật nhưng khi đọc đoạn niêu tả nội tâm nhân vật Êđigây khi mất Zaripa thì người đọc vẫn không khỏi bất ngờ và xúc động. Tố Hữu đã nói “Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” nhưng với Aitmatôp những lời văn kia cũng chính là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu.
Đi vào khảo sát những cung bậc tình cảm của Êđigây dành cho những người ở ga Bão Tuyết mà không nhắc tới âm thanh tình cảm Êđigây dành cho hai đứa trẻ nhà Abutalip thì thật là thiếu sót. Daul và Ermek đón nhận ở Êđigây một thứ tình cảm thật đặc biệt - đó là một thứ tình cảm không kém bất
cứ một tình phụ tử nào. Trước sự li biệt của ba cha con, Êđigây dành hết tình cảm cho hai đứa bé những mong có thể lấp đầy được khoảng trống về nỗi nhớ cha trong chúng. Anh kể cho chúng nghe những câu chuyện về Aral, về những chú chim hải âu nơi quê hương anh. Anh dạy chúng bói đá cuội để truyền cho chúng hy vọng về sự trở về của người cha. Anh truyền cho chúng niềm tin vào phẩm chất của cha chúng và biết tự hào về cha chúng. Êđigây vui sướng biết bao khi thấy những đôi mắt ngây thơ của lũ trẻ nhìn anh, được trả lời những câu hỏi ngây ngô của chúng. Anh vui sướng biết bao khi biết chúng coi anh là người biết tất cả, chúng sà vào lòng anh mỗi khi anh đi làm về. Khi Kazangap cắt tóc cho Ermek, thằng bé sợ phát khóc, nhìn thấy Êđigây chú bé rời tay mẹ và lao thẳng đến Êđigây kêu gào thảm thiết thì hơn lúc nào hết tình yêu thương trong anh trỗi dậy mạnh mẽ: “Anh bế thốc thằng bé lên, ôm ghì lấy nó áp chặt vào lòng, cảm thông bằng tất cả thể xác mình nỗi bất hạnh của nó, sự bất lực của nó, những lời than khóc và tất cả lòng tin cậy của nó như chính mình đang gánh trọn những rủi ro kia. Rồi anh hôn nó và bằng một giọng nghẹn ngào vì đau xót và cảm thông” [3, 334]. Trong cái khoảnh khắc ấy, anh biết mình cần có hai đứa bé biết bao, anh sẽ không thể rời xa chúng được. Bởi vậy, sự ra đi của Zaripa cùng hai đứa trẻ mà anh vô cùng yêu quý càng đau đớn thêm gấp bội. Lần đầu tiên trong đời, anh giận Kazangap vì nghĩ rằng Kazangap đã giúp đỡ cho ba mẹ con Zaripa ra đi. Lần đầu tiên trong đời, anh đã trách móc Ukbala vì nghĩ rằng cô là nguyên nhân khiến mẹ con