6. Bố cục của luận văn
1.5 Mối quan hệ giữa chuyển giá và hệ thống thông tin kế toán
Kế toán là một công cụ cung cấp thông tin cho công tác quản lý thuế nói chung và kiểm soát các giao dịch liên kết chống chuyển giá nói riêng. Các yếu tố cấu thành của hệ thống kế toán như chứng từ, tài khoản, sổ sách, báo cáo, phương pháp hạch toán và các ước tính kế toán ... giúp trình bày, tính toán, xác định đúng và đủ các giao dịch phát sinh trong niên độ báo cáo. Khi các yếu tố cấu thành nên hệ thống kế toán thay đổi do sự thay đổi của chế độ kế toán hoặc do sự thay đổi trong chính sách tài chính, chính sách hoạt động của bản thân đơn vị kinh doanh thì sẽ ảnh hưởng đến số thuế mà đơn vị phải nộp. Đồng thời, khi hướng dẫn về giao dịch liên kết ra đời theo yêu cầu của tình hình thực tế và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, sẽ làm thay đổi các yếu tố cấu thành nên hệ thống kế toán doanh nghiệp như thay đổi về biểu mẫu, các phương pháp tính thuế, kê khai ... Do vậy, hệ thống kế toán và pháp luật thuế nói chung và hướng dẫn giao dịch liên kết nói riêng có mối quan hệ qua lại với nhau, cùng chi phối đến hoạt động của đơn vị kinh doanh.
Kế toán là công cụ của thuế.
Kế toán là công cụ để xác định đúng số thuế phải nộp và trình bày các giao dịch nói chung và các giao dịch liên kết và tính toán giá chuyển giao trong giao dịch liên kết theo nguyên tắc giá thị trường, cung cấp thông tin cho việc quản lý thuế của Nhà nước và xác lập các căn cứ pháp lý thể hiện mức độ chấp hành pháp luật của các tổ chức, cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh, thể hiện qua chứng từ kế toán, tài khoản, sổ sách, báo cáo, phương pháp hạch toán và các ước tính kế toán.
Chứng từ kế toán là những giấy tờ phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành trong đơn vị, làm căn cứ ghi chép vào sổ sách kế toán. Chứng từ kế toán gồm có chứng từ gốc và chứng từ ghi chép ban đầu. Chứng từ gốc thể hiện bản
chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Chứng từ ghi chép ban đầu thể hiện thêm thông tin về nghiệp vụ và phân loại thông tin kế toán theo đối tượng kế toán để ghi chép vào sổ sách kế toán. Chứng từ kế toán là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho nhà quản lý trong tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (gọi chung là đơn vị) và cơ quan nhà nước kiểm tra kế toán. Chứng từ kế toán là cơ sở chứng minh việc chấp hành pháp luật của đơn vị. Chứng từ là căn cứ xác định các hành vi gian lận, biển thủ tài sản, trốn thuế của cá nhân trong đơn vị và của bản thân đơn vị trước pháp luật. Chứng từ kế toán là cơ sở pháp lý giúp cho cơ quan thuế xác định phạm vi áp dụng, căn cứ tính thuế; từ đó xác định đúng, đủ số thuế phải nộp, số thuế được miễn, giảm; thuế được hoàn lại từ ngân sách nhà nước; đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của đơn vị. Phạm vi áp dụng thuế là phạm vi xác định đối tượng nộp thuế (tổ chức, cá nhân); đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế (hàng hóa, dịch vụ). Căn cứ tính thuế là giá tính thuế (hoặc thu nhập chịu thuế) và thuế suất tương ứng, mức giá chuyển giao trong giao dịch liên kết. Cụ thể: đối với thuế thu nhập doanh nghiệp và các giao dịch liên kết thông qua chứng từ là hóa đơn (đầu vào, đầu ra); hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa dịch vụ (mua, bán), tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu; hợp đồng lao động; bảng thanh toán lương; bảng tính khấu hao; biên lai thu phí và lệ phí; biên bản kiểm kê tài sản, hàng tồn kho và các chứng từ khác theo luật định để xác định được chi phí hợp lý và doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Sổ sách kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Sổ kế toán gồm sổ tổng hợp và sổ chi tiết, được mở và ghi chép dựa trên hệ thống tài khoản kế toán. Sổ kế toán tương ứng tài khoản phản ánh các loại thuế ghi chép và tổng hợp từng loại thuế phát sinh trong đơn vị theo kỳ kế toán và kỳ tính thuế. Các sổ này cung cấp thông tin cụ thể cho việc lập và kiểm tra báo cáo thuế, báo cáo tài chính thể hiện.
Báo cáo kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình hoạt động, kinh tế, tài chính của đơn vị theo yêu cầu của nhà quản lý đơn vị, của đơn vị cấp trên và
theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo kế toán gồm có: Báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thuế, báo cáo tình hình thực hiện dự án, báo cáo thống kê ... Để cơ quan thuế có thể quản lý, đánh giá được tình hình hoạt động, tài chính và đánh giá việc chấp hành pháp luật của các đơn vị nộp thuế (cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh), Nhà nước quy định các đơn vị nộp thuế có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan thuế các báo cáo thuế định kỳ theo quy định của Luật thuế và các báo cáo tài chính theo quy định của Luật kế toán.
Đơn vị có nghĩa vụ cung cấp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế định kỳ hàng năm. Báo cáo tài chính được lập và gửi cho các cơ quan nhà nước theo quy định. Báo cáo tài chính gồm có: Bảng cân đối kế toán, Kết quả hoạt động kinh doanh, Lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Với những thông tin được cung cấp trên báo cáo tài chính, cơ quan thuế có thể đánh giá được tình hình tài chính; kết quả hoạt động kinh doanh; các giao dịch liên kết; việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước: thuế phát sinh, thuế được hoàn, thuế đã nộp; những thông tin thay đổi của đơn vị trong niên độ; các thông tin về giao dịch liên kết; thống kê các chỉ tiêu kinh tế tài chính vào hồ sơ quản lý thuế nhằm theo dõi, quản lý và đánh giá.
Nhà nước quản lý các doanh nghiệp thông qua công cụ luật pháp. Thông qua công cụ kế toán, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý cho Nhà nước. Thuế là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển chung. Chính vì vậy, Luật thuế tác động trực tiếp đến hệ thống kế toán của doanh nghiệp, góp phần tạo nên các nội dung, biểu mẫu, nguyên tắc, phương pháp của việc ghi chép, chứng từ, tài khoản, sổ sách, báo cáo kế toán, ước tính, trình bày trên báo cáo tài chính. Do vậy, khi Luật thuế có sự thay đổi thì sẽ kéo theo sự thay đổi của hệ thống kế toán doanh nghiệp.