Biến thể phong cách

Một phần của tài liệu Tiếng vinh dưới góc nhìn của phương ngữ xã hội (Trang 98)

6. Bố cục luận văn

3.1.4. Biến thể phong cách

Ngôn ngữ giao tiếp của con người tồn tại dưới hai dạng cơ bản là nói và viết. Về mặt thuật ngữ, trước đây chúng ta vẫn thường gặp các tên gọi: phong cách nói hoặc phong cách khẩu ngữ đặt trong thế đối lập với phong cách viết hoặc phong cách sách vở.

Tuy rằng gọi tên như vậy, nhưng thực tế trong nội dung, người ta muốn phân biệt giữa một bên là ngôn ngữ thông tục, “đời thường”, chưa có sự gia công, trau dồi, ít gắn với những chuẩn mực nguyên tắc; còn một bên là ngôn ngữ được trau giồi, chọn lọc, gắn liền với những chuẩn tắc đó.

Thật ra, ngay trong phong cách nói cũng có sự phân biệt giữa lời nói được chọn lọc, trau giồi (ví dụ như lời diễn giảng, thuyết trình, lời phát biểu chính thức có chuẩn bị sẵn,...) với lời nói chưa được chọn lọc kĩ và trau dồi cẩn thận (ví dụ như trong nói năng thân mật thông thường hàng ngày, thậm chí có thể chấp nhận cả tính chất thông tục trong đó). Loại thứ nhất ở đây nhích gần về phía ngôn ngữ thuộc phong cách viết hơn, còn loại thứ hai, từ bản chất của nó, được gọi đích danh là khẩu ngữ - một tên gọi mà tuy không nói ra một cách hiển minh, nhưng ít nhiều bên trong, người ta có ý phân biệt nó với ngôn ngữ nói, nói chung [12].

Người Nghệ nói chung, người Vinh nói riêng, với bản chất là những người hiếu học, thích hiểu biết. Vì thế, tiếng Vinh có sự phân biệt khá rõ giữa phong cách nói và phong cách viết. Phong cách nói của người Vinh là việc sử dụng những câu ngắn, câu khuyết thành phần. Phong cách viết của người Vinh cũng chú trọng cách viết gắn gọn, khúc chiết. Trong nói và viết, người Vinh đang có xu hướng tiếp thu TVVH. Chẳng hạn, nếu như trong PNNT, khi hỏi tuổi thì người Nghệ thường hỏi: “Răng nấy tuổi rứa?”, còn trong tiếng Vinh, người Vinh đang dần dần sử dụng cách hỏi “Bao nhiêu tuổi rồi?” để đảm bảo sự tế nhị trong cách hỏi về một vấn đề tế nhị.

3.2. Xu thế phát triển của tiếng Vinh

3.2.1. Các điều kiện chi phối sự phát triển của tiếng Vinh

Xét về mặt lịch đại, như chúng ta đã biết, trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, qua những giai đoạn phát triển, đô thị Vinh từ những khu phố nhỏ đến thị xã Vinh và thành phố Vinh như ngày nay. Qua từng chặng được phát triển, nhiều nhân tố xã hội đã tạo nên một bức tranh ngôn ngữ đô thị Vinh có nhiều màu sắc. Từ năm 1885, khi Pháp chiếm Nghệ An, trong bối cảnh giao lưu Pháp - Việt không chỉ có văn hóa mà ngôn ngữ cũng có những sắc thái khác biệt so với các thổ ngữ khác trong PNNT. Đến giai đoạn đất nước hoàn toàn thống nhất, Vinh được đầu tư phát triển và trở thành trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của tỉnh thì người dân các nơi tập trung về đây làm ăn sinh sống đã tạo cho tiếng Vinh sự phong phú, đa dạng các loại thổ ngữ. Trong quá trình phát triển, để phục vụ nhu cầu giao tiếp của nhiều người từ nhiều thổ ngữ khác nhau và đặc biệt sự giao thương với những người từ các tỉnh khác về làm ăn, tiếng Vinh đã có những biến thể phù hợp với hoàn cảnh văn hóa - địa lý của mình. Và từ đó, Vinh không những là trung tâm văn hóa chính trị kinh tế của cả tỉnh mà còn là trung tâm của sự tiếp xúc các thổ ngữ PNNT. Đây chính là nét đặc biệt của tiếng Vinh xét về phương diện ngôn ngữ học xã hội.

Nói đến tiếng Vinh, có thể chúng ta nghĩ đó là tiếng của người Vinh gốc. Trong những điều tra khảo sát của chúng tôi, trong số 100 người chỉ có 10 người Vinh gốc (chiếm 10%). Mặc dù, với con số khảo sát này trên địa bàn 5 phường xã chưa phải là con số để khẳng định chắc chắn rằng người gốc Vinh chiếm tỷ lệ rất thấp. Nhưng tỉ lệ ước định đó phần nào cho thấy, tiếng Vinh không hoàn toàn là tiếng nói của người Vinh gốc. Do quá trình phát triển, Vinh ngày càng mở rộng. Nhiều phường xã, trước đây là của huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, nay được sáp nhập về Vinh như: Hưng Dũng, Hưng Hòa, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Ân, Hưng Chính, Hưng Thịnh, Hưng Đông, v.v.. Vì thế, tiếng Vinh không hoàn toàn là tiếng của người Vinh gốc mà là vừa bảo lưu truyền thống vừa có sự kết hợp với tiếng của các vùng khác trong tỉnh, lại có sự hòa nhập với phương ngữ các tỉnh bạn (những người công nhân gốc bắc chuyển cư về Vinh từ thời “Công nhân áo xanh” thời pháp thuộc đến những người công nhân giao thông thời kỳ chống Mỹ).

Về mặt đồng đại, các yếu tố như nghề nghiệp, tuổi tác, nguồn gốc,... cũng có sự ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tiếng Vinh. Những thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 1-20 tuổi, đa phần được sinh ra và lớn lên ở Vinh nên không sử dụng thổ ngữ các vùng. Lớp tuổi này vẫn sử dụng tiếng Nghệ nhưng là tiếng Vinh. Nghĩa là, ngôn ngữ của thế hệ thanh thiếu niên là bán phương ngữ. Đây là kết quả của sự phát triển về văn hóa và hiệu quả giáo dục của nhà trường. Trong các yếu tố chi phối sự phát triển của tiếng Vinh, chúng tôi thấy yếu tố nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Là một trung tâm của tỉnh cũng như của vùng, trên địa bàn thành phố, số lượng dân cư là công chức, viên chức trong các công sở, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu,... tương đối lớn. Đây là nhóm người có quan hệ xã hội rộng, môi trường làm việc theo chuẩn giao tiếp chung của cả nước, đối tượng giao tiếp là những người có trình độ văn hóa cao nên yếu tố thổ ngữ dần dần ít được sử dụng mà thay vào đó là sử

dụng các yếu tố chuẩn của TVVH. Thêm nữa, tiếng Vinh xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh - truyền hình, báo Nghệ An,…), người nghe/xem cả nước có cảm nhận dễ hiểu và gần gũi. Điều đó có nghĩa là tiếng Vinh đang tiến gần hơn với TVVH.

3.2.2. Vai trò văn hoá - xã hội của tiếng Vinh

Trải qua một thời kỳ phát triển lâu dài, ngày nay, Vinh đang trở thành một trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế không chỉ của Nghệ An mà của bắc miền Trung. Nơi đây đang từng bước trở thành đầu mối giao lưu của cả vùng và cả nước. Vị thế to lớn của đô thị Vinh được tạo nên bởi nhiều nhân tố, trong đó, tiếng Vinh góp phần không nhỏ. Một thành phố, do nhu cầu giao tiếp của nó rất lớn, do đó, tiếng Vinh đã phát triển không ngừng, là một bán phương ngữ có vai trò là công cụ giao tiếp xã hội trên khu vực địa phương. Tiếng Vinh trở thành cầu nối giữa TVVH với PNNT. Một mặt, tiếng Vinh, do nghiêng về những nét toàn dân hơn là những nét địa phương nên có sự tác động tích cực đối với phương ngữ Nghệ Tĩnh. Nó làm mờ nhoà những nét đặc hữu địa phương của PNNT, thúc đẩy PNNT đi theo con đường hoà mình vào ngôn ngữ toàn dân, góp phần thống nhất tiếng Việt. Mặt khác, tiếng Vinh được chọn là tiếng chuẩn của PNNT. Tiếng Vinh được sử dụng trên các phương tiện truyền thông như Đài phát thanh - truyền hình Nghệ An và các đài huyện, thị, báo Nghệ An, v.v..

Nếu như tiếng Hà Nội là một dạng tiêu biểu của tiếng Việt thì tiếng Vinh là một dạng tiêu biểu của tiếng Nghệ.

Một phần của tài liệu Tiếng vinh dưới góc nhìn của phương ngữ xã hội (Trang 98)