Thông qua kết quả phân tích về thực trạng vay vốn từ nguồn tín dụng chính thức của nông hộ huyện Phong Điền cho thấy thị phần tín dụng chính thức trên địa bàn hiện nay chỉ khoảng 1/3 và có đến 66,67% hộ có nhu cầu vay nhưng không vay được nguồn vốn tín dụng chính thức. Những con số này đã phản ánh hiện tượng hạn chế tín dụng hiện đang rất phổ biến ở nông thôn. Tỷ lệ vay vốn của nông hộ còn ở mức thấp là do tồn tại nhiều mặt hạn chế vẫn chưa có biện pháp giải quyết hoặc biện pháp chưa khả thi, xuất phát từ các chủ thể có liên quan trong hệ thống tín dụng gồm: các tổ chức tín dụng chính thức, các cấp chính quyền địa phương và các nông hộ trên địa bàn nghiên cứu. Những mặt còn hạn chế ở từng chủ thể được nêu rõ ở phần dưới đây:
- Đối với các tổ chức tín dụng: Mặc dù, doanh số cho vay của các tổ chức chính thức về lĩnh vực nông-ngư-nghiệp đều tăng qua các năm, đây là một dấu hiện đáng mừng, cho thấy khả năng vay vốn chính thức của nông hộ đang có xu hướng tăng. Nhưng nhìn chung thì lượng vốn cho vay và thị phần ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp. Theo khảo sát, phần lớn các nông hộ không vay được vốn ở các tổ chức tín dụng là do không biết thủ tục xin vay. Điều này cho thấy cơ chế cho vay ở các tổ chức tín dụng còn khá phức tạp và cơ chế này đã gây khó khăn cho người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là các hộ có trình độ thấp thường mang tâm lý ”sợ” với các thủ tục liên quan đến giấy tờ.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chỉ gồm 1 chi nhánh, tập trung ở trung tâm huyện, điều này đã gây khó khăn cho các nông hộ vùng sâu, vùng xa trong việc nắm bắt thông tin cũng như tiếp cận nguồn vốn chính thức. Hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo còn giới hạn (theo nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì hạn mức các khoản vay không có tài sản đảm bảo đối với các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tối đa là 50 triệu đồng) đều này đã làm hạn chế khả năng tài chính của những hộ nghèo-thuộc đối tượng chính sách vay vốn bằng hình thức tín chấp, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong việc vay vốn ở các tổ chức tín dụng chính thức, nhiều nông hộ phản ánh tình trạng ”cò tín dụng” của các cán bộ nhân viên ngân hàng, có trường hợp tiền ”cò” này lên đến 7% tổng số vốn vay, điều này đã làm cho nhiều nông hộ cảm thấy rất khó chịu và có ấn tượng rất không tốt với hệ thống nhân viên ngân hàng. Theo kết quả điều tra cho thấy, phần lớn ngân hàng chỉ chấp nhận giải ngân cho các hộ vay vì mục đích sản xuất nhưng trên thực tế số tiền vay được, nông hộ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau có
thể 1 phần để sản xuất, có thể dùng để tiêu dùng hoặc đầu tư cho một lĩnh vực phi nông nghiệp nào đó. Cuối cùng, để vay được tiền nhiều nông hộ đã nói không đúng với mục đích vay thực sự của mình nhưng hiện tại các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể kiểm soát tốt mục đích sử dụng vốn của các nông hộ.
- Đối với chính quyền địa phương: Dù chính quyền địa phương không là nơi trực tiếp cấp vốn cho nông hộ nhưng vai trò của nó đến tỷ lệ vay vốn từ nguồn tín dụng chính thức của nông hộ là rất quan trọng. Chính quyền địa phương là cầu nối trung gian giữa các tổ chức tín dụng với các nông hộ có nhu cầu vay vốn ở địa phương. Nhìn chung, các cấp, ban lãnh đạo huyện Phong Điền đã thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế đã gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn chính thức của nông hộ, cụ thể là: tuy các hội, đoàn thể ở mỗi xã, thị trấn đều được hình thành và được sử dụng nguồn vốn vay với chi phí thấp và thủ tục vay đơn giản nhưng số thành viên của các tổ chức này thì còn hạn chế, cho thấy công tác tuyên truyền, tiếp xúc với dân chưa đạt hiệu quả và các thủ tục hành chánh xác nhận hộ nghèo để vay vốn ưu đãi thì thời gian xét duyệt lâu. Bên cạnh đó, phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở địa phương vẫn chưa miễn thu lệ phí đăng ký giao dịch đảm bảo, chưa thực hiện đúng tinh thần của NĐ 41/2010. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở thế chấp vay vốn ở ngân hàng khá dài, điều này đã kéo dài thời gian vay vốn của nông hộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
- Đối với nông hộ: Phần lớn các nông hộ đều có trình độ dân trí thấp. Theo kết quả kiểm định cho thấy yếu tố học vấn tương quan thuận với tỷ lệ vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Thật vây, những hộ có trình độ thấp thì sẽ gây khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và hoàn thành các thủ tục vay vốn. Ngoài ra, trình độ thấp còn làm cho người dân mang tâm lý sợ giao dịch với ngân hàng. Vì thế, một số nông hộ cần vốn sản xuất nhưng không dám tiếp cận nguồn tín dụng chính thức để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thêm vào đó, tình trạng đông con ở huyện còn rất phổ biến. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí sinh hoạt của gia đình, gây ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả nợ. Bên cạnh đó, như đã phân tích ở phần trên, phần lớn hộ vay tiền sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng trả nợ của nông hộ nếu như hộ đem vốn vay sử dụng với những mục đích không tạo ra lợi nhuận như tiêu dùng, trả nợ,...thì tỷ lệ sai hẹn trả nợ với các tổ chức tín dụng sẽ cao, uy tín nông hộ sẽ giảm và khả năng vay vốn lần sau theo đó sẽ thấp đi.