Là một huyện mới, Phong Điền gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới, tình hình lạm phát, giá cả trong nước biến động tăng cao đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, bằng những bước đi đúng đắn, sự quan tâm lãnh đạo có tính chiến lược của Thành Ủy, Ủy ban nhân dân và sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, thành phố, sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện, Phong Điền đã và đang phát huy lợi thế để bứt phá đi lên.
Huyện đang trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Huyện ủy đã xây dựng chương trình làm việc toàn khóa, chủ đề công tác từng năm để tập trung thực hiện đạt hiệu quả. Với chủ đề trọng tâm năm 2011 là: "Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và xây dựng nông thôn mới", năm 2012 là: "Thực hiện trật tự, kỷ cương đô thị và tiêu chí xã nông thôn mới", năm 2013 là: "Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng xã nông thôn mới". Qua nửa nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể huyện, xã, thị trấn thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết nhiệm kỳ 2010 – 2015.
3.1.2.1 Tình hình kinh tế và cơ cấu ngành của huyện
Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng: ”Thương mại-dịch vụ-du lịch; Nông nghiệp sinh thái chất lượng cao; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 2012 đạt 17,32% (Nghị quyết Đại hội đề ra là 15,21%). Tỷ trọng khu vực I chiếm 29,35% (Nghị quyết đề ra 16,42%), khu vực II chiếm 15,25% (Nghị quyết đề ra 14,57%), khu vực III chiếm 55,4% (Nghị quyết đề ra 69,01%), đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2012 đạt 23,654 triệu đồng (Nghị quyết đề ra 33,5 triệu đồng). Công tác vận động xã hội hóa được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đầu tư phát triển kinh tế huyện.
Mặc dù, khu vực III chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nhưng Phong Điền vẫn được xem là huyện nông nghiệp và hoạt động kinh tế chủ yếu của người
5
dân nơi đây là từ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong quy hoạch phát triển tương lai của thành phố Cần Thơ, toàn huyện Phong Điền sẽ là vùng sinh thái miệt vườn sông nước phía tây thành phố và được coi như ”lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ.
Kinh tế nông nghiệp
- Về trồng trọt: Trong những năm vừa qua do ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ nên ngành trồng trọt của huyện đang có xu hướng giảm đáng kể cả về diện tích và sản lượng. Cụ thể như sau: diện tích trồng trọt năm 2010 đạt 16.921 ha giảm 504 ha so với năm 2009 tương đương 2,89%. Đến năm 2011 thì diện tích này tiếp tục giảm 214 ha so với năm 2010 tương đương 1,26%. Diện tích trồng trọt liên tiếp sụt giảm qua các năm là do huyện thực hiện nhiều dự án xây dựng nông thôn mới chuyển nhiều phần đất nông nghiệp qua đất phi nông nghiệp và chuyên dùng, nhiều công trình giao thông nông thôn đã được khánh thành đưa vào sử dụng như tuyến Bông Vang – Nhà Hai Điều, thông xe kỹ thuật đường Án Khám – Ông Hào, xây dựng khu dân cư vượt lũ Trường Hòa, nhiều khu chợ được xây dựng mới và tu sữa mở rộng hơn như chợ Trường Long, chợ Phong Điền, ...
Diện tích trồng trọt giảm dẫn đến sản lượng của ngành cũng giảm đáng kể. Sản lượng cây trồng của huyện chủ yếu từ cây hàng năm và cây lâu năm. Cây hàng năm gồm các loại cây lương thực như lúa, ngô, ... (sản lượng quy thóc) và các loại cây chất bột như khoai lang, khoai mì, ... (sản lượng tươi). Cây lâu năm ở huyện chủ yếu là cây ăn trái như: cam, nhãn, xoài, chanh, ... Theo cục thống kê huyện Phong Điền (2011) thì sản lượng cây trồng năm 2010 là 99.885 tấn giảm 9.647 tấn so với năm 2009. Năm 2011 thì sản lượng cây trồng đạt 97.895 tấn giảm 1.990 tấn so với năm 2010. Qua bảng thống kê bên dưới ta thấy, dù diện tích và sản lượng đều giảm qua các năm nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trồng trọt vẫn tăng. Sự tăng này thể hiện rõ nhất ở giá trị năm 2011 đạt 512.660 triệu đồng tăng đáng kể so với năm 2009 là 27.551 triệu đồng. Điều này đã phản ánh được tình hình lạm phát của nền kinh tế đang tăng vọt trong những năm qua.
Bảng 3.2 Tình hình sản xuất nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt của huyện Phong Điền giai đoạn 2009-2011
Nguồn: Niên giám thống kê huyện Phong Điền năm 2011
Năm 2009 2010 2011
Diện tích (ha) 17.425 16.921 16.707 Sản lượng (tấn) 109.532 99.885 97.895
-Cây hàng năm 62.603 68.790 68.324 -Cây lâu năm 46.929 31.095 29.571
Theo báo cáo tổng kết phòng kinh tế huyện năm 2011 về một số loại cây trồng ở huyện như sau:
- Sản xuất lúa: tổng diện tích xuống giống lúa 3 vụ là 10.654 ha, giảm 1,73% so với năm 2010. Tổng sản lượng thu hoạch 53.535 tấn, giảm 0,94% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 100,5% kế hoạch lúa cả năm.
- Rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày: diện tích xuống giống 1.485 ha, giảm không đáng kể so với năm 2010 (giảm 1 ha). Tổng sản lượng thu hoạch đạt 14.789 tấn , tăng 0,3% so với năm 2010. Huyện đã triển khai dự án rau an toàn, vùng màu trên xã Nhơn Nghĩa và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
- Cây ăn trái: Cây ăn trái của huyện rất đa dạng về chủng loại, và mang bản sắc của miền Nam bộ như: cam, chanh, quít, bưởi, nhãn, dâu, dừa, ... Theo thống kê thì diện tích cây ăn trái toàn huyện năm 2011 đạt 4.055 ha giảm 25 ha so với năm 2010. Về sản lượng đạt 27.393 tấn và giảm 1.139 tấn so với cùng kỳ 2010.
Mặc dù, giá trị sản suất ngành nông nghiệp trồng trọt đang trong xu hướng giảm nhưng chính quyền địa phương của huyện rất chú trọng, quan tâm đến tình hình sản xuất của các nông dân. Thực tế, huyện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất, thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hội chợ để truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học về chọn giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất và cải thiện đời sống của người dân.
- Về chăn nuôi: Huyện đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh cúm trên gia cầm, lỡ mòm long móng và lỗ tai xanh trên gia súc. Triển khai các biện pháp nhằm tổ chức lại đàn chăn nuôi theo hướng bền vững. Tính đến ngày 31/12/2011 thì đàn gia súc của huyện có: 7.529 con heo bao gồm heo nái, heo thịt và heo đực giống, đàn heo tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thới (1.745 con), và ít nhất ở thị trấn Phong Điền (470 con), do ảnh hưởng của dịch bệnh lỡ mòm long móng và lỗ tai xanh nên đàn heo 2011 đã giảm mạnh so với năm 2010 (giảm tới 1.313 con); 257 con dê; 244 con bò bao gồm bò sữa và bò cày kéo, tập trung nhiều nhất ở xã Trường Long với 96 con, tiếp đến là xã Giai Xuân có 59 con bò; Và gia súc có số lượng ít nhất ở huyện là đàn trâu với 11 con năm 2011, tăng 2 con so với 2010. Tổng đàn gia cầm có 207.852 con (113.399 gà, 93.225 vịt, 1.228 ngỗng) tăng 29.952 con tương đương 25,4% đàn gia cầm năm 2010.
- Về thủy sản: Nhìn chung, hoạt động nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hằng năm cho huyện. Diện tích thủy sản thu hoạch chỉ chiếm 407 ha tính đến thời điểm cuối năm 2011, giảm 102 ha tương đương 19,65% so với 2010. Về sản lượng, huyện đạt 8.492 tấn tăng 608 tấn hay 7,7% so với 2010, trong đó: sản lượng thủy sản đánh bắt chiếm 593 tấn (tương đương 6,98% tổng sản lượng), sản lượng thủy sản từ hoạt động nuôi trồng chiếm 7.899 tấn (tương đương 93,02% tổng sản lượng). Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thì cá là loài chiếm ưu thế nhất, đạt 7.891 tấn trong năm 2011; tiếp đến là tôm đạt 5 tấn, và các loài thủy sản khác chiếm 3 tấn. Hiện tại, thì sản lượng thủy sản của huyện chủ yếu là từ nuôi trồng trong khi hoạt động khai thác vẫn chưa phát triển mạnh.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển về qui mô và chất lượng đáp ứng đúng theo tinh thần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2012 đạt 296 tỷ đồng (năm 2010 đạt 201 tỷ đồng), hàng năm tăng bình quân khoảng 6,27%. Tính đến cuối 2011, thì trên toàn huyện đã có tới 863 cơ sở sản xuất công nghiệp, mà trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến với những sản phẩm chủ yếu là: xay gạo, tàu hủ, bún, quần áo các loại, nước đá, cửa sắt các loại, bàn ghế các loại, ...
Thương mại – dịch vụ
Hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ phát triển khá tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân. Đến cuối năm 2011, thì huyện đã có 3.915 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ. Trong đó, thì ngành thương mại chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 2.539 cơ sở; tiếp theo là ngành khách sạn, nhà hàng chiếm 858 cơ sở, cuối cùng là dịch vụ chiếm 418 cơ sở. Cũng trong năm này, lĩnh vực thương mại – dịch vụ đã đóng góp 1.880 tỷ đồng cho tổng giá trị kinh tế huyện tăng 30,19% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Tập trung thực hiện công tác chỉnh trang, sắp xếp trật tự các chợ, vệ sinh môi trường; duy tu, sửa chữa hệ thống điện, đèn chiếu sáng công cộng; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phát quang, làm hàng rào, cây xanh hai bên đường góp phần chỉnh trang đô thị. Từ năm 2010 đến 2012, huyện đã triển khai thi công 84 công trình, đến nay đưa vào sử dụng 34 công trình, với tổng kinh phí 306 tỷ đồng.
Vận tải – bưu chính viễn thông
Giao thông vận tải là lĩnh vực mà huyện luôn quan tâm và không ngừng phát triển trong những năm qua. Năm 2011, ngành vận tải đã đóng góp vào doanh thu của huyện 120.570 triệu đồng, trong đó: vận tải đường bộ là 116.290 triệu đồng và đường sông là 4.280 triệu đồng. Hằng năm, đưa đón khoảng 4.767.000 lược hành khách đi lại trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn đã có 702 cở sở kinh doanh ngành vận tải. Bên cạnh đó, ngành bưu chính viễn thông cũng đang dần trên đà phát triển, toàn huyện có 1 bưu cục và 14 bưu điện ở các xã, hệ thống internet cũng như dịch vụ điện thoại cố định và di động tiếp cận với người dân trên địa bàn ngày càng nhiều.
3.1.2.2 Văn hóa – xã hội
Dân số
Với diện tích 125,26 km2, huyện Phong Điền có tổng dân số 100.226 người, với mật độ dân sinh sống trung bình là 800 người/km2, trong đó dân tập trung sinh sống ở thị trấn Phong Điền là đông đúc nhất với mật độ dân số là 1.336 người/km2. Toàn huyện có khoảng 53.190 người đang sinh sống bằng
hoạt động sản xuất nông nghiệp, chiếm 53,07% tổng dân số và khoảng 63.975 người trong độ tuổi lao động, chiếm 63,83% tổng dân số.6
Giáo dục và đào tạo
Thực hiện tốt công tác dạy và học, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu; tổ chức thành công Đại hội Giáo dục lần thứ II, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được quan tâm. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, công nhận mới 7 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn là 12 trường.
Nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát động gây quỹ khuyến học, khuyến tài Phan Văn Trị được 1,693 tỷ đồng, hỗ trợ và tạo điều kiện chăm lo các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học giỏi.
Y tế
Phối hợp triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng các Trạm y tế theo hướng đạt chuẩn Quốc gia, đến nay có 06 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Chiến dịch truyền thông dân số vượt chỉ tiêu hàng năm, thực hiện tốt tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, ngoài ra còn cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi trong các dịp lễ, tết. Các dịch bệnh được kiềm chế, không phát sinh lớn.
Ngành lao động - thương binh và xã hội
Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, cấp phát tiền, quà kịp thời, đúng quy định. Xây dựng và sửa chữa 155 căn nhà tình nghĩa, đạt 49,2% so với Nghị quyết Đại hội X đề ra. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được quan tâm, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hoạt động văn hoá - thông tin
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm nâng chất, trên 97,44% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa hàng năm. Thiết chế văn hóa xã, thị trấn và ấp được quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các lễ hội. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được tăng cường. Phong trào thể dục, thể thao được đông đảo nhân dân tham gia. Công tác thông tin, truyền thanh từng bước nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
6