6. Bố cục luận văn
1.4.1. Vài nét về địa bàn thành phố Vinh
Thành phố Vinh có diện tích 104,96 km² với dân số 435.208 người. Về vị trí, nằm trên tọa độ địa lý từ 18°38'50” đến 18°43’38” vĩ độ Bắc, từ 105°56’30” đến 105°49’50” kinh độ Đông, ở trung tâm đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, là đồng bằng rộng thứ 3 của Việt Nam. Vinh là thành phố nằm bên bờ sông Lam, phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Nghi Xuân, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hưng Nguyên. Thành phố Vinh thuộc vùng kẻ Vang hoặc kẻ Vịnh ngày xưa. Sau đó, lần lượt đổi thành Kẻ Vinh, Vĩnh Giang, Vĩnh Doanh, Vĩnh Thi. Cuối cùng, tên chính thức của thành phố được rút gọn lại thành một tiếng là Vinh và tồn tại mãi cho đến tận bây giờ. Chữ Vinh là gọi chệch từ chữ Vịnh.
Vinh Doanh là tên trấn thời nhà Lê, có thôn Vĩnh Yên và thôn Yên Vinh, nay là địa bàn thành phố Vinh. Thôn này sau là làng Vĩnh Yên, thuộc xã Yên Trường, tổng Yên Trường, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Đến thời nhà Nguyễn, thuộc huyện Nghi Lộc. Ngày 20 tháng 7 năm 1885, người Pháp chiếm thành Nghệ An. Tuy nhiên, đang phải đối phó với phong trào Cần Vương nên họ chưa khai thác gì đáng kể. Mặc dù vậy, trong bối cảnh đặc biệt của sự giao lưu Pháp - Việt này, cái tên Vinh đã được ra đời. Nơi đây có chợ Vĩnh và làng Yên Vinh, còn gọi là làng Vang, là nơi có tòa công sứ Pháp được xây dựng năm 1897 ở ngoài thành Nghệ An, phía tây thành, cạnh sông Vĩnh Giang và chợ Vĩnh. Khi người Pháp đến, tên Vĩnh được phiên âm ra chữ Quốc ngữ để ghi vào văn bản của tòa công sứ Nghệ An và tòa khâm sứ Trung Kỳ, nhưng không có dấu. Cái tên Vinh đã ra đời như vậy [7. tr.97].
Ngày 12/7/1899, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Vinh cùng với các đô thị khác là Thanh Hóa, Huế, Fai-Fo (Hội An ngày
nay), Quy Nhơn và Phan Thiết. Sau đó một ngày, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ này. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của nhà nước gọi Vinh là đô thị, mà chính xác là trung tâm đô thị (centre urbain). Ngày 11/3/1914, vua Duy Tân ra đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Bến Thủy. Ngày 27/8/1917, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Trường Thi. Như vậy, thời điểm này trên một vùng đất khoảng 20km2 tồn tại ba trung tâm đô thị, với chức năng có nhiều điểm khác nhau. Vinh vẫn là trung tâm chính trị, hành chính. Bến Thủy là trung tâm công nghiệp, cảng và thương mại. Trường Thi là trung tâm cơ khí sửa chữa. Sự phát triển nhanh chóng của ba trung tâm đô thị này dẫn đến sự kiện thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy.
Ngày 10 tháng 12 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1917) thành thành phố Vinh - Bến Thủy, do Công sứ Nghệ An kiêm chức đốc lý (tức thị trưởng).
Như vậy, chỉ trong thời gian chưa đầy 30 năm, Vinh đã phát triển mạnh trở thành đô thị lớn của xứ Trung Kỳ. Sau khi thành phố Vinh - Bến Thủy được thành lập, tuy không đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình lớn như giai đoạn trước, nhưng kinh tế - xã hội và hạ tầng của đô thị Vinh tiếp tục phát triển. Vinh trở thành trung tâm công nghiệp sửa chữa xe lửa, cảng và sản xuất điện năng lớn. Sự phát triển của Vinh về kinh tế và hạ tầng đã thúc đẩy nhanh sự phát triển và biến đổi về văn hóa xã hội. Trước hết là sự biến đổi về về cơ cấu kinh tế, lao động và dân cư. Đến những năm cuối thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, dân số Vinh đã tăng lên gần 2 vạn người. Trong đó, có tới gần 8.000 là công nhân. Lực lượng công nhân này xuất thân là nông dân ở ngay khu vực Vinh và những vùng lân cận. Bên cạnh đó, có một số lượng không nhỏ người từ các tỉnh phía bắc vào làm công nhân ở Vinh. Trong một số nhà máy, số công nhân phía bắc vào thường mặc áo xanh, khác với công
nhân người Nghệ thường mặc áo nâu. Họ thường cư trú tập trung và được dân gian gọi là “làng Bắc Kỳ”. Ngoài số công nhân công nghiệp trong các nhà máy, ở Vinh còn có một đội ngũ đông đảo thợ thủ công, người lao động tự do, người làm thuê. Riêng phu kéo xe ở thời kỳ cao điểm có tới trên dưới 400 người. Nắm giữ các cơ sở kinh tế công nghiệp cũng như dịch vụ thương mại của Vinh lúc bấy giờ là một đội ngũ các nhà doanh nghiệp khá đông đảo, bao gồm người nước ngoài, Hoa kiều và người Việt. Ngoài ra, ở Vinh còn có đội ngũ tri thức, tiểu thương, tiểu tư sản, binh lính, công chức khá đông đảo. Dĩ nhiên, xem giữa các khu đô thị khá phát triển vẫn là những xóm làng nông thôn và những người nông dân vẫn chung thủy với đồng ruộng. Ước tính tỷ lệ cư dân phi nông nghiệp của Vinh lúc bấy giờ khá cao, trên 70% [7, tr.102]. Về văn hóa, có thể nói đây chính là thời kỳ Vinh bắt đầu diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa mạnh mẽ và sâu sắc.
Ngày 1/5/1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố. Thành phố được xây dựng lại theo kiểu thiết kế đô thị của Đông Đức và Liên Xô như các đại lộ lớn, rộng và các dãy nhà chung cư. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 20 năm đổi mới vừa qua, Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc, hệ thống giao thông phát triển. Nhiều công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hoá lớn được xây dựng; nhiều khu đô thị mới đã mọc lên. Kinh tế phát triển ổn định, thường xuyên giữ mức tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đợc cải thiện, nâng cao. Từ năm 1975, Vinh là tỉnh lị tỉnh Nghệ Tĩnh. Và từ năm 1991, trở lại tỉnh lị tỉnh Nghệ An. Ngày 13/8/1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận Vinh là đô thị loại II. Ngày 30/9/2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung Bộ. Ngày 5/9/2008, tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã
công nhận thành phố Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An. Hiện nay, thành phố đang hướng tới là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, Vinh đã là một đô thị được quy hoạch tốt, khá bề thế, khang trang, hứa hẹn là một thành phố hiện đại. Sau khi sáp nhập thêm 6 xã của huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc, hiện Vinh có diện tích 10.498,39 ha, dân số 282,981 người. Kinh tế tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người [7, tr.122].