Để khắc phục những mặt hạn chế đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức còn tồn tại trên địa bàn huyện, đề tài đề ra một số giải pháp ứng với từng chủ thể như sau:
Đối với các tổ chức tín dụng
- Đơn giản các yêu cầu và thủ tục cho vay: Cần thiết lập một cơ chế cho vay với những thủ tục đơn giản hơn, bỏ qua những bước xét duyệt không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đi vay, đặc biệt là những nông hộ có trình độ dân trí thấp.
- Mở rộng mạng lưới giao dịch: các tổ chức tín dụng nên mở thêm các điểm giao dịch ở các xã vùng sâu để tư vấn hỗ trợ thông tin tín dụng, cũng như cung cấp thông tin về những chương trình tín dụng ưu đãi cho nông dân một cách sớm nhất cho các nông hộ nơi đây. Đồng thời, liên kết với chính quyền địa phương thành lập nên các hợp tác xã tín dụng, góp phần hạn chế các thông tin bất đối xứng giữa các tổ chức tín dụng và các nông hộ có nhu cầu vay vốn.
- Tăng hạn mức cho vay: Các tổ chức tín dụng cần có những chính sách để nới rộng hạn mức cho vay, đặc biệt là hạn mức vay không có tài sản đảm bảo một cách phù hợp với thức tiễn sản xuất hiện nay, nhằm giúp cho người nông dân- nhất là những nông dân có hoàn cảnh kinh tế còn thấp, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, đem lại hiệu quả và thay đổi cuộc sống tốt hơn.
- Chú trọng khả năng phát triển bền vững: Các tổ chức tín dụng chính thức cần thiết lập những chính sách khuyến khích huy động các nguồn vốn tiết kiệm từ vùng nông thôn. Mặc dù, nguồn vốn này ở nông thôn thường có quy mô nhỏ lẻ ở từng cá thể nhưng nhìn tổng thể thì đây là nguồn huy động vốn lớn, có nhiều tiềm năng vì vẫn chưa được sự chú trọng khai thác từ các tổ chức tín dụng chính thức. Việc sử dụng nguồn vốn huy động tiết kiệm này để cấp tín dụng cho các nông hộ sản xuất là một biện pháp mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả các tổ chức tín dụng và cả các hộ sản xuất nông nghiệp. Đối với các tổ chức tín dụng thì đảm bảo được tính phát triển bền vững, có thể tự huy động được nguồn vốn không còn trông đợi vào những nguồn ngân sách hay vốn vay ưu đãi,...đáp ứng được nhu cầu tín dụng của khách hàng, đồng thời đối với các hộ nông dân thì xem tiết kiệm như là một công cụ hữu ích để cân đối chi tiêu giữa các mùa vụ, tích lũy tài sản cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo và phòng chống rủi ro thiếu vốn. Bên cạnh đó, để giảm thiểu các rủi ro thì các tổ chức tín dụng nên hạn chế sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn đem cho vay trung và dài hạn.
- Mở rộng đối tượng vay vốn: Hiện tại, thì các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện chỉ ưu tiên cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, do đó đã bỏ qua phần lớn các đối tượng khách hàng khác sống ở nông thôn nhưng không làm nông nghiệp hoặc những hộ sản xuất nông nhiệp nhưng vay vốn với mục đích khác, ví dụ như: những người nghèo thì họ thường vay với mục đích tiêu dùng nhiều hơn. Mặt khác, những chính sách ưu tiên về mục đích vay này đã làm cho phần lớn nông hộ phải tìm đến nguồn vốn phi chính thức để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của mình.
- Có chính sách đào tạo cán bộ, nhân viên hợp lý: Các tổ chức tín dụng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn,
năng lực và đạo đức nghề nghiệp tốt. Áp dụng các biện pháp khuyến khích cán bộ ngân hàng chủ động phục vụ khách hàng như hướng dẫn kế hoạch trả nợ, cách sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả và đem lại thu nhập cho người vay,...Và xử lý nghiêm đối với trường hợp có cán bộ gian lận, lạm dụng chức quyền để hưởng hoa hồng hay ”cò tín dụng”. Nhằm tạo một môi trường làm việc gần gũi với khách hàng, giảm đi tâm lý sợ giao dịch của các khách hàng nông thôn, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các nông hộ.
Đối với chính quyền địa phương
- Đẩy mạnh công tác đưa vốn sản xuất và tiến bộ khoa học đến các hộ nông dân: Tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết với các tổ chức tín dụng, nhằm đưa các nguồn vốn sản xuất đến với những hộ nghèo thông qua các tổ chức, đoàn thể ở địa phương: hội nông dân, hội phụ nữ,...Đồng thời phải tiến hành các cuộc điều tra thực tế, khảo sát tình hình kinh tế của các hộ trong địa bàn để chọn ra các hộ thuộc diện khó khăn, tích cực vận động các hộ này tham gia vào tổ chức để được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi, thúc đẩy quá trình sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện cần tăng cường liên kết các chương trình khuyến nông của huyện với các chương trình tín dụng nông thôn nhằm cung cấp kiến thức công nghệ khoa học và kỹ thuật về nuôi trồng, giúp cho người nông dân nâng cao năng suất sản xuất và sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả nhất, đồng thời đảm bảo được khả năng trả nợ cho các tổ chức tín dụng.
- Đơn giản các thủ tục hành chánh: Chính quyền địa phương cần lượt bỏ bớt các thủ tục không cần thiết và nhanh chóng hơn trong công tác xác nhận, đóng dấu các giấy tờ có liên quan để nông hộ có thể rút ngắn thời gian vay vốn chính thức, sản xuất kịp mùa vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải nắm bắt kịp thời các nghị định chính phủ, các luật của nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và thực hiện đúng theo tinh thần của các luật đó, để các hộ nông dân trên địa bàn được hưởng những ưu đãi của nhà nước về hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện tình hình kinh tế và đời sống của các nông hộ.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (như đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc,...) điều này sẽ giúp cho việc trao đổi và nắm bắt thông tin về tín dụng nhanh hơn. Góp phần gia tăng tỷ lệ vay vốn từ nguồn tín dụng chính thức của các nông hộ.
Đối với nông hộ
- Nâng cao trình độ dân trí cho người dân: Cần có những chính sách khuyến học ở các vùng nông thôn để cải thiện trình độ dân trí của người dân nơi đây. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội mà còn mang ý nghĩa rất lớn về kinh tế. Vì khi trình độ cao thì người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với những thông tin tín dụng cũng như sẽ thấy đơn giản hơn với các thủ tục cho vay, điều này góp phần gia tăng tỷ lệ vay vốn chính thức của các nông hộ. Đồng thời, khi trình độ cao các nông dân sẽ dễ dàng nắm bắt và ứng dụng
những tiến bộ khoa học – kĩ thuật vào canh tác sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dận.
- Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình: Các chương trình kế hoạch hóa gia đình cần được tuyên truyền rộng rãi ở các vùng nông thôn, để giúp người dân hiểu được những mặt hạn chế của việc sinh con đông, vận động, tư vấn giúp các gia đình tự giác thực hiện tốt chính sách không sinh con thứ ba. Việc không sinh con thứ 3 ngoài việc giúp nuôi dạy con tốt thì còn giúp cho tình hình tài chính của gia đình tốt hơn, nguồn vốn sản xuất kinh doanh được tích lũy nhiều hơn, vốn sản xuất nhiều sẽ tạo điều kiện đầu tư sản xuất đạt hiệu quả hơn.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích: Theo kết quả thống kê thì phần lớn tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các hộ phục vụ sản xuất. Do đó, các hộ nên sử dụng vốn vay của mình vào mục đích sản xuất như đã cam kết với các tổ chức tín dụng, không nên chia sẻ vốn vay để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hay trả nợ vì chỉ có đầu tư vào sản xuất thì mới tạo ra thu nhập và khả năng hoàn trả nợ đúng hẹn với các tổ chức tín dụng sẽ cao, các nông hộ sẽ tạo được uy tính đối với các tổ chức tín dụng và tỷ lệ vay vốn cũng gia tăng (ít hạn chế tín dụng).
- Thực hiện tốt công tác trả nợ: Nông hộ cần lập cho mình 1 kế hoạch trả nợ từ khi được chấp nhận hợp đồng vay vốn ở các tổ chức chính thức. Nông hộ có thể tự tính toán và tự thiết lập hoặc có thể nhờ các cán bộ tín dụng ngân hàng hỗ trợ thiết lập. Sau khi đã có kế hoạch trả nợ thì các nông hộ phải nghiêm chỉnh làm đúng theo kế hoạch, tránh trường hợp trễ hẹn với ngân hàng, vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ lệ vay vốn của nông hộ ở lần vay sau (trường hợp xấu nhất có thể sẽ từ chối cho vay hoàn toàn).
CHƯƠNG 6
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ