6. Bố cục luận văn
1.4.2. Quan niệm về tiếng Vinh và cách tiếp cận tiếng Vinh
Như đã nói ở trên, Vinh là tỉnh lỵ của Nghệ An, là nơi trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh, là nơi hội tụ cư dân của nhiều vùng trong tỉnh cũng như ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc. Như vậy, dĩ nhiên, tiếng Vinh là phương ngữ thành thị, nghĩa là nó sẽ có tất cả những đặc điểm chung của phương ngữ thành thị. Với vị trí là nơi hội tụ dân cư của nhiều vùng, tiếng Vinh luôn thể hiện sự tiếp xúc giữa các vùng phương ngữ nhưng đó là sự tiếp xúc hướng đến những gì có lợi cho sự giao tiếp nghĩa là hạn chế tất cả những yếu tố chỉ lưu hành trong một vùng quá hẹp để phục vụ cho việc thông hiểu chung.
Theo Nguyễn Hoài Nguyên [48], trong hệ thống PNNT không có một thổ ngữ nào có thể bao quát và lý giải được đặc trưng ngữ âm PNNT bởi vì các nét ngữ âm địa phương thể hiện hết sức đa dạng và không như nhau giữa các thổ ngữ. Do đó việc lựa chọn hệ thống âm Vinh làm chuẩn cho miêu tả vì đây là hệ thống âm đang tồn tại và được coi là phổ biến nhất cho PNNT.
Từ lâu, tiếng Vinh đã được một số nhà nghiên cứu chọn là đối tượng tả như: M.B. Emeneau (1951), Hoàng Tuệ và các tác giả (1962), L.C. Thompson (1965), v.v.. Hoàng Tuệ còn cho rằng: tiếng Vinh có tính điển hình về sự phát âm có thể làm chuẩn mực cho tiếng Việt [63]. Còn theo Hoàng Thị Châu, ngôn ngữ ở các thành phố là cái cầu nối giữa ngôn ngữ văn hóa và các phương ngữ nên gọi là bán phương ngữ. Tác giả khẳng định “Ngôn ngữ một
thành phố Vinh nằm lọt thỏm vào một vùng phương ngữ như Nghệ Tĩnh lại nghiêng về những nét toàn dân hơn là những nét địa phương của chính mình”
[11, tr.73-74]. Như vậy, hệ thống âm Vinh là cái phổ biến, thể hiện xu thế phát triển của ngữ âm Nghệ Tĩnh. Với việc lấy tiếng Vinh làm tiêu điểm cho việc miêu tả là lấy cái phổ biến, thể hiện xu thế phát triển của ngữ âm Nghệ Tĩnh để đối chiếu và làm nổi bật cái dị biệt, chưa phổ biến hoặc biến đổi chậm ở các thổ ngữ cho thấy vai trò vị trí và sự ảnh hưởng của hệ thống âm tiếng Vinh trong vùng phương ngữ Nghệ Tĩnh.
Qua những đặc điểm về mặt địa lý - xã hội cũng như phương ngữ tiếng Vinh đã trình bày, từ những đặc điểm của phương ngữ thành thị nói chung và tiếng Vinh nói riêng, đến các phương pháp nghiên cứu phương ngữ thành thị đã và đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, chúng tôi đi đến một vài suy nghĩ về phương pháp nghiên cứu tiếng Vinh như sau. Do đặc điểm lịch sử - xã hội của Vinh giống như đặc điểm của các đô thị trên thế giới, việc nghiên cứu tiếng Vinh có lẽ không thể nghiên cứu bằng phương pháp của phương ngữ học truyền thống, một phương pháp mà cho đến tận bây giờ vẫn đang được áp dụng để nghiên cứu, miêu tả phương ngữ các vùng nông thôn. Hướng miêu tả các biến thể xã hội của tiếng Vinh hướng đến TVVH trên địa bàn thành phố Vinh là một trong nhiều hướng triển khai mà chúng tôi cho là nên làm. Hướng nghiên cứu kiểu phân tầng xã hội lớp người sử dụng là một hướng đi mới, có nhiều phạm vi nghiên cứu phù hợp với đối tượng tiếng Vinh. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn nói phân tầng không theo ý nghĩa giai cấp như nhiều quốc gia trên thế giới mà là phân tầng theo các tiêu chí tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, quê gốc, thời gian định cư tại Vinh, nghề nghiệp, v.v.. Như vậy, theo hướng này, ta có thể tiến hành cả những miêu tả lịch đại và đồng đại: miêu tả các biến thể xã hội của tiếng Vinh ngày hôm nay dưới sự ảnh hưởng của biến động lịch sử - xã hội, trong sự phát triển chung của thành phố Vinh nói riêng và Nghệ An
nói chung qua các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và các hành vi ứng xử ngôn từ đều là đối tượng nghiên cứu thiết thực.
Nguồn gốc dân cư là một trong những vấn đề quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ. Theo số liệu thống kê được lọc từ dữ liệu quản lý nhân hộ khẩu của Công an thành phố Vinh năm 2008 cho thấy, tổng số người có nguồn gốc ngoại tỉnh ở Vinh là hơn 3 vạn người, chiếm khoảng 10% dân số Vinh. Trong số đó, người ngoại tỉnh là 23.278 người, chiếm 76,41%. Số còn lại có gốc từ 9 tỉnh, thành khác nhau (7.187 người), trong số này, có hơn nửa được sinh ra và lớn lên ở Vinh, nghĩa là thế hệ ông bà, cha mẹ họ đã đến đây sinh cơ lập nghiệp từ thời Pháp thuộc hoặc thời kháng chiến chống Mỹ. Bên cạnh đó, ở Vinh có trên dưới vài trăm hộ gia đình là Việt kiều từ Thái Lan về nước vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, những người này đều là người gốc Nghệ.