Một vài đặc điểm của ngôn ngữ thành thị

Một phần của tài liệu Tiếng vinh dưới góc nhìn của phương ngữ xã hội (Trang 33)

6. Bố cục luận văn

2.1. Một vài đặc điểm của ngôn ngữ thành thị

Phương ngữ thành thị (urban dialect), theo Trịnh Cẩm Lan [36], [37], là một thuật ngữ được sử dụng từ lâu trong phương ngữ học để gọi một biến thể của một ngôn ngữ nào đó ở khu vực thành thị. Thuật ngữ phương ngữ thành thị được sử dụng trong sự đối sánh với phương ngữ nông thôn (rural dialect). Trước đây, có nhiều nhà nghiên cứu quan niệm phương ngữ chỉ dùng để chỉ những hình thái ngôn ngữ nông thôn ở một ngôn ngữ, còn hình thái thành thị của ngôn ngữ thì không thể gọi là phương ngữ mà phải gọi là bán phương ngữ, vì bán phương ngữ là ngôn ngữ của thị dân, nghĩa là dân thành thị. Bán phương ngữ không còn là phương ngữ nữa, bởi trong nó bao gồm nhiều nét của ngôn ngữ toàn dân rồi. Điều đó có nghĩa là, phương ngữ thành thị có nhiều nét gần với ngôn ngữ toàn dân hơn phương ngữ nông thôn. Ở Việt Nam, thuật ngữ này đã được tác giả Hoàng Thị Châu [11] nhắc đến khi bàn về các vấn đề “phương ngữ xã hội”. Hoàng Thị Châu cũng nói đến phương ngữ thành thị trong sự đối lập với phương ngữ nông thôn, đây là một trong những lưỡng phân khi xem xét phương ngữ theo chiều xã hội. Nghiên cứu phương ngữ ở Việt Nam theo chiều thời gian (lịch sử) và theo chiều không gian (địa lý) đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nghiên cứu theo chiều xã hội, trong đó có mảng quan trọng là phương ngữ thành thị thì vẫn còn là một mảnh đất hầu như còn bỏ ngỏ.

Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trên thế giới đều đã có những nhận định về phương ngữ thành thị. Peter Trudgill (1074), Werner F. Leopold (1970), Wardhaugh (1990) và Keith Walters (1990) đã dành nhiều phần trong công

trình nghiên cứu của mình viết về phương ngữ thành thị. Ở Việt Nam, tác giả Hoàng Thị Châu cũng đã nói đến một vài đặc điểm của ngôn ngữ thành thị. Tuy nhiên, về mặt thuật ngữ, có lúc bà dùng ngôn ngữ thành phố, có lúc dùng phương ngữ thành thị. Theo tác giả, “Ngôn ngữ ở các thành phố, các thị xã thường là cầu nối giữa ngôn ngữ văn học với các phương ngữ. Một thành phố bất kỳ dù lớn hay nhỏ, thì cũng là nơi hội tụ cư dân nhiều vùng khác nhau. Đó là lý do khi phương ngữ của nó hình thành thì đã chứa đựng một độ pha trộn khá mạnh và sự pha trộn này thường có xu thế hướng tới những cách dừng có tính chất phổ dụng của ngôn ngữ để tránh những hạn chế cho việc thông hiểu chung” [11, tr. 75]. Tác giả còn khẳng định: “Cho nên người ta gọi phương ngữ của thành phố là bán phương ngữ. Nó chỉ là bán phương ngữ thôi vì đây đã có tác dụng hết sức mạnh mẽ của ngôn ngữ toàn dân rồi” [11, tr.75].

Như vậy, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài nước đều có chung một cách nhìn nhận về sự tồn tại phương ngữ thành thị và đặc điểm của nó thường là hình thái ngôn ngữ có nhiều đặc điểm gần giống với ngôn ngữ toàn dân. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghiên cứu sự biến đổi ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học xã hội đều khẳng định rằng, mọi sự tiến bộ, sự cách tân trong ngôn ngữ đều bắt đầu từ các đô thị lớn, rồi lan truyền tới các đô thị nhỏ - rồi lan truyền đến các vùng nông thôn [Phau L. Garvin & Madeleine Mathiot (1972)]. Và cũng có nhiều công trình nghiên cứu kết luận rằng, những người dân nông thôn sau một thời gian sống ở thành thị thì ngôn từ của họ cũng bị thành thị hóa [Phau L. Garvin & Madeleine Mathiot (1972)]. Những người dân nông thôn ra thành thị học các hình thái ngôn ngữ thành thị rồi mang về nông thôn với vai trò là người truyền bá ngôn từ chứ một quá trình ngược lại thì rất hiếm khi xảy ra [37].

2.2. Cách tiếp cận ngôn ngữ thành thị

Với tư cách là biến thể ngôn ngữ ở khu vực thành thị, hơn nữa, với cách tiếp cận của ngôn ngữ học xã hội, nghiên cứu phương ngữ thành thị là nghiên cứu các biến thể. Một ngôn ngữ chỉ xuất hiện trong lời nói dưới dạng biến thể. Vấn đề đặt ra là có bao nhiêu biến thể như thế trong giao tiếp? Có nhiều cách phân loại biến thể dựa trên các tiêu chí khác nhau, có thể là các tiêu chí ngôn ngữ, cũng có thể là các tiêu chí ngoài ngôn ngữ.

Sau tất cả những tìm hiểu về hai khái niệm phương ngữ thành thị và phương ngữ nông thôn của các nhà phương ngữ học và các nhà ngôn ngữ học xã hội, chúng tôi thấy rằng, đây là một lưỡng phân hoàn toàn không dựa trên cơ sở địa lý - xã hội như bản chất vốn có trong tên gọi của nó. Nếu hiểu một cách tường tận hơn, sâu hơn về đặc điểm, nội dung, phạm vi và quan trọng nhất là khuynh hướng của hai khái niệm trên thì có thể thấy rằng lưỡng phân trên đây là những khác biệt không chỉ về phạm vi không gian nghiên cứu mà cả về hướng tiếp nhận, đối tượng và phương pháp luận nghiên cứu. Phương ngữ nông thôn vẫn từng được nghiên cứu dưới góc độ địa lý và trong thời kỳ thịnh hành của ngôn ngữ học cấu trúc, nó chịu ảnh hưởng rất mạnh của trường phái này. Công việc chủ yếu của nó là nghiên cứu những yếu tố, những đơn vị của hệ thống để xác lập và miêu tả phương ngữ mà không mấy để ý đến các dạng biểu hiện vô cùng đa dạng của ngôn từ ở các nhóm xã hội khác nhau. Hạn chế của phương ngữ học nông thôn theo hướng này là đã bỏ qua những ảnh hưởng rất quan trọng của những nhân tố xã hội đối với ngôn từ của các cá nhân tham gia giao tiếp.

Phương ngữ học thành thị, theo cách tiếp cận ngôn ngữ học xã hội là sự bổ sung những gì phương ngữ học nông thôn chưa làm được để nghiên cứu mặt biểu hiện sống động của lời nói, tức mặt xã hội. Phương ngữ học thành thị với đối tượng là các biến thể ngôn ngữ và xã hội ở khu vục thành thị - nơi

hội tụ và thu hút cư dân nhiều vùng miền khác nhau - cũng ra đời cùng với những thay đổi có tính chất cách mạng trong ngôn ngữ học để tạo nên một trường phái mới, một cách tiếp cận mới với đối tượng chung là lời nói chứ không phải ngôn ngữ nữa. Có thể nói, nếu phương ngữ nông thôn nghiên cứu phương ngữ chủ yếu dưới góc độ địa lý thì phương ngữ thành thị nghiên cứu phương ngữ chủ yếu dưới góc độ xã hội.

Có thể khẳng định rằng: Phương ngữ thành thị là một hình thái cao của ngôn ngữ. Theo Trịnh Cẩm Lan [37], có sự tồn tại của một hình thái biến thể của một ngôn ngữ bất kỳ tại khu vực thành thị gọi là phương ngữ thành thị. Và, về mặt đặc điểm, phương ngữ thành thị so sánh với phương ngữ nông thôn là một hình thái biến thể tiến bộ hơn, có phần hiện đại hơn.

Chúng ta biết rằng, khác với nông thôn, thành thị là nơi tập trung dân tứ chiếng, có sự hội tụ đắp đổi qua nhiều đời, nhiều thế hệ làm cho bộ mặt dân cư thành thị trở nên không thuần nhất. Ở các nước phương Tây, tiêu biểu là ở Mỹ, các nghiên cứu thành thị tập trung chủ yếu và sự phân tầng xã hội ở các thành phố lớn. Nói là phân tầng ở đây không chỉ là sự phân tầng với nghĩa là giai cấp mà là sự phân chia thành những giai tầng khác nhau dựa trên những tiêu chí phân loại khác nhau, chẳng hạn như tiêu chí tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thành phần kinh tế, v.v.. Mở đầu cho nghiên cứu này là công trình đầy ấn tượng của William Labov “Sự phân tầng xã hội trong tiếng Anh ở New york” xuất bản năm 1066. Ông đã thực hiện những cuộc phỏng vấn và ghi âm lại với một số lượng không nhỏ cộng tác viên, và các đối tượng điều tra của ông đều là những lựa chọn ngẫu nhiên, một cách lựa chọn mẫu được thiết kế khoa học.

Như vậy, đối với phương ngữ học, trước một đối tượng nghiên cứu vô cùng sống động và nhiều phức tạp với nhiều dạng biến thể xã hội khác nhau nhưng phương ngữ thành thị thì chỉ có thể áp dụng phương pháp của ngôn ngữ học xã hội.

2.3. Tiếng Vinh trong từng độ tuổi

Những nghiên cứu về ngôn từ thể hiện trên độ tuổi cho thấy có những ứng xử từ ngữ đặc trưng thích hợp với những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mỗi cá nhân. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề như Wolfram và Fasold (1974), Labob (1972), Peter Trudgill (1974),... cho thấy sự khác biệt giữa các độ tuổi trong ứng xử ngôn ngữ. Ở Việt Nam, những nghiên cứu về ứng xử ngôn từ liên quan đến độ tuổi chỉ mới bắt đầu được khởi động qua công trình của Lương Văn Hy và các đồng nghiệp. Tuy nhiên, công trình này chỉ mới dừng lại ở sự khảo sát sơ lược sự khác biệt trong ứng xử ngôn từ giữa ba thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cháu trong một số gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh và bước đầu có một vài nhận định về sự khác biệt giữa ba thế hệ; nhưng bản thân những nhà nghiên cứu cũng tự thấy đó “chỉ là những bước đầu tiên của một chặng đường rất dài” [26, tr.114].

Một phần của tài liệu Tiếng vinh dưới góc nhìn của phương ngữ xã hội (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)